Chiến tranh Trung - Nhật

Chiến tranh Trung-Nhật (1937–1945) là cuộc xung đột quân sự chủ yếu diễn ra giữa Trung Hoa Dân QuốcĐế quốc Nhật Bản. Đây là một phần của Chiến tranh Thái Bình Dương thuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai. Sự biến Lư Câu Kiều ngày 7 tháng 7 năm 1937 được quy ước là khởi đầu của cuộc chiến, khi mà một vụ tranh chấp giữa quân lính Nhật và Trung ở Bắc Kinh đã leo thang lên thành một cuộc xâm lược toàn diện. Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản này thường được xem là đã khơi mào Chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Á.[1] Vào năm 2017 Bộ trưởng Giáo dục của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ra sắc lệnh sửa đổi thuật ngữ "chiến tranh tám năm" ở mọi cuốn sách giáo khoa thành "chiến tranh mười bốn năm" với thời điểm bắt đầu là ngày 18 tháng 9 năm 1931 lúc Nhật Bản xâm lược Mãn Châu.[2] Theo nhà sử học Rana Mitter, các nhà sử học ở Trung Quốc không hài lòng với sửa đổi này và mặc cho những căng thẳng duy trì, chính Trung Hoa Dân Quốc cũng không nhận định là luôn trong tình trạng chiến tranh với Nhật Bản vào thời kỳ 1931–1937.[3]

Liên Xô và Hoa Kỳ viện trợ cho Trung Quốc chiến đấu chống Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản tấn công Mã LaiTrân Châu Cảng vào năm 1941, cuộc chiến đã hòa vào những xung đột khác mà nhìn chung được xếp thuộc Chiến trường Trung Miến Ấn, một địa bàn lớn của Chiến tranh thế giới thứ Hai. Một số học giả cho rằng Chiến tranh châu ÂuChiến tranh Thái Bình Dương là hoàn toàn tách biệt mặc dù diễn ra đồng thời. Số học giả khác thì nhận định Chiến tranh Trung-Nhật toàn diện bắt đầu năm 1937 là sự khởi đầu của Chiến tranh thế giới thứ Hai.[4][5][6] Chiến tranh Trung-Nhật là cuộc chiến lớn nhất ở châu Á trong thế kỷ 20.[7] Khoảng 10 đến 25 triệu dân thường Trung Quốc cùng hơn 4 triệu quân nhân Trung Quốc và Nhật Bản đã mất tích hoặc thiệt mạng vì bạo lực, nạn đói và những nguyên nhân khác liên quan đến cuộc chiến, khiến nó đóng góp phần lớn vào thương vong của Chiến tranh Thái Bình Dương.

Cuộc chiến này là hệ quả của chính sách đế quốc chủ nghĩa Nhật Bản kéo dài hàng thập kỷ nhằm bành trướng tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự vì nguồn nguyên liệu thô, lương thực, và lao động. Chính thể Nhật Bản đã chịu sức ép gia tăng trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Những người phái tả mưu cầu quyền phổ thông đầu phiếu cùng những quyền lợi lớn hơn cho người lao động. Sản lượng dệt may gia tăng từ các nhà máy Trung Quốc tác động xấu đến hoạt động sản xuất của Nhật Bản và Đại Suy thoái khiến xuất khẩu trì trệ. Tất cả điều này đã góp phần tạo ra chủ nghĩa dân tộc đấu tranh, lên đến đỉnh điểm là việc phe quân phiệt giành chính quyền. Vào thời hưng thịnh lãnh đạo phe này là nội các Hideki Tojo nhận chỉ dụ từ Thiên hoàng Hirohito. Sự biến Phụng Thiên năm 1931 đã châm ngòi cho cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản. Trung Quốc bại trận và Nhật Bản đã sáng lập một quốc gia bù nhìn mới là Mãn Châu Quốc. Giai đoạn 1931-1937 hai nước tiếp tục đụng độ trong những trận đánh nhỏ, cục bộ, hay gọi là những vụ xô xát.

