Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Dậy thì

Dậy thì là một giai đoạn trong quá trình phát triển của con người dẫn đến sự tăng trưởng về thể chất và trưởng thành về giới tính, qua đó trở thành người trưởng thành và có khả năng sinh sản. Dậy thì trong tiếng Latin là puberatum, nghĩa là “tuổi trưởng thành”, là thuật ngữ dùng để nói đến sự thay đổi về thể chất từ một đứa trẻ chuyển dạng thành người trưởng thành.

Dịch tễ[sửa]

Tuổi dậy thì chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giới tính, chủng tộc, địa lý, dinh dưỡng, bệnh tật, môi trường và di truyền.

Về dinh dưỡng, nhìn chung, những trẻ suy dinh dưỡng bắt đầu dậy thì muộn hơn so với trẻ có dinh dưỡng đầy đủ. Bệnh tật cũng có liên quan tới dậy thì muộn. Về địa lý, dậy thì bắt đầu muộn hơn ở những người sống tại nơi có địa hình cao. Người ta nhận thấy tuổi trung bình bắt đầu dậy thì cao nhất ở những nhóm người sống trong nông trại ở sa mạc trên các cao nguyên ở Trung Á. Tại châu Âu, trẻ em sống ở các nước có miền khí hậu ấm áp giáp với Địa Trung Hải bắt đầu dậy thì sớm hơn khoảng 6 tháng so với những trẻ sống ở vùng Bắc Âu.

Ở các nước phát triển, trong hơn một thế kỷ rưỡi vừa qua, người ta ghi nhận có sự chuyển dịch theo hướng tuổi dậy thì xảy ra ngày càng sớm hơn. Các yếu tố di truyển đóng vai trò khoảng 46% về sự khác nhau của tuổi khởi phát và thời gian của tuổi dậy thì ở cả 2 nhóm, bé gái và bé trai. Dậy thì sớm và dậy thì muộn đều được biết là có xu hướng gia đình. Tuy nhiên, mối liên quan về thời điểm dậy thì giữa mẹ và con gái mạnh mẽ hơn là giữa cha và con trai. Các yếu tố môi trường đóng vai trò cho 56% còn lại trong sự khác nhau của tuổi dậy thì.

Mô tả[sửa]

Nhìn chung, bé gái bắt đầu dậy thì lúc 10-11 tuổi và hoàn tất dậy thì lúc 15-17 tuổi; bé trai bắt đầu dậy thì lúc 11-12 tuổi và hoàn tất dậy thì lúc 16-17 tuổi. Ở bé gái, dấu mốc quan trọng nhất của dậy thì là có kinh nguyệt lần đầu, tuổi trung bình có kinh lần đầu khoảng 12-13 tuổi. Ở bé trai, dấu mốc quan trọng là lần xuất tinh đầu tiên, tuổi trung bình của phóng tinh lần đầu là khoảng 13 tuổi. Các nhóm tuyến nội tiết của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục phát tín hiệu cho sự khởi phát của tuổi dậy thì. Vùng hạ đồi tiết hormon gonadotropin-releasing, đây là hormon làm phóng thích hormon dưỡng sinh dục), chúng có tác dụng kích thích tuyến yên. Đến lượt tuyến yên tiết các hormon dưỡng sinh dục (gonadotropins) có tác dụng kích thích tuyến sinh dục và tuyến thượng thận. Các tuyến này lại phóng thích một loạt các hormon giới tính, các androgen và testosterone ở nam, và các estrogen và progestin ở nữ, chúng điều hòa sự trưởng thành và chức năng của cơ quan sinh dục. Điều đáng chú ý là các hormon gonadotropins thì giống nhau ở bé trai và bé gái, nhưng hormon sinh dục mà chúng kích thích tạo ra thì khác nhau ở 2 giới.

Yếu tố liên quan đến thời điểm khởi phát tuổi dậy thì

- Giới tính: bé gái có xu hướng phát triển dậy thì sớm hơn so với bé trai.

- Chủng tộc: bé gái gốc Phi có xu hướng dậy thì sớm gấp 3 lần so với bé gái người da trắng và gốc Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa các chủng tộc về tuổi dậy thì này lại không đúng với bé trai.

- Béo phì: đặc biệt ở bé gái, là yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bé gái béo phì có 80% nguy cơ phát triển tuyến vú trước 9 tuổi, và bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi.

- Tiền sử tổn thương hệ thần kinh trung ương do chấn thương, phẫu thuật hay xạ trị cũng làm thay đổi tuổi dậy thì.

- Có khối u não hoặc cấu trúc bất thường trong não.

- Tiếp xúc với các sản phẩm có chứa hormon sinh dục bao gồm các sản phẩm dùng cho da và tóc, các vitamin, các thuốc tránh thai hoặc các thực phẩm bổ sung.

- Tiền sử gia đình có thành viên dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn.

Nguyên nhân[sửa]

Dậy thì bắt đầu khi hạ đồi tiết ra một loại hormon (GnRH) có tác dụng kích thích tuyến yên phóng thích các hormon dưỡng sinh dục. Những protein hormon này kích thích cơ quan sinh dục (buồng trứng và tinh hoàn) sản xuất hormon sinh dục. Những hormon sinh dục này (đặc biệt là estrogen ở bé gái và testosteron ở bé trai) sẽ khơi mào cho sự trưởng thành và hoàn thiện về giới tính và sinh sản.

