Mục từ này cần được bình duyệt
Bát bửu
Phiên bản vào lúc 21:00, ngày 12 tháng 4 năm 2021 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp) (→‎Bát bửu Đạo giáo)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Cuốn thư - tranh chạm gỗ sơn son thếp vàng tại Đại Nội (Huế)

Bát bửu là đề tài xuất hiện từ lâu trong mỹ thuật cổ của dân tộc Việt Nam, trong đó người xưa “xã hội hóa”, “âm linh hóa” những đồ vật được coi là vật báu và tạo cho chúng những ngữ nghĩa, nội dung tinh thần biểu tượng khác nhau. Đồ vật quý được gọi với những cái tên mang nội hàm biểu hiện khác nhau và rất đa nghĩa mà trước hết chúng là tạp bảo (nhiều vật quý các loại), rồi khi điển hóa gọi là bách cổ một cách ước lệ của số đếm không tuyệt đối. Khi dùng trang trí, tạo hình và chuẩn hóa kiểu thức thì gọi là cổ đồ với sự trang trí từng bộ hay độc lập. Cuối cùng khi sắp xếp, chọn lọc và dùng trong những điều kiện và hoàn cảnh, yêu cầu cụ thể mới gọi là bát bửu (bát bảo). Bát bửu cổ đồ cũng hình thành từ nhiều hình thái tồn tại của vật quý trong đời sống như loại vật quý từ: “... đời sống của tầng lớp phong lưu, nhàn hạ và nghệ sĩ như: cầm - kỳ - thi - họa; hoặc có thể là các loại đồ minh khí, vật dụng được gia công tỉ mỉ, khảm hay đính những thứ đá quý. Có thể đó là bức trướng liễn, hoành phí, câu đối có nội dung thâm thúy, thư pháp tài tình của những tác giả nổi tiếng. Hoặc những bộ văn phòng tứ bửu từ nguyên liệu quý hiếm được làm thành tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Tựu trung, đó là những món đồ sử dụng hoặc trang trí có một giá trị đặc biệt, mang tính biểu tượng cao có tính thẩm mỹ và vai trò trong đời sống văn hóa”.[1] Theo Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế thì bát bửu là của các vị tiên: “Bát: tám; bửu: quý. Tám thứ quý của tiên”.[2] Nói về ý nghĩa bát bửu khá nhiều,tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về việc xuất hiện bát bửu từ thời nào. Trong một số tài liệu có nói chung chung là trang trí thời Lý-Trần đã có một vài hình ảnh của bát bửu như đôi sừng tê, hoa sen... Trong các sách viết về mỹ thuật cổ thời Hậu Lê - Nguyễn thì việc nói đến bát bửu đã phổ biến. Đến thời Nguyễn thì bát bửu đã thành bộ đề tài và không còn trang trí lẻ tẻ như các thời kỳ trước.”[3] Trong Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Nguyễn Phi Hoanh viết về đặc điểm của bát bửu trong mỹ thuật cổ dân tộc là: “Người xưa không nhất trí về tám vật này; trong những tác phẩm trang trí thường có khác nhau về một vài chi tiết.”[4]

Tác giả Đinh Hồng Hải trong Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam viết: “... bát bửu là một mô-típ trang trí bắt nguồn từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hóa”.[5] Tác giả Nguyễn Hữu Thông viết: “Bát bửu hiểu nôm na là tám món quý. Trong nghệ thuật trang trí chúng thường kết thành từng bộ. Đây là một kiểu thức phổ biến, được thể hiện từ rất nhiều chất liệu khác nhau, cũng như được trình bày một cách đa dạng và phong phú trong trang trí Huế”.[3]

Bát bửu Nho giáo[sửa]

