Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Eo biển
Một bức ảnh chụp eo biển Bering từ vệ tinh
Eo biển Malacca

Eo biển là phần biển hẹp nằm giữa hai vùng đất, nối liền hai vùng biển với nhau. Eo biển có thể nằm trên những tuyến đường hàng hải quốc tế và có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế. Khác với kênh đào, eo biển có tính chất hoàn toàn tự nhiên nối liền các biển và đại dương, các eo biển nổi tiếng như: eo biển Bering nối Thái Bình Dương với Bắc Băng Dương, eo biển Gibraltar nối Địa Trung Hải với Đại Tây Dương, eo biển Malacca nối Biển Đông với Ấn Độ Dương... Eo biển dài nhất là eo Mozambique ở Đông Phi (1.760 km), rộng nhất và sâu nhất là eo Drake ở nam Nam Mỹ (1.120 km). Eo biển thường có chế độ thủy văn riêng.

Eo biển có thể được hình thành do một vết đứt gãy trong một eo đất, một vùng đất hẹp nối hai vùng nước. Sự dịch chuyển kiến tạo có thể dẫn đến những eo biển kiểu này. Eo biển được hình thành do hoạt động kiến tạo điển hình là eo biển Gibraltar, nơi liên kết duy nhất giữa Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Ngoài ra, eo biển cũng có thể được hình thành do một vùng đất tràn nước bị sụt lún hoặc bị xói mòn, điển hình là eo biển Bosporus. Eo biển Bosporus nối liền Biển Đen và Biển Aegean, đất ở rìa tây nam của Biển Đen bị xói mòn và sụt lún tạo ra eo biển. Bosporus là một eo biển cực kỳ quan trọng, ngăn cách lục địa Châu Âu và Châu Á. Bên cạnh đó, Bosporus cũng chia cắt một quốc gia duy nhất. Nó chia cắt Thổ Nhĩ Kỳ thành hai phần, phần châu Âu được gọi là Thrace, và phần châu Á được gọi là Anatolia.

Về mặt luật pháp, eo biển quốc tế được xếp thành một loại riêng. Nhiều eo biển có tầm quan trọng rất lớn về mặt kinh tế. Eo biển có thể nằm trên những tuyến vận tải biển quan trọng, bất cứ quốc gia nào kiểm soát một eo biển sẽ có khả năng kiểm soát đường biển và các tuyến đường vận chuyển của toàn bộ khu vực. Trong lịch sử đã có nhiều cuộc chiến nổ ra để dành kiểm soát eo biển. Eo biển có ý nghĩa quan trọng trong quân sự, là những điểm nút giao thông trên biển, rất lợi thế trong việc xây dựng những hệ thống phòng thủ ven biển. Điển hình cho các đặc điểm đó có các eo biển như: eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương với Biển Đông, nằm giữa đảo Sumatra và bán đảo Malay; là một trong những eo biển có lượng tàu bè qua lại lớn nhất thế giới. Eo biển Hormuz nối Vịnh Ba Tư và một phần của biển Ả Rập, có tầm quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế; một lượng lớn xăng dầu từ các nước Trung Đông được vận chuyển qua eo biển này. Eo biển Hormuz do Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Iran cùng kiểm soát. Các quốc gia này đều có các trung tâm quân sự trong khu vực, các nước nhập khẩu dầu từ khu vực cũng tuần tra eo biển Hormuz. Đã có những xung đột đã xảy ra trong quá trình tuần tra quân sự trên eo biển này như: năm 2008, Mỹ cáo buộc Iran quấy rối tàu chiến Mỹ bằng tàu cao tốc nhỏ, Iran bác bỏ cáo buộc; hai nước gần như xung đột trong nhiều tháng trước khi tranh chấp được giải quyết mà không có bạo lực.

Eo biển Manche ở giữa miền nam xứ Anh và miền bắc Pháp, nối liền Đại Tây Dương với biển Bắc ở eo biển Dover. Trong lịch sử, eo biển Manche vừa là lối vào, vừa là rào cản các lực lượng đến xâm chiếm đảo Anh. Eo biển Dover phân cách vùng đông nam xứ Anh với vùng tây bắc Pháp, nối liền eo biển Manche với biển Bắc là một trong những đường biển náo nhiệt nhất thế giới; nơi đây đã diễn ra nhiều trận thủy chiến lịch sử, kể cả trận xứ Anh đánh bại Đại hạm đội Tây Ban Nha năm 1588.

Eo biển Triều Tiên giữa Nam Triều Tiên và tây nam Nhật Bản, nối biển Hoa Đông với biển Nhật Bản, nơi diễn ra trận hải chiến Tsushima (năm 1905) giữa hải quân Nga và Nhật Bản với phần thắng thuộc về phía Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (bản điện tử).
  3. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), 1982.
  4. V.M. Kotlyakov and A.I. Komarova, Elsevier's Dictionary of Geography, Moscow, Russia, 2007.
  5. Từ điển Bách khoa Britannica, Nxb Giáo dục Việt nam, 2014.
  6. Monkhouse, Francis John, A dictionary of geography - 2nd ed, ISBN 13: 978-0-202-36131-4, Taylor & Francis Group, 2017.
  7. Большя российскя знциклопедия (Đại Bách khoa toàn thư Nga), bản điện tử Bigenc.ru
  8. https://www.nationalgeographic.org/encyclopedia/strait/