Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Phiên bản vào lúc 20:17, ngày 10 tháng 7 năm 2022 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp) (→‎Hiện vật)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Tòa nhà cơ sở 1 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại số 66, Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị sự nghiệp văn hóa có thu, bảo tàng quốc gia, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam, có chức năng sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật, các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của Việt Nam. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự quản lý vận hành gồm: Ban Giám đốc, năm phòng chức năng, nghiệp vụ và một tổ chức trực thuộc.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những điểm tham quan du lịch giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Tòa nhà trưng bày có kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa phong cách Tây Âu và kiến trúc đình làng Việt Nam. Là một tác phẩm tổng hòa của kiến trúc, điêu khắc mỹ thuật phong cách Việt, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn là địa điểm phù hợp để tổ chức các sự kiện về văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan từ 8h30 đến 17h các ngày thứ ba đến chủ nhật hàng tuần.

Lịch sử[sửa]

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập ngày 24 tháng 6 năm 1966 sau bốn năm chuẩn bị. Ra đời với tên gọi Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ do Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng, theo thời gian Bảo tàng có các tên gọi khác nhau: Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ban đầu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ gồm tòa nhà chính trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2 do một tổ chức kinh doanh của Giáo hội Gia tô Famille de Jeane d’Arc” (Gia đình Gian đa) xây dựng năm 1937 làm ký túc xá dành riêng cho con gái các quan chức thực dân Pháp ở Đông Dương đến trọ học. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có hai cơ sở với tổng diện tích gần 10.000 m2. Cơ sở I tọa lạc tại 66 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, gồm bốn không gian chính: Hệ thống trưng bày thường xuyên, Phòng trưng bày chuyên đề, Không gian sáng tạo cho trẻ em và Không gian ẩm thực và đồ uống. Cơ sở II tại số 2 ngõ 31, phố Hoàng Cầu, phường Ô chợ Dừa, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, gồm: Hệ thống kho lưu giữ hiện vật, Thư viện khoa học, Trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật và một số phòng nghiệp vụ.

Trung tâm Bảo quản - Tu sửa tác phẩm mỹ thuật trực thuộc Bảo tàng được thành lập năm 2006 trên cơ sở tiền thân là Xưởng Mỹ nghệ Việt Nam (1962), Xưởng Mỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam (1963), Tổ phục chế (1970), Phòng Phục chế (1978), Xưởng phục chế (1979). Đây là Trung tâm duy nhất ở Việt Nam cung cấp dịch vụ tu sửa, bảo quản hiện vật thuộc loại hình mỹ thuật cho các bảo tàng và cá nhân trên toàn quốc. Tính riêng từ 2006 đến 2020, Trung tâm đã tu sửa, phục chế hàng ngàn tác phẩm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Cán bộ Trung tâm còn thực hiện vai trò chuyên gia cho một số đơn vị: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh tp Hồ Chí Minh, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Khu Di tích Dinh Độc lập, Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng và Khu di tích Kaysone Phomvihan, Khu di tích Suphanuvong, Khu di tích Nuhacsavan (Cộng hòa nhân dân Lào).

Hiện vật[sửa]

Một mặt của bức Bình phong (Phong cảnh và Thiếu nữ trong vườn), tác giả Nguyễn Gia Trí sáng tác năm 1939, chất liệu sơn mài, một trong các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng

Năm mươi lăm năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm và lưu giữ trên 20.000 đơn vị bảo quản hiện vật. Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tài sản vô giá, đặc sắc của văn hóa Việt Nam, phản ánh cơ bản tiến trình lịch sử Mỹ thuật Việt Nam; là những tác phẩm thành công, đại diện cho hội họa và điêu khắc Việt Nam thế kỷ XX. Những sưu tập giá trị mà bảo tàng đang sở hữu như: Sưu tập tác phẩm của các tác giả học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ khóa I đến khóa XVIII; Sưu tập tác phẩm của các tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Sưu tập Ký họa kháng chiến, Tranh cổ động, Tranh dân gian, Tranh thờ miền núi phía Bắc; Sưu tập tác phẩm về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, Phụ nữ, Mùa xuân …

