Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Dị bản

Dị bản là một thuộc tính đặc trưng của văn học nghệ thuật dân gian được hiểu là các văn bản của một tác phẩm có những tình tiết khác nhau song cùng chủ đề, nội dung.

Rất khó và thường không xác định được thời điểm ra đời dị bản của một tác phẩm văn nghệ dân gian do đây là một hiện tượng phổ biến, mang tính quy luật và do thuộc tính truyền miệng, tính tập thể của phương thức sáng tác và lưu truyền folklore quy định. Một tác phẩm văn học dân gian không bao giờ tồn tại bằng một văn bản duy nhất; tính truyền miệng và tính tập thể tạo nên tính khả biến, biến đổi theo thời gian và không gian của tác phẩm văn học dân gian; trong quá trình lưu truyền, do nhiều nguyên nhân như: trí nhớ của người kể, người đọc, người hát, hoặc do quy luật sáng tạo, ứng tác gắn với hoàn cảnh điều kiện tự nhiên lịch sử văn hóa, ngôn ngữ vùng miền, tâm lý con người... mỗi tác phẩm được ghi nhận ở một thời điểm cụ thể, quá trình trình diễn đồng thời cũng là quá trình sáng tác tạo nên sự sai lệch giữa các văn bản khác nhau và hình thành hệ thống dị bản của tác phẩm.

Các dị bản của cùng một tác phẩm văn học dân gian là những văn bản sưu tầm giống nhau về chủ đề và nội dung chính và giữa hai văn bản phải có nhiều chỗ giống nhau; tuy nhiên, cho dù có nhiều chỗ giống nhưng nếu các văn bản sưu tầm khác về chủ đề, nội dung thì cũng sẽ thuộc về một tác phẩm khác, ví dụ hai lời ca: "Cô kia cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/Sang đây anh nắm cổ tay/Anh hỏi câu này: cô lấy anh chăng?" và "Cô kia cắt cỏ bên sông/Muốn ăn sung chín thì lồng sang đây/Sang đây anh bấm cổ tay/Anh hỏi câu này: có lấy anh chăng?" là những dị bản của cùng một tác phẩm, trong khi lời ca: "Cô kia cắt cỏ một mình/Cho anh cắt với chung tình làm đôi/Cô còn cắt nữa hay thôi ?/Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng" lại thuộc tác phẩm khác, còn gọi là bản khác, mặc dù có thể cùng sử dụng một mô típ giống nhau như câu mở đầu, từ mở đầu... Các dị bản góp phần tạo nên bộ mặt hoàn chỉnh của một tác phẩm, có giá trị như nhau, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và nhận thức thẩm mỹ của từng vùng miền, mang tính địa phương rõ nét.

Các hình thức chủ yếu của dị bản bao gồm: Thay đổi từ và cụm từ giữa các văn bản, sự thay đổi này mang tính ngẫu hứng và không ảnh hưởng tới nội dung tác phẩm (ví dụ: "Ai đem con sáo sang sông/ để cho con sáo sổ lồng nó bay", "Ai xui con sáo sang sông/ để cho con sáo sổ lồng nó bay", "Ai đem con sáo sang sông/ để cho sáo đói sổ lồng sáo bay", "Ai đem con sáo qua sông/ Để cho con sáo sổ lồng bay xa"...). Thêm từ hoặc cụm từ vào văn bản (ví dụ: "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua", "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát thập cửu đèo cũng qua"); việc bổ sung từ và cụm từ vào văn bản phản ánh quy luật tương tác giữa nội dung và hình thức thể hiện trong tác phẩm, ở những lời ca trên cảm xúc chất chứa của nhân vật được diễn tả vượt ra khỏi khung thông thường của lời thơ lục bát hay song thất lục bát; đối với truyện kể dân gian, do hệ thống hành động của nhân vật liên quan trực tiếp tới việc thể hiện chủ đề tác phẩm nên chỉ có sự thay đổi, bổ sung từ ngữ liên quan đến hành động của nhân vật mới tạo nên các dị bản (ví dụ: truyện "Tấm Cám" có các dị bản khác nhau ở đoạn kết về hành động Tấm trừng phạt cái ác). Mở rộng nội dung và hình thức tác phẩm là kết quả sưu tầm ghi chép không phải tại một thời điểm mà trong các thời điểm khác nhau, thậm chí ở những địa phương khác nhau, ví dụ bài ca dao "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa" có những đoạn tiếp nối khác nhau giữa các văn bản, hay trường hợp truyền thuyết tiêu đề “Rùa vàng” hoặc “An Dương Vương” có hai phần khác nhau (phần thứ nhất kể về việc An Dương Vương xây Loa Thành, phần thứ hai kể về mối tình Mỵ Châu, Trọng Thuỷ), trong đó phần thứ hai là sự mở rộng sau này, không được sáng tác vào cùng một thời điểm với phần thứ nhất; không chỉ là sự bổ sung những đoạn, những phần mới mà trong truyện dân gian, còn có sự mở rộng thêm những tầng (lớp ý nghĩa) qua việc mở rộng nội dung, vì vậy trong cùng một truyện, có thể thấy các tầng nghĩa cổ và tầng nghĩa mới, ví dụ như truyện “Sự tích đá Vọng Phu”, tầng nghĩa cổ nhất là bi kịch gia đình với sự tan vỡ của gia đình hôn nhân nội tộc chuyển sang tình trạng hôn nhân ngoại tộc; tầng nghĩa thứ hai là câu chuyện đề cao lòng chung thuỷ, nghĩa vợ chồng và phản đối chiến tranh phi nghĩa thời phong kiến, tầng nghĩa này được bổ sung vào thời kỳ phong kiến, khi có những cuộc nội chiến xảy ra. Kết quả sưu tầm, ghi chép các dị bản cho thấy một hình thức tồn tại tự do hơn của tác phẩm văn học dân gian, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng văn bản tác phẩm mở rộng nội dung hình thức có thể được coi là một dạng bản khác.