Triệu chứng[sửa]

Các dấu hiệu của dậy thì ở bé gái qua 5 giai đoạn của Tanner:

- Giai đoạn 1: tiền dậy thì, không có sự phát triển của các đặc trưng về giới tính.

- Giai đoạn 2: nẩy “chồi” tuyến vú, bắt đầu sự phát triển của vú, có mùi cơ thể, lớn nhanh, xuất hiện lông mu đầu tiên.

- Giai đoạn 3: vú to lên, lông mu trở nên xoăn, dịch âm đạo xuất hiện.

- Giai đoạn 4: kỳ kinh nguyệt đầu tiên, vú bắt đầu có hình dạng của người phụ nữ trưởng thành.

- Giai đoạn 5: có sự trưởng thành đầy đủ về giới tính của một người lớn, lông mu có xu hướng dài ra tới mặt trong đùi, tăng trưởng về chiều cao chậm lại rồi dừng hẳn.

Các dấu hiệu dậy thì ở bé trai qua 5 giai đoạn của Tanner:

- Giai đoạn 1: tiền dậy thì, không có sự phát triển của các đặc trưng về giới tính.

- Giai đoạn 2: tinh hoàn bắt đầu to ra, bắt đầu có mùi cơ thể của người trưởng thành.

- Giai đoạn 3: dương vật bắt đầu to ra, bắt đầu có xuất tinh về đêm, xuất hiện lông mu đầu tiên.

- Giai đoạn 4: chiều cao tăng nhanh, dương vật và bìu to ra, lông mu trở nên thô và xoăn hơn, phát triển kiểu ngực của nam giới.

- Giai đoạn 5: có sự trưởng thành đầy đủ về giới tính của một người lớn, lông mu có xu hướng dài ra tới mặt trong đùi, tăng trưởng về chiều cao chậm lại rồi dừng hẳn.

Chẩn đoán[sửa]

Tuổi dậy thì xuất hiện ở ngoài giới hạn tuổi bình thường nên được xem xét tìm hiểu nguyên nhân. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu trẻ có biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của dậy thì sớm hay dậy thì muộn. Bác sĩ nhi khoa có thể sẽ giới thiệu con bạn tới một chuyên gia nội tiết.

Một vài rối loạn có thể gặp trong quá trình dậy thì:

- Quá nhiều hormon kích thích là nguyên nhân gây dậy thì sớm. Nó có thể có nguồn gốc từ não hoặc đến từ cơ quan sinh dục và tuyến thượng thận. Sự tăng sản xuất quá mức có thể gây ra bởi các khối u hoặc do hoạt động quá mức.

- Tương tự như vậy, dậy thì muộn là do thiếu hormon. Nếu tuyến yên sản xuất không đủ hormon thì sẽ tác động đến cơ quan sinh dục và tuyến thượng thận làm cho chúng cũng sẽ không sản xuất đủ các hormon.

- Có nhiều rối loạn bẩm sinh của các tuyến nội tiết kể cả các trường hợp giảm sút sản xuất hormon. Những trẻ này không có thời kỳ dậy thì bình thường, nhưng có thể tạo ra được thời kỳ dậy thì bằng việc cung cấp hormon thích hợp vào thời điểm thích hợp.

- Cuối cùng, một vài phái nữ có sự bất thường trong việc sản xuất hormon, sinh ra các đặc trưng của phái nam, được gọi là hội chứng nam hóa (hội chứng virilizing). Nếu xuất hiện ở giai đoạn vị thành niên, nó sẽ làm xáo trộn tiến trình dậy thì bình thường. Lưu ý rằng, để nam hóa xảy ra thì phải có sự bất thường về hormon ở phái nữ, trong khi nữ hóa là hậu quả từ sự thiếu hụt hormon ở phái nam. Cũng cần biết thêm rằng mỗi phôi (giai đoạn đầu của thời kỳ sau thụ tinh) đều khởi đầu cuộc sống là một bé gái. Khi hormon nam xuất hiện thì sẽ chuyển dạng một phôi thai ban đầu thành bé trai.

Khám toàn thân[sửa]

Khám thể chất có thể cho biết sự phát triển của các đặc điểm sinh dục ở trẻ: dựa trên sự phát triển của lông mu, sự phát triển của bộ phận sinh dục bé trai và sự phát triển của vú ở bé gái. Ở bé gái, trong phần lớn các trường hợp sự phát triển ở vú xảy ra trước khi có kinh nguyệt. Thuật ngữ y khoa gọi sự thay đổi ở bé gái đó là sự nẩy “chồi” tuyến vú.

Cả 2 giới đều mọc lông nách và mụn nhọt. Bé trai phát triển khối cơ, giọng nói trầm hơn và mọc râu. Bé gái thì có sự phân chia lại khối mỡ trong cơ thể. Cùng với sự trưởng thành của cơ quan sinh dục là sự tăng trưởng nhanh về chiều cao, trung bình 8-10 cm rồi đạt đỉnh ở tầm vóc người trưởng thành. Dậy thì có thể là sớm hay muộn, nó phụ thuộc vào thời điểm các hormon sinh dục được phóng thích.

