Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Giỗ

Giỗ lễ tưởng nhớ người đã mất, còn gọi là kỵ nhật, được tổ chức hằng năm vào đúng ngày mất của cụ kỵ, ông bà, cha mẹ.

Theo sách Thọ Mai Gia Lễ, việc cúng giỗ chỉ thực hiện trong năm đời theo phép “Ngũ đại đồng đường”, đến đời thứ 6 thì người chịu trách nhiệm cúng giỗ sẽ mang “thần chủ” của cụ 6 đời đem đi chôn mà không thờ cúng nữa, gọi là “ngũ đại mai thần chủ”. Tất cả các “thần chủ” đều được sửa lại nâng lên một đời tính từ người chịu trách nhiệm cúng giỗ, còn về phần cụ sáu đời sẽ rước vào nhà thờ họ để khấn chung với cộng đồng gia tiên trong những dịp xuân tế hay chạp tổ. Vì vậy, đối với người Việt, giỗ chủ yếu dùng cho việc cúng ông, bà, bố mẹ đã qua đời, còn các đời cao hơn hoặc quy làm chạp tổ hay chạp họ.

Tập tin:Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019.jpg
Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019

Trong thờ cúng tổ tiên, có 3 ngày giỗ: giỗ đầu, giỗ hết, giỗ thường.

Giỗ đầu gọi là Tiểu Tường, là ngày giỗ đầu tiên sau ngày người mất đúng một năm, nằm trong thời kỳ để tang. Trong ngày giỗ đầu, người ta thường tổ chức trang nghiêm không kém gì so với ngày mất, con cháu vẫn mặc tang phục, vẫn khóc thương người quá cố. Lễ vật trong ngày giỗ đầu thường có lễ mặn và hoa, quả, hương, phẩm oản... ngoài ra, người ta thường mua sắm rất nhiều đồ hàng mã (tiền - vàng mã, các vật dụng như quần, áo, nhà cửa, xe cộ và một hình nhân được làm bằng giấy (với quan niệm, sau khi cúng hình nhân này sẽ hóa thành một người thật, xuống dưới âm phủ để hầu hạ người đã mất). Gia chủ đem những đồ lễ này lên bàn thờ để cúng, cúng xong đem ra ngoài mộ đốt. Sau khi lễ tạ và hóa vàng xong, gia chủ mời họ hàng, khách mời ăn cỗ giỗ.

Giỗ hết gọi là Đại Tường, là ngày giỗ sau ngày người mất hai năm, vẫn nằm trong thời kỳ để tang. Trong lễ này, con cháu vẫn mặc tang phục và vẫn khóc giống như ngày đưa tang và ngày giỗ đầu. Lễ vật dâng cúng trong ngày giỗ hết gồm mâm lễ mặn, hoa, quả, hương, phẩm oản... và đồ hàng mã (vàng mã và các vật dụng như quần, áo, nhà cửa, xe cộ được làm bằng giấy,…) giống như trong ngày giỗ đầu và việc cúng lễ cũng tương tự như vậy. Sau ngày lễ này khoảng hai tháng, người ta sẽ chọn ngày tốt để làm lễ Trừ phục (còn gọi là Đàm tế hay Bỏ tang, Xả tang), người thân sẽ đốt hết tang phục, gậy chống. Sau đó, người đang sống sẽ trở lại cuộc sống thường nhật, có thể tổ chức hay tham gia các cuộc vui, đình đám và vợ người quá cố có thể đi bước nữa. Đây là một buổi lễ quan trọng với người đang sống và vong linh của người đã mất.

Giỗ thường còn gọi là ngày Cát kỵ, là ngày giỗ sau ngày người mất từ ba năm trở đi. Cát kỵ nghĩa là giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục, không khóc như ngày đưa tang nữa và trở thành dịp để con cháu sum họp, tưởng nhớ người đã khuất. Khách mời không còn mở rộng như lễ giỗ đầu và giỗ hết. Trong lễ giỗ này, người ta thường làm cỗ bình thường, mời khách trong phạm vi họ hàng, có thể làm lớn hay nhỏ tùy từng gia đình nhưng vẫn đốt nhiều vàng mã cho người cõi âm có cái dùng.

