Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa kinh nghiệm

Chủ nghĩa kinh nghiệm là lý thuyết nghiên cứu về hành vi thông qua quan sát trực tiếp hoặc trải nghiệm.

Từ góc độ của khoa học tâm lý, chủ nghĩa kinh nghiệm là một phương pháp tiếp cận nhận thức luận cho rằng tất cả kiến thức về các vấn đề thực tế đều phát sinh từ kinh nghiệm hoặc cần phải có kinh nghiệm để xác nhận. Đặc biệt, chủ nghĩa kinh nghiệm phủ nhận khả năng của những ý tưởng bẩm sinh, cho rằng tâm trí khi mới sinh ra giống như một tờ giấy trắng.

Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, chủ nghĩa kinh nghiệm đã được phát triển như một phương pháp tiếp cận triết học có hệ thống trong công trình của John Locke, George Berkeley và David Hume. Những nhà tư tưởng này cũng phát triển lý thuyết về chủ nghĩa kết hợp để giải thích các khái niệm, ngay cả những khái niệm tinh thần phức tạp nhất cũng có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm giác quan đơn giản.

Trong tâm lý học, có những cách tiếp cận khác nhau đối với chủ nghĩa kinh nghiệm. Một số phương pháp tiếp cận tâm lý học cho rằng trải nghiệm giác quan là nguồn gốc của mọi kiến thức, sau đó là đặc điểm tính cách, niềm tin, cảm xúc và hành vi. Chủ nghĩa hành vi là ví dụ thuần túy nhất của chủ nghĩa kinh nghiệm theo nghĩa này. Có một số người ủng hộ các cách tiếp cận lý thuyết khác của tâm lý học đối với chủ nghĩa kinh nghiệm. Chẳng hạn như hiện tượng học. Cách tiếp cận này cho rằng định nghĩa kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cảm tính là quá hẹp. Điều này cho phép họ bác bỏ lập trường rằng tất cả kiến thức phát sinh từ giác quan. Đồng thời họ tuyên bố tuân theo một kiểu chủ nghĩa kinh nghiệm khác.

Các nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng thường tạo ra các thử nghiệm, thực hiện các cuộc phỏng vấn và khảo sát thực tiễn trong các nghiên cứu điển hình. Đặc điểm phổ biến của cách tiếp cận này là các nhà tâm lý học chờ đợi cho đến khi quan sát được thực hiện trước khi họ rút ra kết luận về những hành vi mà họ quan tâm.

Các nhà khoa học thường cho rằng chủ nghĩa kinh nghiệm thúc đẩy sự hoài nghi lành mạnh. Điều này có nghĩa là họ sẽ không coi điều gì đó là đúng cho đến khi bản thân họ thực hiện quan sát. Cách tiếp cận như vậy có nghĩa là khoa học có thể tự sửa chữa những kết luận sai sót, những người khác có thể kiểm tra bản gốc các ý tưởng để xem chúng có đúng không.

Chủ nghĩa kinh nghiệm là một trong những điểm nổi bật của bất kỳ nỗ lực khoa học nào. Các ngành khác nhau sử dụng các cách tiếp cận khác nhau để đạt được kiến thức. Ví dụ, các nhà triết học sử dụng phương pháp tiên nghiệm thay vì phương pháp thực nghiệm. Trong phương pháp tiên nghiệm, người ta sử dụng lập luận logic, hoàn toàn hợp lý để rút ra kiến thức. Chứng minh hình học là một ví dụ về việc sử dụng phương pháp tiên nghiệm. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người chấp nhận những ý tưởng là đúng hoặc sai dựa trên thẩm quyền hoặc dựa trên trực giác. Trong nhiều trường hợp, mọi người hình thành niềm tin, bởi vì những cá nhân là chuyên gia đã đưa ra tuyên bố về một số chủ đề. Ví dụ, trong các vấn đề tôn giáo, nhiều người dựa vào lời khuyên và hướng dẫn của các chức sắc tôn giáo của họ trong việc quyết định cách dẫn dắt cuộc sống của bản thân mình.

Hơn nữa, chúng ta thường tin vào mọi thứ bởi vì chúng có vẻ hiển nhiên về mặt trực giác. Trên thực tế, trực giác có thể rất hữu ích cho một số khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn, như những câu hỏi liên quan đến đạo đức. Các nhà khoa học thích phương pháp thực nghiệm trong công việc của họ. Tuy nhiên, vì các chủ đề khoa học cần được quan sát và đo lường. Khi một cái gì đó không thể được quan sát hoặc đo lường, các nhà khoa học có khả năng kết luận rằng nó nằm ngoài lĩnh vực khoa học, mặc dù nó có thể cực kỳ quan trọng trong một số lĩnh vực khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Aune, B., Rationalism, Empiricism and Pragmatism: An Introduction, New York: Random House, 1970.
  2. Cottingham, J., Rationalism, London: Paladin Books, 1984.
  3. Kenny, A., Rationalism, Empiricism and Idealism, Oxford: Oxford University Press, 1986.
  4. Grossmann, Reinhardt, The Fourth Way: A Theory of Knowledge, Bloomington: Indiana University Press, 1990.
  5. Carruthers, Peter, Human Knowledge and Human Nature: A New Introduction to an Ancient Debate, Oxford, Eng.: Oxford University Press, 1992.
  6. Locke, J., An Essay on Human Understanding, ed, Woolhouse, Roger, London: Peguin Books, 1997.
  7. Bonnie R., Strickland (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Second Edition, Gale Group 27500 Drake Rd. Farmington Hills, MI 48331-3535, 2001.
  8. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  9. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.