Mục từ này cần được bình duyệt
Các trận sóng thần hủy diệt đầu thế kỷ 21 ở Châu Á
Phiên bản vào lúc 13:23, ngày 5 tháng 1 năm 2021 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} , những trận sóng thần có quy mô lan truyền và kích thước khổng lồ với năng lượng cực lớn, có sức tàn phá h…”)

, những trận sóng thần có quy mô lan truyền và kích thước khổng lồ với năng lượng cực lớn, có sức tàn phá hủy diệt đối với hạ tầng cơ sở và môi trường nơi sóng thần tràn qua, gây tổn thất nặng nề về tính mạng con người và của cải, những hậu quả như vậy được gọi là thảm họa sóng thần.

Năng lượng, kích thước, tốc độ và phạm vi lan truyền của sóng thần phụ thuộc vào độ lớn của chấn động phát sinh sóng thần còn được gọi là Magnitude, ký hiệu là M và đặc điểm môi trường sóng lan truyền. Mức độ thiệt hại của hạ tầng cơ sở và môi trường, đặc biệt là số người bị chết và thương vong do sóng thần được coi là những chỉ số chủ yếu phản ánh mức độ tàn phá và hủy diệt của sóng thần.

Trong lịch sử cho đến nay trên toàn thế giới cũng như ở châu Á đã xảyra hàng trăm trận sóng thần lớn, trong số đó có hai trận sóng thần do động đất cực mạnh, quy mô lan truyền và tác động rất lớn gây ra thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt là số người chết và thương vong, xảy ra ngay trong những năm đầu thế kỷ 21 ở châu Á. Đó là động đất - sóng thần ở Ấn Độ dương ngày 26.12.2004 và động đất - sóng thần Tôhoku, Nhật Bản ngày 11.3.2011.

Động đất - sóng thần Ấn Độ Dương ngày 26.12.2004 còn được gọi là sóng thần Sumatra theo tên một đảo lớn của Indonesia bị sóng thần tấn công gây thiệt hại nặng nề nhất. Trận động đất có độ lớn M= 9,1- 9,3 theo thang Mô men xảy ra trên Ấn Độ Dương ở phía bắc đảo Simuelue ngoài khơi Sumatra gây nên những đợt sóng thần lan tỏa khắp Ấn Độ Dương, tấn công vào vùng ven biển và các đảo của 14 nước thuộc 3 châu lục gồm châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.

Động đất xảy ra lúc 00h58’53’’GMT. Chấn tiêu nằm ở độ sâu 30 km trên đường đứt gãy sâu trải theo hướng gần bắc - nam dài 1200 km, tọa độ chấn tâm là 3,3160 N, 95,8540 E. Do chuyển động ngược chiều nhau của hai mảng thạch quyển tạo nên ứng suất cực lớn từ hai phía của đứt gãy đã dẫn đến sự chuyển động mạnh theo cơ chế chờm nghịch dọc theo đường đứt gãy gây ra động đất và làm biến dạng đột ngột địa hình đáy biển quy mô rất lớn. Theo hướng đông sóng thần ập đến sớm nhất và mạnh nhất, tàn phá hủy diệt phía tây đảo Sumatra (Indonesia), ven biển phía tây Thái Lan, Malaysia, tiếp đến là ven bờ Myanma ở phía bắc và ven biển Australia ở phía nam. Theo hướng tây sóng thần tấn công vùng ven biển phía đông Ấn Độ và Srilanka sau 2 giờ lan truyền từ chấn tâm. Sóng thần lan truyền đến tận vùng bờ phía đông châu Phi trên khoảng cách hơn 8.000 km từ chấn tâm và sau hơn 5 giờ, lần lượt tràn vào vùng bờ Somalia, Madagaska và cảng Struis Bar của Nam Phi cách chấn tâm 8500 km. Ở các vùng này sóng vẫn còn cao 1,5- 2m. Chu kỳ giữa hai đợt sóng nối tiếp nhau khoảng 30 phút và mạnh nhất là đợt sóng thứ ba ập đến sau đợt sóng đầu tiên sau khoảng 1 giờ. Tại các vùng ven biển của 14 nước nơi sóng thần tràn đến đều bị thiệt hại nặng nề. Các đường bờ biển bị san phẳng và địa hình bị biến dạng, nhiều đảo nhỏ bị nhấn chìm từng phần hoặc hoàn toàn. Thiệt hại nặng nề và nghiêm trọng nhất mà sóng thần Ấn Độ Dương gây ra là tính mạng con người. Số người thiệt mạng và mất tích, thương vong, số người mất nhà cửa ở một số nước thống kê được như sau: Indonesia (bao gồm cả Sumatra): 167.736 người chết, 36.063 người mất tích, 800.000 người mất nhà cửa; Srilanka: 15.322 người chết, 21.411 thương vong, 100.000 người mất nhà cửa; Ấn Độ: 18.045 người chết, 5.640 mất tích, hàng chục nghìn người mất nhà cửa; Thái Lan: 8.212 người chết, 8.457 người bị thương, 2.817 người mất tích; Somalia: 289 người chết. Malaysia: 75 người chết, 300 người bị thương.

