Mục từ này cần được bình duyệt
Chiến tranh Lạnh
Chiến tranh Lạnh
1947–1991
Một phần của kỷ nguyên hậu Thế chiến II
NATO vs. Warsaw (1949-1990).png

Cold War alliances mid-1975.svg

Trên:   NATO  Khối Warszawa trong Chiến tranh Lạnh
Dưới: Thế giới thứ Ba thời Chiến tranh Lạnh, tháng 4 – tháng 8 năm 1975

  Thế giới thứ Nhất: Khối Tây đứng đầu là Hoa Kỳ và đồng minh
  Thế giới thứ Hai: Khối Đông đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc và đồng minh

IvyMike2.jpg
Đám mây hình nấm của vụ thử hạt nhân Ivy Mike, 1952; một trong hơn một ngàn vụ thử tương tự mà Hoa Kỳ tiến hành giai đoạn 1945–1992
KoreanWarRefugeeWithBaby.jpg
Thiếu nữ Triều Tiên cõng người em trai trên lưng mệt mỏi lê bước gần xe tăng M46 Patton, Haengju, Hàn Quốc, 1951
Berlin Wall 1961-11-20.jpg
Công nhân Đông Đức xây dựng bức tường Berlin, 1961
P-2H Neptune over Soviet ship Oct 1962.jpg
Máy bay của Hải quân Mỹ theo dõi tàu hàng Liên Xô trong Khủng hoảng Tên lửa Cuba, 1962
ASTP handshake - cropped.jpg
Phi hành gia Hoa Kỳ Thomas P. Stafford (phải) bắt tay phi hành gia Liên Xô Alexei Leonov (trái) ngoài không gian, 1975
USS Yorktown collision.jpg
Tàu Bezzavetny của Liên Xô đâm vào tàu USS Yorktown, 1988
West and East Germans at the Brandenburg Gate in 1989.jpg
Bức tường Berlin sụp đổ, 1989
1991 coup attempt1.jpg
Xe tăng tại Quảng trường Đỏ trong Đảo chính tháng 8, 1991

Chiến tranh Lạnh là thời kỳ căng thẳng địa chính trị giữa Liên Xô cùng đồng minh (Khối Đông) và Hoa Kỳ cùng đồng minh (Khối Tây) sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Các nhà sử học không hoàn toàn thống nhất về thời điểm bắt đầu và kết thúc, nhưng nhìn chung giai đoạn này kéo dài từ lúc học thuyết Truman ra đời (12 tháng 3 năm 1947) đến khi Liên Xô tan rã (26 tháng 12 năm 1991).[1] Sở dĩ gọi là "lạnh" bởi không có giao tranh quy mô lớn trực tiếp giữa hai siêu cường mà mỗi bên chỉ hỗ trợ những cuộc xung đột địa bàn lớn gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Tình trạng đối đầu xuất phát từ tham vọng tranh giành sức ảnh hưởng về ý thức hệ và địa chính trị trên toàn cầu của cả hai sau mối liên minh tạm thời thành công với thắng lợi trước phe Trục vào năm 1945.[2] Bên cạnh phát triển vũ khí hạt nhân và triển khai quân sự thông thường, cuộc đấu vì thế thống trị còn được thể hiện qua những phương thức gián tiếp như chiến tranh tâm lý, hoạt động tuyên truyền, tình báo, cấm vận, ganh đua tại những sự kiện thể thao và cạnh tranh về công nghệ như Chạy đua Không gian.

Khối Tây dẫn đầu là Hoa Kỳ và các quốc gia Thế giới thứ Nhất khác mà nhìn chung dân chủ tự do nhưng bị ràng buộc với một mạng lưới các nước chuyên chế mà đa phần là cựu thuộc địa của họ.[3] Liên Xô và Đảng Cộng sản nước này lãnh đạo Khối Đông đồng thời có tầm ảnh hưởng khắp Thế giới thứ Hai. Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ các chính phủ cánh hữu cùng những cuộc nổi dậy, trong khi chính phủ Liên Xô tài trợ các đảng cộng sản và những cuộc cách mạng trên thế giới. Sau khi hầu hết các nước thuộc địa giành độc lập vào thời kỳ 1945–1960 thì nơi đây đã biến thành chiến trường Thế giới thứ Ba của Chiến tranh Lạnh.

Giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Lạnh bắt đầu không lâu sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc năm 1945. Hoa Kỳ sáng lập liên minh quân sự NATO vào năm 1949 trong nỗi e sợ Liên Xô tấn công và gọi chính sách toàn cầu đối đầu Liên Xô của họ là ngăn chặn. Hành động phản ứng của Liên Xô là thành lập Khối Warszawa vào năm 1955. Các cuộc khủng hoảng lớn giai đoạn này gồm Phong tỏa Berlin 1948–49, Nội chiến Trung Quốc 1927–1949, Chiến tranh Triều Tiên 1950–1953, Cách mạng Hungary 1956, Khủng hoảng Suez 1956, Khủng hoảng Berlin 1961, và Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962. Hoa Kỳ và Liên Xô cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Mỹ Latinh, Trung Đông, các nước châu Á và châu Phi phi thực dân.

Sau Khủng hoảng Tên lửa Cuba, một giai đoạn mới bắt đầu chứng kiến sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc làm phức tạp các mối quan hệ trong khối Cộng sản, trong khi đồng minh Pháp của Hoa Kỳ bắt đầu đòi thêm quyền tự chủ. Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc để dập tắt Mùa xuân Praha 1968 còn Hoa Kỳ vấp phải tình trạng hỗn độn trong nước từ phong trào dân quyền và phản đối Chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ 1960–70 nổi lên phong trào hòa bình quốc tế từ những người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Các hành động phản đối thử nghiệm vũ khí hạt nhân và ủng hộ giải trừ hạt nhân diễn ra bên cạnh những cuộc biểu tình chống chiến tranh quy mô lớn. Sang đến thập niên 1970, cả hai bên bắt đầu tính đến hòa bình và an ninh, mở ra một thời kỳ hòa hoãn chứng kiến các cuộc Đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược cùng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sắm vai đối trọng chiến lược với Liên Xô. Một số chế độ Mác-xít tự xưng ra đời ở Thế giới thứ Ba trong nửa sau thập niên 1970, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Angola, Cộng hòa Nhân dân Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Ethiopia, Campuchia Dân chủ, Cộng hòa Dân chủ Afghanistan, và Cộng hòa Nicaragua.

Thập niên 1970 trôi qua cũng là lúc hòa hoãn kết thúc với Chiến tranh Liên Xô–Afghanistan năm 1979. Đầu thập niên 1980 là một giai đoạn căng thẳng leo thang khác. Hoa Kỳ gia tăng áp lực kinh tế, quân sự, ngoại giao lên Liên Xô trong lúc nước này đang trải qua sự trì trệ về kinh tế. Vào giữa thập niên 1980, nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Mikhail Gorbachev đã giới thiệu những cải cách tự do hóa là glasnost (công khai, 1985), perestroika (cải tổ, 1987) và chấm dứt sự can thiệp của Liên Xô ở Afghanistan. Sức ép đòi chủ quyền quốc gia ngày càng lớn hơn ở Đông Âu và Gorbachev từ chối tiếp tục hỗ trợ quân sự những chính phủ này.

Vào năm 1989, sự sụp đổ của Bức màn Sắt sau cuộc dã ngoại toàn Âu cùng một làn sóng cách mạng hòa bình đã lật đổ hầu hết chính phủ cộng sản của Khối Đông (ngoại trừ Romania và Afghanistan). Đảng Cộng sản Liên Xô cũng đánh mất năng lực kiểm soát trong nước và bị cấm sau nỗ lực đảo chính bất thành vào tháng 8 năm 1991. Sự kiện này dẫn đến hệ quả Liên Xô chính thức tan rã vào tháng 12 năm đó, các nước cộng hòa cấu thành Liên Xô tuyên bố độc lập, và các chính quyền cộng sản trên hầu khắp châu Á và châu Phi sụp đổ. Hoa Kỳ còn lại là siêu cường duy nhất trên thế giới.

Chiến tranh Lạnh cùng những sự kiện của nó đã để lại một di sản quan trọng. Cuộc chiến thường được nhắc đến trong văn hóa đại chúng, nhất là liên quan đến đề tài gián điệp và hiểm họa chiến tranh hạt nhân.

Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc (1945–1947)[sửa]

Các hội nghị thời chiến bàn về châu Âu hậu chiến[sửa]

Hậu thế chiến, phe Đồng Minh bất đồng về việc phân chia châu Âu.[4] Mỗi bên một ý trong vấn đề thiết lập và duy trì an ninh.[4] Một số học giả dám chắc Đồng Minh phương Tây khao khát một hệ thống an ninh mà ở đó chính quyền dân chủ càng phổ biến càng tốt cho phép các quốc gia giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình thông qua các tổ chức quốc tế.[5] Một số thì lưu ý phương Tây đã chia rẽ trong tầm nhìn thế giới mới. Thắng lợi về quân sự của Roosevelt ở châu Âu và châu Á, uy thế kinh tế toàn cầu của Hoa Kỳ, và một tổ chức hòa bình thế giới ra đời đã đảm bảo sự tồn tại của Đế quốc Anh cũng như nền độc lập của các nước Đông và Trung Âu đóng vai vùng đệm giữa Anh và Liên Xô.[6]

Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt, và Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta, 1945

Liên Xô tìm cách chi phối công việc nội bộ của các nước láng giềng.[4][7] Trong chiến tranh, Stalin từng lập ra những trung tâm đào tạo đặc biệt cho những người cộng sản ở nhiều nước để họ có thể làm thành lực lượng cảnh sát mật trung thành với Moskva ngay khi Hồng Quân tiếp quản. Các đặc vụ Liên Xô kiểm soát truyền thông, nhất là phát thanh, rồi mau chóng trấn áp mọi tổ chức dân sự độc lập và các đảng chính trị đối địch.[8] Stalin cũng mưu cầu hòa bình tiếp nối với Anh và Mỹ, kỳ vọng tập trung phát triển kinh tế và tái thiết trong nước.[9]

Trong mắt Hoa Kỳ, Stalin có vẻ là một đồng minh tiềm năng giúp họ hoàn thành những mục tiêu, song ngược lại với Anh thì Stalin tỏ ra là mối đe dọa lớn nhất cản trở chương trình nghị sự của họ. Khi mà Liên Xô đã chiếm đóng hầu hết Đông và Trung Âu, Stalin đang nắm lợi thế và hai lãnh đạo phương Tây đều giành giật thiện cảm của Stalin.

Khác biệt giữa Roosevelt và Churchill dẫn đến những cách ứng phó bất nhất với Liên Xô. Tháng 10 năm 1944, Churchill đến Moskva và đề nghị "thỏa thuận phần trăm" chia Đông Âu thành các vùng ảnh hưởng tương ứng, trao cho Stalin quyền thế ở Romania, Hungary, Bulgaria còn Churchill giành phần Hy Lạp. Stalin chấp nhận đề nghị này. Tại Hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945, Roosevelt lại ký một thỏa thuận riêng với Stalin về châu Á và từ chối hỗ trợ Churchill vấn đề Ba Lan và bồi thường.[6] Cuối cùng Roosevelt tán thành thỏa thuận phần trăm[10][11] song dường như không có sự đồng thuận vững chắc trong công tác dàn xếp châu Âu hậu chiến tranh.[12]

Tại Hội nghị Quebec lần hai, một hội nghị quân sự cấp cao diễn ra ở thành phố Quebec từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 9 năm 1944, Churchill và Roosevelt đã đi đến nhất trí về một số vấn đề, trong đó có một kế hoạch cho nước Đức dựa theo kiến nghị ban đầu của Henry Morgenthau Jr. Churchill thảo văn kiện có ý "loại bỏ những ngành công nghiệp chiến tranh ở Ruhr và Saar ... hướng tới chuyển đổi Đức thành một nước thôn quê và nông nghiệp căn bản". Tuy nhiên kế hoạch chia cắt Đức thành vài nước độc lập không còn.[13] Vào ngày 10 tháng 5 năm 1945, Tổng thống Hoa Kỳ Truman ký chỉ thị chiếm đóng JCS 1067 có hiệu lực hai năm và được Stalin nồng nhiệt hoan nghênh. Chỉ thị này lệnh cho lực lượng Hoa Kỳ chiếm đóng "... không làm những việc giúp kinh tế Đức phục hồi".[14]

Một số nhà sử học tranh luận rằng Chiến tranh Lạnh bắt đầu khi Mỹ tự mình đàm phán hòa bình với viên tướng SS Karl Wolff ở miền bắc nước Ý. Việc Liên Xô bị gạt ra rìa dẫn tới màn đối đáp căng thẳng giữa Roosevelt và Stalin. Wolff, một tội phạm chiến tranh, xem ra đã được chỉ huy Sở Công tác Chiến lược (OSS) và giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) tương lai Allen Dulles đảm bảo miễn tội tại tòa án Nuremberg khi họ gặp nhau vào tháng 3 năm 1945. Wolff và thuộc hạ được cho là đã hỗ trợ Chiến dịch Unthinkable, một kế hoạch xâm lược Liên Xô bí mật mà Churchill khi đó ủng hộ.[15][16][17]

Tháng 4 năm 1945, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt qua đời và Phó Tổng thống Harry S. Truman lên kế nhiệm. Truman không tin tưởng Stalin và tìm kiếm tư vấn từ một nhóm chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại. Cả Churchill lẫn Truman đều phản đối việc Liên Xô hậu thuẫn chính phủ Lublin, đối thủ của chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân Đôn đã cắt đứt quan hệ với Liên Xô.[18]

Sau chiến thắng năm 1945, Liên Xô chiếm đóng Đông và Trung Âu[12] trong khi lực lượng phương Tây duy trì đông đảo ở Tây Âu. Tại Đức và Áo; Pháp, Anh, Liên Xô và Hoa Kỳ lập ra các khu chiếm đóng và một khuôn khổ lỏng lẻo cho thực trạng bốn cường quốc quản lý.[19]

Hội nghị Đồng Minh 1945 ở San Francisco đã thành lập Liên Hợp Quốc (UN) nhằm duy trì hòa bình thế giới song năng lực cưỡng chế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại dễ dàng bị vô hiệu bởi quyền phủ quyết của các thành viên.[20] Vì lẽ đó Liên Hợp Quốc về cơ bản đã biến thành một diễn đàn trao đổi luận điệu khiêu khích thiếu tích cực và Liên Xô xem đó gần như chỉ là sân khấu tuyên truyền.[21]

Hội nghị Potsdam và Nhật Bản đầu hàng[sửa]

Tại Hội nghị Potsdam khai màn cuối tháng 7 nổi lên những bất đồng nghiêm trọng về tương lai nước Đức cũng như phần còn lại của Đông và Trung Âu.[22] Liên Xô hối thúc đáp ứng yêu cầu của họ tại Yalta là 20 tỷ đô-la phí bồi thường chiến tranh từ các khu chiếm đóng. Hoa Kỳ và Anh từ chối thu xếp một khoản tiền mà thay vào đó cho phép Liên Xô dỡ bỏ một số ngành công nghiệp khỏi khu chiếm đóng của họ.[23] Ác cảm và ngôn từ hiếu chiến của các bên tham gia đã xác minh thái độ ngờ vực lẫn nhau về ý đồ thù địch và nhằm gia cố vị thế.[24] Ở đó Truman cho Stalin hay rằng Hoa Kỳ đã sở hữu một vũ khí uy lực mới.[25]

Hoa Kỳ mời Anh tham gia dự án bom nguyên tử song giấu kín điều này với Liên Xô. Stalin biết người Mỹ đang chế tạo bom nguyên tử và tỏ thái độ bình thản trước tin này.[25] Một tuần sau khi hội nghị Potsdam kết thúc, Hoa Kỳ ném bom Hiroshima và Nagasaki. Không lâu sau đó, Stalin phản đối giới chức Hoa Kỳ khi Truman mời chào Liên Xô chút ít ảnh hưởng thực tế ở nước Nhật đang bị chiếm đóng.[26] Stalin còn tức giận bởi hành động ném bom nguyên tử, gọi Hoa Kỳ là "siêu dã man" và tuyên bố "thế cân bằng đã bị phá vỡ...Điều đó không thể được." Chính quyền Truman dự định lợi dụng chương trình vũ khí hạt nhân đang tiến hành để gây sức ép lên Liên Xô trong quan hệ quốc tế.[25]

Sau thế chiến, Hoa Kỳ và Anh sử dụng lực lượng quân sự ở Hy Lạp và Triều Tiên để thủ tiêu những lực lượng và chính quyền bản xứ bị xem là cộng sản. Lyuh Woon-Hyung, người hoạt động bí mật vào thời Nhật Bản chiếm đóng, đã chỉ đạo thành lập những ủy ban trên khắp Triều Tiên nhằm phối hợp chuyển giao sang nền độc lập. Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào ngày 28 tháng 8, những ủy ban này đã lập nên chính phủ quốc gia Triều Tiên lâm thời và đặt tên nó là Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên (PRK).[27][28] Vào ngày 8 tháng 9 năm 1945, Hoa Kỳ đưa quân đội đến Triều Tiên rồi thành lập Chính phủ Quân sự Lục quân Hoa Kỳ ở Triều Tiên (USAMGK) để cai quản lãnh thổ Triều Tiên phía nam vĩ tuyến 38 bắc. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên bị cấm. Chỉ huy quân đội, Trung tướng John R. Hodge phát biểu "một trong những nhiệm vụ của chúng ta là đập tan chính quyền Cộng sản này."[29] Kế đến, Hoa Kỳ hỗ trợ những chính quyền Hàn Quốc chuyên chế trị vì đến thập niên 1980, khởi đầu với Tổng thống Syngman Rhee.[30][31][32]

Khối Đông hình thành[sửa]

Vào đầu Thế chiến II, Liên Xô đã sắp đặt nền móng cho Khối Đông bằng việc xâm lược rồi thôn tính một số lãnh thổ làm nên các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết và bằng thỏa thuận với Đức Quốc xã trong Hiệp ước Molotov–Ribbentrop. Những lãnh thổ này bao gồm miền đông Ba Lan (sát nhập vào CHXHCNXV ByelorussiaCHXHCNXV Ukraina),[33] Latvia (CHXHCNXV Latvia),[34][35] Estonia (CHXHCNXV Estonia),[34][35] Litva (CHXHCNXV Litva),[34][35] một phần miền đông Phần Lan (CHXHCNXV Karelia-Phần Lan) và miền đông Romania (CHXHCNXV Moldavia).[36]

