Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chu Huy Mân
Tập tin:Đại tướng Chu Huy Mân.png
Đại tướng Chu Huy Mân

Chu Huy Mân (1913-2006), là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1977-1981).

Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, các bí danh Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Hai Mạnh…, sinh ngày 17.3.1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Tham gia cách mạng từ năm 1929; tháng 11.1930, Chu Văn điều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), tham gia Đội Tự vệ Đỏ, được cử làm Đội phó, sau làm Bí thư Chi bộ xã. Năm 1935, Chu Văn Điều đổi tên là Chu Huy Mân, được phân công làm Bí thư phân Huyện ủy Hưng Nguyên. Từ năm 1937 đến năm 1940, bị thực dân Pháp bắt, giam nhiều lần tại nhà lao Vinh, sau chuyển đến giam tại nhà lao Đắk Lay, Đắk Tô (Kon Tum). Đầu năm 1943 vượt ngục về tham gia Ban Việt Minh và Tỉnh ủy Quảng Nam.

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Chu Huy Mân được cử giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Quảng Nam. Sau khi giành được chính quyền cách mạng, Chu Huy Mân tham gia quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, Chủ tịch Ban Quân chính Khu C, Chính trị viên Mặt trận Đường 9. Từ năm 1947 đến năm 1949 là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72 (Bắc Kạn), Trung đoàn 74 (Cao Bằng); Chính ủy Trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng). Chu Huy Mân tham gia lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 174 phục kích địch trên Đường số 4, diệt gần 500 địch, bắt 60 địch, làm bị thương 300 địch, phá hủy 53 xe quân sự, cắt đứt đường vận chuyển chiến lược của quân Pháp từ miền xuôi lên Việt Bắc.

Từ tháng 5.1951 đến tháng 7.1954, giữ chức Phó Chính ủy sau làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, Chu Huy Mân cùng với Ban Chỉ huy, lãnh đạo Đại đoàn 316 tham gia nhiều chiến dịch lớn: Hòa Bình (12.1951-2.1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954)..., góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm 1954-1956 và năm 1959-1960, lấy bí danh Vũ Chân, Chu Huy Mân được cử làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào. Năm 1957 được bổ nhiệm Chính ủy Quân khu 4. Năm 1958, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Từ tháng 12.1960 đến tháng 4.1961, làm Cố vấn quân sự cho Chính phủ Liên hiệp Lào, Chu Huy Mân có công giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng vùng giải phóng. Tháng 5.1961, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1962 học tại Học viện Quân sự Phrunde (Liên Xô).

Tháng 9.1963 lấy bí danh Hai Mạnh, Chu Huy Mân được cử vào chiến trường miền Nam, đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng đoàn Kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Phó Bí thư Khu ủy, sau làm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (8.1965). Chu Huy Mân cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xây dựng ý chí chiến đấu và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược cho các lực lượng vũ trang; tổ chức chiến trường, đề xuất chủ trương xây dựng lực lượng tập trung từ cấp trung đoàn, sư đoàn theo hướng gọn nhẹ, nâng cao khả năng cơ động, đủ sức đánh tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, góp phần vào chiến thắng Ba Gia, Plei Me (1965), Sa Thầy (1966)... Năm 1967, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5, Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Quân khu 5 thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tiêu diệt lớn lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch; kết hợp tiến công và nổi dậy đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Tháng 3.1975, được giao làm Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng, Chu Huy Mân cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Đà Nẵng và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ tháng 3.1977 đến năm 1986, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy, Trưởng ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, kiêm Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc, Chu Huy Mân luôn quan tâm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội; đồng thời có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.

Năm 1981, Chu Huy Mân được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa III-V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V; Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1958), quân hàm vượt cấp lên Thượng tướng (1974), Đại tướng (1980). Tháng 12.1986, Chu Huy Mân nghỉ hưu; từ trần ngày 1.7.2006 tại Hà Nội.

Chu Huy Mân có nhiều bài nói, bài viết về phẩm chất người đảng viên cộng sản; về hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổng hợp và xuất bản thành sách, như: “Nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang nhân dân” (1979); “Nâng cao phẩm chất cộng sản của đảng viên” (1985); “Người chính ủy trong Quân đội nhân dân Việt Nam” (2006)…

Là một vị tướng văn, võ song toàn, có tầm chiến lược và giỏi về chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật,... Chu Huy Mân đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tại xã Hòa Hưng có nhà tưởng niệm Chu Huy Mân; tên của Chu Huy Mân được đặt cho đường phố ở một số địa phương của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 249.
  2. Đại tướng Chu huy Mân - Thời sôi động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Đại tướng Chu Huy Mân Nhà Chính trị, quân sự tài ba, tấm gương về đọa đức cách mạng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
  4. Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 2007, tr. 61, 62.
  5. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 187;
  6. Nguyễn Ngọc Phúc, 25 tướng lĩnh Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2013, tr. 110-125.
  7. Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước..., Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng việt Nam và quê hương Nghệ An, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.
  8. 12 vị đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nxb Đồng Nai, 2014, tr. 377- 387.
  9. Tướng lĩnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 81-87.
  10. Thường vụ Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Quân khu 4 (1945-2015), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015.
  11. Tạp chí quốc phòng toàn dân ngày 15.3.2013, Đại tá PGS TS Nguyễn Minh Đức, Chu Huy Mân chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh.
  12. Thiếu tướng PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Vị tướng dũng cảm mưu lược quyết đoán.