Thông thường, đám giỗ được tổ chức ở nhà người con trưởng trong gia đình, nơi đặt bàn thờ chính của các đời. Nếu con trai trưởng mất thì làm tại nhà cháu đích tôn. Các người con còn lại góp giỗ hoặc gửi giỗ (nếu không về dự được) một cách tượng trưng với ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Nhà trưởng nam luôn là người bao quát tất cả các công việc và quy mô của đám giỗ từ khâu chuẩn bị đến tổ chức giỗ. Trong ngày giỗ, trưởng nam thay mặt anh chị em tiến hành lễ cúng. Trưởng nam khăn áo chỉnh tề đứng trước bàn thờ khấn bái tổ tiên,tiếp sau đó là các anh em, con cháu vào lễ. Khách đến dự giỗ đặt đồ lễ lên bàn thờ, vái lạy tổ tiên. Sau khi khấn lễ xong, đợi hết ba tuần hương thì gia chủ đứng trước bàn thờ để lễ tạ, rồi lấy đồ vàng mã đem đi đốt và hạ lễ mời khách ăn cỗ. Sau khi ăn giỗ xong, gia chủ hạ tất cả lễ vật trên bàn thờ, chia cho từng gia đình và khách mời một chút gọi là lộc của tổ tiên như hoa quả, bánh kẹo,...

Tập tin:Mam-com-cung-gio-mien-bac-gom-nhung-gi.jpg
Mâm cơm cúng giỗ miền bắc

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, phong tục giỗ có khác với người Việt. Một số dân tộc ở phía Bắc như người Thái, người Tày, người Nùng cũng có tục cúng giỗ. Các dân tộc ở miền Trung, Tây Nguyên như người Chăm có cúng giỗ; người Xê Đăng không cúng giỗ vào ngày qua đời nhưng có tục viếng mộ người chết vào thanh minh, lúc đó họ khóc lóc, cúng vái; người Gia Rai chỉ cúng giỗ trong vòng ba năm trở lại; người K’Ho làm giỗ trong hai năm đầu; người Ê Đê, Mơ Nông cúng giỗ người chết một lần, còn người Ba Na và một số dân tộc khác không có cúng giỗ. Tuy nhiên, các dân tộc như Ba Na, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Jrai lại có một lễ cúng người chết rất lớn đó là lễ bỏ mả. Đây là dịp chia tay cuối cùng giữa người sống và người chết, sau đó không còn cúng giỗ, không còn quan hệ với nhau nữa như ở người Kinh. Các dân tộc chỉ giỗ trong một thời gian ngắn, rồi làm lễ bỏ mả lại có những triết lý khác, đó là người ta quan niệm người chết rồi thành ma, sang thế giới ma, không còn ở thế giới con người nữa, cho nên lễ bỏ mả được làm thật lớn để có một cuộc chia tay vĩnh viễn, từ nay không còn liên quan gì đến nhau nữa. Người chết yên tâm trú ngụ trong thế giới bên kia, để người sống yên ổn làm ăn sinh sống, không phải bận tâm gì với họ nữa. Một số dân tộc như người Ê Đê lại có một phong tục hết sức nhân văn, đó là lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Vào ngày đó, người Ê Đê lấy một cái lá rừng có đọng lại trên đó giọt sương, người ta cầm chiếc lá ấy kề vào miệng đứa trẻ mới sinh, dốc cho giọt sương rơi vào miệng đứa trẻ. Trong lúc đợi giọt sương đó rơi vào miệng đứa trẻ, người ta nhắc tên của những người đã khuất trong gia đình, khi giọt sương rơi vào miệng đứa trẻ dừng ở tên người nào thì đứa trẻ sẽ mang cái tên đó. Như vậy, dù đã cắt đứt với người chết bằng việc không cúng giỗ, bằng bỏ mả, song người chết vẫn tồn tại ở những người sống với cái tên những người đang sống mang cho mình. Điều đó cho thấy, dù có hay không có ngày giỗ song các dân tộc đều có những triết lý và mục đích riêng về ngày giỗ. Đối với người Việt là ngày những người đang sống thể hiện tấm lòng thành kính, sự tưởng nhớ đến người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Ngày giỗ là dịp để nhắc nhở những người sống nhớ về những người đã khuất, gắn kết tình cảm của các thành viên trong cùng một gia đình, và việc này diễn ra trong suốt cuộc đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn các dân tộc khác, dưới hình thức này hay hình thức khác, người chết cũng có vai trò nhất định của họ trong cuộc sống của người đang sống. Bởi vậy, việc làm giỗ của người Việt hay các hình thức khác của các dân tộc thiểu số, không chỉ vì người chết, mà chủ yếu là vì người đang sống, nên ý nghĩa của ngày giỗ mang đậm tính nhân văn của người Việt và các dân tộc thiểu số sinh sống trên mảnh đất Việt Nam.