Lãnh thổ Đông và Trung Âu do quân đội Liên Xô giải phóng được thêm vào Khối Đông chiếu theo Thỏa thuận Phần trăm giữa Churchill và Stalin. Liên Xô biến những địa bàn chiếm đóng thành các quốc gia vệ tinh,[37] như:

Các chế độ kiểu Xô viết ra đời trong Khối Đông không chỉ sao chép kinh tế chỉ huy mà còn vận dụng những biện pháp nặng tay của Stalin và cảnh sát mật Liên Xô nhằm trấn áp phe đối lập tiềm năng và thực tế.[42] Ở châu Á trong tháng cuối cùng của thế chiến, Hồng Quân tràn qua Mãn Châu và chiếm cứ lãnh thổ Triều Tiên rộng lớn phía bắc vĩ tuyến 38.[43]

Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) do Lavrentiy Beriya đứng đầu giám sát việc thành lập những hệ thống cảnh sát mật kiểu Xô viết trong Khối Đông nhằm đập tan mọi hành vi chống cộng.[44] Khi thấy xuất hiện dấu hiệu độc lập dù là nhỏ nhất trong khối, Stalin áp dụng cách thức như đã làm với những đối thủ trong nước trước chiến tranh: tước quyền, xét xử, cầm tù, và trong một số trường hợp là hành quyết.[45]

Thủ tướng Anh Winston Churchill lo sợ với số lượng quân khổng lồ triển khai ở châu Âu lúc chiến tranh kết thúc cùng sự không đáng tin của Stalin thì Liên Xô là một mối đe dọa đến Tây Âu.[46] Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Hoa Kỳ đã chỉ dẫn giới lãnh đạo Tây Âu lập ra lực lượng an ninh mật của riêng họ nhằm ngăn chặn nguy cơ bị lật đổ và điều này đã mở ra Chiến dịch Gladio.[47]

Học thuyết Truman và chính sách ngăn chặn (1947–1953)[sửa]

Bức màn Sắt, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp[sửa]

Tàn tích của "bức màn sắt" ở Cộng hòa Séc

Cuối tháng 2 năm 1946, "Long Telegram" (Bức điện Dài) của George F. Kennan gửi về Washington từ Moskva đã cổ vũ phương châm cứng rắn đối với Liên Xô, điều sẽ trở thành nền tảng cho chiến lược đối phó Liên Xô của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Truman lĩnh hội bức điện vì Stalin thất hứa những vấn đề về châu Âu và Iran. Sau cuộc xâm lược Iran của Anh và Liên Xô trong Thế chiến II, Hồng Quân chiếm đóng miền bắc còn Anh là miền nam nước này.[48] Anh và Hoa Kỳ từng khai thác Iran làm điểm tiếp tế cho Liên Xô và Đồng Minh tán thành rút quân khỏi Iran trong vòng sáu tháng sau khi chiến sự chấm dứt.[48] Tuy nhiên khi thời hạn đến, Liên Xô vẫn nán lại Iran dưới vỏ bọc Cộng hòa Nhân dân AzerbaijanCộng hòa Mahabad.[49] Vào ngày 5 tháng 3 năm 1946, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill trình bày bài phát biểu "Bức màn Sắt" nổi tiếng ở Fulton, Missouri[50] có nội dung kêu gọi một liên minh Anh-Mỹ đối đầu Liên Xô, bên mà Churchill cáo buộc đã lập ra một "bức màn sắt" chia cắt châu Âu từ "StettinBaltic đến TriesteAdriatic".[37][51]

Một tuần sau vào ngày 13 tháng 3, Stalin đáp trả mạnh mẽ bài phát biểu, nói rằng Churchill có thể so với Hitler chừng nào ông ta còn ủng hộ quan niệm các nước nói tiếng Anh ưu việt về chủng tộc và rằng tuyên bố đó là "một lời kêu gọi chiến tranh chống Liên Xô". Lãnh tụ Liên Xô cũng phủ nhận cáo buộc Liên Xô đang tăng cường kiểm soát các nước trong phạm vi ảnh hưởng. Stalin phản biện không có gì lạ khi "Liên Xô vì tương lai an toàn đang cố gắng đảm bảo sự trung thành của chính quyền những nước này với Liên Xô".[52][53]

Liên minh quân sự châu Âu
Liên minh kinh tế châu Âu

Tháng 9, đại sứ Liên Xô gửi đến Hoa Kỳ bức điện Novikov với người ủy nhiệm và đồng tác giả là Vyacheslav Molotov, trong đó mô tả Hoa Kỳ là gã tư bản độc quyền đang phát triển năng lực quân sự "để chuẩn bị điều kiện cho việc giành lấy ưu thế toàn cầu trong cuộc chiến mới".[54] Vào ngày 6 tháng 9 năm 1946, Ngoại trưởng Hoa Kỳ James F. Byrnes có bài phát biểu ở Đức phản bác Kế hoạch Morgenthau (một đề nghị chia cắt và phi công nghiệp hóa nước Đức hậu chiến) và cảnh báo Liên Xô rằng Hoa Kỳ có ý duy trì quân đội hiện diện ở châu Âu vô hạn định.[55] Như Byrnes thừa nhận một tháng sau: "Điểm chính yếu trong chương trình của chúng ta là chinh phục nhân dân Đức ... đó là màn đấu trí giữa chúng ta và người Nga ..."[56] Tháng 12, Liên Xô đồng ý rút quân khỏi Iran sau áp lực không ngừng của Mỹ, một thành công ban đầu của sách lược ngăn chặn.

Đến năm 1947, Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã giận dữ vì Liên Xô chống đối những yêu cầu của Hoa Kỳ ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cùng Kế hoạch Baruch về vũ khí hạt nhân.[57] Tháng 2 năm 1947, chính phủ Anh thông báo không còn có thể hỗ trợ tài chính cho Vương quốc Hy Lạp trong cuộc nội chiến của nước này chống khởi nghĩa do Cộng sản lãnh đạo.[58] Chính phủ Hoa Kỳ phản ứng trước thông báo này bằng việc thông qua chính sách ngăn chặn[59] với mục tiêu chặn đứng sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Truman phát biểu kêu gọi phân phát khoản tiền 400 triệu đô-la nhằm can thiệp vào cuộc chiến và vén màn Học thuyết Truman nhìn nhận đây là cuộc đấu giữa những người tự do và những chế độ toàn trị.[59] Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ cáo buộc Liên Xô âm mưu chống lại phe bảo hoàng Hy Lạp nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ngay cả khi Stalin đã bảo Đảng Cộng sản hợp tác với chính phủ do Anh hậu thuẫn.[60]

Học thuyết Truman được đề ra đã đánh dấu sự đồng lòng bước đầu giữa những người dân chủcộng hòa Hoa Kỳ về chính sách quốc phòng và đối ngoại tập trung vào ngăn chặn và răn đe, điều này hạ mức trong và sau Chiến tranh Việt Nam nhưng lặp lại tiếp đó.[61] Các đảng bảo thủ và ôn hòa ở châu Âu cùng những người dân chủ xã hội ủng hộ gần như vô điều kiện liên minh phương Tây,[62] trong khi những người cộng sản châu Âuchâu Mỹ được KGB tài trợ và tham gia vào các hoạt động tình báo của KGB[63] thì gắn bó với đường lối của Moskva (nhưng bất đồng bắt đầu xuất hiện sau năm 1956). Sự phê bình chính sách của Hoa Kỳ đến từ các nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam, tổ chức Vận động Giải trừ Hạt nhân (CND) và phong trào chống hạt nhân.[64]

Kế hoạch Marshall và đảo chính ở Tiệp Khắc[sửa]

Biểu trưng được dùng trong công tác viện trợ Tây Âu thuộc Kế hoạch Marshall
Các nước châu Âu và Cận Đông nhận viện trợ của Kế hoạch Marshall. Cột màu đỏ thể hiện tổng lượng viện trợ tương quan mỗi nước nhận.

Vào đầu năm 1947, Anh, Pháp, và Mỹ đã cố gắng tiến tới thỏa thuận với Liên Xô về một kế hoạch hình dung nước Đức tự lực về kinh tế nhưng bất thành.[65] Tháng 6 năm 1947, thuận theo Học thuyết Truman, Mỹ đã khởi động Kế hoạch Marshall, một lời cam kết hỗ trợ kinh tế cho tất cả các nước châu Âu sẵn lòng tham gia, kể cả Liên Xô.[65] Theo như kế hoạch được tổng thống Truman ký ngày 3 tháng 4 năm 1948, chính phủ Hoa Kỳ gửi đến các nước Tây Âu hơn 13 tỷ đô-la (145 tỷ năm 2021) nhằm tái thiết kinh tế châu lục. Chương trình đã dẫn tới sự thành lập của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu sau này.

Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng lại hệ thống kinh tế, dân chủ của châu Âu và ứng phó những mối đe dọa đến cán cân quyền lực châu Âu như việc các đảng cộng sản chiếm quyền thông qua cách mạng hay bầu cử.[66] Kế hoạch còn phát biểu sự phồn thịnh của châu Âu phụ thuộc vào tiến độ hồi phục của kinh tế Đức.[67] Một tháng sau, Truman ký Đạo luật An ninh Quốc gia 1947, lập ra Bộ Quốc phòng thống nhất, Cục Tình báo Trung ương (CIA), và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Đây sẽ là những bộ phận chủ chốt đóng góp vào chính sách phòng vệ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.[68]

Stalin tin các nước Khối Đông sẽ thoát khỏi sự khống chế của Liên Xô nếu hòa nhập kinh tế với phía Tây và rằng Mỹ đang nỗ lực liên kết châu Âu về phe với Mỹ.[69] Vì thế Stalin ngăn cản các nước Khối Đông nhận viện trợ của Kế hoạch Marshall.[69] Thay vào đó, Liên Xô có Kế hoạch Molotov (sau được thể chế hóa vào tháng 1 năm 1949 là Hội đồng Tương trợ Kinh tế) tương tự với nội dung trợ cấp và giao thương với Đông và Trung Âu.[70] Stalin cũng lo sợ nước Đức sẽ khôi phục, ông không muốn thấy nước Đức có năng lực tái vũ trang hay đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào đến Liên Xô.[71]

Vào đầu năm 1948, sau những báo cáo về sự tăng cường của các "phần tử phản động", mật vụ Liên Xô đã tiến hành đảo chính ở Tiệp Khắc, nước Khối Đông duy nhất mà Liên Xô cho giữ lại cấu trúc dân chủ.[72] Đây là vụ việc khiến phương Tây sửng sốt nhất tính đến thời điểm đó, làm dấy lên nỗi lo chiến tranh sẽ xảy ra và dẹp tan những ý kiến phản đối Kế hoạch Marshall cuối cùng trong Quốc hội Hoa Kỳ.[73]

Học thuyết Truman và Kế hoạch Marshall đã mang đến hàng tỷ đô-la viện trợ kinh tế và quân sự cho Tây Âu, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, quân đội Hy Lạp đã giành phần thắng trong cuộc nội chiến.[68] Ở Ý, Đảng Dân chủ Cơ đốc do Alcide De Gasperi lãnh đạo đã đánh bại liên minh Xã hội-Cộng sản chủ nghĩa trong cuộc bầu cử năm 1948.[74]

Hoạt động gián điệp[sửa]

Mọi cường quốc đều tiến hành hoạt động gián điệp bằng việc sử dụng số lượng lớn điệp viên, đặc vụ hai mang, và công nghệ mới như mắc rẽ cáp điện thoại.[75] Các tổ chức tích cực và nổi tiếng nhất là CIA Hoa Kỳ,[76] KGB Liên Xô,[77]MI6 Anh. Stasi của Đông Đức có điểm khác là chủ yếu quan tâm đến an ninh trong nước nhưng Tổng Cục Trinh sát của nó cũng điều hành các hoạt động gián điệp trên thế giới.[78] CIA bí mật tài trợ, xúc tiến những tổ chức cùng hoạt động văn hóa chống cộng.[79] CIA còn can dự vào đời sống chính trị châu Âu, đặc biệt ở Ý.[80] Công tác dò thám tin tức diễn ra ở mọi nơi trên thế giới tuy nhiên chiến trường tâm điểm là Berlin.[81]

Có quá nhiều thông tin lưu trữ tối mật đã được phát hành khiến nhà sử học Raymond L. Garthoff kết luận có lẽ số lượng và chất lượng thông tin bí mật mà mỗi bên thu thập được là bằng nhau. Tuy nhiên, Liên Xô có thể đã giành ưu thế trong hoạt động gián điệp. Mặc dù vậy về tác động đến ra quyết sách, Garthoff nhận định:[82]

Chúng ta giờ có thể tự tin với quan điểm không có điệp viên nào tác động được đến việc ra quyết định chính trị của mỗi bên. Tương tự, không có bằng chứng nào cho thấy có quyết định quân sự hay chính trị lớn được phát hiện sớm nhờ hoạt động gián điệp và cản trở bởi một bên. Cũng không có bằng chứng cho thấy có quyết định quân sự hay chính trị lớn nào mà chủ yếu bị tác động bởi điệp viên của bên kia.

Bên cạnh gián điệp thông thường, các cơ quan phương Tây còn đặc biệt chú ý đến tra vấn những người ly khai Khối Đông.[83]

Cục Thông tin Cộng sản và chia rẽ Tito–Stalin[sửa]

Tháng 9 năm 1947, Liên Xô lập ra Cục Thông tin Cộng sản nhằm chính thống hóa phong trào cộng sản quốc tế và siết chặt kiểm soát chính trị các nước vệ tinh thông qua sự phối hợp của các đảng cộng sản trong Khối Đông.[69] Cục đối mặt khó khăn vào tháng 6 năm sau khi chia rẽ Tito–Stalin đã buộc các thành viên khai trừ Nam Tư, nước vẫn là cộng sản nhưng chấp nhận vị thế không liên kết và bắt đầu nhận trợ giúp từ Hoa Kỳ.[84] Lãnh thổ Tự do Trieste từng được Liên Hợp Quốc xúc tiến thành lập năm 1947 đã phân tách và giải thể vào năm 1954 cũng vì sự hòa hoãn giữa phương Tây và Tito.[85][86]

Phong tỏa Berlin và không vận[sửa]

Hàng hóa được dỡ từ máy bay C-47 tại Sân bay Tempelhof ở Berlin trong cuộc phong tỏa Berlin

Hoa Kỳ và Anh sáp nhập các khu chiếm đóng miền tây Đức của họ thành "Bizone" (1 tháng 1 năm 1947, về sau thêm khu của Pháp thành "Trizone", tháng 4 năm 1949).[87] Vào đầu năm 1948, đại biểu một số chính quyền Tây Âu và Hoa Kỳ thông báo thỏa thuận sáp nhập các vùng miền tây Đức vào một hệ thống chính quyền liên bang như một phần công cuộc tái thiết nước Đức.[88] Ngoài ra, thuận theo Kế hoạch Marshall, họ bắt đầu tái công nghiệp hóa và phục dựng nền kinh tế miền tây nước này, trong đó có việc đưa vào đồng tiền mới Deutsche Mark thay cho Reichsmark mà Liên Xô đã hạ giá trị.[89] Hoa Kỳ đã bí mật quyết định không ủng hộ một nước Đức thống nhất và trung lập, như Walter Bedell Smith nói với Tướng Eisenhower "bất chấp lập trường đã công bố, chúng ta thực sự không muốn hay có ý chấp nhập sự thống nhất của nước Đức theo bất kỳ điều khoản nào mà người Nga có thể đồng ý, kể cả khi họ coi bộ đáp ứng hầu hết yêu cầu của chúng ta."[90]

Không lâu sau, Stalin khởi động Phong tỏa Berlin (24 tháng 6 năm 1948 – 12 tháng 5 năm 1949), một trong những cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên của Chiến tranh Lạnh đã chặn nguồn hàng tiếp tế đến Tây Berlin.[91] Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Australia, New Zealand và một số nước khác bắt đầu cung ứng ồ ạt cho Tây Berlin bằng đường hàng không.[92]

Liên Xô tiến hành một chiến dịch quần chúng chống lại thay đổi về chính sách. Những người cộng sản Đông Berlin một lần nữa ra sức phá hỏng cuộc bầu cử thành phố diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 1948 (lần trước là năm 1946).[87] Có 86,3% dân số đi bầu và kết quả là chiến thắng áp đảo cho các đảng không cộng sản dẫn đến việc Berlin bị chia cắt rõ rệt thành hai nửa đông tây.[93] 300.000 người dân Berlin đã biểu tình và hối thúc quốc tế tiếp tục không vận.[94] Phi công Mỹ Gail Halvorsen sáng lập "Chiến dịch Vittles" cung cấp kẹo cho trẻ em Đức.[95] Cuộc không vận là một thắng lợi về tâm lý và chính trị cho phương Tây, nó đã liên kết chặt chẽ Tây Berlin với Hoa Kỳ.[96] Tháng 5 năm 1949, Stalin chùn bước và chấm dứt phong tỏa.[44][97]

Vào năm 1952 Stalin nhiều lần kiến nghị kế hoạch hợp nhất Đông và Tây Đức dưới một chính quyền được chọn trong cuộc bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát kèm điều kiện nước Đức mới nằm ngoài liên minh quân sự phương Tây. Các cường quốc phương Tây bác bỏ đề xuất này và tính thành thật của nó bị nghi ngờ.[98]

Sự khởi đầu của NATO và RFE[sửa]

Tổng thống Truman ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương với các khách mời tại Phòng Bầu dục.

