Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Giảm nhẹ rủi ro động đất

Giảm nhẹ rủi ro động đất là cách tiếp cận có hệ thống nhằm xác định, đánh giá và giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra cho cộng đồng. Giảm nhẹ rủi ro động đất là một quá trình lâu dài, huy động một số lượng lớn người tham gia, trong đó phải kể đến các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu động đất, các kỹ sư kết cấu, chính quyền địa phương và chính phủ. Tại mỗi quốc gia, các chương trình hành động dài hạn, định kỳ được chính phủ phê duyệt để triển khai công tác giảm nhẹ rủi ro động đất. Giảm nhẹ rủi ro động đất được thực hiện theo một quy trình gồm ba hợp phần chính, có mối liên hệ nhân quả với nhau là:

  1. Đánh giá độ nguy hiểm động đất
  2. Phòng tránh nguy cơ động đất
  3. Có kế hoạch ứng phó với động đất.

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực địa chấn học và vật lý địa cầu có những đóng góp quan trọng trong việc tìm ra những quy luật của hoạt động động đất cho một khu vực cụ thể để dự báo khả năng phát sinh động đất và đánh giá những tác động của động đất tới cộng đồng tại khu vực đó. Trong số các kết quả đánh giá độ nguy hiểm động đất cho một khu vực, hai tham số quan trọng nhất được xác định là giá trị độ lớn động đất cực đại (hay năng lượng giải phóng của động đất cực đại) và chu kỳ lặp lại của giá trị này tại khu vực đó. Các sản phẩm quan trọng của hợp phần này là các bản đồ phân vùng động đất, biểu thị các vùng có độ nguy hiểm động đất khác nhau và các bản đồ độ rủi ro động đất, chỉ ra khả năng gây thiệt hại của động đất cho cộng đồng tại mỗi vùng trong phạm vi nghiên cứu.

Phòng ngừa là yếu tố quan trọng nhất trong công tác giảm nhẹ rủi ro động đất. Lập luận đơn giản, nếu tất cả kết cấu của các công trình xây dựng trong một khu vực được thiết kế để có thể chống chịu được tác động mạnh nhất của động đất dự báo cho khu vực đó, thì sẽ không cần áp dụng một biện pháp phòng ngừa bổ sung nào nữa. Các biện pháp phòng ngừa được thực hiện dựa trên những luận điểm sau:

  1. Quy hoạch đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro động đất. Việc xây dựng các công trình với mật độ cao phải được quy hoạch trong phạm vi các khu vực có độ rủi ro địa chấn thấp
  2. Các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng công trình tại các vùng có độ hoạt động động đất cao cần phải được hiệu chỉnh thường xuyên cho phù hợp với những tiến bộ khoa học
  3. Một công trình xây dựng được coi là an toàn địa chấn khi và chỉ khi được thiết kế kháng chấn, được xây dựng với chất lượng đảm bảo và được bảo trì liên tục
  4. Cần phải sử dụng các vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng, có các đặc tính cơ học lâu bền và đáp ứng các yêu cầu về kháng chấn
  5. Kiến thức của các kỹ sư xây dựng cần phải được cập nhật và nâng cấp liên tục. Cần áp dụng một hệ thống đào tạo thường xuyên cho các kỹ sư trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng và kiểm tra chất lượng.

Hiệu quả của các hoạt động giảm nhẹ hậu quả động đất phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng ứng phó với động đất của cộng đồng. Khi động đất xảy ra, cộng đồng phải có phản ứng nhanh và có tổ chức để đảm bảo an toàn phục vụ những yêu cầu cấp thiết. Việc lập kế hoạch ứng phó với động đất là yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra. Các kế hoạch ứng phó cần phải được xây dựng trước cho từng địa phương, từng cấp quản lý và phụ thuộc vào những điều kiện đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó động đất và các khóa đào tạo nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiểm họa động đất cũng sẽ góp phần không nhỏ cho công tác giảm nhẹ rủi ro động đất.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bùi Công Quế (Chủ biên), Nguyễn Đình Xuyên, Phạm Văn Thục, Nguyễn Hồng Phương, Trần Thị Mỹ Thành, Phan Trọng Trịnh, Cao Đình Triều, Ngô Thị Lư, Vũ Thanh ca, Trần Tuấn Dũng, Nguyễn Văn Lương, Nguy hiểm động đất và sóng thần ở vùng ven biển Việt Nam, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 313 tr., 2010.
  2. Nguyễn Hồng Phương, Đánh giá rủi ro động đất đô thị cho các thành phố lớn ở Việt Nam, Tạp chí Các khoa học về Trái đất, 33(3): 337-346, 2011.