Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chống trinh sát điện tử
Thiết bị tác chiến điện tử của Mỹ (E-4)

Chống trinh sát điện tử là bộ phận của bảo vệ điện tử nhằm loại trừ hoặc làm giảm hiệu quả trinh sát điện tử của đối phương.

Nội dung Chống tác chiến điện tử gồm: phòng chống trinh sát vô tuyến điện, phòng chống trinh sát kĩ thuật vô tuyến điện và các dạng trinh sát khác.

Phòng chống trinh sát vô tuyến điện là sử dụng tổng hợp các biện pháp về tổ chức và kĩ thuật để ngụy trang vô tuyến điện; kiểm soát vô tuyến điện; chủ động hạn chế khả năng trinh sát thông tin vô tuyến điện của đối phương, giữ bí mật về tổ chức, hoạt động hệ thống vô tuyến điện tử của ta. Phòng chống trinh sát kĩ thuật vô tuyến điện là sử dụng tổng hợp các biện pháp về tổ chức và kĩ thuật để loại trừ hoặc hạn chế khả năng địch sử dụng các phương tiện trinh sát để nhận biết, phát hiện các đài rađa, cụm vô tuyến, trạm thông tin, tổng trạm thông tin của ta.

Để tiến hành phòng, Chống tác chiến điện tử có hiệu quả, phải kết hợp chặt chẽ biện pháp tổ chức, kĩ thuật, phòng chống trinh sát kĩ thuật và các dạng trinh sát khác. Tham mưu, đề xuất với người chỉ huy sử dụng hỏa lực, xung lực chế áp vào trung tâm chỉ huy tác chiến điện tử, các tổ hợp trinh sát, gây nhiễu mạng thông tin chỉ huy và báo cáo trinh sát của đối phương; trinh sát phát hiện và phá hủy các phương tiện trinh sát của địch phóng rải trong khu vực tác chiến. Tận dụng địa hình, địa vật để chọn hướng phát sóng và bố trí đài, trạm vô tuyến điện tạo “vách chắn sóng điện tử” về hướng đối phương trinh sát; bố trí các trạm, trung tâm phát vô tuyến điện công suất trung bình trở lên có khoảng cách phù hợp để bảo đảm an toàn sở chỉ huy. Sử dụng điện đài vô tuyến điện nơi tiếp giáp với địch tạo thành “màn chắn vô tuyến điện” gây khó khăn cho trinh sát của đối phương và giữ bí mật các hoạt động tác chiến của ta. Vận dụng linh hoạt các phương pháp tổ chức và hình thức liên lạc phù hợp với từng giai đoạn tác chiến; cấm hoặc hạn chế tối đa việc liên lạc vô tuyến điện trong giai đoạn chuẩn bị tác chiến, khi cơ động, chuyển quân, những hướng buộc phải liên lạc vô tuyến điện phải có biện pháp giữ bí mật nghiêm ngặt.

Tổ chức ngụy trang điện tử nhằm loại trừ hoặc hạn chế hiệu quả trinh sát điện tử của đối phương, thường dùng: ngụy trang vô tuyến điện và kĩ thuật vô tuyến điện, ngụy trang rađa, ngụy trang âm thanh và thủy âm, ngụy trang lade, ngụy trang hồng ngoại, ngụy trang quang điện tử (vd: im lặng vô tuyến điện, dựng lưới ngụy trang, các góc phản xạ, gây nhiễu…); đồng thời, nghi binh thông tin vô tuyến nhằm đánh lừa, đánh lạc hướng theo dõi của đối phương, làm cho đối phương phán đoán sai ý định hành động của ta, làm giảm hoặc mất hiệu lực trinh sát vô tuyến điện của đối phương, giữ bí mật về lực lượng và các hoạt động của ta; thường tổ chức triển khai các mạng, hướng liên lạc giả, cụm, trạm vô tuyến điện giả, thay đổi chế độ, bất ngờ tăng phiên liên lạc ở hướng nghi binh (hướng ít quan trọng); phát xen kẽ các bức điện giả với các bức điện thật trong các mạng, hướng liên lạc; duy trì liên lạc vô tuyến điện ở vị trí cũ khi đơn vị đã di chuyển… Kết hợp chặt chẽ ngụy trang, nghi binh với các biện pháp nghi binh khác theo kế hoạch của người chỉ huy. Tiến hành thủ tục liên lạc nhanh, nội dụng điện ngắn gọn để rút ngắn thời gian phát sóng vô tuyến điện. Tổ chức các mạng (hướng) liên lạc vô tuyến điện bí mật, sử dụng thiết bị mã mật trên các hướng và kênh thông tin quan trọng. Tổ chức đài kiểm soát duy trì kỉ luật thông tin vô tuyến điện, hạn chế sơ hở bảo mật tin tức trên các kênh vô tuyến điện.

Biện pháp kĩ thuật, như: hạn chế cường độ bức xạ sóng điện từ vô tuyến điện đến khu vực đặt đài, trạm trinh sát điện tử của địch bằng cách sử dụng mức công suất máy phát phù hợp với cự li liên lạc; thực hiện điều chỉnh công suất máy phát không có bức xạ hoặc có bức xạ thấp (dùng anten tương đương). Sử dụng điện đài có chất lượng tốt, có khả năng tự động điều chỉnh, bắt liên lạc trong thời gian ngắn, áp dụng chế độ thu, phát nhanh như truyền số liệu, nén tin phát đột ngột; sử dụng anten có hệ số khuếch đại và tính định hướng cao, triển khai anten đúng hướng liên lạc.

Biện pháp phòng chống trinh sát kĩ thuật vô tuyến điện và các dạng trinh sát khác: Phải tận dụng điều kiện tự nhiên của địa hình, địa vật, khí hậu, thời tiết để ngụy trang, che giấu lực lượng, phương tiện thông tin; không làm thay đổi đặc tính của địa hình và thảm thực vật trong khu vực triển khai điện đài, trạm rađa. Các đài, cụm, trạm thông tin, tổng trạm thông tin phải có vị trí chính thức, vị trí dự bị và vị trí giả; thực hiện tốt cơ động chiến thuật (dịch chuyển) trong khoảng cách nhất định để hạn chế khả năng trinh sát, định vị vị trí triển khai đài, trạm vô tuyến điện của ta. Mô phỏng các đài, trạm rađa, xe máy thông tin giả, hoặc sử dụng các phương tiện thông tin hệ cũ triển khai để thu hút trinh sát và lừa địch. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác, hạn chế đi lại gây tiếng động, tạo khói ban ngày, phát ánh sáng ban đêm trong khu vực triển khai các đài trạm; giáo dục ý thức cảnh giác, chấp hành kỉ luật cán bộ, chiến sĩ thông tin.

Về biện pháp kĩ thuật: sử dụng vật liệu có khả năng hấp thụ sóng điện từ, hấp thụ nhiệt, sơn phủ, lưới ngụy trang đa năng kết hợp sử dụng vật liệu tự nhiên để ngụy trang các phương tiện thông tin. Tạo ra các nguồn phát xạ, bức xạ nhiệt giả, dùng bẫy hồng ngoại tạo ra một trường hồng ngoại giả, để thu hút trinh sát kĩ thuật của đối phương.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa quân sự Việt nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 247.
  2. Từ điển Thông tin Liên lạc quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, trang 295, 296, 298.
  3. Điều lệ công tác tham mưu tác chiến thông tin liên lạc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, trang 99, 100, 101, 102, 103.