Tháng 4 năm 1949, Anh, Pháp, Mỹ, Canada và tám nước Tây Âu khác đã ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, lập ra Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).[44] Tháng 8 năm đó, Liên Xô kích hoạt thiết bị nguyên tử đầu tiên của họ ở Semipalatinsk, CHXHCNXV Kazakhstan.[70] Sau khi Liên Xô từ chối gia nhập nỗ lực tái thiết nước Đức do các nước Tây Âu đề ra năm 1948,[88][99] Anh, Pháp, Mỹ đã thành lập Tây Đức từ ba khu chiếm đóng vào tháng 4 năm 1949.[100] Đến tháng 10, Liên Xô tuyên bố khu chiếm đóng của họ ở Đức là Cộng hòa Dân chủ Đức.[22]

Ở Khối Đông, truyền thông là bộ phận của nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc hoặc tuân theo đảng cộng sản. Các đài truyền hình và phát thanh thuộc sở hữu nhà nước còn truyền thông in ấn thường của các tổ chức chính trị, chủ yếu là đảng cộng sản địa phương.[101] Các chương trình phát thanh Liên Xô lấy triết lý Mác để công kích chủ nghĩa tư bản, khẳng định bóc lột lao động và đế quốc hiếu chiến là bản chất cố hữu của hệ thống này.[102]

Cùng với các chương trình của Tập đoàn Phát sóng Anh (BBC) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ở Trung và Đông Âu[103] thì một nỗ lực tuyên truyền lớn được khởi động vào năm 1949 là Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) nhắm đến xóa bỏ hệ thống cộng sản chủ nghĩa ở Khối Đông một cách hòa bình.[104] RFE cố gắng hoàn thành mục tiêu bằng cách vào vai một trạm phát thanh gia đình thay thế cho báo chí nội địa bị kiểm soát và chế ngự.[104] Đây là tác phẩm của một số nhà lập dựng chiến lược xuất sắc nhất Hoa Kỳ thời đầu Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là những người tin rằng cuộc chiến này sẽ áp dụng những biện pháp chính trị thay vì quân sự, như George F. Kennan.[105]

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ như Kennan và John Foster Dulles biết Chiến tranh Lạnh về bản chất là một cuộc đấu tư tưởng.[105] Hoa Kỳ thông qua CIA đã tài trợ cho danh sách dài những dự án nhằm triệt tiêu sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản trong giới trí thức ở châu Âu và thế giới đang phát triển.[106] CIA còn lén lút bảo trợ một chiến dịch tuyên truyền trong nước gọi là Thập tự chinh vì Tự do.[107]

Nước Đức tái vũ trang[sửa]

Nước Đức bắt đầu tái vũ trang vào đầu thập niên 1950, điều này được Lầu Năm Góc ủng hộ mạnh mẽ trong khi Tổng thống Truman có hơi hướng phản đối còn Bộ Ngoại giao tỏ thái độ ngập ngừng. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào tháng 6 năm 1950 đã thay đổi những toan tính và Washington giờ đây hoàn toàn ủng hộ. Dwight D. Eisenhower được giao chỉ huy lực lượng NATO và có thêm binh sĩ Mỹ được điều đến Tây Đức. Tồn tại một cam kết dõng dạc là Tây Đức sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.[108]

Bởi nỗi sợ phổ biến là chủ nghĩa quân phiệt Đức sẽ trỗi dậy một lần nữa, quân đội mới cần phải nằm trong một khuôn khổ liên minh đặt dưới sự chỉ đạo của NATO.[109] Vào năm 1955, Washington đảm bảo tư cách thành viên NATO trọn vẹn cho Tây Đức.[22] Tháng 5 năm 1953, Lavrentiy Beria kiến nghị cho phép tái thống nhất một nước Đức trung lập để ngăn Tây Đức gia nhập NATO nhưng không thành công.[110] Các sự kiện đã dẫn tới sự thành lập của Bundeswehr, lực lượng vũ trang Tây Đức, vào năm 1955.[111][112]

Nội chiến Trung Quốc, SEATO, và NSC-68[sửa]

Mao Trạch ĐôngJoseph Stalin ở Moskva, tháng 12 năm 1949

Vào năm 1949, Giải phóng Quân của Mao Trạch Đông đã đánh bại Chính quyền Quốc dân Đảng được Hoa Kỳ hậu thuẫn của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc. Quốc dân Đảng sau đó di dời đến Đài Loan. Liên Xô nhanh chóng tạo dựng liên minh với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới ra đời.[113] Theo nhà sử học người Na Uy Odd Arne Westad, phe cộng sản thắng cuộc nội chiến do họ mắc ít sai lầm quân sự hơn và vì Tưởng Giới Thạch trong công cuộc tìm kiếm một chính phủ tập trung mạnh đã gây thù với quá nhiều nhóm lợi ích ở Trung Quốc. Hơn nữa, đảng của Tưởng đã suy yếu trong chiến tranh chống Nhật. Trong khi đó, những người cộng sản đã truyền đạt cho các nhóm đối tượng khác nhau như nông dân đúng những gì mà họ muốn nghe, ngụy trang dưới vỏ bọc chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa.[114]

Đối mặt với cách mạng cộng sản ở Trung Quốcviệc bị phá vỡ thế độc quyền bom nguyên tử vào năm 1949, chính quyền Truman đã nhanh chóng tiến tới đẩy mạnh và mở mang học thuyết ngăn chặn.[70] Trong NSC 68, một tài liệu mật năm 1950, Hội đồng An ninh Quốc gia đã xây dựng chính sách Machiavelli, đề xuất gia cường cho các mối liên minh thân phương Tây và tăng gấp bốn chi tiêu quốc phòng.[115][70] Chịu ảnh hưởng từ cố vấn Paul Nitze, Truman xem ngăn chặn có hàm ý triệt tiêu hoàn toàn sức ảnh hưởng của Liên Xô trong mọi hình thức.[116]

Giới chức Hoa Kỳ sau đó mở rộng kiểu ngăn chặn này đến châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh nhằm đối phó phong trào cách mạng dân tộc mà thường do các đảng cộng sản được Liên Xô tài trợ cầm đầu chiến đấu chống sự trở lại của đế quốc thực dân châu Âu ở Đông Nam Á và nơi khác.[117] Theo đó, Hoa Kỳ sẽ thi hành sức mạnh ưu thế, phản đối trung lập, và dựng xây bá quyền trên toàn cầu.[116] Vào đầu thập niên 1950, Hoa Kỳ chính thức hóa một loạt liên minh với Nhật Bản, Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines (nổi bật là ANZUS năm 1951 và SEATO năm 1954), nhờ đó đảm bảo cho nước này một số lượng căn cứ quân sự dài hạn.[22]

Chiến tranh Triều Tiên[sửa]

Tướng Douglas MacArthur, Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc (người ngồi), quan sát cuộc pháo kích Incheon từ tàu USS Mt. McKinley, 15 tháng 9 năm 1960

Một trong những ví dụ tiêu biểu hơn về việc thực hành chính sách ngăn chặn là sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Chiến tranh Triều Tiên. Tháng 6 năm 1950, sau nhiều năm thù địch lẫn nhau, Quân đội Nhân dân Triều Tiên của Kim Il-sung đã xâm lược Hàn Quốc tại vĩ tuyến 38. Stalin ủng hộ một cách miễn cưỡng song cuối cùng cũng cử cố vấn đến Triều Tiên.[118] Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đứng ra bảo vệ Hàn Quốc khiến Stalin bất ngờ dù cho Liên Xô đang tẩy chay các cuộc họp nhằm phản đối việc Đài Loan chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giữ ghế thường trực tại hội đồng.[70][119] Một lực lượng Liên Hợp Quốc có thành phần đến từ 16 quốc gia đối đầu Bắc Triều Tiên,[120] tuy nhiên đa số binh lính là của Hàn Quốc và Hoa Kỳ.[121]

Lính thủy đánh bộ Mỹ chiến đấu trên đường phố Seoul, tháng 9 năm 1950

Hoa Kỳ lúc mới tham gia cuộc chiến có vẻ tuân thủ chính sách ngăn chặn, tức là hành động của họ chỉ nhằm đẩy lui Bắc Triều Tiên qua vĩ tuyến 38, khôi phục chủ quyền của Hàn Quốc, và cho phép Bắc Triều Tiên tồn tại như một quốc gia. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ Inchon thắng lợi đã cổ vũ lực lượng Hoa Kỳ/Liên Hợp Quốc theo đuổi một chiến lược hung hăng hơn nhắm đến lật đổ Bắc Triều Tiên cộng sản, qua đó cho phép các cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.[122] Tướng Douglas MacArthur liền đưa quân băng qua vĩ tuyến 38 vào Bắc Triều Tiên. Trung Quốc do lo sợ Hoa Kỳ xâm lược đã cử một đội quân đông đảo đánh bại lực lượng Liên Hợp Quốc, đẩy lùi họ xuống dưới vĩ tuyến 38. Truman công khai bóng gió rằng ông ta có thể sử dụng con át chủ bài bom nguyên tử, nhưng Mao không thèm đếm xỉa.[123] Lực lượng Cộng sản về sau bị đẩy về gần biên giới gốc mà gần như không có sự khác biệt. Chiến tranh Triều Tiên đã kích động NATO phát triển một cấu trúc quân sự bên cạnh những hiệu ứng khác.[124] Dư luận các nước liên can như Anh chia rẽ thành hai phe ủng hộ và phản đối cuộc chiến.[125]

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn được phê chuẩn vào tháng 7 năm 1953, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Il-sung đã gây dựng một chế độ toàn trị tập trung hóa cao độ, ban cho gia tộc mình quyền hành không giới hạn và tạo sự sùng bái cá nhân ghê gớm.[126][127] Trong khi đó ở miền nam, Syngman Rhee được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ điều hành một chế độ chuyên chế và chống cộng hung bạo.[128] Sau khi Rhee bị lật đổ vào năm 1960, Hàn Quốc bước vào thời kỳ quân quản kéo dài đến cuối thập niên 1980 khi hệ thống đa đảng được tái lập.[129]

Khủng hoảng và leo thang (1953–1962)[sửa]

Khrushchev, Eisenhower và phi Stalin hóa[sửa]

Binh lực NATO và khối Warszawa ở châu Âu năm 1959

Vào năm 1953, những thay đổi trong giới lãnh đạo chính trị hai phía đã làm mới diện mạo của Chiến tranh Lạnh.[68] Tháng 1 năm đó, Dwight D. Eisenhower lên làm Tổng thống Hoa Kỳ. Trong 18 tháng cuối của chính quyền Truman, ngân sách quốc phòng đã tăng gấp bốn và Eisenhower hướng tới giảm trừ một phần ba chi tiêu quân sự mà vẫn tiếp tục cuộc chiến một cách hiệu quả.[70]

Sau khi Stalin qua đời, Georgy Malenkov ban đầu kế nhiệm cương vị nhà lãnh đạo Liên Xô nhưng nhanh chóng bị khai trừ và thay thế bằng Nikita Khrushchev. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1956, ngày cuối cùng của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, Khrushchev đã liệt kê và lên án những tội ác của Stalin, gây sốc cho các đại biểu tham dự.[130] Khrushchev tuyên bố cách duy nhất để cải tổ và xa rời đường lối của Stalin là thừa nhận những lỗi lầm trong quá khứ, hướng đến công cuộc phi Stalin hóa.[68]

Từ trái sang phải: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Kliment Voroshilov, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchev, và Tổng thống Phần Lan Urho Kekkonen tại Moskva năm 1960.

Vào ngày 18 tháng 11 năm 1956, trong buổi tiếp đón các chức sắc phương Tây tại đại sứ quán Ba Lan ở Moskva, Khrushchev tuyên bố: "Cho dù các ông thích hay không thì lịch sử vẫn đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông" khiến tất cả những người có mặt sững sờ.[131] Về sau Khrushchev phát biểu không nói về chiến tranh hạt nhân mà về thắng lợi đã định của chủ nghĩa cộng sản trước chủ nghĩa tư bản.[132] Vào năm 1961, Khrushchev khoe khoang rằng ngay cả khi Liên Xô đang tụt hậu so với phương Tây lúc này thì trong vòng một thập kỷ sự thiếu hụt nhà ở sẽ không còn, hàng tiêu dùng sẽ dồi dào, và trong không quá hai thập kỷ "công tác xây dựng xã hội cộng sản" sẽ "cơ bản" hoàn tất.[133]

John Foster Dulles, ngoại trưởng Mỹ, khơi mào "Cái nhìn Mới" cho chiến lược ngăn chặn, kêu gọi một sự nhờ cậy lớn hơn vào vũ khí hạt nhân chống lại những kẻ thù thời chiến.[68] Dulles còn đề ra học thuyết "trả thù tàn khốc" đe dọa đáp trả mạnh mẽ mọi hành vi gây hấn của Liên Xô. Ví dụ, việc sở hữu ưu thế hạt nhân đã giúp Eisenhower hóa giải những đe dọa can thiệp vào Trung Đông của Liên Xô trong Khủng hoảng Suez năm 1956.[70] Kế hoạch của Hoa Kỳ cho chiến tranh hạt nhân trong cuối thập niên 1950 bao gồm "hủy diệt có hệ thống" 1.200 trung tâm đô thị lớn ở Khối Đông và Trung Quốc như Moskva, Đông Berlin, Bắc Kinh với dân thường thuộc số những mục tiêu chính.[134]

Mặc cho những mối đe dọa này, hy vọng về sự lắng dịu được cổ vũ với việc quan hệ ngoại giao có dấu hiệu cải thiện vào năm 1959, trong đó là chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài hai tuần của Khrushchev và các kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh hai nước vào tháng 5 năm 1960. Tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh đã đổ vỡ bởi vụ máy bay do thám U-2 mà ở đó Eisenhower bị bắt quả tang nói dối với thế giới về phi vụ xâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô.[135][136]

Hiệp ước Warszawa và Cách mạng Hungary[sửa]

Cách mạng Hungary 1956
Cuộc tuần hành của người biểu tình ở Budapest vào ngày 25 tháng 10;
Một chiếc xe tăng T-34-85 của Liên Xô bị phá hủy ở Budapest
Phạm vi ảnh hưởng về lãnh thổ tối đa của Liên Xô, sau Cách mạng Cuba năm 1959 và trước chia rẽ Trung-Xô năm 1961

Mặc dù cái chết của Stalin năm 1953 đã làm giảm bớt căng thẳng nhưng châu Âu vẫn trong tình trạng ngừng bắn bất ổn.[137] Liên Xô vốn đã lập ra một hệ thống các hiệp ước tương hỗ trong Khối Đông từ năm 1949 thì vào năm 1955 xác nhận một liên minh chính thức trong đó là Hiệp ước Warszawa. Tổ chức này đối lập NATO.[22]

Cách mạng Hungary 1956 xảy ra không lâu sau khi Khrushchev dàn xếp khai trừ nhà lãnh đạo Hungary Mátyás Rákosi, người theo chủ nghĩa Stalin.[138] Chế độ mới giải tán cảnh sát mật, tuyên bố ý định rút khỏi Khối Warszawa và cam kết tái lập bầu cử tự do nhằm đối phó cuộc nổi dậy của quần chúng.[139] Quân đội Liên Xô đã xâm lược.[140] Hàng ngàn người Hungary bị bắt, giam, trục xuất đến Liên Xô và gần 200.000 người khác đào tẩu trong hỗn loạn.[141][142] Các phiên tòa bí mật đã ra án tử cho nhà lãnh đạo Hungary Imre Nagy cùng những người khác.[143]

Từ năm 1957 đến 1961, Khrushchev nhiều lần công khai đe dọa hủy diệt phương Tây bằng vũ khí hạt nhân. Khrushchev khẳng định năng lực tên lửa của Liên Xô vượt trội hơn hẳn dư sức xóa sổ bất kỳ thành phố của châu Âu hay Mỹ nào. Tuy vậy, Khrushchev bác bỏ "niềm tin chiến tranh không thể tránh" của Stalin và tuyên bố mục tiêu tối thượng giờ là "chung sống hòa bình".[144] Theo cách nghĩ của Khrushchev thì hòa bình sẽ để cho chủ nghĩa tư bản tự sụp đổ[145] cũng như cho Liên Xô thời gian để tăng cường sức mạnh quân sự.[146] Quan điểm này duy trì vài thập kỷ cho đến khi "tư tưởng mới" của Gorbachev hình dung chung sống hòa bình là mục đích chứ không phải hình thức đấu tranh giai cấp.[147]

Sự kiện ở Hungary đã gây nên những rạn nứt về tư tưởng trong lòng các đảng cộng sản trên thế giới, nhất là ở Tây Âu khi số đảng viên giảm mạnh do nhiều người cảm thấy vỡ mộng bởi phản ứng ác liệt của Liên Xô.[148] Các đảng cộng sản phương Tây sẽ không thể nào hồi phục từ tác động mà Cách mạng Hungary gieo lên những đảng viên của họ, thực tế mà một số người như chính trị gia Nam Tư Milovan Đilas đã ngay lập tức thừa nhận "Vết thương mà Cách mạng Hungary gây ra cho chủ nghĩa cộng sản có thể không bao giờ hoàn toàn lành lại".[148]

Tối hậu thư Berlin[sửa]

Tháng 11 năm 1958, Khrushchev cố gắng biến toàn bộ Berlin thành một "thành phố tự do" độc lập phi quân sự nhưng không thành. Khrushchev gửi tối hậu thư yêu cầu Anh, Pháp, Mỹ rút quân khỏi những địa bàn chiếm đóng ở Tây Berlin trong sáu tháng không ông ta sẽ giao quyền quản lý tiếp cận Tây Berlin cho Đông Đức. Trước đó Khrushchev giải thích với Mao Trạch Đông rằng "Berlin là điểm yếu của phương Tây. Khi nào muốn phương Tây gào rú thì tôi đánh vào Berlin".[149] NATO chính thức từ chối vào giữa tháng 12. Khrushchev rút lại tối hậu thư và thay vào đó tiến tới một hội nghị bàn về vấn đề Đức.[150]

Hoa Kỳ tăng cường quân sự[sửa]

Chính sách đối ngoại của Kennedy có nét tiêu biểu là thái độ đối đầu Liên Xô, biểu hiện qua những cuộc chiến ủy nhiệm. Cũng như Truman và Eisenhower, Kennedy ủng hộ sách lược ngăn chặn để khống chế sự lan tỏa của chủ nghĩa cộng sản. Chính sách Cái nhìn Mới của Eisenhower từng nhấn mạnh việc sử dụng những vũ khí hạt nhân ít tốn kém để kìm hãm sự lấn tới của Liên Xô bằng cách đe dọa tấn công hạt nhân vũ bão lên toàn Liên Xô. Vũ khí hạt nhân rẻ hơn nhiều so với việc duy trì một đội quân thường trực đông đảo, thế nên Eisenhower cắt giảm những lực lượng thông thường để giảm phí tổn. Kennedy thi hành một chiến lược mới gọi là phản ứng linh hoạt. Chiến lược này vận dụng vũ trang thông thường để đạt lấy những mục tiêu hạn chế. Theo đó thì Kennedy phát triển các lực lượng chiến dịch đặc biệt, các đơn vị quân sự ưu tú mà có thể chiến đấu khác thường trong những cuộc xung đột khác nhau. Kennedy hy vọng chiến lược này sẽ giúp Hoa Kỳ đấu chọi sức ảnh hưởng của Liên Xô mà không phải viện đến vũ khí hạt nhân.[151]

Để phục vụ chiến lược mới, Kennedy chỉ đạo tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Vào năm 1960 Kennedy phàn nàn rằng Eisenhower đã để mất ưu thế trước Liên Xô do lo lắng quá mức đến thâm hụt ngân sách, bởi vậy ông tìm cách xây dựng nhanh kho vũ khí hạt nhân và được Quốc hội đáp ứng. Trong bài phát biểu nhậm chức, Kennedy hứa "chịu mọi gánh nặng" trong công cuộc bảo vệ sự tự do và ông nhiều lần yêu cầu tăng cường chi tiêu quân sự cùng giấy phép cho các hệ thống vũ khí mới. Từ năm 1961 đến 1964 số lượng vũ khí hạt nhân tăng 50 phần trăm, tương ứng là số oanh tạc cơ B-52 để phân phát chúng. Số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tăng từ 63 lên 424. Kennedy ủy quyền 23 tàu ngầm Polaris mới, mỗi chiếc mang theo 16 tên lửa hạt nhân. Ông yêu cầu các thành phố chuẩn bị nơi tránh trú bụi phóng xạ để đề phòng chiến tranh hạt nhân xảy ra. Kennedy chú trọng vào tái vũ trang đi ngược lại lời cảnh báo của Eisenhower về hiểm nguy của tổ hợp quân sự–công nghiệp.[152]

Cạnh tranh ở Thế giới thứ Ba[sửa]

Toàn bộ đế quốc thực dân phương Tây ở châu Á và châu Phi đều sụp đổ trong những năm sau 1945.