Sau biến cố Cầu Lư Câu, Nhật Bản đã có nhiều trận thắng lớn, chiếm Bắc Kinh, Thượng Hảithủ đô Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1937. Sau khi không thể ngăn chặn quân Nhật trong Trận Vũ Hán, chính quyền trung ương Trung Quốc đã di dời đến Trùng Khánh trong nội địa. Sự hỗ trợ vật chất to lớn từ Hiệp ước Trung-Xô 1937 đã giúp Lục quân và Không quân Trung Quốc duy trì kháng chiến mạnh mẽ chống Nhật Bản. Đến năm 1939, sau những thắng lợi của Trung Quốc ở Trường Sa, Quảng Tây cùng việc tuyến liên lạc của Nhật Bản bị kéo căng sâu trong nội địa Trung Quốc thì chiến tranh đã rơi vào bế tắc. Nhật Bản đã không thể đánh bại lực lượng cộng sản Trung Quốc, thủ phạm tiến hành một chiến dịch phá hoại cùng chiến tranh du kích, ở Thiểm Tây. Tuy vậy rốt cục họ đã giành phần thắng trong Trận Nam Quảng Tây kéo dài một năm và chiếm đóng Nam Ninh, cắt đứt tuyến đường cuối cùng nối thủ đô thời chiến Trùng Khánh ra biển. Nhật Bản cai quản những thành phố lớn nhưng lại thiếu nhân lực để kiểm soát miền quê bao la của Trung Quốc. Tháng 11 năm 1939, lực lượng quốc dân Trung Quốc phát động một cuộc tấn công mùa đông quy mô lớn và vào tháng 8 năm 1940 lực lượng cộng sản Trung Quốc cũng phát động một cuộc phản công ở miền trung nước này. Hoa Kỳ hỗ trợ Trung Quốc bằng loạt hành động tẩy chay Nhật Bản, đỉnh điểm là việc ngừng xuất khẩu thép và xăng đến Nhật Bản vào tháng 6 năm 1941. Thêm vào đó còn có những đội lính đánh thuê Hoa Kỳ như Flying Tigers hỗ trợ trực tiếp.

Vào tháng 12 năm 1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng và tuyên chiến với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng tuyên chiến ngược lại và tăng cường viện trợ cho Trung Quốc. Dưới đạo luật Lend-Lease, Hoa Kỳ đã trao cho Trung Quốc tổng cộng 1,6 tỷ đô-la. Vào năm 1944 Nhật Bản phát động Chiến dịch Ichi-Go, cuộc xâm lược Hà NamTrường Sa song không thể khiến lực lượng Trung Quốc đầu hàng. Một năm sau Lực lượng Viễn chinh Trung Quốc tiến quân lại vào Burma và hoàn thành Con đường Ledo kết nối Ấn Độ với Trung Quốc. Cùng thời gian Trung Quốc mở những cuộc phản công lớn ở Hoa Nam, tái chiếm Hồ Nam và Quảng Tây. Sau khi Nhật Bản chính thức đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, Trung Quốc đã lấy lại tất cả lãnh thổ từng mất vào tay Nhật Bản.

Cuộc xâm lược Mãn Châu và Hoa Bắc[sửa]

Quân Nhật tiến vào Thẩm Dương trong Sự biến Phụng Thiên

Chiến tranh ở Trung Quốc mang đến những thời cơ hoàn hảo cho Nhật Bản, bên nhìn thấy Mãn Châu như một nguồn cung nguyên liệu thô vô hạn, một thị trường cho hàng sản xuất, và một quốc gia đệm ngăn cách Liên XôSiberia. Nhật Bản xâm lược Mãn Châu ngay sau Sự biến Phụng Thiên xảy ra tháng 9 năm 1931. Nước Nhật cáo buộc rằng quyền lợi của họ ở Mãn Châu mà giành được sau thắng lợi trong Chiến tranh Nga-Nhật đã bị xâm phạm một cách có hệ thống và có "hơn 120 trường hợp xâm phạm quyền và lợi ích, cản trở buôn bán, tẩy chay hàng Nhật, đánh thuế vô lý, giam cầm các cá nhân, tịch thu tài sản, trục xuất, yêu cầu ngừng kinh doanh, tấn công và hành hung, người Hàn áp bức".[8]

Sau năm tháng giao tranh, Nhật Bản lập ra quốc gia bù nhìn Mãn Châu Quốc vào năm 1932 và đưa Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng là Phổ Nghi lên làm kẻ cai trị bù nhìn. Vì quân đội quá yếu không thể thách thức trực tiếp Nhật Bản nên Trung Quốc đã kêu gọi Hội Quốc Liên giúp đỡ. Hội Quốc Liên tiến hành điều tra và công bố báo cáo Lytton, lên án việc Nhật Bản xâm lược Mãn Châu khiến nước này rời khỏi hội. Không quốc gia nào có hành động phản đối Nhật Bản trên mức kiểm duyệt hờ hững.

