Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hệ thống môi trường nhân tạo

Hệ thống môi trường nhân tạo là tổ hợp các yếu tố nhân tạo có thành phần, tính chất vật lý, hoá học, sinh học, xã hội,… do con người tạo dựng và chịu sự chi phối của con người. Một định nghĩa khác: môi trường nhân tạo bao gồm tất cả các nhân tố do con người tạo nên, làm thành những tiện nghi trong cuộc sống như ô tô, máy bay, nhà ở, công sở, các khu vực đô thị, công viên nhân tạo,… Môi trường nhân tạo được hiểu là một không gian bao gồm các yếu tố vật chất nhân tạo và yếu tố tự nhiên, những yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sự tồn tại và phát triển của chủ thể trong đó.

Trong sinh vật học, môi trường được định nghĩa là tổ hợp các yếu tố khí hậu, sinh thái học, xã hội và thổ nhưỡng tác động lên cơ thể sống và xác định các hình thức sinh tồn của các cơ thể sống đó. Vì thế, môi trường bao gồm tất cả mọi thứ, có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sự trao đổi chất hay các hành vi của các cơ thể sống, bao gồm ánh sáng, không khí, nước, đất và các cơ thể sống khác.

Trong kiến trúc, xây dựng, khoa học lao động, bảo hộ lao động, môi trường là toàn bộ các yếu tố trong phòng, ngoài nhà hay tòa nhà, kể cả kết cấu xây dựng có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và hiệu quả làm việc của những người sống trong đó, bao gồm kích thước và sự sắp xếp nội thất, không gian sống và các vật dụng, ánh sáng, sự thông gió, nhiệt độ, tiếng ồn, điều kiện cấp thoát nước, chất thải,…

Trong từng lĩnh vực khoa học hay chuyên ngành công nghệ đều có định nghĩa thuật ngữ môi trường nhân tạo riêng. Môi trường nhân tạo của con người là không gian sống của con người. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người cần có các nhu cầu tối thiểu về không khí, độ ẩm, nước, ánh sáng,... cũng như các hoạt động vui chơi giải trí khác.

Tất cả các nhu cầu này đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên, khả năng cung cấp các nhu cầu đó cho con người có giới hạn và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia và ở từng thời kỳ. Trong ngành công nghệ môi trường, các công trình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học thuộc phạm trù tạo dựng môi trường nhân tạo cho những vi sinh vật - chủ thể phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Môi trường nhân tạo là nơi tồn tại của chủ thể và có các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, ánh sáng, hay các yếu tố ngoại cảnh, nơi cung cấp các nhu cầu thiết yếu như chất dinh dưỡng cho chủ thể, nơi chứa đựng các sản phẩm trao đổi chất của chủ thể, cung cấp thông tin cho chủ thể. Tuy giống các đặc trưng của môi trường tự nhiên về thành phần, tính chất lý, hóa, sinh,... nhưng môi trường nhân tạo khác môi trường tự nhiên ở chỗ do con người tạo dựng do đó đặc trưng của nó là tuân theo ý muốn của con người. Ví dụ trong công nghệ xử lý nước thải, ý muốn của con người là tăng hiệu quả xử lý, rút ngắn thời gian xử lý, tiết kiệm mọi chi phí, hay các nguồn lực như nhân lực, vật lực, năng lượng, tài chính,… Như vậy, cường độ quá trình đối với môi trường nhân tạo sẽ cao hơn, nhanh hơn so với trong môi trường tự nhiên. Các thành phần môi trường nhân tạo bao gồm các yếu tố vật chất và phi vật chất, đều do con người tạo dựng và chi phối. Các thành phần vật chất như các công trình, nhà ở, phương tiện đi lại,... Những thành phần phi vật chất bao gồm các yếu tố tinh thần, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ,… Đạo đức môi trường thuộc lĩnh vực triết học, đề cập đến các nghĩa vụ và bổn phận của con người đối với các sinh vật và thế giới tự nhiên. Tất cả sự sống đều đáng được coi trọng về mặt đạo đức.

Khác với môi trường nhân tạo, môi trường tự nhiên xuất hiện trên bề mặt Trái đất không phụ thuộc vào con người; con người tác động vào môi trường tự nhiên và làm biến đổi môi trường tự nhiên như sự biến đổi khí hậu ngày nay, nhưng các thành phần tự nhiên vẫn phát triển theo quy luật tự nhiên. Trong khi đó môi trường nhân tạo là kết quả hoạt động của con người, phụ thuộc vào con người; con người luôn cần một khoảng không gian dành cho nhà ở, sản xuất lương thực và tái tạo môi trường, gia tăng không gian sống cần thiết cho mình bằng việc khai thác và chuyển đổi chức năng sử dụng của các loại không gian khác như khai hoang, phá rừng, cải tạo các vùng đất và nước mới. Việc khai thác quá mức không gian và các dạng tài nguyên thiên nhiên có thể làm cho chất lượng không gian mất đi khả năng phục hồi. Ở những khu vực mà con người đã biến đổi cảnh quan một cách cơ bản như thiết lập đô thị và chuyển đổi đất nông nghiệp, môi trường tự nhiên được biến đổi rất nhiều thành môi trường nhân tạo của con người. Ngay cả những hành động có vẻ ít cực đoan hơn, chẳng hạn như xây dựng một túp lều bằng đất trên sa mạc, môi trường biến đổi sẽ trở thành một môi trường nhân tạo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Calow P. (Editor-in-chief), The Encyclopedia of Ecology & Environmental Management, Blackwell Science Ltd., 1998.
  2. Encyclopedia of Environmental Science and Engineering, Fifth Edition, Volumes One, Two. James R. Pfafflin, Edward N. Ziegler CRC Press, 2006.
  3. Lewis T. M. P., Environmental engineering dictionary and directory, Publisher Boca Laton London Newyork Washington, 2000.