Các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở một số nước và khu vực, nổi bật là Guatemala, Indonesia và Đông Dương, thường liên hệ với chủ nghĩa cộng sản hoặc bị xem là phương hại đến lợi ích của phương Tây.[68] Trong bối cảnh này, Liên Xô và Hoa Kỳ tăng cường tranh giành sức ảnh hưởng ở Thế giới thứ Ba bằng phương thức ủy nhiệm khi mà công cuộc phi thực dân hóa đang trên đà vào những năm 1950 và đầu 1960.[153] Cả hai bên đều buôn bán vũ khí để có được tầm ảnh hưởng.[154] Liên Xô xem việc các cường quốc đế quốc liên tục để mất lãnh thổ là điềm báo cho thắng lợi sau cùng của chủ nghĩa cộng sản.[155]

Hoa Kỳ sử dụng Cục Tình báo Trung ương (CIA) để phá hoại những chính quyền đối địch hay trung lập và hỗ trợ những chính quyền đồng minh ở Thế giới thứ Ba.[156] Vào năm 1953, Tổng thống Eisenhower tiến hành Chiến dịch Ajax, một cuộc đảo chính giấu giếm nhắm đến lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh. Mosaddegh, người được dân cử và không liên kết, là kẻ thù của Anh vì đã quốc hữu hóa Công ty Xăng dầu Anh-Iran mà Anh sở hữu vào năm 1951. Winston Churchill bảo với Hoa Kỳ rằng "Mosaddegh đang ngày càng hướng về chủ nghĩa cộng sản".[157][158][159] Shah Mohammad Reza Pahlavi thân phương Tây lên cai trị theo kiểu quân chủ chuyên quyền.[160] Chính sách của Mohammad Reza bao gồm cấm Đảng Tudeh Iran cộng sản, triệt tan bất đồng chính kiến bằng cơ quan tình báo và an ninh quốc gia SAVAK.

Ở Guatemala, một nước cộng hòa chuối, cuộc đảo chính do CIA đứng sau đã hạ bệ Tổng thống phái tả Jacobo Árbenz vào năm 1954.[161] Chính quyền kế tục là hội đồng quân sự do Carlos Castillo Armas đứng đầu đã bãi bỏ luật cải cách đất đai, trả lại tài sản quốc hữu hóa cho United Fruit Company, lập ra ủy ban quốc gia và luật hình sự phòng chống chủ nghĩa cộng sản theo yêu cầu của Hoa Kỳ.[162]

Từ năm 1956, chính quyền Sukarno không liên kết ở Indonesia đối mặt mối đe dọa lớn đến tính hợp pháp khi một số lãnh đạo địa phương bắt đầu đòi hỏi quyền tự trị. Sau khi hòa giải không thành, Sukarno bèn ra tay trừ khử những kẻ chống đối. Tháng 2 năm 1958, các tư lệnh quân đội bất đồng ở Trung Sumatera (Đại tá Ahmad Hussein) và Bắc Sulawesi (Đại tá Ventje Sumual) tuyên bố sự thành lập của Chính phủ Cách mạng Cộng hòa Indonesia nhắm tới việc lật đổ chế độ Sukarno. Nhiều chính trị gia của Đảng Masyumi đã nhập hội như Sjafruddin Prawiranegara, người phản đối sức ảnh hưởng gia tăng của Đảng Cộng sản Indonesia. Vì có biểu hiện chống cộng, phiến quân đã được CIA viện trợ cho đến khi phi công Mỹ Allen Lawrence Pope bị bắn rơi sau vụ không kích Ambon vào tháng 4 năm 1958. Chính quyền trung ương phản ứng bằng việc đưa quân tấn công PadangManado, hai thành trì của phiến quân. Đến hết năm 1958, chính quyền đã thắng và những nhóm phiến quân du kích cuối cùng đầu hàng vào tháng 8 năm 1961.[163]

Con tem Liên Xô 1961 tưởng niệm Patrice Lumumba, Thủ tướng Cộng hòa Congo bị ám sát

Cộng hòa Congo là nước mới giành độc lập từ Bỉ vào tháng 6 năm 1960. Khủng hoảng Congo nổ ra ngày 5 tháng 7 đã dẫn tới sự ly khai của KatangaNam Kasai. Sang tháng 9, Tổng thống được CIA hậu thuẫn Joseph Kasa-Vubu ra lệnh bãi nhiệm Thủ tướng dân cử Patrice Lumumba cùng nội các do hành động thảm sát của lực lượng vũ trang trong cuộc xâm lược Nam Kasai và sự dính dáng của Liên Xô ở Congo.[164][165] Về sau Đại tá Mobutu Sese Seko đã nhanh chóng huy động lực lượng rồi tiến hành đảo chính quân sự để chiếm quyền.[165] Mobutu còn hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây tống giam và bàn giao Lumumba cho giới chức Katangan, đối tượng đã hành hình ông bằng phương thức xử bắn.[166][167]

Guiana thuộc Anh, ứng viên Cheddi Jagan của Đảng Nhân dân Cấp tiến cánh tả (PPP) đã giành chức thủ hiến trong cuộc bầu cử thuộc địa quản lý năm 1953. Tuy nhiên, Jagan nhanh chóng bị ép phải từ chức sau khi Anh đình chỉ hiến pháp của nước vẫn còn lệ thuộc này.[168] Khó chịu bởi thắng lợi long trời của đảng bị cho là Mác-xít, Anh đã tống giam giới lãnh đạo PPP và dùng thủ đoạn phá hoại đảng này bằng việc gây ly gián nội bộ giữa Jagan và đồng sự vào năm 1955.[169] Jagan lại thêm hai lần thắng cử các năm 1957 và 1961, dù vậy lúc đó Anh đã xem xét lại nhận định Jagan là một người cộng sản kiểu Xô viết. Hoa Kỳ gây áp lực lên Anh không cho Guyana độc lập tới khi có người thay thế Jagan phù hợp.[170]

Sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất hao tổn vật lực và thất bại bước ngoặt trong Trận Điện Biên Phủ năm 1954 trước quân Việt Minh cộng sản, người Pháp đành phải đàm phán từ bỏ cứ địa ở Việt Nam. Tại Hội nghị Genève, các hiệp định hòa bình được ký dẫn tới việc Việt Nam bị chia cắt thành một bên là chính quyền thân Liên Xô ở miền bắc và bên kia là chính quyền thân phương Tây ở miền nam với ranh giới là vĩ tuyến 17 bắc. Giai đoạn 1954–1961, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Eisenhower đã gửi viện trợ kinh tế cùng cố vấn quân sự để củng cố chế độ Nam Việt Nam, ngăn chặn nỗ lực gây mất ổn định của phe cộng sản miền bắc.[70]

Cũng không ít quốc gia châu Á, châu Phi, và Mỹ Latinh bất chấp áp lực chọn phe trong cuộc cạnh tranh Đông-Tây. Tại Hội nghị Bandung năm 1955 ở Indonesia, nhiều chính quyền Thế giới thứ Ba kiên quyết đứng ngoài Chiến tranh Lạnh.[171] Sự đồng thuận đạt được tại Bandung lên đỉnh điểm với việc thành lập Phong trào Không Liên kết năm 1961 có trụ sở ở Belgrade.[68] Trong khi đó, Khrushchev khơi rộng chính sách tạo ràng buộc với Ấn Độ và những nước trung lập then chốt khác. Các phong trào độc lập ở Thế giới thứ Ba đã xoay chuyển trật tự thế giới sang hướng đa nguyên hơn, nơi có các nước châu Phi và Trung Đông phi thực dân cùng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Á và Mỹ Latinh.[70]

Chia rẽ Trung-Xô[sửa]

Quan hệ giữa các quốc gia cộng sản sau chia rẽ Trung-Xô tính đến năm 1980:
  Liên Xô và các nước cộng sản thân Liên Xô
  Trung Quốc và các nước cộng sản thân Trung Quốc
  Các nước cộng sản trung lập (Bắc Triều TiênNam Tư)
  Các nước không cộng sản

Sau năm 1956, liên minh Trung Quốc-Liên Xô bắt đầu tan vỡ. Mao từng bênh vực Stalin khi Khrushchev chỉ trích Stalin vào năm 1956 và xem nhà tân lãnh đạo Liên Xô là một người mới nổi thiển cận.[172] Về phần mình, lúng túng bởi thái độ nhờn nhã của Mao về chiến tranh hạt nhân, Khrushchev đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là "kẻ điên trên ngai vàng".[173]

Kể từ đó, Khrushchev đã có nhiều nỗ lực tuyệt vọng nhằm nối lại liên minh hai nước nhưng Mao xem đó là vô ích và khước từ mọi đề nghị.[172] Sự thù địch gây nên một cuộc chiến tuyên truyền nội bộ cộng sản.[174] Xa hơn, Liên Xô tập trung ganh đua quyết liệt với Trung Quốc của Mao cho ngôi vị lãnh đạo phong trào cộng sản quốc tế.[175] Sử gia Lorenz M. Lüthi nhận xét:

Chia rẽ Trung-Xô là một trong những sự kiện then chốt của Chiến tranh Lạnh, quan trọng như việc bức tường Berlin được xây, Khủng hoảng Tên lửa Cuba, Chiến tranh Việt Nam lần Hai, và tình hữu nghị Mỹ-Trung tái lập. Sự kiện giúp xác định khung cảnh Chiến tranh Lạnh lần Hai nói chung và ảnh hưởng đến tiến trình Chiến tranh Việt Nam lần Hai nói riêng.[176]

Chạy đua Không gian[sửa]

Người Mỹ lên Mặt trăng vào năm 1969.

Về phương diện vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ và Liên Xô theo đuổi hiện đại hóa và phát triển vũ khí tầm xa để có thể tấn công lãnh thổ đối phương.[22] Tháng 8 năm 1957, Liên Xô phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên trên thế giới và vào tháng 10 họ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1.[177][178] Sự kiện Sputnik đã khai màn cuộc Chạy đua Không gian, dẫn đến những chuyến đổ bộ Mặt trăng của Hoa Kỳ. Sau này phi hành gia Frank Borman mô tả đó "chỉ là một trận đánh trong Chiến tranh Lạnh".[179]

Cách mạng Cuba và Cuộc xâm lăng Vịnh Con Lợn[sửa]

Che Guevara (trái) và Fidel Castro (phải) năm 1961

Ở Cuba, phong trào 26 tháng 7 do hai nhà cách mạng trẻ Fidel CastroChe Guevara dẫn dắt đã giành chính quyền vào ngày 1 tháng 1 năm 1959 trong Cách mạng Cuba, lật đổ chế độ không được lòng dân của Tổng thống Fulgencio Batista.[180]

Quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ tiếp diễn một thời gian sau khi Batista bị hạ bệ, thế nhưng Tổng thống Eisenhower lại cố tình rời thủ đô để tránh gặp Castro trong lần Castro đến Washington, D.C. vào tháng 4 năm 1959, để cho Phó Tổng thống Richard Nixon thay mặt tiếp đón.[181] Cuba bắt đầu đàm phán mua vũ khí từ Khối Đông vào tháng 3 năm 1960.[182] Cũng thời gian ấy Eisenhower đã phê chuẩn các kế hoạch của CIA và kinh phí cho mưu đồ lật đổ Castro.[183]

Tháng 1 năm 1961, ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Eisenhower chính thức cắt đứt quan hệ với chính quyền Cuba. Tháng 4 năm đó, CIA của chính quyền Tổng thống mới đắc cử John F. Kennedy đã tổ chức xâm lược không thành đảo Playa Girón và Playa Larga ở Tỉnh Santa Clara, một thất bại khiến Hoa Kỳ bẽ mặt.[184] Castro phản ứng bằng việc công khai đi theo chủ nghĩa Marx–Lenin và Liên Xô cam kết hỗ trợ thêm.[184] Vào tháng 12, chính phủ Hoa Kỳ khởi động một chiến dịch tấn công khủng bố nhằm vào người dân Cuba cùng những hoạt động lén lút trong nỗ lực đánh đổ chính quyền Cuba.[185][186]

Khủng hoảng Berlin 1961[sửa]

Xe tăng Liên Xô và Mỹ đối đầu tại Trạm kiểm soát Charlie trong cuộc Khủng hoảng Berlin năm 1961

Khủng hoảng Berlin 1961 là sự kiện lớn cuối cùng trong Chiến tranh Lạnh liên quan đến tình hình Berlin và nước Đức hậu Thế chiến II. Đến đầu thập niên 1950, hầu hết phần còn lại của Khối Đông đã học theo phương pháp hạn chế trào lưu di cư của Liên Xô.[187] Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn người Đông Đức đi về phía tây thông qua một "lỗ hổng" trong hệ thống tồn tại giữa ĐôngTây Berlin, nơi bốn cường quốc quản lý việc đi lại.[188]

Tình trạng di cư dẫn đến vấn nạn "chảy máu chất xám" trầm trọng cho Đông Đức. Đến năm 1961 gần 20% dân số nước này đã di cư sang Tây Đức, bao gồm những người trẻ có tài được đào tạo.[189] Tháng 6 năm đó, Liên Xô ra tối hậu thư mới yêu cầu lực lượng Đồng Minh rút khỏi Tây Berlin.[190] Yêu cầu bị từ chối nhưng Hoa Kỳ lúc này đã hạn chế bảo đảm an ninh cho Tây Berlin.[191] Vào ngày 13 tháng 8, Đông Đức dựng lên một hàng rào thép gai mà sau này sẽ được mở rộng bằng việc xây dựng Bức tường Berlin, nhờ đó lấp kín lỗ hổng một cách hiệu quả.[192]

Khủng hoảng Tên lửa Cuba và Khrushchev bị khai trừ[sửa]

Ảnh vị trí tên lửa Liên Xô ở Cuba chụp bởi máy bay do thám Hoa Kỳ, 1 tháng 11 năm 1962

Sau vụ Vịnh Con Lợn, chính quyền Kennedy tiếp tục lén lút thử nghiệm nhiều cách khác nhau nhằm lật đổ chính quyền Castro. Niềm hy vọng lớn lao được đặt vào chương trình tấn công khủng bố cùng những hoạt động gây bất ổn khác gọi là Chiến dịch Mongoose do chính quyền Kennedy phát minh năm 1961. Khrushchev nghe ngóng được dự án này vào tháng 2 năm 1962 nên sửa soạn lắp đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba để đối phó.[193]

Ở vào tình cảnh báo động, Kennedy xem xét nhiều phương án. Cuối cùng Kennedy chọn phong tỏa đường biển và ra tối hậu thư cho Liên Xô. Khrushchev ngừng đối đầu và dỡ bỏ tên lửa đổi lấy cam kết công khai của Mỹ không được xâm lược Cuba lần nào nữa, ngoài ra là một thỏa thuận bí mật dỡ bỏ tên lửa Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.[194] Castro sau này thú nhận "Tôi đồng ý việc sử dụng vũ khí hạt nhân. ... dù cứ cho là điều đó chắc chắn sẽ gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và chúng tôi sẽ biến mất."[195]

Khủng hoảng Tên lửa Cuba (tháng 10 – tháng 11 năm 1962) đã đẩy thế giới đến gần một cuộc chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết.[196] Hậu quả của nó đã dẫn tới những nỗ lực giải trừ hạt nhân và cải thiện quan hệ đầu tiên trong cuộc chạy đua hạt nhân cho dù trước đó từng có thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên trong Chiến tranh Lạnh đi vào hiệu lực năm 1961 là Hiệp ước Nam Cực.[197]

Vào năm 1964, Khrushchev bị các đồng sự tại Kremlin hất cẳng nhưng được cho rút lui êm thấm.[198] Khrushchev bị quy kết là thô lỗ, bất tài, hủy hoại nền nông nghiệp nước nhà và đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân.[199] Bức tường Berlin mà ông ủy quyền xây dựng đã làm xấu mặt Liên Xô cũng như chủ nghĩa Marx-Lenin.[199]

Từ đối đầu đến hòa hoãn (1962–1979)[sửa]

Binh lực NATO và khối Warszawa ở châu Âu năm 1973

Trong những năm 1960 và 1970, các bên liên can gắng sức thích nghi với một kiểu quan hệ quốc tế mới phức tạp hơn mà ở đó thế giới không còn chia thành hai phe đối địch rõ ràng.[68] Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc, Tây Âu và Nhật Bản đã hồi phục nhanh chóng và duy trì sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ suốt những năm 1950 và 1960 với GDP bình quân đầu người tiệm cận Hoa Kỳ, trong khi các nền kinh tế Khối Đông thì trì trệ.[68][200]

Chiến tranh Việt Nam càng trôi đi thì càng như một vũng lầy mà Hoa Kỳ sa vào, hậu quả là uy tín quốc tế và sự ổn định kinh tế sụt giảm, các hiệp định vũ khí chệch quỹ đạo, và bất ổn trong nước nảy sinh. Sau khi rút khỏi cuộc chiến, Hoa Kỳ theo đuổi chính sách hòa hoãn với cả Liên Xô lẫn Trung Quốc.[201]

