Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cúng Mụ

Cúng Mụ là lễ cúng các Bà Mụ - những vị nữ thần phù hộ cho việc thai sản và nuôi dưỡng hài nhi. Ngày xưa, khi y học chưa phát triển, việc sinh nở và nuôi con trẻ trong những ngày tháng đầu đời hay gặp nhiều rủi ro, khiến cho người ta tìm đến sự trợ giúp của thần linh. Theo tín ngưỡng dân gian, các Bà Mụ là những vị thần linh chủ quản về sinh đẻ, phù hộ cho con người trong việc tạo tác, sinh nở và chăm sóc trẻ con trong giai đoạn đầu đời. Người ta cho rằng đứa trẻ được sinh ra và lớn lên là do các Bà Mụ nặn ra và nuôi dưỡng. Do đó, người ta tổ chức cúng mụ trong các lễ đầy cử (khi đứa trẻ sinh ra được 7 ngày đối với bé trai và 9 ngày đối với bé gái), lễ đầy tháng và lễ đầy năm (thôi nôi) để tạ ơn các Bà Mụ và cầu mong các vị phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn.

Các tộc người có những tập tục khác nhau về việc thờ cúng Bà Mụ. Tục cúng mụ của người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Theo truyền thuyết, người ta thờ cúng Chủ (Chúa) Sanh Nương Nương, được thể hiện dưới hình thức 3 vị tiên nữ là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, hoặc biểu hiện dưới dạng một vị nữ thần là Kim Hoa Nương Nương, dưới quyền có Mười Hai Bà Mụ. Chức năng của Mười Hai Bà Mụ có khác nhau theo từng quan niệm. Có khi, người ta cho rằng các Bà Mụ tạo ra, dưỡng thai và hộ sanh cho bà mẹ và thai nhi với chức năng của từng vị như sau:

  1. Trần Tứ Nương (Bà chú sinh)
  2. Vạn Tứ Nương (Bà chú thai)
  3. Nguyễn Tam Nương (Bà giám sinh)
  4. Tăng Ngũ Nương (Bà bảo tống, ẳm trao)
  5. Lâm Cử Nương (Bà thủ thai)
  6. Lý Đại Nương (Bà chuyển sinh)
  7. Hứa Đại Nương (Bà hộ sản)
  8. Lưu Thất Nương (Bà chú nam nữ)
  9. Mã Ngũ Nương (Bà tống tử)
  10. Lâm Thất Nương (Bà an thai)
  11. Cao Tứ Nương (Bà dưỡng sanh)
  12. Trúc Ngũ Nương (Bà bảo tử-bồng con)

Quan niệm khác thì cho rằng Mười Hai Bà Mụ chăm sóc và dạy trẻ biết lẫy, bò, biết khóc, cười, biết nói năng,… trong 12 tháng đầu đời. Dù sao, tục cúng mụ vẫn được duy trì đến ngày nay trong các lễ đầy tháng và đầy năm.

Lễ vật cúng mụ khác nhau tùy theo quan niệm và văn hóa vùng miền. Về cơ bản, có 3 phần lễ vật đặt ở bàn thượng để cúng 3 vị thần chủ; và 12 phần lễ vật loại nhỏ hơn đặt ở bàn hạ để cúng Mười Hai Bà Mụ. Mỗi phần lễ vật thường có xôi, chè, cau, trầu, rượu, nước, nón, hài và xiêm y bằng giấy, ngoài ra còn có heo quay, gà luộc, hoa, quả, cua, trứng… Ngày làm lễ cúng mụ được chọn theo ngày sinh (lịch âm) của đứa trẻ với nguyên tắc “gái lùi hai, trai lùi một”, nghĩa là nếu là bé gái thì cúng trước 2 ngày, nếu là bé trai thì cúng trước 1 ngày so với ngày sinh.

Nghi thức cúng mụ khá đơn giản. Trước hết, người ta đốt hương lên các ban thờ trong gia đình để mời các hương linh về chứng lễ và phù hộ cho một thành viên mới của gia đình. Khi cúng mụ, vị trưởng thượng trong gia đình khấn vái ngày giờ, tên tuổi của đứa trẻ và cầu mong các Bà Mụ phù hộ cho trẻ hay ăn chóng lớn; đứa trẻ cũng được bế ra trước mâm cúng, vái 3 vái tạ ơn các Bà Mụ. Sau một tuần hương thì lạy tạ rồi đốt vàng mã.

Một đĩa trầu têm cánh phượng dùng trong lễ cúng Mụ của người Việt, bao gồm 12 miếng nhỏ và 1 miếng lớn hơn

Riêng trong lễ đầy năm, sau phần nghi lễ cúng mụ còn có tục Thử con (Thí nhi). Người ta bày ra trước mặt đứa trẻ các thứ đồ dùng như bút, sách, gương, lược, kéo, tiền… Người ta cho rằng đứa trẻ cầm lấy đồ vật nào trước thì sẽ theo nghề nghiệp tương ứng trong tương lai.

Sau nghi lễ cúng mụ là lúc gia đình, bạn bè tặng quà mừng cho đứa trẻ và cùng nhau ăn cỗ. Lễ cúng mụ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ra đời và những ngày tháng đầu đời của một con người, khi đứa trẻ yếu ớt cần đến sự chăm bẵm của cả gia đình và đặc biệt là sự phù hộ của các vị thần linh, cụ thể là các Bà Mụ trong tín ngưỡng dân gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Nếp cũ – Con người Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
  2. Lê Trung Vũ (chủ biên), Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Thanh (2000), Nghi lễ vòng đời người, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000.
  3. Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An, Lễ Lệ - Lễ hội ở Hội An, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010.
  4. Phan Kế Bình, Việt Nam phong tục, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2019.