Giao tranh xảy ra không dứt sau Sự biến Phụng Thiên. Vào năm 1932 binh sĩ Nhật và Trung đối đầu trong Sự biến 28 tháng 1, kết quả là Thượng Hải bị phi quân sự hóa khiến Trung Quốc không thể triển khai binh lực trong thành phố của họ. Ở Mãn Châu đang diễn ra một chiến dịch tiêu diệt những đội quân tình nguyện chống Nhật ra đời từ sự giận dữ chính sách không kháng chiến chống Nhật Bản của Tưởng Giới Thạch.

Vào năm 1933 Nhật Bản tấn công khu vực Vạn Lý Trường Thành. Hiệp định Đường Cô được ký kết sau đó đã trao cho Nhật Bản tỉnh Nhiệt Hà và một khu phi quân sự giữa Vạn Lý Trường Thành và vùng Bắc Kinh-Thiên Tân. Nhật Bản nhắm đến tạo ra thêm một vùng đệm khác giữa Mãn Châu Quốc và chính phủ Quốc dân Trung Quốc ở Nam Kinh.

Nhật Bản ngày càng lợi dụng những xung đột nội bộ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu kẻ thù. Cuộc Bắc phạt đã kết thúc nhiều năm mà quyền lực chính trị của chính phủ Quốc dân vẫn chỉ giới hạn ở Đồng bằng Sông Trường Giang. Các địa bàn khác của Trung Quốc về cơ bản nằm trong tay quân phiệt địa phương. Nhật Bản tìm kiếm những cộng tác viên người Trung và giúp họ thành lập những chính quyền thân Nhật. Chính sách này được gọi là Đặc thù hóa Hoa Bắc hay biết đến nhiều hơn là Phong trào Tự trị Hoa Bắc, áp dụng cho các tỉnh Sát Cáp Nhĩ, Tuy Viễn, Hà Bắc, Sơn Tây, và Sơn Đông.

Chính sách hiệu quả nhất ở nơi mà nay là Nội Mông và Hà Bắc. Vào năm 1935, dưới áp lực từ Nhật Bản, Trung Quốc đã ký Hiệp định He–Umezu theo đó cấm Quốc dân Đảng tiến hành các hoạt động ở Hà Bắc. Cùng năm Hiệp định Chin–Doihara được ký khiến Quốc dân Đảng bị trục xuất khỏi Sát Cáp Nhĩ. Bởi vậy đến hết năm 1935 chính phủ Trung Quốc về cơ bản đã từ bỏ miền bắc. Hội đồng Tự trị Đông Hà BắcHội đồng Chính trị Hà Bắc-Sát Cáp Nhĩ được Nhật Bản hậu thuẫn ra đời thế chỗ. Vào ngày 12 tháng 5 năm 1936 Chính phủ Quân sự Mông Cổ được thành lập ở Sát Cáp Nhĩ. Nhật Bản cung cấp mọi viện trợ kinh tế và quân sự cần thiết. Sau đó các lực lượng tình nguyện Trung Quốc tiếp tục kháng chiến chống Nhật ở Mãn Châu, Sát Cáp Nhĩ và Tuy Viễn.

Tiến trình chiến tranh[sửa]

1937: Cuộc xâm lược toàn diện Trung Quốc[sửa]

Đại nguyên soái Tưởng Giới Thạch thông báo về đường lối kháng chiến chống Nhật ở Liêm Khê vào ngày 10 tháng 7 năm 1937, ba ngày sau Sự biến Lư Câu Kiều.

Vào đêm ngày 7 tháng 7 năm 1937, binh lính Nhật và Trung giao tranh ở vùng lân cận Cầu Lư Câu, một tuyến đường trọng yếu dẫn đến Bắc Kinh. Cuộc đụng độ lộn xộn, lác đác ban đầu đã nhanh chóng leo thang thành một trận chiến thực sự và kết quả là Bắc Kinh cùng thành phố cảng Thiên Tân rơi vào tay quân Nhật. Vào ngày 29 tháng 7, khoảng 5000 binh sĩ của Quân đoàn số 1 và 2 thuộc Tập đoàn quân Đông Hà Bắc nổi dậy chống quân Nhật đồn trú. Số người bị giết bên cạnh quân nhân còn có khoảng 260 dân thường Nhật Bản sống ở Thông Châu theo Hiệp ước Tân Sửu 1901. Quân Trung Quốc sau đó phóng hỏa và phá hủy hầu khắp thành phố. Chỉ có khoảng 60 dân thường Nhật sống sót và họ đã trở thành nhân chứng cung cấp thông tin cho các phóng viên và nhà sử học sau này. Bởi tính chất hung bạo nhằm vào dân thường Nhật, binh biến Thông Châu đã khiến dư luận Nhật Bản bàng hoàng.