Trong cuộc khủng hoảng dầu 1973, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng xăng dầu. Điều này làm tăng giá dầu gây thiệt hại cho các nền kinh tế phương Tây nhưng lại giúp Liên Xô thu về một dòng tiền khổng lồ từ việc bán dầu.[202]

Khủng hoảng dầu cộng với sức ảnh hưởng gia tăng của những liên minh Thế giới thứ Ba như OPEC và Phong trào Không Liên kết đã giúp các nước yếu thế hơn có thêm thời cơ khẳng định nền độc lập và thường biểu hiện kháng cự áp lực từ cả hai siêu cường.[117] Trong khi đó, Moskva buộc phải hướng sự chú ý vào trong nước để đối phó những vấn đề kinh tế đã ăn sâu của Liên Xô.[68] Các nhà lãnh đạo Liên Xô như Leonid BrezhnevAlexei Kosygin bám chặt khái niệm hòa hoãn trong thời kỳ này.[68]

Chiến tranh Việt Nam[sửa]

Binh lính Mỹ chiến đấu trong Trận Ia Đrăng, Nam Việt Nam, tháng 11 năm 1965

Dưới thời Tổng thống John F. Kennedy, chương trình Tổ Tư vấn Hỗ trợ Quân sự (MAAG) đã làm tăng số binh lính Mỹ ở Việt Nam từ dưới một ngàn năm 1959 lên 16.000 năm 1963.[203][204] Vụ việc Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm đàn áp nặng nề các tu sĩ Phật giáo đã thúc đẩy Hoa Kỳ ủng hộ đảo chính quân sự lật đổ Diệm.[205] Chiến tranh leo thang vào năm 1964 sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ gây tranh cãi mà ở đó Bắc Việt Nam bị cáo buộc dùng xảo thuật tấn công nhanh một tàu khu trục Mỹ. Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ đã giúp Tổng thống Lyndon B. Johnson thoải mái tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ với lần đầu tiên triển khai các đơn vị chiến đấu mặt đất cùng quân số được đẩy lên 184.000.[206] Nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev phản ứng bằng hành động đảo ngược chính sách buông lơi của Khrushchev và gia tăng viện trợ cho Bắc Việt Nam, hy vọng kéo nước này ra khỏi vị thế thân Trung Quốc. Tuy nhiên Liên Xô không khuyến khích leo thang chiến tranh thêm nữa, chỉ cung cấp hỗ trợ quân sự vừa đủ để cản bước lực lượng Hoa Kỳ.[207] Từ lúc này trở đi, Quân đội Nhân dân Việt Nam hay Quân đội Bắc Việt Nam ngày càng tham gia vào giao tranh thông thường đối đầu quân đội Hoa Kỳ và Nam Việt Nam.[208]

Cuộc tiến công Tết Mậu thân 1968 xem ra là bước ngoặt của cuộc chiến. Mặc cho nhiều năm được Hoa Kỳ viện trợ và giám hộ, lực lượng Nam Việt Nam vẫn không thể chống đỡ cuộc tấn công của phe cộng sản và đành phó mặc tình hình cho lực lượng Hoa Kỳ. Sự kiện cho thấy Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu chấm dứt can thiệp, làm tăng thái độ hoài nghi trong nước về cuộc chiến và nảy sinh cái được gọi là Hội chứng Việt Nam hay ác cảm của công chúng với việc Hoa Kỳ dính dáng quân sự bên ngoài. Dẫu sao, các hoạt động vẫn tiếp tục xuyên biên giới, những vùng giáp biên của Lào và Campuchia được Bắc Việt Nam lợi dụng làm tuyến đường tiếp tế song cũng bị Hoa Kỳ không kích ác liệt.[209]

Pháp rút khỏi NATO[sửa]

Sự đoàn kết của NATO đã sớm bị phá vỡ bởi cuộc khủng hoảng xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle. De Gaulle phản đối thế lực của Hoa Kỳ trong tổ chức và những gì ông ta thấy là mối quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Anh. Trong thư báo gửi Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Thủ tướng Harold Macmillan ngày 17 tháng 9 năm 1958, De Gaulle đòi lập ra một ban quản trị ba bên, điều sẽ giúp Pháp bình đẳng với Anh, Mỹ và mở rộng tầm phủ sóng của NATO đến những địa bàn lợi ích của Pháp, nhất là Algeria, nơi Pháp đang tiến hành chống bạo động và cần sự trợ giúp của NATO.[210] De Gaulle không hài lòng với phản hồi nhận được và bắt đầu phát triển một chiến lược răn đe hạt nhân độc lập. Vào năm 1966 ông rút Pháp khỏi cấu trúc quân sự NATO và trục xuất quân đội NATO khỏi lãnh thổ Pháp.[211]

Cuộc xâm lược Tiệp Khắc[sửa]

Cuộc xâm lược Tiệp Khắc của Liên Xô năm 1968 là một trong những hoạt động quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai

Vào năm 1968, một thời kỳ tự do hóa chính trị đã diễn ra ở Tiệp Khắc được gọi là Mùa xuân Praha. "Chương trình hành động" cải cách bao gồm thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do đi lại, chú trọng hàng dân dụng, cân nhắc một chính quyền đa đảng, hạn chế quyền hành của cảnh sát mật,[212] và xem xét rút khỏi Hiệp ước Warszawa.[213]

Câu trả lời của Liên Xô cho Mùa xuân Praha là cùng đa số đồng minh khối Warszawa xâm lược Tiệp Khắc vào ngày 20 tháng 8 năm 1968.[214] Tiếp nối sự kiện là một làn sóng di cư, ước tính ban đầu gồm 70.000 người Séc và Slovak, cuối cùng tổng số đạt 300.000.[215] Cuộc xâm lược đã khơi dậy sự phản đối dữ dội từ Nam Tư, Romania, Trung Quốc, và các đảng cộng sản Tây Âu.[216]

Học thuyết Brezhnev[sửa]

Tháng 9 năm 1968, một tháng sau cuộc xâm lược Tiệp Khắc, Brezhnev đã vạch ra Học thuyết Brezhnev trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan lần thứ Năm. Ở đó ông khẳng định quyền xâm phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đang cố gắng thay thế chủ nghĩa Marx-Lenin bằng chủ nghĩa tư bản. Trích dẫn phát ngôn của Brezhnev:[213]

Khi các thế lực thù địch ra sức xoay chuyển tiến trình phát triển của một số nước xã hội chủ nghĩa hướng sang chủ nghĩa tư bản thì đó đã trở thành vấn nạn không chỉ của nước liên quan mà còn của tất cả quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Căn nguyên của học thuyết đến từ thất bại của chủ nghĩa Marx-Lenin ở các nước như Ba Lan, Hungary, Đông Đức, những nơi đang đối mặt với sự sụt giảm mức sống trái ngược với sự thịnh vượng của Tây Đức và phần còn lại của Tây Âu.[217]

Bất ổn gia tăng ở Thế giới thứ Ba[sửa]

Sau vụ ám sát John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson lên làm Tổng thống Hoa Kỳ. Dưới chính quyền Johnson, Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn đối với Mỹ Latinh, đôi khi gọi là "Học thuyết Mann".[218] Vào năm 1964, quân đội Brazil được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã lật đổ chính quyền Tổng thống João Goulart.[219] Cuối tháng 4 năm 1965, Hoa Kỳ cử 22.000 lính đến Cộng hòa Dominica chiếm đóng một năm trong cuộc xâm lược mang mật danh Chiến dịch Power Pack, viện cớ cách mạng kiểu Cuba đe dọa Mỹ Latinh.[220] Héctor García-Godoy vào vai Tổng thống lâm thời đến khi cựu Tổng thống bảo thủ Joaquín Balaguer giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1966 trước Juan Bosch.[221] Các nhà hoạt động ủng hộ Đảng Cách mạng Dominica của Bosch bị cảnh sát Dominica và lực lượng vũ trang sách nhiễu hung tợn.[221]

Tướng Suharto của Indonesia tham dự lễ tang năm viên tướng bị sát hại trong phong trào 30 tháng 9, 2 tháng 10 năm 1965
Nhà lãnh đạo Ai Cập Anwar Sadat trò chuyện với Henry Kissinger năm 1975

Ở Indonesia, Tướng Suharto, một người chống cộng không khoan nhượng, cố giành quyền quản lý nhà nước từ tay người tiền nhiệm Sukarno trong nỗ lực thiết lập một "Trật tự Mới". Trong năm 1965–1966, với sự viện trợ của Hoa Kỳ và những chính quyền phương Tây khác,[222][223] quân đội đã cầm đầu cuộc thảm sát hơn 500.000 đảng viên và cảm tình viên của Đảng Cộng sản Indonesia cùng những tổ chức cánh tả, giam giữ hàng trăm ngàn người trong các nhà tù sở hữu điều kiện vô cùng dã man khắp đất nước.[224][225] Một báo cáo tối mật của CIA nhận xét cuộc thảm sát "thuộc hàng tồi tệ nhất thế kỷ 20 bên cạnh vụ thanh trừng của Liên Xô thập niên 1930, vụ diệt chủng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, và màn tắm máu của chủ nghĩa Mao đầu thập niên 1950".[225] Hành động này phục vụ lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và cấu thành một bước ngoặt lớn trong Chiến tranh Lạnh khi mà cán cân quyền lực đã thay đổi ở Đông Nam Á.[226][227]

Trong động thái tăng cường can thiệp vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa chính quyền Nam Việt Nam của Ngô Đình Diệm và phiến quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cộng sản (hay Việt Cộng), Johnson đã triển khai khoảng 575.000 lính ở Đông Nam Á nhằm đánh bại Mặt trận Dân tộc cùng đồng minh Bắc Việt của họ trong Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên chính sách tốn kém của Johnson đã làm yếu nền kinh tế Mỹ và đỉnh điểm là đến năm 1975 những gì mà số đông phần còn lại của thế giới thấy là thất bại tủi hổ của siêu cường mạnh nhất thế giới dưới tay một trong những nước nghèo nhất.[70]

Trung Đông vẫn là một khu vực bất ổn. Ai Cập, nước mà kinh tế và vũ khí chủ yếu do Liên Xô hỗ trợ, là một đối tác phiền phức. Liên Xô miễn cưỡng phải giúp Ai Cập trong Chiến tranh Sáu Ngày 1967 (với cố vấn và kỹ thuật viên) và Chiến tranh Tiêu hao (phi công và máy bay) chống Israel thân phương Tây.[228] Vào năm 1972, Ai Cập của nhà tân lãnh đạo Anwar Sadat bắt đầu chuyển hướng kết bè với phương Tây, xa rời Liên Xô.[229] Tin đồn Liên Xô sắp sửa can thiệp nhân danh Ai Cập trong Chiến tranh Yom Kippur 1973 khiến Hoa Kỳ huy động rầm rộ lực lượng đe dọa phá hỏng hòa hoãn. Trước khi Sadat lên nắm quyền, Ai Cập là nước Trung Đông Liên Xô viện trợ nhiều nhất, ngoài ra Liên Xô còn gây dựng quan hệ thân thiết với Nam Yemen cộng sản cùng các chính quyền dân tộc chủ nghĩa Algeria và Iraq.[229] Iraq đã ký Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị 15 năm với Liên Xô vào năm 1972. Theo nhà sử học Charles R. H. Tripp, hiệp ước này đã làm rối loạn "hệ thống an ninh Hoa Kỳ bảo trợ được lập phục vụ Chiến tranh Lạnh ở Trung Đông. Xem ra mọi kẻ thù của chế độ Baghdad đều là đồng minh tiềm năng của Hoa Kỳ."[230] Hoa Kỳ phản ứng bằng hành động lén lút tài trợ cho phiến quân Kurd do Mustafa Barzani cầm đầu trong Chiến tranh Iraq–Kurd lần Hai. Thất bại của phe Kurd năm 1975 buộc hàng trăm ngàn dân thường Kurd phải di dời.[230] Về phần mình, Liên Xô gián tiếp hỗ trợ Palestine trong xung đột Israel–Palestine qua việc giúp đỡ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat.[231]

Ở Đông Phi, tranh chấp lãnh thổ giữa SomaliaEthiopia đối với vùng Ogaden đã dẫn đến Chiến tranh Ogaden. Khoảng tháng 6 năm 1977, quân đội Somalia chiếm đóng Ogaden và bắt đầu tiến vào nội địa hướng đến những cứ điểm của Ethiopia ở Dãy Ahmar. Cả hai nước đều phụ thuộc Liên Xô, Somalia có nhà lãnh đạo quân sự tự xưng theo chủ nghĩa Marx Siad Barre còn kiểm soát Ethiopia là Derg, một bè nhóm tướng lĩnh quân đội trung thành với Mengistu Haile Mariam thân Liên Xô, người đã tuyên bố Chính phủ Quân sự Lâm thời Xã hội chủ nghĩa Ethiopia năm 1975.[232] Liên Xô ban đầu cố gắng điều tiết tầm ảnh hưởng của mình lên cả hai quốc gia nhưng vào tháng 11 năm 1977 Barre đã cắt đứt quan hệ với Moskva và trục xuất các cố vấn quân sự Liên Xô.[233] Sau đó Barre quay sang Trung Quốc và Hội Safari, một nhóm cơ quan tình báo thân Hoa Kỳ đến từ Iran, Ai Cập, Ả Rập, để tìm sự trợ giúp và vũ khí.[234][235][236] Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến sự nhưng Liên Xô đã góp phần không nhỏ vào cuộc phản công thắng lợi của Ethiopia tống khứ Somalia khỏi Ogaden. Cuộc phản công được lên kế hoạch bởi bộ tổng tham mưu Ethiopia kết hợp cố vấn Liên Xô, bên cạnh việc cấp phát vũ khí tinh vi trị giá hàng triệu đô-la.[233] Mũi nhọn xông pha là khoảng 11.000 binh sĩ Cuba vừa trải qua một khóa huấn luyện cấp tốc về một số hệ thống vũ khí mới bởi những hướng dẫn viên Đông Đức.[233]

Nhà lãnh đạo Chile Augusto Pinochet bắt tay Henry Kissinger vào năm 1976

Ở Chile, ứng viên Đảng Xã hội Salvador Allende thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 1970, trở thành Tổng thống Mác-xít dân cử đầu tiên của một quốc gia châu Mỹ.[237] CIA ra tay triệt tiêu sự ủng hộ trong nước dành cho Allende nhắm đến loại bỏ Allende, góp phần làm nên một thời kỳ bất ổn lên đến đỉnh điểm trong vụ đảo chính của Tướng Augusto Pinochet vào ngày 11 tháng 9 năm 1973. Pinochet sắm vai một nhà độc tài quân sự củng cố quyền lực, thu hồi những cải cách kinh tế của Allende, sát hại hoặc giam cầm những địch thủ phái tả trong trại giam của Tổng cục Tình báo Quốc gia (DINA). Các nước xã hội chủ nghĩa cắt đứt quan hệ với Chile, ngoại trừ Trung Quốc và Romania.[238] Chế độ Pinochet là một trong những bên tham gia thủ lĩnh của Chiến dịch Condor, một chiến dịch ám sát chính trị và khủng bố nhà nước quốc tế do những chế độ độc tài quân sự cánh hữu ở Vùng Nón Nam Mỹ tổ chức và được chính phủ Hoa Kỳ bí mật hỗ trợ.[239][240][241]

Xe tăng Cuba trên đường phố Luanda, Angola, 1976

Vào ngày 24 tháng 4 năm 1974, cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng đã lật đổ thành công Marcelo Caetano cùng chính quyền Estado Novo cánh hữu của Bồ Đào Nha, gióng lên hồi chuông báo tử cho Đế quốc Bồ Đào Nha.[242] Các thuộc địa của Bồ Đào Nha mau chóng được trao trả độc lập, trong đó có Angola, nơi mà tiếp nối ách cai trị thực dân là nội chiến tàn khốc.[243] Có ba phe phái kình địch tranh giành quyền lực ở Angola: Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA), Liên minh Quốc gia vì Nền độc lập Toàn diện của Angola (UNITA), và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Angola (FNLA).[244] Mặc dù cả ba đều có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nhưng duy chỉ MPLA là quan hệ mật thiết với Liên Xô.[244] Lập trường gắn bó với quan niệm nhà nước đơn đảng khiến MPLA xa lánh FNLA và UNITA, các bên bắt đầu tự mô tả mình là chống cộng và thân phương Tây.[244] Liên Xô khởi động cung cấp vũ khí cho MPLA cũng là lúc CIA và Trung Quốc lén lút viện trợ đáng kể cho FNLA và UNITA.[245][246][247] Cuối cùng, MPLA đề nghị Moskva hỗ trợ quân sự trực tiếp bằng bộ binh nhưng phía Liên Xô khước từ, chỉ cử cố vấn chứ không quân nhân chiến đấu.[245] Cuba thì tỏ ra hăng hái hơn và bắt đầu tập hợp binh lính ở Angola để hỗ trợ MPLA.[245] Đến tháng 11 năm 1975 đã có hơn một ngàn lính Cuba hiện diện ở quốc gia này.[245] Nhờ binh sĩ Cuba và vũ khí Liên Xô được cung cấp đều đặn, MPLA đã bảo toàn chiến thắng và hóa giải hành vi can thiệp của Nam Phi và Zaire, những nước triển khai quân nhằm hỗ trợ FNLA và UNITA song muộn màng.[248]

Vào thời Khmer Đỏ, 1,5 đến 2 triệu người đã bỏ mạng vì những chính sách của Pol Pot.

