Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp ước Anh - Xiêm (1855, 1909)

Hiệp ước Anh - Xiêm (1855, 1909) được ký kết giữa Anh và Xiêm liên quan đến thỏa thuận về thương mại và chính trị, giúp Anh xác lập và củng cổ vị thế vững chắc ở Đông Nam Á, giúp Xiêm tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa hai cường quốc Anh và Pháp nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền một cách tương đối trong bối cảnh các nước Đông Nam Á khác đều bị xâm lược và biến thành thuộc địa.

Nửa cuối thế kỷ XIX, sự đe dọa từ các nước phương Tây đã đặt vương quốc Xiêm trước những thách thức mới. Trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, khu vực Đông Nam Á trở thành nơi diễn ra cuộc chiến tranh giành thuộc địa của hai nước Anh và Pháp. Vào khoảng năm 1800, Anh đã hoàn toàn chiếm được khu vực xung quanh Penang trên bán đảo Mã Lai. Đến năm 1886, Anh chiếm được toàn bộ Miến Điện. Như vậy, Anh đã tiến sát đến vùng biên giới phía nam và phía tây của Xiêm. Mặt khác, năm 1859, Pháp chiếm được Nam Việt Nam, biến vùng này thành thuộc địa. Đến năm 1863, Pháp đã chiếm được Campuchia, biến nước này thành đất bảo hộ. Công cuộc chinh phạt của Pháp ở Đông Dương đã hoàn thành vào năm 1885. Tình hình này đã khiến chủ quyền của Xiêm ở biên giới phía đông bị đe dọa nghiêm trọng.

Năm 1851, Mongkut (1851 - 1868) lên ngôi vua, đã chủ trương hợp tác với các nước phương Tây để phát triển quan hệ thông thương. Ông tin rằng sự bành trướng quyền lực của Anh và sự suy yếu của các quốc gia lớn ở châu Á đòi hỏi phải có những chính sách mới.

Năm 1855, vua Mongkut đã quyết định ký hiệp ước thông thương hữu nghị Xiêm - Anh với thống đốc Hongkong lúc đó là Huân tước Bowring. Hiệp ước này đã đi vào lịch sử quan hệ ngoại thương của Xiêm với tên gọi là Hiệp ước Bowring.

Theo quy định của hiệp ước, Xiêm chấp nhận quyền lãnh sự tài phán, thủ tiêu sự độc quyền của cả hoàng gia và tư nhân Xiêm về hàng hoá, thương mại, quá cảnh và thiết lập mức thuế 3% đối với hàng nhập khẩu và 5% với hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thuế đất đối với người Anh cũng được định với giá thấp, ngăn không cho chính quyền nâng giá đất đối với chính người Thái. Sự cấm đoán xuất khẩu gạo trước đây cũng bị xoá bỏ. Chính phủ chỉ giữ lại những quy định cũ đối với những tô giới liên quan đến xuất nhập khẩu ma tuý là độc quyền của nhà nước.

Hiệp ước này đã mở đường cho Xiêm ký các hiệp ước thông thương khác với một loạt cường quốc sau đó, cho nên nó được coi là mốc khởi đầu cho quá trình mở cửa của Xiêm. Nó dẫn đến sự kết thúc của hệ thống độc quyền hoàng gia ở Xiêm (ấn định mức thuế xuất nhập khẩu) và thông qua các điều khoản của hiệp ước, các quyền ngoài lãnh thổ đã bảo vệ các công dân của Đế quốc Anh. Hiệp ước đã trở thành khuôn mẫu cho tất cả các hiệp ước tiếp theo với các nước phương Tây. Theo gương của Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Bồ Đào Nha … đều ký kết các hiệp ước gần như giống hệt nhau với Xiêm. Xiêm trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo lớn, và thương mại của phương Tây với nước này tăng lên. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh của Xiêm trong mối quan hệ với phương Tây cũng gia tăng. Theo đó, quyền và hoạt động của các đối tượng không phải người phương Tây, nhưng được sự bảo hộ của các nước này đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi giữa Xiêm và các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp. Đặc biệt, tham vọng kinh tế và lãnh thổ của Anh và Pháp bắt đầu đe dọa nền độc lập của Xiêm. Nhìn chung, mặc dù khiến Xiêm phải mất đi một mức độ độc lập về pháp lý và tài chính, ở một góc độ khác, Hiệp ước Bowring lại giúp đất nước này không phải trải qua các cuộc xâm lược quân sự và chinh phục thuộc địa của các quốc gia Đông Nam Á khác.

Hiệp ước Anh - Xiêm năm 1909, cg. Hiệp ước Bangkok năm 1909 được ký ngày 10 tháng 3 năm 1909 tại Bangkok trong bối cảnh các nước phương Tây đẩy mạnh xâm nhập vào bán đảo Mã Lai, Anh muốn nhanh chóng xác lập chủ quyền của mình ở đây. Nhận thấy sự suy giảm khả năng khống chế đối với với các tiểu quốc Hồi giáo của Xiêm, dẫn đến nguy cơ các vương quốc này có thể ký các hiệp ước riêng rẽ và nhận sự bảo hộ của các nước phương Tây khác, gây bất lợi cho mình nên Anh, tìm cách đám phán, thúc đẩy ký kết Hiệp ước Anh - Xiêm. Hiệp ước gồm chín điều khoản, tập trung vào bốn nội dung chính, bao gồm: (i) Xiêm chuyển giao quyền cai trị các tiểu quốc Hồi giáo Kelantan, Trengganu, Kedak, Perlis cho Anh để Anh sáp nhập các tiểu quốc Hồi giáo này vào khu vực thuộc địa của mình ở bán đảo Malacca; (ii) Anh đồng ý thay các tiểu quốc trả các khoản nợ cho Xiêm; (iii) Anh từ bỏ quyền lãnh sự tài phán ở Xiêm, nhưng công dân Anh vẫn được hưởng quyền tự do đi lại và sở hữu đất đai như người Thái; (iv) Anh cho Xiêm vay hơn 4 triệu bảng Anh để xây dựng tuyến đường sắt ở phía nam.

Với Hiệp ước Anh - Xiêm năm 1909, Anh đã xác lập được chủ quyền của mình ở bán đảo Mã Lai. Xiêm dù đã mất đi hầu hết phần lãnh thổ phụ thuộc bên ngoài, song đã không chỉ bảo toàn được độc lập, chủ quyền mà còn đạt được lợi ích kinh tế. Nhưng đối với các tiểu quốc Hồi giáo ở Mã Lai, sự thỏa thuận và quyết định của Anh – Xiêm, đã đẩy họ vào vòng nô dịch của chủ nghĩa thực dân.

Tài liệu tham khảo.[sửa]

  1. Lê Văn Quang, Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 1995.
  2. D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á- lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
  4. Bowring Treaty United Kingdom-Siam (1855) (Hiệp ước Bowring Anh-Xiêm (1855), https://www.britannica.com/event/Bowring-Treaty, truy cập ngày 15.8.2021.