Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Eo biển quốc tế
Bản Đồ Eo Biển Magellan
Eo biển Malacca

Eo biển quốc tế là phần biển hẹp tự nhiên nằm giữa hai vùng đất, nối liền các biển (đại dương) với nhau, được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế hoặc đường hàng không bay qua, được quản lý bởi các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Eo biển dùng cho hàng hải quốc tế theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 gồm: eo biển nối giữa một bộ phận của biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế; eo biển nối liền lãnh hải của một quốc gia với một bộ phận của biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác. Việc lựa chọn và đưa một eo biển vào nhóm eo biển quốc tế phải căn cứ vào vị trí và giá trị của eo biển đó trong hệ thống đường vận tải quốc tế. Chế độ đi qua các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế không ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của các vùng nước các eo biển này, cũng như việc các quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hay quyền tài phán của mình ở vùng nước ấy, ở đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển, cũng như vùng trời trên vùng nước đó. Tại các eo biển quốc tế, tàu thuyền và phương tiện bay của các quốc gia áp dụng nguyên tắc quá cảnh.

Quyền quá cảnh của tàu thuyền của tất cả các nước đã được thừa nhận từ thế kỷ XIX và từng bước hoàn chỉnh thông qua các thỏa thuận, tuy nhiên tập quán quốc tế cũng có ảnh hưởng đến chế độ pháp lý của các eo biển. Văn bản đầy đủ và có tính pháp lý nhất về việc nghiên cứu luật biển đó là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc áp dụng chế độ pháp lý đi qua vùng lãnh hải của các quốc gia ven biển nơi có eo biển quốc tế đi qua, trong Công ước được chia thành: 1) Chế độ quá cảnh qua eo biển được áp dụng toàn bộ hay từng phần của các công ước quốc tế hiện hành, được áp dụng riêng đối với từng eo biển. Liên quan đến nhóm này có quy chế qua lại của eo biển Baltic (tuân thủ theo Thỏa ước Copenhagen 1857 về việc đi qua eo biển và các văn bản luật của Đan Mạch và Thụy Điển), đi qua các eo biển vào Biển Đen (theo Công ước Montreux 1936), đi qua eo Magellan (theo Thỏa ước về biên giới lãnh thổ giữa Chilê và Argentina 1881); 2) Chế độ qua lại đối với các tàu buôn và tàu quân sự được thực hiện căn cứ vào sự tương quan giữa hai yếu tố khác biệt tạo nên eo biển. Nhóm thứ Nhất, eo biển được hình thành giữa một bên là phần lục địa của lãnh thổ quốc gia và bên kia là đảo thuộc chủ quyền của chính quốc gia đó có đường thuận lợi đi ra biển cả hoặc ra các vùng đặc quyền kinh tế (ví dụ eo Mexinxki). Nhóm thứ Hai, eo biển quốc tế có chế độ của tuyến đường quốc tế liên quan đến các eo biển được hình thành giữa một bên là biển cả (bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế) và bên còn lại là lãnh hải của một quốc gia khác (ví dụ eo biển Pemba và Tiran). Trong cả hai trường hợp trên, quốc gia ven biển không được quyền can thiệp vào tuyến đường biển quốc tế; 3) Chế độ quá cảnh được quy định trong Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 “tất cả các tàu thuyền và phương tiện bay đều được hưởng quyền quá cảnh mà không bị cản trở, trừ trường hợp hạn chế là quyền đó không được áp dụng cho các eo biển do lãnh thổ đất liền của một quốc gia và một hòn đảo thuộc quốc gia này tạo thành, khi ở ngoài khơi hòn đảo đó có một con đường đi trên biển cả, hay có một con đường đi qua một vùng đặc quyền về kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn”. Điều luật này được áp dụng cho tất cả các tàu thương mại và tàu quân sự cũng như các phương tiện bay. Chế độ quá cảnh qua eo biển được hình thành bởi hai phần, một bên là biển cả (bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế), bên còn lại là vùng chồng lấn lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia ven biển (eo Gibraltar và Malaca), cũng như đối với các eo biển có dải nước thuộc biển cả mà tại đây có đường hàng hải thuận lợi hơn so với khu vực thuộc lãnh hải.

Chế độ pháp lý khi đi qua các eo biển có tuyến đường vận tải ở bất kì khu vực nào trên biển, loại trừ vùng lãnh hải, được xác định bởi vị trí liên quan đến khoảng không gian trên biển cụ thể. Khi tàu đi qua vùng giới hạn kẹp giữa vùng đặc quyền kinh tế và vùng tiếp giáp lãnh hải cần phải xem xét đến những cơ sở pháp lý mang tính đặc thù của các vùng biển kể trên. Đối với các eo biển thuộc quốc gia - quần đảo (eo Makaxa, Babuian...), thường áp dụng quyền đi qua theo tuyến hành lang.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học Pháp lý, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển bách khoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006.
  3. Nguyễn Thị Thuận, Tổng quan về luật quốc tế và các văn bản pháp luật, Nxb Lao động, Hà Nội, 2016.
  4. Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển bách khoa Việt Nam 4 tập, bản điện tử.
  5. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), 1982.
  6. Военная Энциклопедия (Bách khoa toàn thư quân sự), tập 5, Nxb Quân sự, Maxcơva, 2001.
  7. Большая Российская Энциклопедия (Đại bách khoa toàn thư Nga), bản điện tử: bigenc.ru.
  8. International Law Studies - Volume 64, The Law of Naval Operations Horace B. Robertson, Jr. (Editor).