Qua hai kỳ xét tặng, Bảo tàng có chín hiện vật và tác phẩm được công nhận Bảo vật quốc gia, đó là: Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, niên đại thế kỷ XVI, chất liệu gỗ phủ sơn; Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, niên đại thế kỷ XVII, chất liệu gỗ phủ sơn; Cánh cửa chạm rồng, niên đại thế kỷ XVII, chất liệu gỗ; Hai thiếu nữ và em bé, tác giả Tô Ngọc Vân (1906-1954) sáng tác năm 1944, chất liệu sơn dầu; Em Thúy, tác giả Trần Văn Cẩn (1910-1994) sáng tác năm 1943, chất liệu sơn dầu; Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, tác giả Dương Bích Liên (1924-1988) sáng tác năm 1980, chất liệu sơn dầu; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, tác giả Nguyễn Sáng (1923-1988) sáng tác năm 1963, chất liệu sơn mài; Bình phong (Phong cảnh và Thiếu nữ trong vườn), tác giả Nguyễn Gia Trí (1908-1993) sáng tác năm 1939, chất liệu sơn mài; Gióng, tác giả Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) sáng tác năm 1990, chất liệu sơn mài.

Hệ thống trưng bày[sửa]

Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng có diện tích trên 3.000m2, giới thiệu khoảng 2.000 hiện vật, tác phẩm khái quát về tiến trình phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Cách giới thiệu và trưng bày theo ba hướng tiếp cận: tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam, loại hình và chất liệu hiện vật. Nội dung gồm: mỹ thuật thời Tiền - Sơ sử; mỹ thuật thế kỷ XI đến thế kỷ XIX; mỹ thuật thế kỷ XX; mỹ thuật thời kỳ đổi mới (1986) đến nay; mỹ thuật Dân gian; nghệ thuật trang trí ứng dụng truyền thống; nghệ thuật Gốm từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX; tranh sơn mài; tranh sơn dầu; tranh lụa; tranh giấy; điêu khắc hiện đại.

Trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn chú trọng tới màu sắc, kiểu dáng của khung, bục, bệ và ánh sáng. Mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo quản, tăng sức hấp dẫn và tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận hiện vật, tác phẩm thuận lợi nhất. Phần thông tin về hiện vật, tác phẩm cung cấp ở những tiêu chí: tên gọi, tác giả, năm sáng tác, chất liệu, kích thước. Thông tin chuyên sâu về nội dung phòng trưng bày hoặc hiện vật, tác phẩm được giới thiệu qua hệ thống pano, etiket mở rộng và ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (iMuseum VFA). Nếu không thể đến tham quan trực tiếp, du khách mua vé sử dụng iMuseum VFA bằng hình thức trực tuyến trên chợ Google Play và App Store. Ứng dụng iMuseum VFA hiện có 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Ý với thời lượng sử dụng 8 tiếng. Người dùng sẽ được cung cấp: file âm thanh, hình ảnh hiện vật, tác phẩm, bản text bài thuyết minh và sơ đồ hướng dẫn tham quan.

Ngoài trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn xây dựng nhiều bộ sưu tập gọn nhẹ tổ chức lưu động tại một số tỉnh, thành trong nước và quốc tế, từ đồng bằng, miền núi tới hải đảo của Việt Nam đến các quốc gia thuộc Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ.

Đóng góp[sửa]

Phòng trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có ba chức năng. Thứ nhất, đây là nơi tổ chức các cuộc triển lãm nhân dịp các sự kiện lớn của đất nước hoặc công bố những sưu tập hiện vật mới sưu tầm. Thứ hai, Bảo tàng phối hợp với Đại sứ quán, Quỹ văn hóa của các nước tổ chức triển lãm giao lưu về văn hóa nghệ thuật. Thứ ba, đây là nơi để các bảo tàng tư nhân, nhà sưu tập hoặc các họa sĩ công bố bộ sưu tập và những sáng tác mới.

