Mục từ này cần được bình duyệt
Chùa Bổ Đà

'Chùa Bổ Đà(cg. Khu di tích chùa Bổ Đà) tên gọi chung cho 5 điểm di tích nằm trên núi Phượng Hoàng, dãy núi Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bao gồm chùa Tứ Ân, Vườn tháp, chùa Cao, Am Tam Đức và Ao Miếu, rộng hơn 275.000m2, thuộc loại hình di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Chùa Bồ Đà (CBĐ) tương truyền được xây dựng vào thời Lý (thế kỷ XI), được mở rộng, phát triển hưng thịnh vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Chùa Tứ Ân nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, gồm 16 tòa ngang dãy dọc với 92 gian, xây dựng theo lối “nội thông ngoại bế”, bao gồm: 1) Cổng chùa, tường đất: ngoài cổng chính chùa Tứ Ân còn có 8 cổng phụ kết nối với các công trình và hạng mục kiến trúc khác nhau trong khu di tích, tạo thành nét kiến trúc độc đáo riêng có của ngôi chùa, trong đó, nổi bật và có giá trị nhất là lớp cổng chính dạng vòm xây gạch mộc (cao 4,9m, rộng 2,6m), đoạn tường đất nối từ cổng chính đến cổng phụ (dài 25,5m, cao 2,1m, dày 0,5m) và đoạn tường bao trình tường (dài gần 400m, cao từ 1,8m đến 5m, chân tường dày 0,8cm, đỉnh tường dày 0,4m). Sát tường đất là hệ thống hào khá sâu nằm bên ngoài chùa. 2) Tam bảo: quay về hướng đông nam, kết cấu chữ đinh. Tiền đường 7 gian xây bình đầu bít đốc, lợp ngói mũi hài với 4 hàng cột lim, 6 bộ vì giữa kiểu con chồng đấu kê, hai bộ vì hai đầu hồi kiểu chồng rường đấu kê, hạ kẻ suốt. Hệ thống đầu bẩy hiên và hệ thống kẻ hai đầu hồi, vì nách các gian giữa đều được chạm khắc cầu kỳ. Hai gian đầu hồi trổ cửa nách thông với 2 dãy hành lang phía sau. Thượng điện 5 gian, bộ khung vì mái gồm hai hàng chân cột, gắn kết bởi hệ thống Một kiến trúc cổng vòm trong khu di tích chùa Bồ Đà (Ảnh tư liệu)

xà ngang, vì nóc liên kết theo kiểu giá chiêng, con chồng, đấu kê và vì kèo cánh báng. Thượng điện có 3 lớp cửa võng chạm khắc cầu kỳ, nhiều hoành phi câu đối. Tiền đường và Thượng điện đều có hệ thống tượng thờ phong phú, đa dạng. Tam bảo chùa Tứ Ân là công trình mang đậm giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của CBĐ, với nhiều dấu tích, nhiều yếu tố kiến trúc, nghệ thuật thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, được thể hiện trên hệ thống vì kèo, cửa võng và tượng thờ.

Ngoài Tam bảo, chùa Tứ Ân còn có hai dãy hành lang chạy dọc theo Tiền đường, nhà Tổ - tòa Tiền tế nằm phía sau Tam bảo, nhà Tổ - tòa Hậu đường phía sau Tiền tế, Giảng đường, nhà Trụ trì, Gác kinh, nhà Hành pháp, nhà khách, nhà Ni, nhà Tăng, nhà Tạo soạn, nhà Tang lễ, trong đó, phần lớn các công trình kiến trúc này đều được trùng tu vào thế kỷ XIX hoặc trong những năm gần đây.

Am Tam Đức nằm ở lưng chừng núi Phượng Hoàng, xây dựng vào năm 1723 và tu sửa vào thời Nguyễn cùng với chùa Tứ Ân. Lần tu sửa gần nhất của am là vào năm 2013. Am có 5 gian, trong đó 3 gian giữa xây chồng diêm 2 tầng, cao gần 6m, kết cấu gỗ lim, tường gạch trát vữa, liên kết khung vì mái gồm 4 hàng chân cột, vì nóc gắn kết kiểu chồng rường, giá chiêng và con chồng, đầu kê, vì nách kẻ ngồi. Am thờ Sư tổ Kim Hưng.