Trong Chiến tranh Việt Nam, Bắc Việt Nam đã khai thác những vùng giáp biên của Campuchia làm căn cứ quân sự, điều mà nguyên thủ quốc gia Campuchia Norodom Sihanouk chấp nhận để bảo tồn vị thế trung lập của nước này. Tháng 3 năm 1970, Sihanouk bị Lon Nol, một vị tướng thân Hoa Kỳ, phế truất. Lon Nol yêu cầu lực lượng Bắc Việt rời Campuchia. Tuy nhiên, vì muốn duy trì sự hiện diện ở nước láng giềng, Bắc Việt Nam đã tiến tới đàm phán với Nuon Chea, tư lệnh số hai của những người cộng sản Campuchia (được gán tên Khmer Đỏ) chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền Campuchia.[249] Sihanouk chạy trốn đến Trung Quốc và thành lập chính phủ lưu vong ở Bắc Kinh.[250] Lực lượng Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đối phó những diễn biến này bằng một chiến dịch ném bomxâm nhập mặt đất ngắn, góp thêm bạo lực cho cuộc nội chiến mà đã nhanh chóng bao trùm toàn bộ Campuchia.[251] Hoa Kỳ tiếp tục ném bom trải thảm đến năm 1973, điều này tuy ngăn Khmer Đỏ chiếm thủ đô song lại đẩy nhanh tiến trình sụp đổ của xã hội nông nghiệp, làm tăng phân cực xã hội và giết chết hàng chục ngàn dân thường.[252][253]

Sau khi lên nắm quyền và xa lánh Việt Nam,[254] thủ lĩnh Khmer Đỏ thân Trung Quốc Pol Pot đã sát hại 1,5 đến 2 triệu người Campuchia ở những cánh đồng chết, tương ứng khoảng một phần tư dân số Campuchia (sự kiện thường được gọi là diệt chủng người Campuchia).[255][256][257][258] Nhà xã hội học Martin Shaw mô tả những tội ác này là "vụ diệt chủng thuần chủng nhất thời Chiến tranh Lạnh", ý nói ở đây hầu như chỉ có người Campuchia từ thủ phạm cho đến nạn nhân.[259] Mặt trận Cứu quốc Thống nhất Campuchia, một tổ chức của những cộng sản Khmer thân Liên Xô và những người Khmer Đỏ ly khai do Heng Samrin lãnh đạo, đã giúp đỡ Việt Nam tiến đánh Campuchia vào ngày 22 tháng 12 năm 1978. Nước đi này có một phần nguyên nhân đến từ vụ đột nhập và thảm sát hơn 3.000 dân thường Việt Nam ở xã Ba Chúc, tỉnh An Giang của quân Khmer Đỏ.[260] Cuộc tấn công đã lật đổ thành công Pol Pot nhưng chế độ mới sẽ phải đấu tranh để được quốc tế ngoài Khối Liên Xô công nhận. Mặc cho việc chế độ Pol Pot từng bị thế giới lên án kịch liệt vì vi phạm nhân quyền trắng trợn, các đại diện của Khmer Đỏ vẫn được cho ghế tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ không nhỏ từ Trung Quốc, các nước phương Tây, và các nước thành viên ASEAN. Campuchia sẽ sa lầy vào một cuộc chiến tranh du kích có nguồn gốc từ những trại tị nạn nằm trên biên giới với Thái Lan. Sau sự sụp đổ của Khmer Đỏ, Campuchia gặp vô vàn trắc trở trong công cuộc tái thiết đất nước còn Việt Nam thì phải hứng chịu một cuộc tấn công trừng phạt từ Trung Quốc.[261]

Quan hệ Mỹ-Trung cải thiện[sửa]

Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến thăm Trung Quốc

Chia rẽ Trung-Xô khiến căng thẳng dọc biên giới hai nước lên đến đỉnh điểm vào năm 1969 và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon quyết định lợi dụng xung đột này để dịch chuyển cán cân quyền lực nghiêng về phía tây.[262] Trung Quốc cũng tìm đường cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nhằm chiếm ưu thế trước Liên Xô.

Tháng 2 năm 1972, Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch ĐôngChu Ân Lai, gây ngạc nhiên với việc nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc.[263] Khi ấy, Liên Xô nhìn chung ngang hàng Hoa Kỳ về năng lực hạt nhân, trong khi Chiến tranh Việt Nam đã hạ thấp tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Thế giới thứ Ba và làm phai nhạt quan hệ giữa nước này với Tây Âu. Căng thẳng bắt đầu dịu bớt dù những xung đột gián tiếp giữa các cường quốc vẫn tiếp diễn qua cuối thập niên 1960 và đầu 1970.

Nixon, Brezhnev, và détente[sửa]

Leonid Brezhnev và Jimmy Carter ký hiệp ước SALT II ở Viên, 18 tháng 6 năm 1979

Sau chuyến thăm Trung Quốc, Nixon đi gặp các lãnh đạo Liên Xô ở Moskva.[264] Các phiên Đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) đã dẫn đến hai hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính cột mốc: SALT I là hiệp ước hạn chế toàn diện đầu tiên mà hai siêu cường ký và Hiệp ước ABM cấm phát triển các hệ thống đánh chặn tên lửa. Những việc làm này có mục đích hạn chế phát triển tên lửa chống tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân tốn kém.[68]

Nixon và Brezhnev tuyên bố thời đại "chung sống hòa bình" mới và lập ra chính sách đột phá hòa hoãn (détente, hay hợp tác) giữa hai siêu cường. Trong khi đó, Brezhnev cố gắng khôi phục nền kinh tế Liên Xô đang suy thoái phần nào do phí tổn quân sự cao. Giai đoạn 1972–1974, hai bên đồng ý củng cố quan hệ kinh tế,[70] trong đó là những thỏa thuận thúc đẩy thương mại. Qua các cuộc gặp, tính chất thù địch của Chiến tranh Lạnh dần được thay thế bằng hòa dịu và hai nước sẽ tương hỗ cùng đi lên.[265] Những tiến bộ này đến trùng thời điểm với chính sách "Ostpolitik" của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt,[216] một nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Tây Đức và Đông Âu. Còn các thỏa thuận khác được ký nhằm ổn định tình hình châu Âu, đặc biệt là Hiệp định Helsinki tại Hội nghị An ninh và Hợp tác ở châu Âu năm 1975.[266]

Người dân Iran biểu tình phản đối Nhà Pahlavi trong Cách mạng Iran

Kissinger và Nixon là những người duy thực không chú trọng đến những mục tiêu duy tâm như chống cộng hay xúc tiến dân chủ toàn cầu vì nó quá tốn kém nếu bàn năng lực kinh tế của Hoa Kỳ. Thay vì Chiến tranh Lạnh, họ muốn hòa bình, thương mại và giao lưu văn hóa. Họ nhận ra rằng người Mỹ không còn muốn đóng thuế cho những mục tiêu đối ngoại duy tâm, nhất là chính sách ngăn chặn dường như không bao giờ đem lại kết quả tích cực. Thay vào đó, Nixon và Kissinger tìm cách rút bớt những cam kết toàn cầu sao cho tương xứng với năng lực chính trị, đạo đức, kinh tế đã giảm sút của Hoa Kỳ. Họ bác bỏ "chủ nghĩa duy tâm" là phi thực tế, quá tốn kém và cả hai đều không biểu lộ nhiều xúc cảm đến hoàn cảnh con người sống dưới chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa duy thực của Kissinger dần lụi khi chủ nghĩa duy tâm quay lại trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với tư tưởng đạo đức của Carter nhấn mạnh nhân quyền và chiến lược đẩy lùi của Reagan nhắm đến tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản.

Sự suy thoái quan hệ cuối thập niên 1970[sửa]

Trong thập niên 1970, KGB do Yuri Andropov đứng đầu không ngừng sách nhiễu những người Liên Xô có tiếng đang chỉ trích giới lãnh đạo gay gắt như Aleksandr SolzhenitsynAndrei Sakharov.[267] Xung đột gián tiếp giữa các siêu cường duy trì qua thời kỳ hòa hoãn ở Thế giới thứ Ba, nhất là trong những vụ khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, Chile, Ethiopia, và Angola.[268]

Mặc dù Tổng thống Jimmy Carter đã cố gắng áp đặt thêm hạn chế lên cuộc chạy đua vũ trang bằng thỏa thuận SALT II năm 1979 song những nỗ lực của ông lại bị hủy hoại bởi các sự kiện khác năm đó như Cách mạng IranCách mạng Nicaragua lật đổ các chế độ thân Mỹ cùng đòn trả đũa việc Liên Xô can thiệp Afghanistan vào tháng 12.[70]

Chiến tranh Lạnh mới (1979–1985)[sửa]

Thuật ngữ Chiến tranh Lạnh mới đề cập đến thời kỳ căng thẳng và xung đột quay trở lại mạnh mẽ vào cuối những năm 1970 và đầu 1980. Căng thẳng tăng lên nhiều khi mà cả hai siêu cường đều trở nên quân phiệt hơn.[269]

Cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan[sửa]

Tổng thống Reagan công khai ủng hộ mujahideen Afghan với việc gặp các thủ lĩnh phe này ở Nhà Trắng, 1983.

Tháng 4 năm 1978, Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) cộng sản lên nắm quyền ở Afghanistan trong Cách mạng Saur. Trong vòng vài tháng, các địch thủ của chính quyền cộng sản đã phát động một cuộc nổi dậy ở miền đông Afghanistan. Xung đột nhanh chóng lan rộng thành nội chiến toàn quốc giữa mujahideen du kích và lực lượng chính quyền.[270] Phiến quân Mujahideen Afghanistan Hồi giáo Thống nhất được cấp vũ khí và huấn luyện chiến đấu ở Pakistan và Trung Quốc láng giềng,[271][272] trong khi Liên Xô thì cử hàng ngàn cố vấn quân sự đến giúp chính quyền PDPA.[270] Bên trong PDPA tồn tại hai phe phái là Khalq có lập trường cứng rắn và Parcham ôn hòa hơn. Mâu thuẫn giữa hai phe ngày một tăng dẫn đến việc các nội các viên Parcham bị bãi chức và sĩ quan quân đội Parcham bị bắt dưới cái cớ đảo chính. Đến giữa năm 1979, Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình bí mật nhằm hỗ trợ mujahideen.[273]

Tháng 9 năm 1979, Tổng thống Nur Muhammad Taraki bị ám sát trong một cuộc đảo chính nội bộ PDPA do Hafizullah Amin, người đồng chí Khalq dàn xếp và rồi lên kế vị. Tuy nhiên, Liên Xô không tin tưởng Amin nên đã cử một đội đặc nhiệm ám sát Amin trong Chiến dịch Bão tố-333 diễn ra tháng 12 năm đó. Khỏa lấp khoảng trống là một chính quyền Liên Xô bài trí, đứng đầu là Babrak Karmal phe Parcham song vẫn bao hàm cả hai phe. Quân đội Liên Xô được tăng cường triển khai để ổn định Afghanistan dưới trướng Karmal, dù cho chính quyền Liên Xô không dự kiến phải chiến đấu nhiều ở Afghanistan. Tuy nhiên bởi tình thế như vậy, Liên Xô giờ đã can dự trực tiếp vào cái gọi là cuộc chiến nội bộ ở quốc gia này.[274]

Carter đáp trả hành vi can thiệp của Liên Xô bằng việc không thông qua hiệp ước SALT II, áp đặt lệnh cấm vận lên hàng ngũ cốc và công nghệ vận chuyển đến Liên Xô, yêu cầu tăng đáng kể chi tiêu quân sự, và thông báo thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tẩy chay Thế vận hội Mùa hè 1980 ở Moskva. Tổng thống Mỹ mô tả vụ xâm nhập của Liên Xô là "mối đe dọa hòa bình nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai".[275]

Reagan và Thatcher[sửa]

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong bữa trưa bàn công việc tại Trại David, tháng 12 năm 1984
Bản đồ liên minh quân sự thế giới năm 1980

Tháng 1 năm 1977, bốn năm trước khi trở thành tổng thống, Ronald Reagan thẳng thừng tiết lộ kỳ vọng căn bản của ông về Chiến tranh Lạnh trong buổi đàm luận với Richard V. Allen. Reagan nói: "Ý nghĩ của tôi về chính sách của Hoa Kỳ đối với Liên Xô là đơn giản, và một số người sẽ nói là quá đơn giản". "Đó là thế này: Chúng ta thắng và họ thua. Ông nghĩ sao về điều đó?".[276] Vào năm 1980, Reagan đánh bại Jimmy Carter trong cuộc bầu cử tổng thống và hứa hẹn tăng chi tiêu quân sự cũng như đối đầu Liên Xô ở mọi nơi.[277] Cả Reagan lẫn tân Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đều lên án Liên Xô và ý thức hệ của nước này. Reagan gán mác Liên Xô là "đế quốc ma quỷ" và dự đoán chủ nghĩa cộng sản sẽ bị bỏ lại trong "đống tro tàn của lịch sử", còn Thatcher thì buộc tội Liên Xô "đòi bá chủ thế giới bằng được".[278][279] Vào năm 1982 Reagan cố chặn một đường thu ngoại tệ mạnh của Moskva bằng việc cản trở tuyến khí đốt đến Tây Âu dự định. Hành động làm tổn hại kinh tế Liên Xô nhưng cũng khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ, những nước kỳ vọng vào doanh thu, cảm thấy bực dọc. Reagan rút lui trong vấn đề này.[280][281]

Đến đầu năm 1985, lập trường chống cộng của Reagan đã phát triển thành cái gọi là Học thuyết Reagan. Học thuyết này bổ sung vào chính sách ngăn chặn quyền phá hoại hay đập tan các chính quyền cộng sản đương thời.[282] Bên cạnh tiếp tục chính sách của Carter ủng hộ những địch thủ Hồi giáo của Liên Xô và chính quyền Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan Liên Xô hậu thuẫn ở Afghanistan, CIA còn tìm cách làm suy yếu Liên Xô bằng hành động xúc tiến chủ nghĩa Hồi giáoXô viết Trung Á, nơi có đông dân cư theo đạo Hồi. Thêm vào đó, CIA khuyến khích Cục Tình báo Liên Ngành (ISI) Pakistan đào tạo tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới gia nhập jihad chống Liên Xô.

Phong trào Đoàn kết Ba Lan và thiết quân luật[sửa]

Tháng 8 năm 1980, công đoàn Đoàn kết ra đời tại Xưởng đóng tàu Lenin ở Gdańsk, Ba Lan. Trong thập niên 1980, Đoàn kết là một phong trào xã hội chống quan liêu phổ biến sử dụng những biện pháp phản kháng dân sự nhằm thúc đẩy quyền công nhân và chuyển biến xã hội. Tháng 12 năm 1981, chính quyền áp đặt một thời kỳ thiết quân luật nhằm đối phó khủng hoảng. Reagan đáp trả bằng hành động trừng phạt kinh tế đối với Ba Lan.[283] Mikhail Suslov, nhà tư tưởng hàng đầu Liên Xô, khuyên lãnh đạo nước này không can thiệp nếu Ba Lan rơi vào tay Đoàn kết vì sợ hậu quả là trừng phạt kinh tế nặng nề sẽ gây ra một thảm họa cho nền kinh tế Liên Xô.[283]

Vấn đề kinh tế, quân sự của Liên Xô và Hoa Kỳ[sửa]

Kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và Liên Xô/Nga, 1945–2014

Liên Xô xây dựng một đội quân tiêu tốn có khi đến 25 phần trăm tổng sản phẩm quốc gia, đánh đổi bằng hàng tiêu dùng và đầu tư vào lĩnh vực dân sự.[284] Chi phí cho chạy đua vũ trang và những cam kết liên quan Chiến tranh Lạnh khác gây nên và làm trầm trọng những vấn đề kết cấu ăn sâu trong hệ thống Xô viết mà đã trải qua ít nhất một thập kỷ trì trệ kinh tế vào cuối thời Brezhnev.[285]

Sự đầu tư của Liên Xô vào quốc phòng không do yêu cầu quân sự mà phần lớn vì lợi ích của công chức đảng và nhà nước muốn quyền lực và đặc lợi nhờ bám theo lĩnh vực này.[286] Lực lượng Vũ trang Liên Xô trở nên hùng hậu nhất thế giới về quân số, số lượng và loại vũ khí sở hữu, cùng quy mô tuyệt đối của nền tảng công nghiệp–quân sự.[287] Tuy nhiên, ưu thế số lượng của quân đội Liên Xô thường che đậy những khía cạnh mà Khối Đông tụt hậu đáng kể so với phương Tây.[288] Ví dụ, Chiến tranh Vùng Vịnh đã chứng tỏ giáp, hệ thống điều khiển hỏa lực, và tầm bắn của xe tăng chiến đấu chủ lực phổ biến nhất của Liên Xô là T-72 thua kém M1 Abrams của Hoa Kỳ, trong khi Liên Xô triển khai T-72 nhiều gần gấp ba lần M1.[289]

Sang đến đầu thập niên 1980, quân đội và kho vũ khí của Liên Xô đã vượt mặt Hoa Kỳ. Tổng thống Jimmy Carter bắt đầu tăng cường quân sự mạnh mẽ không lâu sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan. Chính quyền Reagan đẩy nhanh tiến trình khiến chi tiêu quân sự tăng từ 5,3 phần trăm tổng sản phẩm quốc gia năm 1981 lên 6,5 phần trăm năm 1986,[290] biến đây thành lần củng cố quốc phòng thời bình lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ.[291]

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Reagan hồi sinh chương trình B-1 Lancer mà từng bị chính quyền Carter hủy bỏ, sản xuất tên lửa LGM-118 Peacekeeper,[292] thiết đặt tên lửa hành trình ở châu Âu và thông báo Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) thử nghiệm – chương trình phòng thủ dự định bắn hạ tên lửa trong không trung. Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo RSD-10 Pioneer nhắm đến Tây Âu, còn NATO quyết định triển khai MGM-31 Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu, chủ yếu ở Tây Đức.[293] Việc làm này đặt các tên lửa chỉ cách Moskva 10 phút di chuyển.[294]

Sau khi viết một lá thư gửi Yuri Andropov bày tỏ nỗi sợ chiến tranh hạt nhân, cô bé 10 tuổi người Mỹ Samantha Smith đã được Andropov mời đến Liên Xô.

Sau khi Reagan tăng cường quân sự, Liên Xô không phản ứng bằng hành động tương tự bởi phí tổn khổng lồ,[295] chưa kể sản xuất kế hoạch thiếu hiệu quả và nông nghiệp tập thể hóa đã đang là gánh nặng to lớn đối với nền kinh tế Liên Xô. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út tăng sản lượng dầu trùng thời điểm các nước ngoài OPEC cũng đang tăng sản lượng.[296] Diễn biến này góp phần gây nên tình trạng dư thừa dầu thập niên 1980 ảnh hưởng đến Liên Xô vì dầu mỏ là nguồn thu xuất khẩu chính của nước này.[284] Các vấn đề với kinh tế chỉ huy,[297] giá dầu giảm và phí tổn quân sự lớn đã dần đẩy nền kinh tế Liên Xô vào trì trệ.

