Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hầu Đồng
P7144356.jpg
Tập tin:Một ông Đồng đang múa.jpg
Một ông Đồng đang múa

Hầu Đồng là một thực hành nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Hầu đồng là hình thức nghi lễ xuất nhập thần cùng với hát Chầu văn ca ngợi công đức của các vị thánh. hầu đồng là nghi lễ nhập thần của các vị thánh của điện thần thờ Mẫu vào thân xác các thầy đồng. Trong thời gian thần nhập, lời nói và hành động của thầy đồng được tin rằng do thần linh thực hiện, không phải của người trần thế. hầu đồng còn là sự tái hiện lại hình ảnh các vị thánh trong điện thần thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ nhằm phán truyền vận mệnh, chữa bệnh, ban tài lộc cho chính những người thanh đồng và những người tham dự.

Đối tượng[sửa]

Đối tượng thờ phụng trong điện thần thờ Mẫu là Mẫu Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Địa, tương ứng với các Thánh Mẫu của Thiên Phủ, Thoải Phủ, Thoải Phủ và Địa Phủ. Mẫu và các vị thánh (Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng với nhị vị Vương Cô, các vị Quan, Ông Hoàng, Chầu, Cô, Cậu). Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tín đồ tôn thờ như là vị thần chủ, vừa là Thần như sắc phong, vừa là Thánh được dân gian hóa, vừa là Phật, là Tiên như sự tích. Mẫu Liễu Hạnh được coi là biểu tượng bất tử của Thánh Mẫu với tâm hồn vị tha, bao dung, che chở, thể hiện cho lòng từ bi, bác ái, tấm lòng cao cả của người Việt.

Hầu đồng là nghi lễ dành riêng cho các thầy đồng, những người có căn số, hay còn gọi là căn đồng. Căn số như là số phận đã định đối với một số người phải trình đồng, mở phủ, làm nghi lễ hầu đồng để hầu các vị thánh trong thần điện thờ Mẫu. Một số người ra đồng có thể vì những lý do khác như làm ăn buôn bán, chữa bệnh, cầu tài, cầu lộc… Dù có căn số hay ra mở phủ vì bất kể lý do tâm linh, hay trần thế nào, thì khi đã trình đồng, những tín đồ phải làm nghi lễ lên đồng ít nhất một năm hai lần. Ngoài ra, họ có thể hầu đồng vào nhiều dịp trong năm, như vào những ngày lễ hội tôn vinh các Mẫu, các vị thánh.

Trình tự một giá hầu[sửa]

Trước khi bắt đầu một buổi lễ hầu đồng, các thầy đồng phải thông qua người chủ đền hay thầy cúng làm lễ Thỉnh Phật Thỉnh Thánh và Lễ cúng chúng sinh. Sau đó thầy đồng thay khăn áo hầu và xin thánh Mẫu, các vị quan vị thánh trong điện thờ để tiến hành một buổi hầu đồng. Trình tự của buổi hầu đồng có thể diễn ra theo các bước sau: Thánh giáng, thay lễ phục, thắp hương dâng Mẫu, múa đồng, ban lộc và nghe chầu văn, thánh thăng. Sau khi đứng lên làm lễ và xin phép mọi người được nhập đồng, thầy đồng trùm khăn đỏ phủ diện lên đầu để thực hiện nghi thức thánh giáng. Có hai hình thức Thánh giáng, là giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) và Thánh nhập (mở khăn). Đối với các Thánh Mẫu, các thành đồng thường hầu theo kiểu tráng mạn vì Thánh Mẫu không nhập về thân xác các ông đồng bà đồng. Để nhận biết các Thánh giáng, người hầu đồng dùng các ngón tay để ra hiệu, và dùng tay bắt chéo trước trán báo hiệu Mẫu đã thăng. Ngoài ba vị Thánh Mẫu bao giờ cũng giáng, thì còn có các vị Thánh nhập nhiều và ngự lâu như: Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Ngũ; Chầu Đệ Nhị, Chầu Lục; Ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, Cô Bơ Thoải, cô Bé Thượng Ngàn, Cậu Bơ. Trong một buổi hầu đồng, thông thường là có nhiều vị Thánh giáng (khoảng từ 10 đến 15 vị, có thể đến 20 vị) tùy thuộc vào mục đích và người hầu. Việc Thánh giáng cũng theo thứ tự rất chặt chẽ: từ Thánh Mẫu, Nhà Trần, hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô Cậu, Ngũ Hổ, Ông Lốt.

Khi Thánh đã nhập đồng, thầy đồng không còn là mình nữa, mà chỉ là thân xác, là sự hiện thân của các vị Thánh. Để thể hiện điều này, họ thường sắm cho mình đầy đủ trang phục của các vị Thánh mà họ thường xuyên nhập. Mỗi vị Thánh có những kiểu dáng và màu sắc lễ phục riêng phù hợp với vị thế và hàng Thánh. Trang phục các vị Thánh hàng đầu tiên, thường gắn với tên “Đệ Nhất (thuộc Thiên phủ) thì có màu đỏ; các vị Thánh tiếp theo thuộc Nhạc phủ thường có màu xanh; các vị Thánh thuộc hàng thứ ba thuộc Thoải phủ thì có màu trắng; các vị Thánh thuộc Địa phủ thì màu vàng. Ngoài ra, còn có sự phá cách của 4 màu cơ bản trên như màu tím, màu hồng, màu nâu, màu đen, v.v.

