Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp ước Kanagawa (1854)
Hiệp ước Kanagawa
Bản in gỗ tiếng Nhật có Perry (giữa) và các sĩ quan cao cấp Hải quân Hoa Kỳ.
Tượng Matthew Perry tại Shimoda

Hiệp ước Kanagawa (1854) tên gọi hiệp ước đầu tiên giữa Nhật Bản và các nước phương Tây, được ký ngày 31.3.1854 giữa 4 đại diện cấp cao của Đế quốc Nhật Bản và Phó đô đốc Matthew C. Pery của Hải quân Mỹ về việc Nhật Bản phải mở cảng thương mại, cho phép người Mỹ vào buôn bán tại quốc gia này, cg. Hiệp định Pery.

Giữa thế kỷ XIX, nước Mỹ đang tiến hành cách mạng công nghiệp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong kỹ thuật, sản xuất, nhất là tàu hơi nước. Mỹ nhìn nhận Nhật Bản và Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu, đặc biệt là than đá cho việc phát triển công nghiệp và là thị trường mới cho nền kinh tế đang lên của Mỹ. Nhật Bản đang trong thời kỳ suy tàn của chế độ Mạc phủ, vẫn thực hiện chính sách đóng cửa đối với phương Tây (chỉ mở cửa duy nhất cảng Nagasaki cho người Hà Lan).

Để đòi hỏi quyền thương mại và ngoại giao tại quốc gia đang đóng cửa với phương Tây, ngày 8.7.1853, Mỹ cử Phó đô đốc Perry cùng với 4 tàu có trang bị vũ khí, trong đó có 2 tàu hơi nước hiện đại nhất là Susquehanna và Mississippi đến vịnh Edo (nay là Tokyo). Perry đã trình thư của Tổng thống Mỹ Millard Fillmore đến Thiên hoàng Komei. Bức thư nêu ba vấn đề chính mà Mỹ muốn Nhật Bản thực hiện: 1) mở cửa các cảng biển để giao lưu, buôn bán và thiết lập quan hệ hữu nghị; 2) cứu trợ và chữa trị thuyền nhân Mỹ gặp nạn trên vùng biển Nhật Bản; 3) cho phép Mỹ xây dựng trạm tiếp nhiên liệu ở Nhật Bản trên hành trình từ Mỹ đến Trung Quốc.

Perry yêu cầu được gặp đại diện cao nhất của Hoàng đế Nhật Bản chứ không gặp bất cứ quan lại nào khác. Trấn thủ của Uraga là Kaynma đến gặp Perry nhưng bị từ chối vì phẩm hàm quá thấp. Kayama yêu cầu Perry đến cảng Nagasaki để trình thư và kiến nghị vì đây là nơi duy nhất Nhật Bản tiếp nhận người nước ngoài trong giai đoạn này nhưng Perry tiếp tục từ chối. Ngày 13.7.1853, Thiên hoàng Nhật Bản đồng ý gửi những quan lại cao cấp đến gặp Perry. Ngày 14.7, cuộc gặp đã diễn ra giữa Perry và các Đại quý tộc Ido và Toda trong không khí hòa bình. Thư của Tổng thống Mỹ được dịch sang tiếng Nhật.

Sau cuộc gặp này, chính quyền Nhật Bản đã có những tranh luận về việc có nên ký hiệp ước để mở cửa đất nước hay không. Đứng trước những vấn đề lớn của dân tộc, Mạc phủ đã sao chép bức thư của Mỹ ra nhiều bản để gửi đến Thiên hoàng và chính quyền các tỉnh để có thêm ý kiến. Mạc phủ đã tham khảo thêm ý kiến từ Nakahama Manjiro, người Nhật duy nhất lúc bấy giờ có kiến thức trực tiếp về Mỹ khi ông đã từng sống nhiều năm ở Mỹ, và đã nhận được những phân tích tích cực về việc kết thân với quốc gia này.

Ngày 13.2.1854, lo sợ các quốc gia khác sẽ tranh đoạt quyền lợi ở Nhật Bản nên Perry đã quay trở lại cảng Uraga với 9 tàu hơi nước và 1.800 quân, ép buộc phía Nhật nhanh chóng trả lời các yêu cầu. Ngày 8.3.1854, Thiên hoàng Nhật Bản gửi thư phúc đáp đến Perry, từ chối những yêu cầu của chính phủ Mỹ. Perry lập tức sử dụng áp lực quân sự, đồng thời viết một bức thư gửi Thiên hoàng để giải thích rõ hơn mục đích của Mỹ trong việc lập quan hệ hòa bình và mở cửa cảng buôn bán.