Trận Thượng Hải[sửa]

Quân Nhật đổ bộ gần Thượng Hải, tháng 11 năm 1937

Vì hài lòng với những thành tựu đạt được ở miền bắc Trung Quốc sau Sự biến Lư Câu Kiều nên lúc đầu Đại bản doanh ở Tokyo tỏ ra không mong muốn leo thang xung đột thành chiến tranh thực sự. Trong khi đó Quốc dân Đảng xác định rằng cuộc xâm lược của Nhật đã qua giai đoạn cao trào. Tưởng Giới Thạch mau chóng huy động quân đội của chính quyền trung ương và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của mình. Sau vụ một sĩ quan Nhật bị bắn do cố gắng xâm nhập sân bay quân sự Hồng Kiều vào ngày 9 tháng 8 năm 1937, phía Nhật đã yêu cầu toàn bộ lực lượng Trung Quốc phải rút khỏi Thượng Hải nhưng Trung Quốc không đồng ý.[9] Kết quả là cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đưa quân tiếp viện vào vùng Thượng Hải.

Vào ngày 13 tháng 8 năm 1937, binh lính Quốc dân Đảng tấn công các vị trí Thủy quân lục chiến Nhật ở Thượng Hải. Sau đó quân Nhật được sự yểm trợ của hỏa lực hải quân đã tràn vào thành phố tại Áp Bắc, dẫn tới Trận Thượng Hải. Sang ngày 14, lực lượng Trung Quốc dưới sự chỉ huy của Trương Trị Trung được lệnh đánh chiếm hoặc tiêu diệt những đồn lũy của Nhật ở Thượng Hải dẫn tới giao tranh đường phố ác liệt. Trong đợt tấn công tàu tuần dương Nhật Bản Izumo, máy bay của Quốc dân Đảng đã vô tình ném bom vào Khu định cư Quốc tế Thượng Hải làm hơn 3.000 dân thường thiệt mạng.[10]

Trong ba ngày từ 14 đến 16 tháng 8 năm 1937, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã nhiều lần điều động máy bay ném bom tầm xa G3M tân tiến khi ấy kết hợp cùng tàu sân bay nhằm dự kiến đánh bại Không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản đã phải đương đầu với sự kháng cự không ngờ từ các phi đoàn tiêm kích Curtiss Hawk II/Hawk IIIP-26/281 Peashooter, kết cục chịu tổn thất nặng nề (sau này ngày 14 tháng 8 đã được Quốc dân Đảng chọn là Ngày Không quân).[11][12]

Tham khảo[sửa]

Trích dẫn[sửa]

  1. Sun, Harmsen, Einreinhofer, Vlasova, Guo, Loong, "Shanghai 1937 – Where World War II Began", Shanghai 1937: Where World War II Began (trong English), truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2020, When did World War II begin? Shanghai 1937: Where World War II Began answers that question in a way most audiences will find surprising. Americans might say December 7, 1941… The day the Japanese Imperial Navy attacked the American naval base at Pearl Harbor, Hawaii. For Europeans, it was September 1, 1939… When Nazi Germany invaded Poland. But in China, people will tell you a different date. August 13, 1937.CS1 maint: multiple names: authors list (link)
  2. Cain, Sian (ngày 13 tháng 1 năm 2017), "China rewrites history books to extend Sino-Japanese war by six years", the Guardian (trong English), truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2021
  3. Mitter, Rana (2020), China's Good War: how World War II is shaping a new nationalism, Belknap Press
  4. Ferris, John; Mawdsley, Evan (2015), The Cambridge History of the Second World War, Volume I: Fighting the War (trong English), Cambridge: Cambridge University Press
  5. Förster & Gessler 2005, tr. 64.
  6. Shanghai 1937 – Where World War II Began (trong English), truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2020
  7. Bix, Herbert P. (1992), "The Showa Emperor's 'Monologue' and the Problem of War Responsibility", Journal of Japanese Studies, 18 (2): 295–363, doi:10.2307/132824, JSTOR 132824
  8. POLITICAL STRATEGY PRIOR TO OUTBREAK OF WAR PART I Japanese monograph No. 144
  9. Second Battle of Shanghai, World War II Database, truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2016
  10. Frederic E. Wakeman (tháng 9 năm 1996), Policing Shanghai, 1927–1937, University of California Press, tr. 280–281, ISBN 0-520-20761-0, truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2011
  11. "-Brief history of military airplanes", mnd.gov.tw, ngày 19 tháng 9 năm 2006, lưu trữ từ nguyên tác ngày 26 tháng 8 năm 2016, truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2016
  12. "War hero's son seeks to establish museum in Taiwan", Taipei Times, truy cập ngày 13 tháng 8 năm 2016