Mục từ này cần được bình duyệt
Chùa Đọi Sơn

Chùa Đọi Sơn (cg. chùa Đọi, chùa Long Đọi Sơn) di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, tên chữ Hán: Diên Linh Tự, Long Đọi Sơn Tự, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Chùa thờ Phật, Bồ Tát, các nhân vật có liên quan đến Phật giáo và các sư tổ trụ trì; nhân vật lịch sử: Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127), Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Lê Đại Hành Hoàng Đế. Chùa Đọi Sơn (CĐS) do vua Lý Thánh TôngVương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054 và tiếp tục mở rộng dưới thời vua Lý Nhân Tông, xây tháp Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng năm 1118 - 1121. Căn cứ vào nội dung tấm bia Sùng Thiện Diên Linh hiện còn ở CĐS viết năm 1121 thì ngôi chùa này vào thế kỷ XII được xây dựng quy mô rất lớn, được xếp vào loại Đại danh lam kiêm hành cung. Ngôi chùa cổ tuy đã bị tàn phá vào thế kỷ XV. Nhưng sau đó dưới các thời Hậu Lê, nhà Mạc, nhà Nguyễn đã được xây dựng và tu tạo liên tục.


Gác chuông trước nhà Tam bảo. ( Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)


Nhà bia và Bia Sùng Thiện Diên Linh. (Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Khu di tích này bao gồm một chùa chính với nhà tiền đường, thiên hương và thượng điện. Hai bên có hai dãy hành lang với 18 gian thờ 18 Tổ Truyền Đăng. Phía sau là Nhà tổ, Nhà khách và nơi ở của các nhà sư trụ trì. Trước chùa có nhiều bia lớn, to và đẹp, trong đó giá trị nhất là bia Sùng Thiện Diên Linh. Phía Tây là khu lăng mộ của các vị sư tổ có công trụ trì tại chùa.

Quần thể di tích CĐS đã từng được Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp liệt vào hạng các “đại danh lam” để bảo vệ. Hiện nay, chùa có 17 đơn nguyên kiến trúc lớn nhỏ trong khuôn viên với diện tích khoảng 2 ha. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý. Một trong số những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn hiện nay chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Tấm bia với nghệ thuật chạm khắc độc đáo chứa đựng nhiều thông tin quý hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý và đã đượccông nhận Bảo vật quốc gia năm 2013, có giá trị lớn về tư liệu lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Nét đặc biệt nhất của quần thể di tích CĐS được ghi trên bia chính là ngôi chùa và cây tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tháp Sùng Thiện Diên Linh là một kiến trúc có kích thước lớn nhất, số chữ khắc trên bia nhiều nhất, nội dung phong phú, nghệ thuật chạm khắc độc đáo so với các bia thời Lý – Trần còn lại đến nay ở Việt Nam và là tấm bia duy nhất thời Lý trên đất Hà Nam. Bia Sùng Thiện Diên Linh có nhiều giá trị lớn, có những thông tin quý, hiếm cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý. Giá trị lịch sử:nội dung văn bia bổ sung những tư liệu lịch sử quý về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt.Phản ánh triết lý, thuyết lý duyên khởi của đạo Phật, tình hình Phật giáo Việt Nam đương thời. Đặc biệt, tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn là tấm bia duy nhất cung cấp những thông tin quý hiếm về Hội đèn Quảng Chiếu ở kinh thành Thăng Long, nghệ thuật múa rối nước, nghi lễ mật giáo, việc tu sửa chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh...

Bên cạnh đó, CĐS còn lưu giữ kho tàng di sản Hán Nôm phong phú rất có giá trị, gồm các tập kinh kệ, văn tế, văn khấn, văn cúng, văn chầu; văn bia, hoành phi, câu đối, bài châm, bài thẻ, thơ, phú,…

Hiện nay, CĐS còn lưu giữ một số hiện vật khác rất quý về mặt nghệ thuật như: 6 pho Tượng Kim cương, Tượng Đầu người mình chim (tượng Chim thần Kinari mang hình tượng thần thoại trong nghệ thuật Ấn Độ - Chiêm Thành), pho tượng Di Lặc bằng đồng được đúc vào năm 1864.

Di tích lịch sử CĐS thể hiện sự sáng tạo của khoa học xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng cũng như kỹ thuật khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên của các thế hệ cha ông ở các triều đại phong kiến như: Lý, Trần, Nguyễn với kỹ thuật xây dựng khéo léo các vật liệu gỗ, đá, gạch tạo nên những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao.

Ở thời Lý, CĐS từng là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam. Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy diện mạo, quy mô, nghệ thuật của ngôi chùa nổi tiếng thời Lý, của tháp Sùng Thiện Diên Linh. Tiêu biểu cho các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng nơi đây là lễ hội CĐS (19 đến ngày 21 tháng Ba Âm lịch) và lễ hội Tịch Điền (từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Giêng). Lễ hội Tịch Điền là lễ hội rất độc đáo và có nhiều ý nghĩa, đã được ghi vào Danh sách di sản văn phi vật thể quốc gia.

CĐS xưa - nguồn sử liệu quan trọng phản ánh truyền thống dựng nước, giữ nước, đấu tranh chống ngoại xâm, cần cù lao động sản xuất xây dựng quê hương và phản ánh nhãn quan trí tuệ, khiếu thẩm mỹ tinh tế của người dân Việt Nam. Đây còn là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lý. Tất cả những di vật còn lại ở chùa đã cho ta thấy được nét đẹp của mỹ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật thời Lý nói riêng.

CĐS được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2017, hiện đặt dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam.

Tài liệu tham khảo:[sửa]

  1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, NXb. Sử học, Hà Nội, 1960.
  2. Việt Sử lược, Bản dịch Trần Quốc Vượng, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960.
  3. Quốc sử giám triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
  4. Mai Khánh, Phùng Thị Mỹ, Nguyễn Bảo Cương, Trần Thu Hương, Phạm Ngọc Tuấn, Hà Nam – vùng đất ngã ba sông, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2006.
  5. Nguyễn Thị Thanh Vân, “Vài nét về chùa Long Đọi, Hà Nam”, Di sản văn hóa, số 3(48), Hà Nội, 2014, tr.55 - 57.