Xét nghiệm[sửa]

Dậy thì sớm hay dậy thì muộn đều cần định lượng nhiều loại hormon liên quan để xác định là chúng bị thiếu hay thừa. Có nhiều loại xét nghiệm máu cho mỗi loại. Nếu nghi ngờ có khối u, thì cơ quan nghi ngờ cần được chụp hình bằng X-quang, chụp căt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ để kiểm tra.

Trong trường hợp dậy thì sớm ở bé gái, bác sĩ có thể thực hiện siêu âm vùng chậu để kiểm tra xem có khối u hay u nang buồng trứng hay không.

Điều trị[sửa]

Trẻ em bắt đầu dậy thì trong độ tuổi bình thường và gần như cùng thời gian với bạn bè cùng trang lứa thì thường không cần điều trị. Đối với những trẻ dậy thì sớm hay dậy thì muộn thì có thể sử dụng liệu pháp hormon. Đối với những trẻ có dấu hiệu dậy thì khác với trật tự thông thường (ví dụ như bé gái có kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào về cơ thể, hay bé trai có sự thay đổi về giọng nói đột ngột trước khi cơ thể lớn lên và có râu) tư vấn tâm lý có thể có lợi cho trẻ.

Hầu hết các thanh thiếu niên đều trải qua những khó chịu và bối rối liên quan tới sự thay đổi một số chỗ trên cơ thể, từ việc có mụn và sự xuất hiện mùi cơ thể của người trưởng thành, đến việc lớn nhanh đột ngột và sự mất cân bằng thể chất tạm thời. Những trẻ phát triển sớm hay muộn hơn các bạn đồng trang lứa hoặc có biểu hiện có dấu hiệu của dậy thì theo một trật tự khác với mô hình thông thường, các trẻ này có thể tự nhận thức được và trở nên lo lắng. Bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình có thể giúp trẻ bằng cách tập trung vào những phẩm chất của trẻ hơn là ngoại hình, và không trêu trọc trẻ về những thay đổi trên cơ thể của trẻ. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ của trẻ có thể cho thêm lời khuyên và giúp trấn an trẻ.

Ở trẻ dậy thì sớm, các tuyến hoặc khối u bất thường có thể cần sự can thiệp bằng phẫu thuật. Hiện nay có nhiều loại thuốc có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của các hormon khi nó được phóng thích quá sớm như: Histrelin (Supprelin LA), Nafarelin (Synarel), Progestin (Depo- Provera), Leuprolide (Lupron)…

Nếu dậy thì muộn, dậy thì có thể được kích thích bằng các loại hormon phù hợp. Khi cần can thiệp thì không nên trì hoãn điều trị vì nó có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của xương.

Tuy nhiên, một số bác sĩ muốn theo dõi sự phát triển của trẻ trong nhiều tháng hơn là bắt đầu ngay việc kê toa các thuốc nội tiết, đặc biệt là khi trong gia đình của trẻ có thành viên dậy thì sớm hoặc muộn.

Tiên lượng[sửa]

Hơn 99% trẻ em bắt dầu dậy thì trong độ tuổi bình thường, chỉ có tỉ lệ nhỏ trẻ em dậy thì sớm (khoảng 1/160) hay dậy thì muộn (cũng chiếm tỉ lệ thấp tương tự). Các vấn đề này thường được điều trị thành công.

Phòng bệnh[sửa]

Một số yếu tố ảnh hưởng tới thời điểm dậy thì như giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình, là những yếu tố không thay đổi được. Tuy nhiên cha mẹ có thể giúp con bằng cách tránh các thực phẩm bổ sung hay thuốc dành cho người lớn có chứa hormon sinh dục và giúp trẻ duy trì cân nặng hợp lý.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ballard, Carol. Understanding Reproduction. New York: Rosen CenUptral, 2010.
  2. Powell, Jillian. Puberty. Mankato, MN: Arcturus Publishing, 2011. Zembar, Mary Jo, and Libby Balter Blume. Middle
  3. Đỗ Trung Quân. Bệnh nội tiết chuyển hóa, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2013.
  4. Carel, J.C., et al. "Consensus Statement on the Use of Gonadotropin-releasing Hormon Analogs in Children." Pediatrics 123 (April 2009): 752-62.
  5. Phạm Thị Minh Đức. Sinh lý học, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2011.
  6. Forbes, E.E., and R.E. Dahl. "Pubertal Development and Behavior: Hormonal Activation of Social and Motiva- tional Tendencies." Brain and Cognition 72 (February 2010): 66–72.
  7. Schuiling. Women's Gynecologic Health. Jones & Bartlett Learning, 2016, p. 22. ISBN 978-1-284-12501-6.
  8. Butts, S.F., and D. B. Seifer. "Racial and Ethnic Differences in Reproductive Potential across the Life Cycle." Fertility and Sterility 93 (February 2010): 681-90.