Là một thành tố của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nho giáo có một ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt đời sống tinh thần của người Việt. Bát bửu Nho giáo được các nhà nghiên cứu thống kê từ nhiều nguồn và thực tế trang trí. Theo Macel Bernanosse trong Nghệ thuật trang trí Bắc Kỳ, đã viết về bát bửu: “Ý nghĩa của nó dần lan rộng đến tất cả những gì thuộc về sáng suốt, hạnh phúc trên đời”[6] và Macel Bernanosse ghi tên bát bửu bao gồm cặp cánh chuồn (cánh buồm) tượng trưng cho học hành đỗ dạt cao, hai cây bút, sách, kiếm, bầu rượu (bầu thái cực), lẵng hoa, lục huyền (đã rút ra khỏi bao được một nửa), kim khánh, cái quạt. Riêng Dumoutier có thêm quả bầu (vốn có trong bát quả) và hương án bày sách. Tác giả Cadiere trong L’ Art à Hue (1919) thêm ô trám, tù và, đồng tiền, cái quạt, cây như ý, pho sách, sừng tê giác, khánh đá, bút nghiên. Một số tác giả khác thống kê thêm một số vật khác được coi là bát bửu như cuốn thư, gương soi, túi thơ, phương thắng, viên ngọc (ngọc rồng), lá ngãi, sanh tiền, đỉnh ba chân... Nói chung có pha trộn vật quý từ bát bửu Phật giáo và Đạo giáo trong các bộ bát bửu Nho giáo, đó cũng là một trong những minh chứng về việc có một tinh thần “Nho giáo không thuần nhất, đã luôn luôn dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, tập quán, tư tưởng địa phương nên khi tác động đến từng mặt của đời sống ở Việt Nam thì sắc thái Nho giáo của nó không còn nguyên vẹn mà đậm nhạt khác nhau”.[7] Nhìn chung như trong Tranh vẽ cát tường Trung Hoa, tác giả Kiều Liên (biên dịch và giới thiệu) nói rõ các biểu tượng bát bửu là: “... ước muốn cuộc sống được bảo vệ, luôn hạnh phúc bình yên”,[8] đã được vật chất hóa bởi nghệ thuật trang trí, tạo hình.

Bát bửu Phật giáo[sửa]

Trong Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tác giả Đinh Hồng Hải có nêu ra một nhận định quan trọng: “Có thể nhận thấy ở các quốc gia láng giềng độc tôn Phật giáo như Thái Lan, Lào, Campuchia không có bát bửu trong trang trí. Do đó, chúng ta có thể coi biểu tượng này là một nét đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam..”[9] và vì vậy mà: ... biểu tượng bát bửu trong nghệ thuật tạo hình có tác dụng như một trung gian chuyển tiếp các tư tưởng của Phật giáo đến với người dân”.[10] Trên cơ sở xem xét bát bửu ở các chùa Việt, các nhà nghiên cứu nêu ra một số vật quý như sau trong bát bửu Phật giáo: hoa văn chữ Vạn, bảo bình, hoa sen, ốc tù và, cái lọng, hồ lô, lá đề, độc lư bốn chân, bánh xe luôn hồi và một số vật khác như lá sen, nút huyền bí, cái táng, đôi cá... Tương tự như vậy tác giả Bùi Minh Đức trong Từ điển tiếng Huế cũng liệt kê như trên đồng thời có so sánh với bộ bát bửu của Đạo giáo, Nho giáo với mục từ: “bát bửu trong tam giáo” và dẫn giải :"... có hình ảnh biểu trưng khác nhau”.[11] Phật giáo là tôn giáo thế giới có nhiều ảnh hưởng đến đời sống văn hoá các dân tộc ở phương Đông trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu về bát bửu Phật giáo không chỉ làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử hình thành, triết lý sâu xa của đạo Phật mà còn hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá các dân tộc trong khu vực. Đồng thời cũng có thể thông qua việc khảo sát, bát bửu truy tìm nguồn gốc, ý nghĩa của các hoa văn trang trí, các biểu tượng được sử dụng trên các công trình kiến trúc như chùa, tháp hay cách thức thiết trí thờ tự ở các điện, đường. Hệ thống biểu tượng trang trí chùa Huế mang trên mình ý nghĩa thuần thành của Phật giáo, lý giải và làm phong phú hơn cho tôn giáo đầy triết lý về thế giới và nhân sinh này. Biểu tượng trang trí chùa Huế cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng phong cách, nhân sinh quan của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng, từ đó giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về sự chi phối của ý thức hệ phong kiến đến Phật giáo.

Bát bửu Đạo giáo[sửa]

Nói về Đạo giáo trong đời sống xã hội Việt Nam trước đây, tác giả Nguyễn Tài Thư cho rằng Đạo giáo có ảnh hưởng đến người Việt “... vì nó phù hợp với tín ngưỡng dân gian và nó bổ sung những tín hiệu cần thiết mà tín ngưỡng dân gian không có... Tin theo Đạo giáo thần tiên vì người Việt vốn có tinh thần lãng mạn, muốn có cuộc đời dài lâu, muốn có cuộc sống tốt đẹp”.[12] Bát bửu trong Đạo giáo có rất nhiều kiểu thức, vật quý khác nhau và cũng có nhiều vật quý có trong bát bửu Nho giáo và Phật giáo. Trước hết là các vật quý gắn liền với bát tiên gồm cái quạt của Chung Ly Quyền, cái nậm thần (bầu rượu) của Lý Thiết Quài, bộ sanh tiền của Tào Quốc Cựu, cái lẵng hoa của Lam Thái Hòa, ống sáo trúc và cặp roi của Hàn Tương Tử và bông sen của tiên bà duy nhất trong bát tiên là Hà Tiên Cô. Ngoài ra còn có những thống kê khác với bát bửu Đạo giáo bao gồm thêm các vật quý như nấm linh chi, quạt ba tiêu, thanh kiếm, phất trần, gậy trúc, bầu rượu, đàn tỳ bà, cái tiêu (sáo thổi dọc), dép cỏ, túi thiêng, trống cá (ngư cổ), cây thuốc... Có thể nhận thấy bát bửu Đạo giáo đã: “... hòa lẫn vào Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian...”[13]