Đánh giá về tổng thể, sóng thần Ấn Độ Dương là sóng thần mạnh nhất, phạm vi lan truyền và ảnh hưởng rộng nhất, gây thiệt hại lớn nhất, số người chết và thương vong cao nhất (gần 250.000 người) trong lịch sử nhân loại. Động đất - sóng thần Tôhoku, Nhật Bản ngày 11.3.2011

Động đất có độ lớn M = 9.0 – 9.1 theo thang Mô men xảy ra vào lúc 5h 46’ UTC (14h 46’ giờ địa phương) ngày 11.3.2011 ở ngoài khơi Nhật Bản. Chấn tiêu ở độ sâu 29 km, chẩn tâm nằm ở đông bắc bán đảo Oshika cách thị trấn Tôhoku 70 km, cách thành phố Sendai trên bờ biển phía đông Nhật Bản 130 km, cách thủ đô Tokyo 373 km. Động đất đã gây ra các đợt sóng thần mạnh lan truyền dọc theo bờ biển phía bắc, đông bắc, đông và đông nam Nhật Bản, tràn sâu vào đất liền với những con sóng cao có nơi đến 40 m. Sóng thần lan truyền đến bờ phía tây và đông Thái Bình Dương thuộc địa phận 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Mehico, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippin, Việt Nam. Đợt sóng thần đầu tiên có độ cao 40 m tràn vào bờ biển Nhật Bản ở vùng thành phố Sendai chỉ sau vài phút từ khi động đất chính xảy ra. Ở nhiều nơi sóng thần vào sâu bên trong đất liền tới 10 km.

Động đất xảy ra trên đường đứt gãy sâu cỡ hành tinh chạy theo hướng kinh tuyến trên độ dài 200 km, song song và cách bờ biển phía đông Nhật Bản 60 km. Sự chuyển dịch ngược chiều nhau của hai mảng thạch quyển ở hai phía đứt gãy với tốc độ 8cm/năm làm tăng và tích lũy ứng suất nhanh chóng dẫn đến va chạm và dịch trượt gây ra động đất với năng lượng cực lớn. Ứng suất kiến tạo khổng lồ đã được giải phóng một phần bởi các động đất M = 7.2 và M = 6.0 xảy ra ngày 9.3.2011 (tiền chấn) cho đến 11.3.2011 thì động đất chính mới xảy ra với M = 9,0 – 9,1. Đây là một trong 5 động đất mạnh nhất thế giới đã từng ghi được cho đến hiện tại. Sau động đất chính này khoảng 40 phút đã ghi được dư chấn có M = 7,1 và sau khoảng vài giờ đã ghi được gần 40 dư chấn với M = 5,0.

Theo thống kê về thiệt hại do sóng thần gây ra tại 18 tỉnh của Nhật Bản đã có tổng cộng 15.885 người chết, 6.157 người bị thương và 2.529 người mất tích. Sóng thần tràn vào đất liền Nhật Bản làm hư hỏng nặng nề hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, gây cháy nổ, hủy hoại hàng nghìn nhà cửa, đã có 125.000 công trình công nghiệp và dân dụng bị phá hủy hoàn toàn. Nghiêm trọng nhất là sóng thần gây ra các sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và II làm cho lò phản ứng ngưng hoạt động, nóng chảy các thanh nhiên liệu, xảy ra các vụ nổ khí hydro và rò rỉ phóng xạ. Tổn thất chung về kinh tế cho cả Nhật Bản trong đợt động đất sóng thần Tôhoku ước tính đến 235 tỷ USD. Con số thiệt hại này cho thấy thảm họa kép động đất sóng thần Tôhoku không chỉ là thiên tai mang tính hủy diệt mà còn là thảm họa thiên nhiên gây tổn thất kinh tế lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nguy hiểm sóng thần trên vùng Biển Đông

Theo kết quả điều tra nghiên cứu về địa chấn kiến tạo, trên Biển Đông xác định được một số vùng nguồn động đất sóng thần chính. Trong số các vùng này, vùng nguồn đứt gãy hút chìm lớn nhất chạy dọc theo máng sâu Manila hướng kinh tuyến từ phía bắc đảo Luzon đến bắc đảo Palawan, Phillipine có nguy cơ phát sinh và tiềm ẩn các động đất mạnh với độ lớn cực đại Mmax đạt từ 8.0 đến 9.0. Một số lượng lớn các kịch bản sóng thần khi động đất phát sinh từ hệ đứt gãy này cũng như từ các vùng nguồn khác trên Biển Đông với độ lớn cực đại Mmax từ 8.0 đến 9.0 đã được các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và các nước trong khu vực tính toán, xây dựng và theo đó đánh giá độ nguy hiểm sóng thần cho toàn vùng và các khu vực liên quan. Kết quả cho thấy với những động đất như vậy sóng thần sẽ xảy ra, lan truyền khắp Biển Đông, tấn công vào các vùng ven biển Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Phillipine, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Đài Loan. Độ cao sóng thần ở từng nơi và trong mỗi trường hợp có thể đạt giá trị cực đại từ 2-3 m đến 10-15m và có thể gây ra những thiệt hại lớn.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hồng Phương, Đánh giá độ nguy hiểm sóng thần trên Biển Đông phục vụ cảnh báo và giảm nhẹ thiệt hại. NXB KHTN và CN, Hà Nội, 308 tr., 2017.

2. Bùi Công Quế (chủ biên) và nnk, Nguy hiểm động đất và sóng thần ở vùng ven biển Việt Nam, NXB Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 310 tr., 2010.

3. Cao Đình Triều, Tai biến động đấtvà sóng thần, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 156 tr., 2008.