Chùa Cao (chùa Quán Âm) nằm trên đỉnh núi, nhìn về hướng đông bắc, rộng 940m2 kể cả sân, là công trình kiến trúc có niên đại lâu đời nhất của CBĐ, đã trải qua nhiều lần trùng tu. Hiện chùa chỉ còn giữ được một số hạng mục mang dấu tích kiến trúc thời Nguyễn. Chùa gồm 2 gian, bố cục dọc, gian ngoài là nơi hành lễ, gian trong đặt tượng Quan Âm Tống Tử có niên đại 1842.

Vườn tháp nằm trên sườn núi, bên phải chùa Tứ Ân, rộng gần 8000m2, xung quanh xây tường bao. Công trình kiến trúc này gồm có 110 ngôi tháp và mộ, chia thành hai khu vực chủ yếu là tháp tăng và tháp ni, trong đó, có hàng chục ngọn tháp được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Đa số tháp có kết cấu 2 tầng hoặc 3 tầng, cao từ 3 đến 5m. Riêng một số tháp sư Tổ cao và rộng hơn. Các ngôi tháp này chứa xá lỵ, tro, cốt nhục thân của tổng cộng 1214 vị sư tu hành đắc đạo của thiền phái Lâm Tế ở khắp nơi trong cả nước từ hơn 300 năm nay.

Ao Miếu (đền Hạ) nằm cách chùa Tứ Ân khoảng 2km, thuộc thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn, gồm cổng đền, nhà đền, ao, nhà mẫu và hệ thống tường bao. Tòa tiền tế gồm 1 gian 2 chái, dài 7,8m, rộng 5,9m, cao 4,7m, kết cấu chồng diêm 2 tầng 8 mái, vì nóc dạng thức chồng trụ giá chiêng, cột gỗ.

Lễ hội cổ CBĐ thực chất là lễ giỗ Tổ khai sơn, diễn ra từ ngày 15-19 tháng Hai âm lịch hàng năm. Lễ hội kèm theo lễ tế Tổ, do 3 làng Thượng Lát, Hạ Lát và Kim Sơn thay phiên tổ chức tại nhà Tiền tế và Tổ tăng, vào 1-2 ngày trước chính hội. Ngày nay, lễ hội CBĐ được tổ chức từ 12-18 tháng hai âm lịch hàng năm, với quy mô lớn hơn. Ngoài ra, một số lễ Hậu cũng được tổ chức vào ngày kỵ các vị Tổ của chùa.

CBĐ là công trình kiến trúc lớn, quy mô đồ sộ, một phần được bao bọc bởi hệ thống hào lũy, tường bao trình tường độc đáo, với nhiều dấu tích kiến trúc từ thế kỷ XVIII. Chùa là nơi thờ Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo) và phối thờ Thạch Linh thần tướng, Trúc Lâm tam tổ, là nơi đào tạo các tăng ni theo Thiền phái Lâm Tế và là nơi bảo quản 48 bộ mộc bản quý hiếm, có giá trị đặc biệt quan trọng của Thiền phái này. Cùng với hệ thống tượng thờ, CBĐ còn có nhiều di vật, cổ vật có giá trị như bia đá, chuông đồng… và khu Vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

CBĐ đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, hiện đặt dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quý Long, Kim Thư, Tìm hiểu Văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1994.
  2. Bảo tàng Bắc Giang, Di tích Bắc Giang, Bắc Giang, 2001.
  3. Ngô Văn Trụ (Chủ biên), Lễ hội Bắc Giang, Sở Văn hóa và Thông tin Bắc Giang xuất bản, Bắc Giang, 2002.
  4. Trần Lâm Biền, Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.
  5. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.
  6. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giá trị di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà gắn với phát triển bền vững, Kỷ yếu hội thảo, 2016.
  7. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, Lý lịch khu di tích chùa Bổ Đà (Hồ sơ lưu tại Cục Di sản Văn hóa), Bắc Giang, 2016.