Khi Thánh nhập và thay trang phục xong, đối với Thánh nam thì thầy đồng quỳ lạy, giơ cao bó hương trước trán; Thánh nữ thì quỳ dâng hương, dập đầu xuống chiếu hầu ba lần. Đây là một nghi thức không thể thiếu đối với việc nhập đồng của các vị Thánh. Thầy đồng nhận một bó hương từ tay người hầu dâng, rút một nén hương cầm tay phải huơ làm động tác “khai quang”. Sau khai quang, thầy đồng dùng số hương còn lại, tiến tới bàn thờ Thánh để dâng hương.

Trong một buổi hầu đồng, còn có ít nhất hai người hầu dâng và 3 đến 5 cung văn. Người hầu dâng (còn gọi là tay quỳnh, tay quế), là những người trợ giúp thầy đồng những việc như thay khăn áo tương thích với từng vị thánh, đưa thắp hương, ác loại đạo cụ, thuốc lá, rượu, trầu… cho thầy đồng. Hai người hầu dâng ngồi hai bên thầy đồng, đàn bà mặc áo dài quần trắng, đàn ông đội khăn xếp. Họ cũng là những thanh đồng, hiểu về giá đồng và quen với cách hầu của thầy đồng, đặc biệt họ là những người khéo tay, biết cách làm đẹp, lên khăn áo đẹp cho các thầy đồng. Cung văn vừa chơi đàn vừa hát văn, dẫn nhịp các giá đồng thể hiện các động tác của hầu đồng cũng như hát kể về lai lịch các vị Thánh và ân đức của các vị Thánh. Cung văn biết đánh đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la. Nhịp điệu và tiết tấu của hát văn tương thích với các giá đồng. Để hát văn hay, dẫn nhịp tốt, nhiều cung văn cũng trình đồng mở phủ với hy vọng nhận được lộc thánh cho nghề hát phục vụ các vấn đồng. Trong khi Thánh nghe chầu văn, cũng là lúc phát lộc cho các con nhang đệ tử, những người tham gia lễ hầu. Lộc ban phát có thể là nén hương cháy dở, bánh kẹp, hoa quả, gương lược, khăn mặt, thực phẩm (đường, mì chính, dầu ăn,…), tiền từ mệnh giá thấp 1-2 nghìn đồng đến mệnh giá cao 500 nghìn đồng.

Trong hầu đồng, nghệ thuật vũ đạo là một hoạt động quan trọng và có thể được coi là bằng chứng cho việc nhập hồn, tái sinh của Thánh vào cơ thể của ông/bà Đồng. Tùy theo mỗi vị trí và tính cách của vị Thánh mà các động tác múa cũng khác nhau. Mỗi lần múa xong, Thánh lại ngồi xuống, lúc này, cung văn hát những bài chầu văn kể lại sự tích, lai lịch và ca ngợi tài năng, sắc đẹp, công đức của vị Thánh đang giáng. Người hầu dâng dâng cho vị thánh rượu, trà, thuốc lá, hoặc trầu, v.v. Đây cũng là lúc mà một số người tham dự tiến tới chỗ vị thánh ngồi để xin phán truyền về hậu vận, cầu xin bảo hộ, chữa bệnh, cầu tài lộc. Sau khi phát lộc xong, cung văn hát “xe giá hồi cung” và Thánh thăng khi đó người hầu rùng mình và làm dấu hai tay bắt chéo trên đỉnh đầu.

Những nghiên cứu[sửa]

Hầu đồng là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội như: tâm lý học, triết học, tôn giáo học, văn hóa học, nhân học, xã hội học. Từ cách tiếp của mỗi ngành, hầu đồng được nhìn nhận như là một hiện tượng vừa mang tính tâm linh với quan điểm xuất nhập thần trong điện thần của Đạo Mẫu, vừa là văn hóa với việc thể hiện các loại hình văn hóa truyền truyền thống. Từ góc độ nhân học, hầu đồng còn là cầu nối cho mạng lưới các đồng thầy cùng với con nhang đệ tử của họ. Các bản hội tạo thành một nhóm xã hội với người đứng đầu là đồng thầy. Đồng thầy vừa như là một người dẫn dắt về mặt tâm linh, vừa là một trưởng nhóm tạo dựng nên một mạng lưới các đệ tử, liên kết với nhau trong thực hành nghi lễ, đi lễ xa, và thậm chí là những chia sẻ về cuộc đời, số phận, và trong chừng mực nào đó là những mối quan hệ trong làm ăn kinh tế.