Hình tượng các vật quý luôn được trang trí kết hợp với dải lụa thanh nhã, mềm mại hay với các biến thể hoa lá cách điệu hoá, hoa dây... Sự uốn lượn của các dải băng làm cho cái động và tĩnh trong trang trí thêm sinh động: “Hình tượng tám vật quý thường được trình bày kết hợp với những dãi băng điều, hoặc hoa lá hay cụm mây. Kiểu phối trí tạo nên sự liên kết mềm mại nhưng chặt chẽ cho bố cục tạo hình”.[1] Người xưa gọi kiểu thức bát bửu gắn kết dãi băng cách điệu là “bàn triền”, Theo từ điển Hán - Việt chữ “bàn” có nhiều nghĩa nhưng nghĩa được sử dụng là “vui vẻ”, còn “triền” có nghĩa là toàn vẹn, đầy đủ (vì vậy có khi đọc là “tuyền” hay “toàn”). “Mẫu thức hoa, dây, lá, kết hợp với bát bửu được gọi là “triền chi” mang biểu tượng cho sự phát triển thường xuyên, lâu dài.”[1]

Các bộ Bát bửu tam giáo đã tạo nên những hòa điệu tâm linh, triết lý, phản ánh tư tưởng nghệ thuật của thời đại. Tác giả Trần Đại Vinh khẳng định: “Phật, Đạo, Nho đã chi phối tín ngưỡng dân gian Huế từ căn đế, lan tỏa vào mọi ngóc ngách trong tâm thức người dân Huế...”[14]

Ngoài ra, còn có bát bửu chấp kích, còn gọi là Lỗ Bộ, là những đồ binh khí dùng để rước hoặc cắm vào giá để trần, như một “trấn phong” đặt ở cung vua, phủ quan hay các đền, đình, miếu, nhà thờ họ... Gồm những vũ khí như mác, kích, cờ tiết mao và bảng có chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tị”, chùy, quả đấm, búa, kiếm, song kiếm, trường thương, đại đao, đoản đao, siêu, roi, xà mâu, mác, khiên, giáo, cung tên, rìu, côn. Các vũ khí được cắm trong giá gỗ để làm đồ trang trí, và để tỏ ra uy quyền, khi bày, đặt chỉ cần chọn 8 vật. Thông thường có thể gọi một vài vật đơn, như là bình-kích chỉ một thứ vũ khí (kích) đọc âm tiếng Hán là “ki” đồng ấm với từ “cấp”, lến cấp bậc. Vì vậy nó biểu trưng cho sự thăng tiến nhanh (thăng tiến tam cấp). Trong một số trang trí bát bửu, có đồ án cái một cái kích vào độc bình thì đó là biểu trưng cho sự bình an và đại cát vì trong một nghĩa cổ, từ “kích” đồng âm với “cát” (những điều tốt lành). Ngoài ra còn có sự thể hiện “bình và cái yên ngựa” phối hợp với gậy như ý cũng biểu thị cho sự bình an, vạn sự như ý.

Ý nghĩa chung[sửa]