Vào ngày 1 tháng 9 năm 1983, Liên Xô bắn hạ Chuyến bay 007 của Korean Air Lines, một chiếc Boeing 747 chở 269 người trong đó có Dân biểu Larry McDonald, hành động mà Reagan mô tả là "thảm sát". Chiếc Boeing đã xâm phạm không phận Liên Xô ngay khi bay qua duyên hải phía tây Đảo Sakhalin gần Đảo Moneron và Liên Xô xem máy bay không xác định đó là máy bay do thám Hoa Kỳ. Vụ việc dẫn tới thêm sự ủng hộ cho công tác triển khai quân đội do Reagan giám sát duy trì đến những hiệp định sau này giữa Reagan và Mikhail Gorbachev.[298] Cuộc diễn tập Able Archer 83 tháng 11 năm 1983, một dịp mô phỏng giải phóng hạt nhân thực tế do NATO phối hợp tiến hành, có lẽ là thời khắc nguy hiểm nhất kể từ Khủng hoảng Tên lửa Cuba khi giới lãnh đạo Liên Xô lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra.[299]

Công chúng Hoa Kỳ trong nước vẫn luôn lo ngại về hành vi can thiệp vào xung đột bên ngoài kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.[300] Chính quyền Reagan chú trọng sử dụng những phương sách chống nổi dậy nhanh chóng, ít tốn kém để can thiệp xung đột bên ngoài.[300] Vào năm 1983, chính quyền Reagan nhúng tay vào Nội chiến Lebanon đa phe phái, xâm lược Grenada, oanh tạc Libya và hỗ trợ Contra Trung Mỹ, những nhóm bán quân sự chống cộng mưu cầu lật đổ chính quyền Sandinista ở Nicaragua.[117] Trong khi hành động can thiệp chống Grenada và Libya được đồng tình ở Hoa Kỳ thì việc Reagan hậu thuẫn phiến quân Contra hay chính phủ quân sự Guatemala trong Nội chiến Guatemala, đặc biệt là chế độ Efraín Ríos Montt, lại sa vào tranh cãi.[301][302]

Liên Xô thì gánh chịu chi phí lớn cho việc can thiệp bên ngoài. Mặc dù vào năm 1979 Brezhnev bị thuyết phục rằng cuộc chiến ở Afghanistan sẽ nhanh gọn, du kích Hồi giáo được Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Ả Rập Xê Út, Pakistan hỗ trợ đã kháng cự mãnh liệt.[272][303] Moskva cử gần 100.000 lính đến giúp chế độ bù nhìn của mình ở Afghanistan, khiến nhiều quan sát viên bên ngoài gọi cuộc chiến này là "Việt Nam của Liên Xô".[303] Tuy nhiên, vũng lầy Afghanistan của Liên Xô tai họa hơn nhiều Việt Nam của Mỹ vì nó trùng với giai đoạn khủng hoảng và suy thoái trong hệ thống Xô viết.

Những năm cuối (1985–1991)[sửa]

Cải cách của Gorbachev[sửa]

Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan ký Hiệp ước INF tại Nhà Trắng, 1987.

Đến khi một nhân vật còn khá trẻ là Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985,[278] nền kinh tế Liên Xô đã trì trệ và lượng ngoại tệ thu về giảm mạnh do giá dầu trượt dốc trong thập niên 1980.[304] Các vấn đề này thôi thúc Gorbachev xem xét những biện pháp nhằm vực dậy tình hình.[304]

Những hành động ban đầu không phát huy hiệu quả dẫn đến kết luận rằng cần phải thay đổi kết cấu sâu rộng. Tháng 6 năm 1987 Gorbachev thông báo một chương trình cải cách kinh tế gọi là perestroika hay tái cơ cấu.[305] Perestroika nới lỏng hệ thống hạn ngạch sản xuất, cho phép tư hữu hóa doanh nghiệp và mở đường cho đầu tư nước ngoài. Các biện pháp này nhằm chuyển hướng nguồn lực đất nước từ phục vụ Chiến tranh Lạnh tốn kém sang những khu vực hữu ích hơn trong khối dân sự.[305]

Mặc thái độ hoài nghi ban đầu của phương Tây, nhà lãnh đạo Liên Xô mới đã chứng tỏ cam kết đảo ngược tình hình kinh tế suy thoái trong nước thay vì tiếp tục chạy đua vũ trang với bên ngoài.[306] Gorbachev đồng thời giới thiệu glasnost (công khai, cởi mở), gia tăng tự do báo chí và tính minh bạch của các cơ quan nhà nước.[307] Glasnost được dự kiến làm giảm tham nhũng tại chóp bu của đảng và tiết chế lạm dụng quyền lực trong Ban Chấp hành Trung ương.[308] Chính sách này còn cho phép công dân Liên Xô tiếp xúc nhiều hơn với thế giới phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy hòa dịu giữa hai nước.[309]

Tan băng quan hệ[sửa]

Khởi đầu thập niên 1990 chứng kiến sự tan băng trong quan hệ giữa hai siêu cường.

Đáp lại những sự nhượng bộ về chính trị và quân sự của Kremlin, Reagan đồng ý nối lại đàm luận về các vấn đề kinh tế và thu giảm chạy đua vũ trang.[310] Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ở Genève, Thụy Sĩ vào tháng 11 năm 1985 được tiếp nối bởi cuộc gặp thứ hai vào tháng 10 năm 1986 ở Reykjavík, Iceland.[310] Thảo luận diễn ra tốt đẹp đến khi trọng tâm chuyển sang Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược dự kiến của Reagan mà Gorbachev muốn loại bỏ. Reagan khước từ và đàm phán thất bại.[311] Tuy vậy cuộc gặp thứ ba năm 1987 có sự đột phá với việc ký kết Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước INF thủ tiêu mọi tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ mặt đất có phạm vi 500 đến 5.500 kilomet (300 đến 3.400 dặm) cùng hạ tầng của chúng.[312]

Reagan đọc diễn văn "Tear down this wall!" (Hãy phá đổ bức tường này!) trước Cổng Brandenburg, 12 tháng 6 năm 1987

Căng thẳng Đông–Tây nhanh chóng hạ nhiệt trong nửa sau thập niên 1980, đỉnh điểm với hội nghị thượng đỉnh cuối cùng ở Moskva năm 1989 khi Gorbachev và George H. W. Bush ký hiệp ước kiểm soát vũ khí START I.[313] Sang năm tiếp theo trợ cấp dầu mỏ, khí đốt cùng chi phí duy trì quân số đông đảo rõ ràng đã bòn rút kinh tế Liên Xô đáng kể.[314] Thêm nữa, lợi thế an ninh của vùng đệm được thừa nhận là không thích đáng và Liên Xô chính thức tuyên bố không còn xen vào công việc của các nước đồng minh ở Trung và Đông Âu.[315]

Vào năm 1989 quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan và năm 1990 Gorbachev bằng lòng tái thống nhất nước Đức.[316][314] Khi Bức tường Berlin sụp đổ cũng là lúc khái niệm "Ngôi nhà Chung châu Âu" của Gorbachev bắt đầu thành hình.[317]

Vào ngày 3 tháng 12 năm 1989, Gorbachev và George H.W. Bush tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Lạnh tại Hội nghị thượng đỉnh Malta.[318] Một năm sau hai cựu địch thủ đã là cộng sự trong Chiến tranh Vùng Vịnh chống Iraq (tháng 8 năm 1990 – tháng 2 năm 1991).[319]

Đông Âu thoát ly[sửa]

Otto von Habsburg, người đi đầu trong công cuộc dẹp bỏ Bức màn Sắt.

Đến năm 1989, hệ thống liên minh Xô viết đã bên bờ sụp đổ. Không còn được Liên Xô hỗ trợ quân sự, lãnh đạo cộng sản các nước Khối Warszawa đang mất dần quyền lực.[316] Các tổ chức và phong trào quần chúng địa bàn như Đoàn kết ở Ba Lan nhanh chóng lan tỏa với nền tảng ủng hộ mạnh mẽ.

Cuộc dã ngoại toàn Âu tháng 8 năm 1989 ở Hungary cuối cùng đã khởi động một phong trào hòa bình mà những nhà cầm quyền ở Khối Đông không thể ngăn chặn. Đây là phong trào lớn nhất của người tị nạn Đông Đức kể từ khi Bức tường Berlin được xây năm 1961 và rốt cục đã xua tan Bức màn Sắt. Otto von Habsburg và Bộ trưởng Nhà nước Hungary Imre Pozsgay, những nhà bảo trợ của cuộc dã ngoại, xem sự kiện đã lên kế hoạch là thời cơ để thử phản ứng của Mikhail Gorbachev. Chi nhánh Áo của Liên minh toàn Âu do Karl von Habsburg đứng đầu đã phân phát hàng ngàn tờ gấp mời những người Đông Đức đang đi nghỉ ở Hungary tham dự một cuộc dã ngoại gần biên giới tại Sopron. Trước một cuộc di dân ồ ạt, hành xử lưỡng lự của Đảng Xã hội Thống nhất Đông Đức và việc Liên Xô không can thiệp đã khơi thông dòng lũ. Giờ hàng chục ngàn người Đông Đức hưởng ứng lời mời gọi của truyền thông lên đường đến Hungary, quốc gia không còn muốn đóng kín hoàn toàn biên giới hay ép buộc lực lượng vũ trang biên phòng can thiệp. Sự kiện gây nên bất hòa giữa các nước Đông Âu và cho dân chúng Đông Âu thấy rằng chính quyền của họ đã đánh mất quyền lực tuyệt đối.[320][321][322][323][324][325]

Vào năm 1989, chính quyền cộng sản Ba Lan và Hungary tiên phong đàm phán việc tổ chức các cuộc bầu cử cạnh tranh. Ở Tiệp Khắc và Đông Đức, những cuộc biểu tình rầm rộ đã đánh bật những lãnh đạo cộng sản cố bám trụ. Các chế độ cộng sản ở Bulgaria và Romania cũng lụi tàn, với Romania là kết quả của một cuộc nổi dậy bạo lực.[326] Trào lưu đổi thay lên đến đỉnh điểm với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989, tượng trưng cho dấu chấm hết của các chính quyền cộng sản châu Âu và xóa đi Bức màn Sắt chia cắt châu Âu. Làn sóng cách mạng 1989 quét qua khắp Trung và Đông Âu đã lật đổ mọi nhà nước cộng sản kiểu Xô viết bao gồm Đông Đức, Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, Bulgaria trong hòa bình.[327] Romania là quốc gia Khối Đông duy nhất chuyển giao trong bạo lực và đã hành hình nguyên thủ quốc gia mình.[328]

Liên Xô tan rã[sửa]

Đảo chính tháng 8 ở Moskva, 1991
Dãy người ở Litva trong cuộc biểu tình Con đường Baltic, 23 tháng 8 năm 1989

Glasnost khiến Liên Xô mất đi sự gắn kết về tư tưởng và đến tháng 2 năm 1990 khi mà kết cục đang hiện dần, Đảng Cộng sản đã buộc phải từ bỏ thế độc tôn quyền lực tồn tại 73 năm.[329] Cùng thời gian các nước cộng hòa cấu thành liên bang tuyên bố tự chủ, trong khi các nước Baltic thì thoát ly hoàn toàn.[330]

Gorbachev sử dụng vũ lực để ngăn các nước Baltic tách khỏi Liên Xô. Vụ đảo chính thất bại trong tháng 8 năm 1991 đã đẩy Liên Xô đến bờ diệt vong. Ngày càng có thêm các nước cộng hòa Xô viết, đặc biệt là Nga, đe dọa ly khai. Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập ra đời ngày 21 tháng 12 năm 1991 đóng vai thực thể kế tục Liên Xô. Liên Xô được tuyên bố chính thức tan rã vào ngày 26 tháng 12 năm 1991.[331]

Tổng thống Mỹ George H.W. Bush bày tỏ cảm xúc: "Điều lớn lao nhất xảy ra trên thế giới trong đời tôi, trong cuộc đời chúng ta, là đây: Nhờ ơn Chúa, nước Mỹ đã thắng cuộc Chiến tranh Lạnh."[332]

Hậu Chiến tranh Lạnh[sửa]

Sự thay đổi biên giới quốc gia sau Chiến tranh Lạnh

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự và tái cơ cấu kinh tế khiến hàng triệu người thất nghiệp.[333] Cải cách tư bản chủ nghĩa dẫn đến một đợt suy thoái vào đầu những năm 1990 nghiêm trọng hơn Đại Suy thoái mà Mỹ và Đức từng hứng chịu.[334] Trong 25 năm kể từ thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, chỉ năm hay sáu quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa là trên con đường gia nhập thế giới tư bản trong khi số đông tụt lại phía sau, một số đến mức mà sẽ mất vài thập kỷ để bắt kịp quá khứ của họ trước lúc chủ nghĩa cộng sản tàn lụi.[335][336]

Các đảng cộng sản bên ngoài các nước Baltic không bị xem là bất hợp pháp và những đảng viên của họ không bị truy tố. Ở một số quốc gia, đảng cộng sản đơn thuần là đổi tên và tiếp tục hoạt động.

Chiến tranh Lạnh vẫn tác động đến những vấn đề thế giới. Thế giới hậu Chiến tranh Lạnh được xem là đơn cực với Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất còn lại.[337] Cuộc chiến xác định vai trò chính trị của Hoa Kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai; đến năm 1989 Hoa Kỳ đã thiết lập liên minh quân sự với 50 quốc gia, có 526.000 lính đồn trú nước ngoài trong đó 326.000 ở châu Âu (hai phần ba số này ở Tây Đức)[338] và 130.000 ở châu Á (chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc).[339] Chiến tranh Lạnh còn ghi dấu tột đỉnh của tổ hợp quân sự-công nghiệp thời bình, đặc biệt ở Hoa Kỳ, cùng sự tài trợ lớn lao vào khoa học phục vụ quân sự.[340] Các tổ hợp này mặc dù có xuất xứ từ thế kỷ 19 song tăng trưởng kinh ngạc trong Chiến tranh Lạnh.[341]

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên minh châu Âu đã mở rộng về phía đông sang các nước Khối Warszawa và một phần Liên Xô cũ.

Tổng phí tổn quân sự của Hoa Kỳ xuyên suốt Chiến tranh Lạnh ước tính lên tới 8 ngàn tỷ đô-la. Gần 100.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều TiênViệt Nam.[342] Thương vong của Liên Xô khó đánh giá, còn chi phí nước này bỏ ra thì cao hơn nhiều Hoa Kỳ.[343]

Bên cạnh số binh sĩ tham chiến, hàng triệu người đã chết trong những cuộc chiến ủy nhiệm của hai siêu cường khắp toàn cầu, đặc biệt ở Đông Nam Á.[344] Hầu hết chiến tranh ủy nhiệm và sự tài trợ cho xung đột địa bàn chấm dứt cùng Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh giữa các nước, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh cách mạng, khủng hoảng người tị nạn và người di tản đã giảm mạnh trong những năm sau đó.[345]

Mặc dù vậy, hậu quả của Chiến tranh Lạnh không dễ xóa nhòa, khi mà nhiều căng thẳng xã hội và kinh tế bị lợi dụng để kích động ganh đua ở Thế giới thứ Ba vẫn tồn đọng sâu sắc. Sự quản lý nhà nước mất đi ở những nơi mà chính quyền cộng sản từng cai trị đã làm nảy sinh xung đột sắc tộc và dân sự mới, tiêu biểu như Nam Tư cũ. Ở Trung và Đông Âu, Chiến tranh Lạnh kết thúc báo hiệu thời kỳ tăng trưởng kinh tếdân chủ tự do vươn lên; trong khi ở những nơi khác trên thế giới như Afghanistan, độc lập giành được đi kèm với thất bại của nhà nước.[269]

Viết sử[sửa]

Từ khi thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh" được dùng phổ biến để nói đến căng thẳng sau Chiến tranh thế giới thứ Hai giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, các nhà sử học, khoa học chính trị và ký giả đã tranh luận sôi nổi về cách thức diễn giải nguồn gốc và tiến trình của xung đột.[346] Đặc biệt, các nhà sử học bất đồng sâu sắc về nguyên nhân khiến quan hệ Liên Xô–Hoa Kỳ tan vỡ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và liệu xung đột giữa hai siêu cường có thể tránh được hay không.[347] Họ cũng không thống nhất Chiến tranh Lạnh chính xác là gì, xung đột bắt nguồn từ đâu, và làm thế nào để hai bên thoát khỏi những khuôn mẫu phản ứng và hành động.[269]

Mặc dù những lý giải về nguồn gốc của xung đột trong thảo luận hàn lâm là phong phú và phức tạp song có thể xác định một số trường phái tư tưởng chủ đạo. Các nhà sử học thường đề cập ba phương pháp nghiên cứu Chiến tranh Lạnh khác nhau: "chính thống", "xét lại", và "hậu xét lại".[340]

Lối tường thuật "chính thống" quy đổ trách nhiệm cho Liên Xô và việc nước này bành trướng sang châu Âu đã gây ra Chiến tranh Lạnh.[340] Các tác giả "xét lại" thì cho rằng hòa bình hậu thế chiến mất đi phần nhiều hơn do Hoa Kỳ, họ viện dẫn những nỗ lực của nước này nhằm cô lập và đối đầu Liên Xô trước xa lúc Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc.[340] Những người hậu xét lại có xu hướng nhìn nhận đa chiều hơn và cố gắng tìm sự cân bằng trong việc xác định những điều đã xảy ra trong Chiến tranh Lạnh.[340] Hầu hết lối viết sử về Chiến tranh Lạnh đan xen hai hoặc thậm chí cả ba phạm trù phổ quát này.[22]

Tham khảo[sửa]

