Mục từ này cần được bình duyệt
Chu Cẩm Phong

Chu Cẩm Phong (1941-1971) nhà báo, nhà văn, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông sinh tại thị xã Hội An, Quảng Nam với tên khai sinh là Trần Tiến. Cha ông là cán bộ chỉ huy quân sự của Hội An thời kháng chiến chống Pháp, mẹ là cơ sở cách mạng hoạt động bí mật tại thị xã Hội An thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 1954, Chu Cẩm Phong (CCP) theo cha tập kết ra Bắc, rồi từ trường học sinh miền Nam số 24 Hải Phòng, ông vào học khoa Ngữ - Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1963 khi đang học đại học năm thứ ba.

Tốt nghiệp đại học vào loại xuất sắc, ông được chọn đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng CCP đã xin về Nam chiến đấu. Giữa năm 1964, CCP theo học lớp phóng viên đào tạo cấp tốc do Việt Nam Thông tấn xã tổ chức để phục vụ chiến trường B. Học xong, ông được cử về làm phóng viên Phân xã Khu Năm trong tư cách một phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã.

Sau một thời gian làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và Khu Năm, CCP chuyển sang làm phóng viên, biên tập tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, Bí thư Chi bộ cơ quan Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu Năm. Trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày, ở đâu, làm gì, CCP cũng luôn luôn là một đảng viên, một cán bộ tiên phong, gương mẫu.

Ngày 01 tháng 5 năm 1971, từ dưới hầm bí mật bên bờ khe Mỹ Lược, thôn 2 Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), trong một cuộc chiến đấu không cân sức với một tiểu đoàn liên quân Mỹ ngụy tấn công từ trên, CCP cùng ba chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh, để lại tấm gương ngời sáng của một nhà văn - nhà báo chiến sĩ cùng những trang viết mang đậm dấu ấn lịch sử của một giai đoạn đấu tranh anh dũng trong hành trình giải phóng dân tộc trên đất Quảng Đà và sẽ còn lay động nhiều thế hệ.

Trên vùng đất Quảng Đà, CCP là một cán bộ, một người làm báo rất say mê với thực tế của cuộc sống và chiến đấu, không sợ gian khổ, hy sinh. Lúc nào cũng tranh thủ tiếp xúc với mọi người, nếu có dịp và tranh thủ ghi chép tài liệu, ghi chép những suy nghĩ, nhận xét đúng như tác phong của một người làm báo, viết văn. Ông cũng sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà địa phương, đơn vị nơi ông đến cần giúp: Viết bản tin, viết bài cho báo địa phương, cho tạp chí Văn nghệ địa phương, viết truyền đơn, viết thông báo, dự họp Đảng ủy, họp chi bộ để nắm tình hình…

CCP không chỉ xung phong mà xin được cho đến những nơi chiến trường đang nóng bỏng ác liệt nhất. Ngoài bạn bè đồng đội cùng sống, chiến đấu bên ông nhận xét, thì những trang nhật ký mà ông để lại là bằng chứng trung thực quý giá nhất để qua đó mỗi người có sự cảm nhận và đánh giá về CCP một cách khách quan, công bằng.

Ngày 08 tháng 01 năm 1970, kỷ niệm bảy năm vào Đảng, CCP viết trong Nhật ký:“Sắp đến mình sẽ đi công tác, mình nhận đi lại Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất. Mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình, nhất là mẹ mình sẽ đau khổ đến chừng nào. Mình biết điều đó. Mình là con trai được cả nhà yêu thương… Nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: Dũng cảm, say sưa quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng HẠNH PHÚC lắm thay!”.

CCP là tác giả của các tác phẩm truyện và ký: Mặt biển mặt trận (1972), Rét tháng Giêng (1975) và tác phẩm được coi là quan trọng nhất của ông là Nhật ký chiến tranh- một tập hợp những ghi chép thường ngày của ông tại cuộc sống ở chiến trường, bắt đầu từ ngày 11 tháng 7 năm 1967 và kết thúc vào 24 tháng 4 năm 1971, bảy ngày trước khi ông hy sinh.

CCP đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010.

  == Tài liệu tham khảo==
  1. Chân dung các nhà báo liệt sĩ, Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1999 .
  2. Nhật ký Chu Cẩm Phong, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000.
  3. Tuyển tập Chu Cẩm Phong, Nxb Đà Nẵng, 2005.
  4. Văn nghệ sĩ Liên khu V, Lý tưởng - Nhân cách - Sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.