Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa cấu trúc

Chủ nghĩa cấu trúc là một trường phái Tâm lý học ở cuối thế kỷ XIX (cũng được gọi là Tâm lý học cấu trúc) lấy cấu trúc của tâm lý, ý thức làm đối tượng nghiên cứu, bằng cách chia ý thức thành các yếu tố cấu thành đơn giản nhất, sau đó tìm những quy luật kết hợp giữa chúng với nhau và phát hiện mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý với các quá trình sinh lý.

Nguồn gốc[sửa]

Những người sáng lập Tâm lý học cấu trúc là W. Wundt (1832 - 1920) và học trò của ông E. Titchener (1867 - 1927). W. Wundt là nhà Triết học, Tâm lý học và Ngôn ngữ học người Đức. Trong các tác phẩm của mình, W. Wundt đề xuất một chương trình xây dựng tâm lý học như là một khoa học độc lập dựa trên thực nghiệm. W. Wundt cho rằng, Tâm lý học là khoa học của kinh nghiệm trực tiếp, nghĩa là, sự hiểu biết về các hiện tượng ý thức với sự giúp đỡ của nội quan. Nhiệm vụ của tâm lý học là nghiên cứu các thành tố tạo nên ý thức và tìm ra các quy luật liên kết giữa các thành tố đó. Chính vì vậy, tâm lý học của W. Wundt được gọi là tâm lý học cấu trúc.

Cấu trúc[sửa]

Theo W. Wundt, ý thức có cấu trúc gồm ba thành phần là cảm giác, tri giác và tình cảm. Trong quá trình vận động, những thành tố đó kết hợp với nhau theo các quy luật của liên tưởng, từ đó tạo nên các biểu tượng phản ánh thực tế khách quan. Cảm giác có các phẩm chất như tính thể thức (modality), tính cường độ. Theo W. Wundt, mỗi tình cảm đều có 3 trạng thái: hài lòng - không hài lòng, căng thẳng - thư giãn, hưng phấn - bình tĩnh. Những tình cảm luôn khác nhau về chất lượng và cường độ của chúng. W. Wundt cho rằng tình cảm là yếu tố ban đầu của ý thức, đặc biệt khi trở thành ý chí nó định hướng hoạt động của con người không kém gì quá trình nhận thức. Đặc biệt là cả ý chí và chú ý đều tham gia điều chỉnh, định hướng quá trình nhận thức của chủ thể. Việc chuyển từ nghiên cứu quá trình nhận thức sang nghiên cứu các khía cạnh của hành vi ý chí đã khiến W. Wundt trở thành tác giả của một hướng mới trong tâm lý học - hướng ý chí luận (voluntarism). Phần chính của học thuyết tâm lý của W. Wundt là học thuyết về liên tưởng giữa các thành tố của ý thức. Liên tưởng là cơ chế cơ bản kết nối các thành tố ý thức từ đơn giản trở thành phức tạp, từ cảm giác trở thành biểu tượng, tư tưởng, v.v.. Ở W. Wundt, liên tưởng có tên gọi khác là tổng giác (Apperceptive). Ông mượn khái niệm apperception từ Wolff và Kant, người đã xác định nó như là hoạt động tự phát của tâm hồn. Apperception đã được W. Wundt sử dụng để giải thích các quy trình nảy sinh tâm lý bậc cao hơn trong chủ thể, mà theo quan điểm của ông, không chỉ diễn ra theo quy luật liên tưởng mà còn các quy luật cao hơn, phức tạp hơn. Điểm quan trọng ở đây là sự kết nối giữa nhận thức, trí nhớ và các chức năng tâm lý cơ bản khác với hoàn cảnh bên ngoài. Trong khái niệm của mình, thực tế W. Wundt đã đồng nhất tổng giác với quá trình chú ý và ý chí, có chức năng điều chỉnh, điều khiển hoạt động của con người. Ông nói rằng, ý chí là sức mạnh chính, tuyệt đối trong đời sống của con người, giúp các liên tưởng kết nối các yếu tố tâm lý riêng lẻ vào thành một bức tranh toàn cảnh ở những giai đoạn phát triển cao của tâm lý. Một phần quan trọng trong lý thuyết tâm lý học của W. Wundt dành nghiên cứu về các quy luật của quá trình kiến tạo đời sống tâm lý. Ông cho rằng quá trình kiến tạo đời sống tâm lý diễn ra theo những quy luật riêng như: quy luật tổng hợp sáng tạo, quy luật về quan hệ tâm lý, quy luật tương phản và quy luật phát sinh mục đích.

Nhiệm vụ[sửa]

Edward B. Titchener (1867 - 1927) là nhà tâm lý học Mỹ gốc Anh đã thừa kế và phát triển tâm lý học của W. Wundt ở Hoa Kỳ, gọi lý thuyết tâm lý học của mình là chủ nghĩa cấu trúc, bởi vì ông cho rằng tâm lý học phải nghiên cứu nội dung của ý thức, được sắp xếp theo một cấu trúc nhất định. Đối tượng của tâm lý học là nghiên cứu kinh nghiệm trực tiếp có ý thức. E. Titchener tuyên bố rằng mục tiêu của tâm lý học cấu trúc là khám phá bản chất hoặc cấu trúc của tâm lý, ý thức. Ông đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu các thành tố riêng lẻ của ý thức, trong khi W. Wundt lại nhấn mạnh đến việc nghiên cứu cái toàn vẹn, tổng thể của ý thức. E. Titchener phân biệt ý thức là tổng các trải nghiệm của chúng ta đang hiện hữu tại một thời điểm nhất định với tâm lý là tổng các trải nghiệm của chúng ta tích lũy được trong suốt cuộc đời. E. Titchener chỉ ra các nhiệm vụ của tâm lý học cấu trúc là:

  1. Phân tách trạng thái tâm lý ra thành những yếu tố đơn giản nhất
  2. Tìm ra những quy luật liên kết của các yếu tố này
  3. Vận dung các quy luật này vào giải thích các liên kết của tâm lý với sinh lý.