  1. Robert Service, The End of the Cold War: 1985-1991 (Macmillan, 2015)
  2. Sempa, Francis (ngày 12 tháng 7 năm 2017), Geopolitics: From the Cold War to the 21st Century, Routledge, ISBN 978-1-351-51768-3
  3. G. Jones 2014, tr. 176–79.
  4. a b c Gaddis 2005, tr. 13–23.
  5. Gaddis 1990, tr. 156.
  6. a b Plokhy 2010.
  7. Gaddis 1990, tr. 176.
  8. Max Frankel, "Stalin's Shadow", New York Times 21 Nov 2012 reviewing Anne Applebaum, Iron Curtain: The Crushing of Eastern Europe, 1944–1956 (2012), See Introduction, text after note 26, and ch. 3, 7–9
  9. Heller 2006, tr. 27.
  10. Carlton 2000.
  11. Todd 2016, tr. 105–11.
  12. a b Gaddis 2005, tr. 21.
  13. United States Government Printing Office, Report on the Morgenthau Diaries prepared by the Subcommittee of the United States Committee of the Judiciary appointed to investigate the Administration of the McCarran Internal Security Act and other Internal Security Laws, (Washington, 1967) volume 1, pp. 620–21
  14. Jonas 1985, tr. 270.
  15. von Lingen 2013, tr. 6, 81–90.
  16. Rev 2010.
  17. Peck 2017, tr. 2.
  18. Zubok & Pleshakov 1996, tr. 94.
  19. Gaddis 2005, tr. 22.
  20. Glennon 2003.
  21. Garthoff 1994, tr. 401.
  22. a b c d e f g Byrd 2003.
  23. Moss 1993, tr. 256.
  24. Wood 2005, tr. 62.
  25. a b c Gaddis 2005, tr. 24–26.
  26. LaFeber 2002, tr. 28.
  27. Hart-Landsberg, Martin, Korea: Division, Reunification, & U.S. Foreign Policy, Monthly Review Press (1998), p. 65
  28. Cumings, Bruce, The Origins of the Korean War, Liberation and the Emergence of Separate Regimes, 1945–1947, Princeton University Press (1981), p. 88
  29. Cumings, Bruce, "The Autumn Uprising," The Origins of the Korean War, Liberation and the Emergence of Separate Regimes, 1945–1947, Princeton University Press(1981)
  30. Buzo, Adrian (2002), The Making of Modern Korea, London: Routledge, ISBN 0-415-23749-1
  31. Cumings, Bruce (2010), The Korean War: A History, tr. 111
  32. Sydney Morning Herald, 15 Nov. 2008, "South Korea Owns Up to Brutal Past Lưu trữ 28 tháng 7 2020 tại Wayback Machine"
  33. Roberts 2006, tr. 43.
  34. a b c Wettig 2008, tr. 21.
  35. a b c Senn 2007.
  36. Roberts 2006, tr. 55.
  37. a b Schmitz 1999.
  38. Cook 2001, tr. 17.
  39. Grenville 2005, tr. 370–71.
  40. van Dijk 2008, tr. 200.
  41. Wettig 2008, tr. 96–100.
  42. Roht-Arriaza 1995, tr. 83.
  43. Gaddis 2005, tr. 40.
  44. a b c Gaddis 2005, tr. 34.
  45. Gaddis 2005, tr. 100.
  46. Fenton 1998.
  47. Editors.
  48. a b Sebestyen 2014.
  49. Kinzer 2003, tr. 65–66.
  50. Gaddis 2005, tr. 94.
  51. Harriman 1987–1988.
  52. Marxists Internet Archive.
  53. McCauley 2008, tr. 143.
  54. Kydd 2018, tr. 107.
  55. Gaddis 2005, tr. 30.
  56. Morgan.
  57. Milestones: 1945–1952.
  58. Iatrides 1996, tr. 373–76.
  59. a b Gaddis 2005, tr. 28–29.
  60. Gerolymatos 2017, tr. 195–204.
  61. Paterson 1989, tr. 35, 142, 212.
  62. Moschonas 2002, tr. 21.
  63. Andrew & Mitrokhin 2000, tr. 276.
  64. Crocker, Hampson & Aall 2007, tr. 55.
  65. a b Miller 2000, tr. 16.
  66. Gaddis 1990, tr. 186.
  67. Dinan 2017, tr. 40.
  68. a b c d e f g h i j k l Karabell 1999, tr. 916.
  69. a b c Gaddis 2005, tr. 32.
  70. a b c d e f g h i j k l LaFeber 1993, tr. 194–97.
  71. Gaddis 2005, tr. 105–06.
  72. Wettig 2008, tr. 86.
  73. Miller 2000, tr. 19.
  74. Gaddis 2005, tr. 162.
  75. Garthoff 2004.
  76. Immerman 2014.
  77. Andrew & Gordievsky 1991.
  78. Trahair & Miller 2012.
  79. Saunders 2013.
  80. Barnes 1981.
  81. Murphy, Kondrashev & Bailey 1997.
  82. Garthoff 2004, tr. 29–30.
  83. Cowley 1996 p.157
  84. Papathanasiou 2017, tr. 66.
  85. Christian Jennings "Flashpoint Trieste: The First Battle of the Cold War", (2017), pp 244.
  86. Karlo Ruzicic-Kessler "Togliatti, Tito and the Shadow of Moscow 1944/45-1948: Post-War Territorial Disputes and the Communist World", in Journal of European Integration History, (2014) vol 2.
  87. a b Miller 2000, tr. 13.
  88. a b Miller 2000, tr. 18.
  89. Miller 2000, tr. 31.
  90. Layne 2007, tr. 67.
  91. Gaddis 2005, tr. 33.
  92. Miller 2000, tr. 65–70.
  93. Turner 1987, tr. 29.
  94. Fritsch-Bournazel 1990, tr. 143.
  95. Miller 2000, tr. 26.
  96. Daum 2008, tr. 11–13, 41.
  97. Miller 2000, tr. 180–81.
  98. van Dijk 1996.
  99. Turner 1987, tr. 23.
  100. Bungert 1994.
  101. O'Neil 1997, tr. 15–25.
  102. Wood 1992, tr. 105.
  103. Puddington 2003, tr. 131.
  104. a b Puddington 2003, tr. 9.
  105. a b Puddington 2003, tr. 7.
  106. Puddington 2003, tr. 10.
  107. Cummings 2010.
  108. Beisner, pp 356-74.
  109. David R. Snyder, "Arming the Bundesmarine: The United States and the Build-Up of the German Federal Navy, 1950-1960." Journal of Military History 66#2 (2002), pp. 477-500.
  110. Gaddis 2005, tr. 105.
  111. David K. Large, Germans to the Front: West German Rearmament in the Adenauer Era (U of North Carolina Press, 1996).
  112. James G. Hershberg, "'Explosion in the Offing: German Rearmament and American Diplomacy, 1953–1955." Diplomatic History 16.4 (1992): 511-550.
  113. Gaddis 2005, tr. 39.
  114. Westad 2012, tr. 291.
  115. Gaddis 2005, tr. 164–67.
  116. a b Layne 2007, tr. 63–66.
  117. a b c Gaddis 2005, tr. 212.
  118. Weathersby 1993, tr. 28, 30.
  119. Malkasian 2001, tr. 16.
  120. Fehrenbach 2001, tr. 305.
  121. Craig & Logevall 2012, tr. 118.
  122. Matray 1979.
  123. Paterson et al. 2014, tr. 286–89.
  124. Isby & Kamps 1985, tr. 13–14.
  125. Cotton 1989, tr. 100.
  126. Oberdorfer 2001, tr. 10–11.
  127. No & Osterholm 1996.
  128. Hwang 2016, tr. 61–70.
  129. Suh 2013, tr. 25–35.
  130. Gaddis 2005, tr. 107.
  131. We Will Bury You!", Tạp chí Time, 26 November 1956. Retrieved 26 June 2008.
  132. Gaddis 2005, tr. 84.
  133. Tompson 1997, tr. 237–39.
  134. Bradner 2015.
  135. Paterson et al. 2014, tr. 306–08.
  136. Schudson 2015.
  137. Khanna 2013, tr. 372.
  138. BBC 1956.
  139. Revolt in Hungary, lưu trữ từ nguyên tác ngày 17 tháng 11 năm 2007
  140. UN General Assembly 1957.
  141. Holodkov 1956.
  142. Cseresnyés 1999, tr. 86–101.
  143. "On This Day June 16, 1989: Hungary reburies fallen hero Imre Nagy" British Broadcasting Corporation (BBC) reports on Nagy reburial with full honors. Retrieved 13 October 2006.
  144. Gaddis 2005, tr. 70.
  145. Perlmutter 1997, tr. 145.
  146. Njølstad 2004, tr. 136.
  147. Breslauer 2002, tr. 72.
  148. a b Lendvai 2008, tr. 196.
  149. Gaddis 2005, tr. 71.
  150. Taubman 2004, tr. 488–502.
  151. Herring 2008, tr. 704–05.
  152. Rabe 2013
  153. Gaddis 2005, tr. 121–24.
  154. Towle 2000, tr. 160.
  155. Tucker 2010, tr. 1566.
  156. Karabell 1999, tr. 64, 916.
  157. Gasiorowski & Byrne 2004, tr. 125.
  158. Smith 1953.
  159. George Washington University 1953.
  160. Watson 2002, tr. 118.
  161. Stone 2010, tr. 199, 256.
  162. Bulmer-Thomas 1987, tr. 142.
  163. Roadnight 2002.
  164. Nzongola-Ntalaja 2011, tr. 108.
  165. a b Schraeder 1994, tr. 57.
  166. Nzongola-Ntalaja 2011.
  167. Gerard 2015, tr. 216–18.
  168. Rose 2002, tr. 57.
  169. Mars & Young 2004, tr. xviii.
  170. Palmer 2010, tr. 247–48.
  171. Gaddis 2005, tr. 126.
  172. a b Gaddis 2005, tr. 142.
  173. Kempe 2011, tr. 42.
  174. Lüthi 2010, tr. 273–76.
  175. Gaddis 2005, tr. 140–42.
  176. Lüthi 2010, tr. 1.
  177. McMahon 2003, tr. 75–76.
  178. BBC 1957.
  179. Klesius 2008.
  180. Blumberg 1995, tr. 23–24.
  181. Lechuga Hevia 2001, tr. 142.
  182. Dominguez 1989, tr. 22.
  183. "It's Time to Stop Saying that JFK Inherited the Bay of Pigs Operation from Ike | History News Network", historynewsnetwork.org, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 26 tháng 7 năm 2020, truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2020
  184. a b Smith 1998, tr. 95.
  185. Bacevich, Andrew (2010), Washington rules : America's path to permanent war (lxb. First), New York: Henry Holt and Company, tr. 77–80, ISBN 978-1-4299-4326-0
  186. Franklin, Jane (2016), Cuba and the U.S. empire : a chronological history, New York: New York University Press, tr. 45–63, 388–392, et passim, ISBN 978-1-58367-605-9
  187. Dowty 1989, tr. 114.
  188. Harrison 2003, tr. 99.
  189. Dowty 1989, tr. 122.
  190. Gaddis 2005, tr. 114.
  191. Daum 2008, tr. 27.
  192. Pearson 1998, tr. 75.
  193. Zubok 1994.
  194. H. Jones 2009, tr. 122.
  195. Blight, Allyn & Welch 2002, tr. 252.
  196. Gaddis 2005, tr. 82.
  197. National Research Council Committee on Antarctic Policy and Science, p. 33
  198. Gaddis 2005, tr. 119–20.
  199. a b Gaddis 2005, tr. 119.
  200. Hardt & Kaufman 1995, tr. 16.
  201. Milestones: 1969–1976.
  202. Painter 2014.
  203. "Military Advisors in Vietnam: 1963 | JFK Library", www.jfklibrary.org, truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2019
  204. Vietnam War Statistics and Facts 1, 25th Aviation Battalion website.
  205. Miller & Wainstock 2013, tr. 315–25.
  206. Koven 2015, tr. 93.
  207. Tucker 2011, tr. 131.
  208. Glass 2017.
  209. Kalb 2013.
  210. Menon 2000, tr. 11.
  211. Nuenlist, Locher & Martin 2010, tr. 99–102.
  212. Von Geldern & Siegelbaum.
  213. a b Gaddis 2005, tr. 150.
  214. BBC 2008.
  215. Čulík.
  216. a b Gaddis 2005, tr. 154.
  217. Gaddis 2005, tr. 153.
  218. LaFeber 1993a, tr. 186–90.
  219. LaFeber 1993a, tr. 191.
  220. LaFeber 1993a, tr. 194–97.
  221. a b Itzigsohn 2000, tr. 41–42.
  222. Robinson 2018, tr. 203.
  223. Simpson 2010, tr. 193.
  224. Farid 2005, tr. 3–16.
  225. a b Aarons 2007.
  226. Bevins 2020, tr. 2.
  227. Scott 2017.
  228. Stone 2010, tr. 230.
  229. a b Grenville & Wasserstein 1987.
  230. a b Tripp 2002.
  231. Friedman 2007, tr. 330.
  232. Erlich 2008, tr. 84–86.
  233. a b c Perrett 2016, tr. 216–17.
  234. "Chinese to Increase Aid to Somalia". The Washington Post. 21 April 1987.
  235. Bronson 2006, tr. 134.
  236. Miglietta, American Alliance Policy (2002), p. 78.
  237. BBC 2003.
  238. J. Samuel Valenzuela and Arturo Valenzuela (eds.), Military Rule in Chile: Dictatorship and Oppositions, p. 317
  239. McSherry 2011, tr. 107.
  240. Hixson 2009, tr. 223.
  241. Grandin 2011, tr. 75.
  242. Hamann 2007, tr. 15–32, 44.
  243. Stockwell 1979, tr. 161–65, 185–94.
  244. a b c Rothschild 1997, tr. 115–21.
  245. a b c d Vanneman 1990, tr. 48–49.
  246. "Document obtained by National Security Archive, from National Archives Record Group 59. Records of the Department of State, Policy Planning Staff, Director's Files (Winston Lord), 1969–1977, Box 373" (PDF), Gwu.edu, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 17 tháng 6 năm 2014, truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2020
  247. Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy: Proxy Warfare in International Politics. Brighton: Sussex Academic Press. pp. 65–79. ISBN 978-1-84519-627-1.
  248. Weigert 2011, tr. 56–65.
  249. Mosyakov 2004, tr. 54.
  250. Norodom Sihanouk, My War with the CIA, Random House, 1973, p.62
  251. BBC 2018.
  252. Chandler 2000, tr. 96–98.
  253. Power 2013.
  254. Mosyakov 2004, tr. 66.
  255. Locard 2005.
  256. Kiernan 2003.
  257. Heuveline 2001, tr. 102–05.
  258. World Peace Foundation 2015.
  259. Shaw 2000, tr. 141.
  260. O'Dowd 2007, tr. 37.
  261. Slocomb 2001.
  262. Dallek 2007, tr. 144.
  263. Gaddis 2005, tr. 149–52.
  264. BBC 1972.
  265. Litwak 1986.
  266. Gaddis 2005, tr. 188.
  267. Gaddis 2005, tr. 186.
  268. Gaddis 2005, tr. 178.
  269. a b c Halliday 2001, tr. 2e.
  270. a b Hussain 2005, tr. 108–09.
  271. Starr 2004, tr. 157–58.
  272. a b Kinsella 1992.
  273. Meher 2004, tr. 68–69, 94.
  274. Kalinovsky 2011, tr. 25–28.
  275. Gaddis 2005, tr. 211.
  276. Allen.
  277. Gaddis 2005, tr. 189.
  278. a b Gaddis 2005, tr. 197.
  279. Ogorodnev 2013.
  280. Esno 2018, tr. 281–304.
  281. Graebner, Burns & Siracusa 2008, tr. 29–31.
  282. Graebner, Burns & Siracusa 2008, tr. 76.
  283. a b Gaddis 2005, tr. 219–22.
  284. a b LaFeber 2002, tr. 332.
  285. Towle, tr. 159.
  286. LaFeber 2002, tr. 335.
  287. Odom 2000, tr. 1.
  288. LaFeber 2002, tr. 340.
  289. Evans 1992.
  290. Carliner & Alesina 1991, tr. 6.
  291. Feeney 2006.
  292. Federation of American Scientists 2000.
  293. Gaddis 2005, tr. 202.
  294. Garthoff 1994, tr. 881–82.
  295. Lebow & Stein 1994.
  296. Gaidar.
  297. Hardt & Kaufman 1995, tr. 1.
  298. Talbott et al. 1983.
  299. Gaddis 2005, tr. 228.
  300. a b LaFeber 2002, tr. 323.
  301. Reagan 1991.
  302. New York Times 2013.
  303. a b LaFeber 2002, tr. 314.
  304. a b LaFeber 2002, tr. 331–33.
  305. a b Gaddis 2005, tr. 231–33.
  306. LaFeber 2002, tr. 300–40.
  307. Gibbs 1999, tr. 7.
  308. Gibbs 1999, tr. 33.
  309. Gibbs 1999, tr. 61.
  310. a b Gaddis 2005, tr. 229–30.
  311. New York Times 1988.
  312. Federation of American Scientists.
  313. Gaddis 2005, tr. 255.
  314. a b Shearman 1995, tr. 76.
  315. Gaddis 2005, tr. 248.
  316. a b Gaddis 2005, tr. 235–36.
  317. European Navigator 1989.
  318. BBC 1989.
  319. Newman 1993, tr. 41.
  320. Andreas Rödder, Deutschland einig Vaterland – Die Geschichte der Wiedervereinigung (2009).
  321. Thomas Roser: DDR-Massenflucht: Ein Picknick hebt die Welt aus den Angeln (German – Mass exodus of the GDR: A picnic clears the world) in: Die Presse 16 August 2018.
  322. Otmar Lahodynsky: Paneuropäisches Picknick: Die Generalprobe für den Mauerfall (Pan-European picnic: the dress rehearsal for the fall of the Berlin Wall – German), in: Profil 9 August 2014.
  323. "Der 19. August 1989 war ein Test für Gorbatschows“ (German – August 19, 1989 was a test for Gorbachev), in: FAZ 19 August 2009.
  324. Hilde Szabo: Die Berliner Mauer begann im Burgenland zu bröckeln (The Berlin Wall began to crumble in Burgenland – German), in Wiener Zeitung 16 August 1999.
  325. Ludwig Greven "Und dann ging das Tor auf", in Die Zeit, 19 August 2014.
  326. Garthoff 1994.
  327. Lefeber, Fitzmaurice & Vierdag 1991, tr. 221.
  328. Gaddis 2005, tr. 247.
  329. Sakwa 1999, tr. 460.
  330. Gaddis 2005, tr. 248, 253.
  331. Gaddis 2005, tr. 256–57.
  332. Ambrose & Brinkley 2011, tr. XVI.
  333. PBS 2014.
  334. Nolan 1995, tr. 17–18.
  335. Ghodsee 2017, tr. 63.
  336. Milanović 2015, tr. 135–38.
  337. Blum 2006, tr. 87.
  338. Duke 1989, tr. 175.
  339. PBS 2004.
  340. a b c d e Calhoun 2002.
  341. Pavelec 2009, tr. xv–xvi.
  342. LaFeber 2002, tr. 1.
  343. Gaddis 2005, tr. 213.
  344. Gaddis 2005, tr. 266.
  345. Monty G. Marshall and Ted Gurr, Peace and Conflict (PDF), lưu trữ từ nguyên tác (PDF) ngày 24 tháng 6 năm 2008, truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016, Center for Systemic Peace (2006). Retrieved 14 June 2008. Peace and Conflict (PDF), lưu trữ từ nguyên tác (PDF) ngày 24 tháng 6 năm 2008, truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016
  346. Nashel 1999.
  347. Ambrose & Brinkley 2011, tr. 789–99.

Tư liệu[sửa]

Sách[sửa]

Tập san[sửa]

Tin tức[sửa]

Web[sửa]