Một vấn đề được nghiên cứu khá sâu từ tâm lý học, tâm thần học, khám phá những khủng hoảng của những tín đồ bị cho là “thánh nhập”, bị điên, và khi mở phủ trình đồng thì bệnh thuyên giảm. Tính hiệu nghiệm của các nghi lễ nói chung và hầu đồng nói riêng cũng được lý giải từ khía cạnh nhân học theo một lăng kính khác với khoa học tự nhiên, khoa học thực nghiệm. Vấn đề trị liệu, và tính hiệu nghiệm của hầu đồng gắn với một hệ thống đức tin về sự bao dung và che chở của Thánh Mẫu và các vị thần thánh, cũng như những trông chờ của thầy đồng, của các đệ tử và sự trông mong này có thể biến thành hiện thực.

Nhiều công trình tập trung nghiên cứu số phận của những ông bà đồng như là những người có “căn số”, phải ra mở phủ nhập đồng. Họ có tiếng nói riêng như nhóm xã hội với những số phận được cho là “con nhà thánh” và chia sẻ những đức tin, những thực hành. Trong khi đó, cũng có những công trình lại tập trung vào những đối tượng là “đồng đua”, những ông đồng bà đồng ra mở phủ nhằm phô trương thanh danh, tài sản và vị thế, v.v. Hiện nay, nghiên cứu về hầu đồng tập trung vào lý giải nhóm người “ngoài lề”, từng bị xã hội cho là những người hành nghề mê tín dị đoan, ăn mặc lòe loẹt, nhảy nhót điên cuồng, v.v., giờ được ghi nhận như là những nghệ nhân, người thực hành văn hóa từ khía cạnh di sản văn hóa. Họ chính là những người sáng tạo, gìn giữ và trao truyền những biểu đạt văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt như Chầu văn, trang phục của các giá đồng, các điệu múa thể hiện bản tính của các vị thần, thánh.

LĐ đồng còn được nghiên cứu như là một sân khấu tâm linh, ở đó có sự giao thoa giữa các thần linh và con người, giữa thế giới tâm linh và trần thế, những thầy đồng cùng với trang phục, đạo cụ của họ trong một không gian mang đầy màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng, phản ánh một hệ thống đức tin vào thánh Mẫu và các vị thần.

Ngày nay, đặc biệt từ khi di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trong đó có nghi lễ hầu đồng được ghi danh trong Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại năm 2016, hầu đồng có nhiều biến đổi trong thực hành và nhận thức về hầu đồng. hầu đồng được trình diễn trong những không gian mở rộng như trên sân khấu, trong nhà hát, thoát ra khỏi không gian tâm linh của điện thần thờ Mẫu. Một số đạo diễn đã dùng chất liệu âm nhạc, đạo cụ, ánh sáng, đưa một số giá đồng lên sân khấu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tranh cãi xung quanh việc sân khấu hóa hầu đồng. Nhiều người cho rằng hầu đồng trên sân khấu bị tách ra khỏi bối cảnh diễn xướng vốn có của nó trong điện thần và vì vậy làm mất ý nghĩa của hầu đồng. Nhiều người khác lại quan điểm là hầu đồng trên sân khấu đạt đực những thành tựu nhất định, thu hút đông người xem và hiẻu thêm về hầu đồng,…

Ý nghĩa[sửa]

Nhìn chung, hầu đồng không chỉ phản ánh một hệ thống tín ngưỡng vào sự giáng đồng của các vị thánh trong thờ Mẫu Tam phủ Tứ Phủ, mà còn bao chứa một kho tàng văn hóa truyền thống của người Việt bao gồm Chầu văn, trang phục, nhạc cụ truyền thống, vũ đạo dân gian và những giá trị nghệ thuật thẩm mỹ, tạo hình khác. hầu đồng còn được coi là một sân khấu tâm linh trong điện thờ Mẫu tái hiện sinh động những tập tục, tín ngưỡng của người Việt, là một bảo tàng sống động của văn hóa người Việt. Với những chiều cạnh khác nhau về văn hóa, xã hội, tâm sinh lý, giới, tộc người, bản sắc văn hóa, hầu đồng là một chủ đề được quan tâm và đã được nghiên cứu khá nhiều từ trong ngành khoa học xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Đình Thảo, Nguyễn Quang Hải, Hát chầu văn, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1998.
  2. Nguyễn Thị Hiền, “‘Seats for Spirits to Sit Upon:’ Becoming a Spirit Medium in Contemporary Vietnam.” Journal of Asian Studies, số 3, 2007, tr. 541-558.
  3. Nguyễn Thị Hiền, “Yin Illness: Its Diagnose and Healing within Len Dong (Spirit Possession) Rituals of the Việt”, Asian Ethnology, số 2, 2008, tr. 305-322.
  4. Ngô Đức Thịnh, Đạo mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2010.
  5. Nguyễn Ngọc Mai (), Nghi lễ Lên đồng-Lịch sử và giá trị, Nxb. Hà Nội, 2017.
  6. Mai Thị Hạnh, Bản hội trong Đạo Mẫu: tạo lập vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018.
  7. Nguyễn Thị Hiền, The Religion of Four Palaces: Mediumship and Therapy in Việt Culture, Thế giới Publisher, Hanoi, 2019.