Mục từ này cần được bình duyệt
Dương Tử Giang

Dương Tử Giang (1915-1956) nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng, liệt sỹ, tên khai sinh là Nguyễn Tấn Sĩ, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1915 trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nay thuộc thành phố Bến Tre. Ngoài tên Dương Tử Giang (DTG), ông còn có các bút danh khác như: Trúc Giang, Trước Giang Tử, Nhiêu Ân, Thương Quân, Nguyễn Thị Việt Nam...

Thuở nhỏ DTG học tại trường tiểu học ở quê, đến cuối cấp chuyển lên Mỹ Tho. Sau khi học hết tiểu học, ông thi vào học tại Trường trung học Mỹ Tho (Collège de Mytho).

Chân dung Dương Tử Giang (Ảnh Tư liệu)

Kết thúc năm học 1933 - 1934, ông đậu Thành chung (chương trình Pháp-Việt), đồng thời nhận cả hai bằng theo chương trình Pháp là Brevet Élémentaire và BEPC. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, DTG không theo học tú tài mà ở lại Mỹ Tho lập thân kiếm sống bằng các nghề bán hàng tạp hóa, cắt tóc, dạy học và lập gánh hát. Sau khi gánh hát Thanh Kỳ thất bại, DTG lên Sài Gòn, vừa dạy học ở Thủ Đức, vừa viết báo, viết văn. Một thời gian sau, DTG thi vào làm viên chức ngành thuế quan ở Sài Gòn. Năm 1944, ông chuyển đến Hà Tiên làm thư ký ở Ty Thương chánh. Do có khúc mắc trong công việc, giữa năm 1945, DTG rời Ty Thương chánh Hà Tiên về Sài Gòn làm báo, viết văn. Được nhà văn Thiếu Sơn giới thiệu, DTG ra nhập Đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam (SFIO).

Tháng 9 năm 1945, khi quân Pháp quay lại chiếm đóng Sài Gòn, DTG dắt díu vơ con về quê dạy học kiếm sống. Nhưng đến tháng 02 năm 1946, DTG lại quay lên Sài Gòn tiếp tục viết văn, làm báo. Do viết báo tố cáo chế độ cai trị nên sau Tết Đinh Hợi 1947, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam hơn 9 tháng. Ngày 16 tháng 10 năm 1947, ông được trả tự do và trở về với trận địa báo chí công khai ở Sài Gòn. Giữa năm 1950, sau đám tang nhà báo Nam Quốc Cang - người bị chính quyền Sài Gòn bắn chết, DTG bị truy bắt ráo riết nên tổ chức đã rút ông ra chiến khu làm báo Cứu quốc, rồi về Ban Văn nghệ, Sở Văn hóa, Thông tin Nam Bộ. Ông được giao thành lập đoàn tuồng, tổ chức đi lưu diễn phục vụ cán bộ và nhân dân vùng tự do những vở tuồng do chính ông sáng tác và dàn dựng.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, DTG được tổ chức bố trí về Sài Gòn làm báo công khai nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách đúng đắn của cách mạng, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân và đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đêm ngày 08 tháng 10 năm 1955, khi đang làm việc tại tòa soạn báo Duy tân, DTG bị địch bắtđưa về bót Catina, sau đó đưa lên Trung tâm cải huấn Biên Hòa (nhà lao Tân Hiệp). Tại đây, ông đã liên hệ với tổ chức Đảng cộng sản trong nhà tù để tổ chức phong trào đấu tranh của các tù nhân tự bảo vệ và chống lại sự đàn áp của kẻ thù. Tối ngày 02 tháng 12 năm 1956, DTG cùng chi bộ đảng trong nhà tù tổ chức cuộc vượt ngục tập thể. Trong khi hơn bốn trăm sáu mươi tù nhân vượt ngục thành công, trở về với tự do, thì hai mươi tù nhân trong đó có ông bị địch bắn chết và gom lại chôn chung trong một ngôi mộ. Do sự biến đổi của tự nhiên, cho đến ngày nay dấu tích của ngôi mộ đó vẫn chưa thể tìm ra.

DTG là một con người giàu nhiệt huyết, một chiến sỹ cách mạng trung kiên, và cũng là một nghệ sỹ đa tài. Ông viết truyện, tiểu thuyết, làm thơ, dịch tác phẩm nước ngoài, viết và dàn dựng các vở tuồng. Trong di sản văn học của ông có các tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: Bịnh học (tiểu thuyết, 1937); Con gà và con cáo (tiểu thuyết, 1939); Thế giới vị lai (truyện dịch, 1946); Tranh đấu (tiểu thuyết, 1949); Một vũ trụ sụp đổ (tiểu thuyết, 1949); Chuồng báo (kịch trào lộng, 1949); Cô Sáu tào thưng (truyện thơ, 1949); Vè Bảo Đại (1950); Trương Phi thủ Cổ thành (tuồng); Nửa đêm về sáng (truyện ngắn); Tam Tạng thỉnh kinh (tuồng); Nguyễn Trung Trực quy thần (tuồng); Ký Charton và Le Page (tuồng)…