Các thành phần cấu trúc chính của ý thức, theo E. Titchener bao gồm các cảm giác (các yếu tố của tri giác), hình ảnh (các yếu tố của ý tưởng) và tình cảm (các yếu tố của cảm xúc). Các thuộc tính của cảm giác và hình ảnh (cái còn lại sau cảm giác) gồm cường độ, thời gian dài hay ngắn, sự sáng sủa và trường độ. Tình cảm có thể có các thuộc tính là cường độ và thời gian ngắn dài, nhưng không có sự sáng sủa hay trường độ. Bước tiếp theo là xác định các yếu tố của ý thức phối hợp với nhau thế nào để hình thành các quá trình tâm lý phức tạp hơn.

E. Titchener tin rằng, các quá trình thần kinh luôn luôn đi trước các quy trình tâm lý. Theo E. Titchener, cách gần nhất chúng ta có thể hiểu về cái tại sao của các quá trình tâm lý là hiểu rằng các quy trình thần kinh dẫn trước các quy trình tâm lý. Ông cho rằng các quá trình sinh lý học cung cấp một cơ sở vững chắc đảm bảo tính liên tục cho các quá trình tâm lý mà nếu thiếu nó, đơn giản tâm lý, ý thức không tồn tại. E. Titchener đã đưa ra lý thuyết về ý nghĩa bối cảnh. Các cảm giác không bao giờ xảy ra đơn độc. Theo luật tương cận, mọi cảm giác có khuynh hướng khơi dậy các hình ảnh của các cảm giác mà ta đã kinh nghiệm trước đó. Một cảm giác hay một nhóm cảm giác sinh động làm thành một bối cảnh để tạo ra ý nghĩa cốt yếu.

Chủ nghĩa cấu trúc của E. Titchener đã thành công vào đầu thế kỷ XX và có ảnh hưởng lớn suốt hai mươi năm trong Tâm lý học Hoa Kỳ, trước khi các lý thuyết tâm lý học mới ra đời.

Đóng góp[sửa]

Đóng góp của chủ nghĩa cấu trúc đối với sự phát triển của tâm lý học là: nó đã chỉ ra được đối tượng nghiên cứu của Tâm lý học cấu trúc là kinh nghiệm có ý thức, đã sáng tạo ra các phương pháp nghiên cứu như quan sát, thử nghiệm và đo lường phù hợp với đối tượng của Tâm lý học cấu trúc. Tự quan sát là phương pháp nghiên cứu tốt nhất của chủ nghĩa cấu trúc, vì ý thức được con người lĩnh hội tốt nhất thông qua kinh nghiệm có ý thức. Do những thành tựu đã đạt được, chủ nghĩa cấu trúc đã trở thành một trong những giai đoạn để lại nhiều di sản cho lịch sử phát triển Tâm lý học. Mặc dù ngày nay đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa cấu trúc và các mục tiêu của nó đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp nội quan, được hiểu như là một sự mô tả kinh nghiệm bằng lời nói, vẫn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực Tâm lý học. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa cấu trúc được coi là trường phái đầu tiên của Tâm lý học. Trong suốt một thời gian dài Tâm lý học cấu trúc đã là xu hướng phổ biến và có ý nghĩa nhất trong khoa học tâm lý buổi sơ khai. Ngày nay, tiếp tục các ý tưởng của E. Titchener một số nhà tâm lý học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đề ra các phương pháp thực nghiệm khách quan mới để đo lường các trải nghiệm có ý thức, đặc biệt là trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức.

Sự phê phán[sửa]

Sự phê phán chủ nghĩa cấu trúc chủ yếu nhằm vào phủ nhận “tự quan sát” như là một phương pháp để hiểu được kinh nghiệm của ý thức. Chủ nghĩa cấu trúc cũng bị phê phán về cách tiếp cận chia nhỏ các quá trình ý thức thành các thành tố riêng biệt. Các trải nghiệm tâm lý không nảy sinh từ một số cảm giác, hình ảnh hoặc trạng thái cảm xúc riêng biệt, mà là sự kết hợp của những yếu tố này. Nó luôn vận động, phát triển, do đó không thể khôi phục lại được ở dạng ban đầu từ các thành phần cấu trúc của nó. Tâm lý học cấu trúc tất yếu phải tan rã, bởi vì nó được hình thành trên mảnh đất lung lay của chủ nghĩa duy tâm nội quan.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Boring, E.G., Taped transcription presented at a meeting of the Society of Experimental Psychologists in 1967, Recovered from: Titchener's Experimentalists, Journal of the History of the Behavioral Sciences, Vol. 3, 1967.
  3. Hindeland, M.J., Edward Bradford Titchener: A pioneer in perception, Journal of the History of the Behavioral Sciences, 7, 1971, 23 - 28.
  4. Evans, R.B., E.B. Titchener and his lost system, Journal of the History of the Behavioral Sciences, 8, 1972, 168 - 180.
  5. Hothersall, D., History of psychology, New York, NY: Mcgraw-Hill, 2004.
  6. Vardanyan, Vilen, Panorama of Psychology, Author House Titchener, E.B. (1902), Experimental psychology: A manual of laboratory practice, (Vol. 1) New York, NY: MacMillan & Co., Ltd, 2011.
  7. Райзберг Б. А., Современный социоэкономический словарь, М., Коротина О. А. (2015) История психологии: учебное пособие, Владивосток: Изд-во ВГУЭС, 2012