Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
H-12

H-12 pháo phản lực bắn loạt, 12 ống phóng cỡ 107 mm của Trung Quốc .

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu, thiết kế chế tạo pháo phản lực bắn loạt H-12, ký hiệu kiểu 63 nhằm thay thế cho pháo 6 nòng cỡ 102 mm, ký hiệu kiểu 50. Năm 1961, sau nhiều lần thử nghiệm thành công, mẫu đầu tiên được giao cho Nhà máy Quốc phòng 847 chế tạo và đến năm 1963, H-12 chính thức được đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngoài Trung Quốc, H-12 còn được chế tạo tại nhiều nước khác theo giấy phép, như Iran, Xuđăng, Nam Phi, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kì...

H-12 có các ống phóng được xếp thành ba hàng với 4 ống trên mỗi hàng, toàn bộ được lắp trên một khung sắt với 2 bánh lốp và lắp giảm chấn thủy lực, càng pháo di động; có thể được kéo bằng các phương tiện vận tải hạng nhẹ. Trước khi bắn, bánh xe được tháo ra, pháo được giữ trên mặt đất bằng hai trục cố định.

Thiết bị phóng có khối lượng 602 kg, dài 2,9 m, rộng 1,65 m, cao 0,91 m; đạn phản lực cỡ 107 mm, dài 0,84 m, khối lượng 18,8 kg, đầu đạn nổ - nổ mảnh (8,33 kg), sơ tốc đầu đạn không xác định; góc bắn từ -30 đến 570, tầm bắn 8.050 m, tốc độ lớn nhất 385 m/s, điểm hỏa bằng điện; kíp pháo thủ 5 người.

H-12 được trang bị cho các sư đoàn bộ binh Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc từ cuối năm 1963 (mỗi sư đoàn bộ binh được trang bị 18 thiết bị) và được sử dụng rộng rãi đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Ngoài Quân đội Trung Quốc, H-12 còn được sử dụng ở nhiều nước khác trên thế giới, như ở Apganixtan, Anbani, Campuchia, Irăc, Libi, Việt Nam ... H-12 đã được sử dụng trong các cuộc nội chiến ở Libi, nội chiến và chiến tranh ở Apganixtan. Quân đội nhân dân Việt Nam đã sử dụng H-12 trong các cuộc chiến đấu tiến công và chiếm Buôn Ma Thuột (3.1975).

Trên cơ sở H-12, Trung Quốc chế tạo phiên bản pháo tự hành kiểu 81, lắp trên xe vận tải Nam Kinh - 230 NJ; Công hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên phát triển biến thể 18 và 24 ống phóng đặt trên xe VTT- 323 hoặc xe M 1992; Thổ Nhĩ Kì thiết kế chế tạo pháo với nhiều cải tiến và nâng tầm bắn lên 11 km... Ngoài ra, dựa theo kiểu 63, một số nước như Ai Cập, Nam Phi thiết kế chế tạo loại một ống phóng. Trong Kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam thiết kế chế tạo thiết bị để phóng đạn phản lực cỡ 107 mm, loại một ống phóng, đặt trên giá gỗ, điểm hoả bằng điện, tầm bắn 8.300 m, sử dụng rất hiệu quả trong chiến đấu.

H-12 được thiết kế chế tạo có kết cấu tương đối gọn nhẹ, sử dụng ở nhiều loại địa hình, hiệu quả chiến đấu cao, được nhiều nước sử dụng. Thập niên 90 của thế kỷ XX, trên cơ sở H-12, Trung Quốc đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo loại pháo nhiều ống phóng cỡ nòng 130 mm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Tổng cục Kĩ thuật, “Type 63”, Tòa soạn Tạp chí Kĩ thuật và Trang bị, 2006
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử hậu cần – kỹ thuật trong kháng chiến chống chống Mỹ (1965-1972), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2015