Hoạt động báo chí của DTG có thể chia thành ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất từ khoảng năm 1936 khi ông bắt đầu rời Mỹ Tho lên Sài Gòn đến giữa năm 1950, trước khi ông thoát ly ra chiến khu kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ. Trong thời gian đầu của thời kỳ này, ông cộng tác và viết cho một số từ báo ở Sài Gòn như: Mai, Dư luận, Sống, Thanh niên, Justice-Công lý... Sau Nam Bộ kháng chiến bùng nổ, hoạt động báo chí của DTG càng sôi nổi, nhiệt huyết hơn. Ông cộng tác, viết bài cho nhiều tờ báo tiến bộ công khai ở Sài Gòn, thường xuyên cung cấp thông tin, bài viết về tình hình và các sự kiện ở Sài Gòn cho Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ và báo chí ngoài chiến khu. Năm 1946, ông lập ra tờ Văn hóa và trực tiếp làm chủ nhiệm báo. Các bài viết trên báo Văn hóa thể hiện rõ quan điểm ủng hộ kháng chiến, ca ngợi lãnh tụ, phản đối chính sách cai trị của nhà cầm quyền, đấu tranh đời tự do ngôn luận, báo chí. Ngay từ số đầu tiên ra ngày 10.11.1946, Chủ bút DTG đã cho đăng bài ca ngợi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong mục “Anh hùng tạo thời thế”, giới thiệu Giáo sư Phạm Thiều – một trí thức Sài Gòn tham gia kháng chiến và bài thơ “Ly rượu thọ” của Tố Hữu. Đầu năm 1947, sau khi DTG viết và cho đăng trên tờ Văn hóa một bài báo tố cáo đội quân viễn chinh Pháp áp bức, cướp bóc và giết hại người dân Việt Nam, báo bị đình bản và ông bị bắt giam ở Khám Lớn, Sài Gòn. Trong nhà tù, ông tiếp tục cộng tác viết bài cho các tờ báo bí mật: Tiếng tùĐêm Khám Lớn.

Ra khỏi nhà tù sau hơn chín tháng bị giam giữ khủng bố, DTG lại lao vào mặt trận báo chí. Ông tham gia Ban biên tập báo Nay... Mai, viết bài cho tờ Tiếng chuông, Chủ bút tờ tuần báo Em, cộng tác với tờ Thần chung, Giám đốc kiêm Chủ bút tờ Việt báo... Sau mỗi tờ báo bị đóng cửa, ông lại ngay lập tức tạo dựng hoặc trực tiếp làm việc với một tờ báo mới như mọt thứ vũ khí đấu tranh. Thời kỳ thứ hai từ cuối năm 1950 đến khi Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam được ký kết năm 1954, DTG hoạt động ở khu căn cứ kháng chiến. Thời gian đầu, ông làm việc ở báo Cứu quốc. Về sau, ông được giao tổ chức đoàn tuồng để lưu diễn phục vụ cán bộ, nhân dân, nâng cao đời sống văn hóa của chiến khu kháng chiến. Thời kỳ thứ ba từ cuối năm 1954 đến khi ông bị địch bắt và hy sinh. Đây là thời kỳ rất khó khăn, nguy hiểm khi chính quyền Ngô Đình Diệm ra tay khủng bố những người cách mạng và chống đối. Dưới sự chỉ đạo của tổ chức đảng, DTG tiếp tục viết báo, thay đổi các bút danh khác nhau để đăng tải trên những tờ báo tiến bộ, có cảm tình với cách mạng nhằm ủng hộ Hiệp định Giơnevơ, yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ông thành lập báo Bình dân để trực tiếp tuyên truyền theo đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản. Ngay sau khi chính quyền đóng cửa báo Bình dân, DTG lần lượt làm chủ bút các báo Điện báo, Thứ năm, Duy tân. Bị địch bắt, cùm kẹp, tra tấn, ông vẫn kiên trung, không lùi bước, một lòng một dạ với lý tưởng cách mạng, như lời bài thơ “Giữ dạ sắt đinh”ông viết trong ngục tối “Máu lệ dẫu chan hòa ngục thất/ Tâm hồn vẫn rực lửa bình minh”.

DTG được truy tặng Huy chương vì sự nghiệp báo chí. Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Võ Anh Giang: Dương Tử Giang - Cuộc đời và sự nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, NXB Tổng hợp tỉnh Đồng Nai,1998.
  2. Hoàng Tấn: Nhớ Dương Tử Giang (sách Chân dung các nhà báo liệt sỹ, Hội nhà báo Việt Nam, 12-1999, tr. 204-213).
  3. Đinh Nhài: Dương Tử Giang: Nhà báo, nhà văn, nghệ sỹ tài năng và phẩm hạnh, trang Thư viện tỉnh Đồng Nai, ngày 01-9-2016.
  4. PGS.TS. Đào Duy Quát, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, PGS.TS. Vũ Duy Thông (chủ biên): Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925-2010), Nxb CTQG, HN, 2010.
  5. Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh, 2016.