Hơn thế, ngày giỗ của người Việt hay các hình thức khác của các dân tộc thiểu số, không chỉ là một nghi lễ riêng của gia đình, mà còn là mối quan hệ giữa những người trong gia đình với những người khác, với cộng đồng. Đây là dịp để thắt chặt các mối quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng, mối quan hệ làm ăn, quan hệ cộng đồng…. Qua việc tham gia vào nghi lễ này, người ta tạo ra các mối quan hệ bền chặt hơn với nhau, tạo nên một cái vốn xã hội trong thời gian tới. Vốn xã hội đó là nền tảng cho công việc làm ăn, cho sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau về mặt tình cảm tinh thần và vật chất, làm cho con người trong cộng đồng gắn kết với nhau ngày một chặt chẽ hơn đối diện với những thách thức đang đợi họ ở phía trước. Vì thế, phong tục này của người Việt và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng là một không gian cho việc tạo dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội. Với người Việt, thì việc chuẩn bị cho ngày giỗ, những thực hành nghi lễ trong ngày đó, sự phân công công việc, vị trí, thứ bậc trong một gia đình còn thể hiện sự là sự ứng xử của nội bộ gia đình. Nó cho thấy vai vế, vị trí của mỗi người, vai trò và ảnh hưởng của họ đối với anh em, con cháu trong nhà, bà con họ hàng. Ngày giỗ là lúc các vị thế của từng người được thể hiện, được củng cố và cũng là bộ mặt của gia đình đó đối với xã hội. Bởi vậy mới thấy, giỗ không chỉ vì người chết, mà chủ yếu là cho người sống. Từ những sinh hoạt này, các nhà nghiên cứu văn hoá, xã hội có thể nhìn ra nhiều vấn đề của gia đình, của xã hội và rộng ra là của đất nước qua hiện tượng văn hoá này.

Ngày nay, việc cúng giỗ của người Việt, cũng như các sinh hoạt tương tự ở các dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi cho phù hợp với điều kiện xã hội đương đại. Ví như do việc ngày giỗ rơi vào ngày làm việc nên con cháu thường chọn ngày giỗ vào ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ gần với ngày giỗ; Việc góp giỗ cũng thay đổi, có thể chia đều cho các anh em và cũng có thể người nào có điều kiện kinh tế hơn sẽ chịu chi phí chính cho ngày giỗ; Có những gia đình có điều kiện hoặc có quan hệ làm ăn, quan chức… nhiều khi biến ngày giỗ thành cuộc tập hợp mời mọc bạn làm ăn, bạn hàng, bè bạn hay cấp trên, cấp dưới nhằm phô trương thanh thế; Lễ vật cũng thay đổi theo hướng đồ lễ kiểu hiện đại. Những thực hành nghi lễ này ở các dân tộc thiểu số cũng trong bối cảnh như vậy. Vì vậy ngày giỗ hay việc cúng giỗ hiện nay phản ánh một thực tế rất phong phú và đa dạng về xã hội Việt Nam đang chuyển đổi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Nếp cũ Tín ngưỡng Việt Nam, (quyển thượng), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
  2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb. Văn hoá thông tin, H.2000.
  3. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Văn hoá thông tin, H.2000.
  4. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, ĐN-HN 2003, tr.403.

5. Hồ Sĩ Tân, Thọ mai gia lễ, Nxb. Văn học, H. 2019.