Mỗi năm Bảo tàng đón tiếp trên 60.000 lượt khách tham quan và hàng ngàn lượt học sinh tới trải nghiệm. Hoạt động giáo dục, tương tác được liên kết với các cơ sở đào tạo, từ giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, đến Cao đẳng, Đại học. Không gian sáng tạo cho trẻ em mở cửa từ năm 2011 hướng đến mục đích bổ sung kiến thức cơ bản về mỹ thuật, đánh thức tiềm năng sáng tạo, góp phần giáo dục thẩm mỹ, hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ. Dịch vụ trải nghiệm gồm: chương trình hàng ngày, đặc biệt, hè, tết thiếu nhi, trung thu. Ngoài ra, Bảo tàng mở Website, fanpage làm kênh tuyên truyền, quảng bá và liên hệ, tương tác trực tuyến với công chúng.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có các công trình nghiên cứu mỹ thuật giá trị làm cơ sở cho việc sưu tầm và xây dựng kịch bản trưng bày. Những đầu sách giới thiệu hiện vật được Bảo tàng xuất bản, đóng góp vào nguồn tư liệu quý về văn hóa nghệ thuật. Bảo tàng đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về mỹ thuật, bảo tàng học có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Các thế hệ viên chức Bảo tàng với hàng trăm bài viết đăng tải trên tạp chí chuyên ngành góp phần phổ biến giá trị của di sản văn hóa tới nhiều thế hệ công chúng.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhận được các phần thưởng và danh hiệu: Huân chương Lao động hạng nhất (1996); Huân chương Độc lập hạng ba (2006); Cờ thi đua của Chính phủ (2001, 2013, 2018); Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2003, 2004, 2005, 2006, 2010); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014); Bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin (1995, 1997, 2003, 2005); Bằng khen hoạt động lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010); Danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc (2009, 2011, 2012, 2015, 2017, 2019)

Phát triển[sửa]

Nhằm gìn giữ tốt nhất giá trị di sản cho thế hệ mai sau, Bảo tàng đã tích cực đầu tư hệ thống điều hòa, hút ẩm, camera an ninh, báo cháy, giá treo tranh, tủ, kệ chuyên dụng cho hệ thống kho bảo quản. Đồng thời, công tác quản lý hiện vật, hồ sơ, tư liệu liên tục được kiện toàn và cập nhật các thành tựu của khoa học công nghệ. Bảo tàng hướng tới việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về tác giả, tác phẩm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và cung cấp thông tin cho mọi đối tượng công chúng.

Ở lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngoài hoạt động tham gia hội thảo, diễn đàn văn hóa nghệ thuật và triển lãm, Bảo tàng còn phối hợp và nhận được sự đầu tư trong các lĩnh vực: tập huấn công tác giáo dục nghệ thuật, bảo quản tu sửa, phục chế hiện vật mỹ thuật, bảo tồn và quản lý sưu tập.

Trong tương lai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hướng tới trở thành điểm tham quan giúp công chúng có cái nhìn đa chiều về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; là địa điểm hấp dẫn, lựa chọn hàng đầu của các Công ty Lữ hành và khách du lịch; là địa chỉ tin cậy cho giới nghiên cứu mỹ thuật, học sinh, sinh viên đến học tập nghiên cứu; nơi tiếp sức, tạo động lực và là nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam sáng tạo.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Kỷ yếu 15 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 1966-1981, Hà Nội, 1981.
  2. Viện Bảo tàng Mỹ thuật, Kỷ yếu số 6-1987 (Số chuyên đề về tham luận khoa học nhân kỷ niệm 20 năm Viện Bảo tàng Mỹ thuật), Hà Nội, 1987
  3. Các bảo tàng Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2001.
  4. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thông báo khoa học nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.
  5. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 50 năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2016.
  6. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hồ sơ bảo vật Quốc gia, Hà Nội, 2013-2017
  7. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2019.
  8. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Báo cáo: tổng kết thực hiện quy hoạch bảo tàng từ 2005-2020, số 129/BC-Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ngày 15.9.2020, Hà Nội, 2020.