Dị bản cũng là đặc điểm vốn có, tự nhiên trong các bài bản làn điệu dân ca, dân nhạc Việt Nam cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian nói chung với phương thức chủ yếu là truyền miệng, truyền ngón, truyền nghề. Quá trình tái tạo, sáng tạo các làn điệu dân gian tạo nên các dị bản khác nhau ở cùng một bài ca; theo đó, người diễn tấu từ một làn điệu cụ thể có thể tuỳ hứng ứng tác đặt lời mới hoặc thêm thắt, sửa chữa thay đổi lời ca ở một vài chỗ, hay "bẻ vần” trong đường nét giai điệu trên cơ sở nguyên tắc cốt lõi về cơ cấu nhịp điệu và âm điệu bài bản; qua mỗi lần hát, mỗi người hát, bài ca được gọt rũa thêm tạo nên các dị bản và đó là phương thức tồn tại của âm nhạc dân gian. Ngoài ra, dị bản trong dân ca dân nhạc còn là quá trình ảnh hưởng lẫn nhau của các loại hình nghệ thuật trên cơ sở giao lưu, quan hệ vùng miền; nhiều bài bản âm nhạc dân gian vùng này, lại mang yếu tố chất liệu của âm nhạc dân gian vùng khác và ngược lại (ví dụ: có 30 dị bản "Lý Ngựa Ô" khác nhau từ miền Trung đến miền Nam)

Có thể phân biệt dị bản với nguỵ dị bản (còn gọi là bản sai). Văn học dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác, biến đổi không ngừng, việc sưu tầm, ghi chép văn học dân gian qua điền dã mặc dù luôn đặt mục đích ghi nhận trung thực khách quan dạng thức tồn tại của tác phẩm trong cuộc sống là nguyên tắc hàng đầu song đôi khi cũng ít nhiều mang tính chủ quan tuỳ thuộc vào trình độ người thực hiện và sự chi phối bởi ý thức của mỗi thời đại... điều này để lại khoảng trống về độ tin cậy của văn bản. Thêm vào đó, quá trình biên soạn, làm mới tác phẩm văn học dân gian sẽ có những sai sót làm tác phẩm sai lệch nhiều so với nguyên bản vì tác phẩm đã được thể hiện qua lăng kính của tác giả biên soạn; các bản sai thường do một số nguyên nhân như: phiên âm không đúng các từ, điển tích chữ Hán, chữ Nôm, do không hiểu chính xác nghĩa nội dung văn bản, không hiểu biết về phương ngữ, cũng có khi nguyên nhân gây nên những bản sai là do khâu đánh máy in ấn mà không có đính chính hoặc do người biên soạn sửa nội dung, cắt ghép, hư cấu quá đà...

Hiện tượng dị bản xuất hiện nhiều trong văn học dân gian như: ca dao, tục ngữ, truyện kể dân gian… Trong một số công trình sưu tầm, biên soạn các tác phẩm văn học dân gian, khi trình bày những tác phẩm có nhiều bản, người soạn thường chọn một bản làm bản chính còn các dị bản được đưa xuống phần chú thích, khảo dị. Bản chính và dị bản là bộ mặt, là đời sống của tác phẩm dân gian. Việc tập hợp, nghiên cứu dị bản góp phần hình thành các trường phái lý luận và phương pháp nghiên cứu folkore như: nghiên cứu hệ thống, nghiên cứu thi pháp...; đặt ra các vấn đề nghiên cứu khả thể và bất khả (hạn chế của việc nghiên cứu thuần tuý văn bản đối với folkore), tạo cơ sở cho các luận điểm về type, motif, về các công thức truyền thống, các hệ thống, sơ đồ cấu trúc, đặc biệt làm rõ tính quốc tế, tính dân tộc, tính địa phương của tác phẩm văn học dân gian.

Dị bản cũng xuất hiện trong văn học viết; khác với hiện tượng dị bản trong văn học nghệ thuật dân gian, dị bản trong văn học viết là sản phẩm trên đường tìm tòi của nhà văn, nhà thơ nhằm đi tới một bản hoàn thiện nhất, hay nhất theo ý tác giả. Ngoài ra, sự có mặt của dị bản trong văn học viết còn là do việc đọc và phiên âm chữ Nôm (đối với văn học trung đại) do sự sửa chữa của nhiều thế hệ biên soạn và của cơ quan xuất bản.

Dị bản là sự sáng tạo của cá nhân, tập thể, có những giá trị nhất định được lưu giữ trong cộng đồng, là quy luật sáng tạo của văn học dân gian và văn học nghệ thuật nói chung, góp phần tạo nên nét mầu sắc đa dạng phong phú trong văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994
  2. Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Tổng tập văn học dân gian người Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
  3. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
  4. Trần Đức Ngôn, "Đặc tính mở của văn bản tác phẩm văn học dân gian", Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, 2009, số 297, tr 45-47
  5. Trần Tùng Chinh, "Những đóng góp khoa học của Nguyễn Đổng Chi trong phần khảo dị "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", Tạp chí Khoa học, Trường Đại học An Giang, 2016, số 9, tr 54-62.
  6. Châu Hoài Phương, "Tính dị bản trong Lý con sáo Nam Bộ", Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2017, số 391, tr 60-62