Những ý nghĩa sâu xa và gắn liền với mong ước về cuộc sống viên mãn, hạnh phúc của bát bửu đã làm cho hình tượng bát bửu luôn có mặt trong ý niệm tinh thần của các triều đại phong kiến ở Việt Nam. Đồng thời bát bửu cũng có ảnh hưởng sâu rộng, có chổ đứng bền vững trong tâm thức dân gian và tạo ra vô số biến thể độc đáo trong nhu cầu tâm linh - thẩm mỹ của người dân Việt, đặc biệt là nở rộ vào thời Nguyễn. Đó là quá trình mà Trần Văn Tốt trong Nhập môn nghệ thuật cổ Việt Nam đã đánh giá: “ ... nghệ thuật Việt Nam đã dần dần đi sâu vào một tính cách riêng của nó. Trong một số sản phẩm, ở đó nó hoàn toàn cởi bỏ những tiêu chuẩn cổ điển, nó chính là sự biểu hiện một sáng tạo tự phát và một cảm xúc rung động”.[15] Mặt khác cũng cần phải chú ý đến sự chuyển thế của bát bửu trong liên kết các hình tượng từ điển tích như ông tam tinh (Thọ tinh, Lộc tinh, Phúc tinh). Ông Thọ không chỉ với trái đào trường thọ mà còn cầm trái bầu thắt và gậy trúc nhiều mắt tượng trưng trường sinh bất lão với kiểu thức: Thọ tỉ nam sơn”, “ Phúc thọ vẹn toàn” hay hình tượng ban phúc tặng của báu của Phúc tinh trong nề đắp nổi. Hình tượng thần Tài cũng gắn với các vật quý trong bát bửu như thần Tài với biểu tượng đồng tiền, xâu tiền. Thần Tài còn cầm cây như ý bên cạnh “núi” tiền, ngân lượng. Áo thần Tài trang trí tam sơn, châu ngọc. Của kiểu thức “Cung hỷ phát tài” rất quen thuộc trong tranh khảm xã cừ và tranh gương cổ. Thỉnh thoảng trong chạm khảm xà cừ còn có hình tượng Lưu Hải ban tiền với xâu tiền buộc thành dây để nhảy múa. Hình tượng những cậu bé, cô bé bụ bẩm, khôi ngô, khỏa mạnh xuất hiện trong tranh nề và chạm đồ gỗ trang trí với hình ảnh em bé thổi sáo, cầm cái khánh theo kiểu thức “Phúc thọ trường lạc”. Phúc thọ cát khánh”. Một số kiểu thức mang tính phối hợp các vật quý để mở rộng ý nghĩa của hình tượng như trong chạm gỗ có cái khánh với như ý với ý nghĩa tốt lành như ý, hoa sen với như ý và giỏ kim chi với ý nghĩa hòa hợp như ý, cặp dơi với cái khánh với ý nghĩa song phúc như ý, kết hợp hoa văn cái khánh với nút huyền bí với ý nghĩa trăm sự như ý (bách cát như ý), kết hợp cây bút với như ý mang ý nghĩa mọi việc đã định đều vẹn toàn như ý muốn. Ngoài ra còn có những sự kết hợp khác trong bát tiên với những ý nghĩa tương tự theo các đồ án trang trí cổ phương Đông, tiêu biểu là sự kết hợp của các cặp vật quý bát bửu như kiếm với quạt, phách nhịp (nhạc) với hoa sen, trái bầu thắt (thái cực, hồ lô, bầu vũ trụ, bầu rượu) với ngư cổ, lẵng hoa với ống sáo...

Tóm lại, trang trí bát bửu có những chức năng tâm linh và thẩm mỹ gắn liền với kiến trúc, vật dụng, nhưng trong kiến trúc phong phú đa dạng hơn như trong bài “Một số đồ án trong tư tưởng nghệ thuật cổ Việt Nam”, tác giả Nguyễn Hải Phong viết: “… trang trí kiến trúc vốn là thuộc phần phù trợ đóng vai trò tô điểm, lại trở thành nghệ thuật vừa có nội dung, vừa mang hình thức làm đẹp…”,[16] điều này tham chiếu ở trang trí bát bửu là rất đậm nét, thuyết phục.

Tham khảo[sửa]

  1. a b c Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.124
  2. Bửu Kế (1993), Tầm nguyên từ điển, Nxb TP HCM, tr.52
  3. a b Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.124
  4. Nguyễn Phi Hoanh (1970), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.231
  5. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr.158
  6. Bernanosse (1962), Nghệ thuật trang trí Bắc Kỳ, Nxb Henry Laurens, Paris, (Viện Mỹ thuật - Đại học Mỹ thuật Việt Nam dịch), tr.21
  7. Trần Đình Hựu (1995), Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội, tr.28
  8. Kiều Liên (2002), Tranh vẽ cát tường Trung Hoa, Nxb VHTT, tr.ang 74
  9. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, Nxb Tri Thức, Hà Nội, tr.162
  10. Đinh Hồng Hải (2012), sdd, tr.163
  11. Bùi Minh Đức (2001), Từ điển tiếng Huế, Nxb Tầm An, Hoa Kỳ, tr.21
  12. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, trang 85
  13. Đinh Hồng Hải (2012), sdd, tr.166
  14. Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.59
  15. Trần Văn Tốt (1969), Nhập môn nghệ thuật cổ Việt Nam, tập san Hội Nghiên cứu Đông Dương, số 1, Paris, tr.88
  16. Nguyễn Hải Phong (2007), “Nhận diện Mỹ thuật thời Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, tr.206