Trước áp lực đó, ngày 31.3.1854, hiệp ước được ký kết giữa Perry và 4 đại diện của Thiên hoàng (Hayashi – Đại học đầu, Ido – Thái thú vùng Tsushima, Izawa – Thái thú vùng Mimasaka, và Udono – Vụ phó vụ dân bộ), chính thức thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Hiệp ước gồm có 12 điều khoản, chủ yếu liên quan đến vấn đề thương mại và ngoại giao. Điều 1 quy định mối quan hệ thân thiện hữu nghị giữa hai nước. Điều 2 quy định việc Nhật Bản mở cảng Shimoda, Hakodate, và cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho Mỹ. Điều 5 quy định việc người Mỹ sẽ có đặc quyền ở hai cảng này. Ngoài ra, tàu buôn Mỹ không được vào các cảng khác. Các điều khoản khác quy định việc tàu hoặc người Mỹ gặp nạn ở ven biển Nhật Bản sẽ được cứu chữa. Điều 9 quy định thực hiện chính sách ngoại giao “tối huệ quốc” đối với Mỹ. Điều 12 quy định nếu cần thiết, sau 18 tháng Mỹ có thể mở Lãnh sự quán tại Shimoda.

Hiệp ước Kanagawa đã chấm dứt chính sách tỏa quốc của Nhật Bản (bakufu) tồn tại 215 năm (từ năm 1635), mở ra thời đại mới trong lịch sử Nhật Bản. Tiếp sau sự kiện Hiệp ước Kanagawa, Nhật Bản phải ký hiệp ước Harris ngày 29.7.1858 với Mỹ để khẳng định đặc quyền của Mỹ ở Nhật Bản, nhất là trong thương mại. Các quốc gia phương Tây khác cũng tìm cách buộc Nhật Bản ký các hiệp ước cho phép buôn bán, thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản đã không thể duy trì việc đóng cửa quốc gia như những thế kỷ trước. Một mặt, đây là hiệp ước mang tính chất bất bình đẳng cho Nhật khi phải đáp ứng “đơn phương” các điều kiện của Mỹ, mặt khác nó đã mở ra cơ hội cho Nhật tiếp xúc hơn nữa với thế giới bên ngoài.

Ở trong nước, Hiệp ước Kanagawa thể hiện sự suy yếu của Mạc phủ trước làn sóng của chủ nghĩa tư bản. Nhật tránh được cuộc chiến tranh không cân sức với các đế quốc, và bên trong Nhật Bản có những thay đổi mạnh mẽ. Thiên hoàng đã tập hợp được lực lượng tiến bộ mới, học tập tư tưởng, khoa học kỹ thuật phương Tây, đề xướng cải cách và đã giành được quyền lực, địa vị. Đến cuối thế kỷ XIX, với cải cách Minh Trị, Nhật Bản đã từng bước thoát khỏi địa vị một nước nhược tiểu để trở thành đế quốc Á châu đầu tiên.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Miller Hunter (ed.), Treaties and other International Acts of the United States of America, vol. 6 (Các hiệp ước và các hoạt động quốc tế khác của nước Mỹ, tập 6), Government Printing Office, 1942.
  2. W.W. Lockwood, “Japan’s Response to the West: The contrast with China” (Phản ứng của Nhật Bản với phương Tây: Sự khác biệt với Trung Quốc), World Politics, vol. 9, no. 1, 1956, pp. 37-54.
  3. John Van Sant, Peter Mauch, Yoneyuki Sugita (eds.), Historical Dictionary of United States – Japan Relations (Từ điển lịch sử về quan hệ Mỹ - Nhật Bản), The Scarecrow Press, 2007.
  4. Iokibe Makoto, Minohara Tosh (eds.), The History of US – Japan Relations: From Perry to the Present (Lịch sử quan hệ Mỹ - Nhật Bản: từ Perry đến hiện tại), Palgrave Macmillan, 2017.