Mục từ này cần được bình duyệt
Boris Polevoi

Boris Polevoi (1908 - 1981) nhà báo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Liên Xô trước đây. Tên thật là Boris Nikolaevich Kampov. Tên tiếng Nga: Борис Николаевич Полевой (Кампов). Sinh ngày 17.3.1908, mất 12.7.1981.

Boris Polevoi (BP) ra đời tại Maxcova, trong gia đình trí thức, bố làm trong ngành tòa án, mẹ là bác sỹ. Từ năm 1913 gia đình chuyển về Tver (Thời Liên Xô trước đây là Kaliningrad). Tại đây ông học trung học, sau đó tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, làm kỹ thuật viên tại nhà máy dệt. Ngay khi còn học trung học, BP đã viết bài cho các báo địa phương. Năm 1927 tác phẩm đầu tiên của ông - ký sự “Hồi ký của kẻ mạt hạng” đã được xuất bản tại Tver và được Maxim Gorki quan tâm. Năm 2028 BP bắt đầu làm báo chuyên nghiệp tại các tòa soạn báo của tỉnh Tver. Bút danh Polevoi do một biên tập viên tòa soạn báo gợi ý, được sử dụng từ đó. Năm 1937, ông viết truyện dài đầu tiên “Xưởng nóng” và trở thành nhà báo của báo “Sự thật vô sản”, “Sự thật”. Từ năm 1941, ông sống tại Maxcova. Từ năm 1942 nhập ngũ, là phóng viên chiến trường của báo “Sự thật”, là nhà báo đầu tiên viết về người nông dân anh hùng 83 tuổi Matvay Cuzmich Kuzmin. Ông gặp phi công huyền thoại Aleksey Petrovich Maresyev, sau này là nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Chuyện con người chân chính”. BP từng có mặt tại chiến trường nóng bỏng Stalingrad, từng bay cùng các phi công chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt.Ông là một trong những người viết báo đầu tiên có mặt khi giải phóng trại tập trung Oxvenxim;là phóng viên tại phiên tòa Nuremberg xử những kẻ đứng đầu Đức Quốc xã.

Sau chiến tranh, BP tập trung cho sáng tác văn học. Từ 1961 đến 1981, ông là Tổng biên tập tạp chí “Tuổi xuân”. Từ năm 1967, BP là Tổng Thư ký Hội nhà văn Liên Xô. Ông là Chủ tịch Ban điều hành Quỹ hòa bình Liên Xô. BP là Đại biểu Xô viết tối cao Nga (thuộc Liên Xô trước đây) thời gian 1946-1958. Là người có quan điểm trung thành tuyệt đối với xã hội Xô Viết, ông phê phán kịch liệt những nhà văn “ly khai” như Pasternak, Solzennitsyn…, nhưng ông không đồng ý với việc đấu tố cực đoan trong lĩnh vực văn chương.

BP có sự nghiệp sáng tác báo chí và văn học đồ sộ, trong đó những tác phẩm đề tài chiến tranh là nổi bật nhất. Âm hưởng chủ đạo trong tác phẩm của ông là chất anh hùng ca, tôn vinh phẩm chất con người trong bối cảnh khắc nghiệt. Các tác phẩm chính: - “Hồi ký kẻ mạt hạng” (1927) - “Xưởng nóng” (1939) - “Chuyện con người chân chính” (1947) - “ Người Xô Viết chúng ta” (1948) - “Vàng” (1950) - “Nhật ký trên đất Mỹ” (1956) - “Hậu phương bao la” (1959) - “Bờ sông hoang vắng” (1962) - “Bác sỹ Vêra” (1967) - “Cách Berlin 896 kilomet” (1973) - “Bốn năm ấy” (1974) 5 bộ phim điện ảnh được thực hiện trên cơ sở chuyển thể tác phẩm của BP.

“Chuyện con người chân chính” là tác phẩm lớn nhất của Boris Polevoi. Tác phẩm này tiêu biểu nhất cho phong cách sáng tác của Polevoi với hai yếu tố: Chất liệu, nhân vật có nguyên mẫu từ thực tế; âm hưởng anh hùng ca mạnh mẽ. BP được trao tặng: Ba lần huân chương Lenin, hai lần giải thưởng Stalin, các huân chương, huy chương chiến tranh Vệ quốc, Huân chương tình đoàn kết giữa các dân tộc…và nhiều phần thưởng khác. Ông được phong danh hiệu Anh hùng lao động (1974). Sau khi ông mất, có một tàu thủy và hai đường phố ở Liên Xô trước đây mang tên ông.

BP có gia đình hạnh phúc. Vợ là giáo viên ngôn ngữ và văn học. Họ có con gái và hai con trai. Một người con trai làm việc trong lĩnh vực quốc phòng. Hai người còn lại theo nghiệp y tế và đều có học hàm Giáo sư.

BP được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. “Chuyện con người chân chính” được dịch và lan truyền tại chiến khu thời gian kháng chiến chống Pháp, nhiều khi qua các bản chép tay. Năm 1960, tác phẩm được in lại và phát hành tại Việt Nam cùng với thư gửi độc giả Việt Nam của tác giả. Cả BP và nguyên mẫu nhân vật chính của tác phẩm, anh hùng phi công Maresyev, là những người nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam. Khi sang thăm Liên Xô, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm gia đình BP và đã ghi vào cuốn sổ lưu niệm của gia đình nhà văn.

Tài liệu tham khảo [sửa]

  1. ZГаланов Б.Е. Борис Полевой: Критико-биографический очерк. Nhà xuất bản Советский писатель. Maxcova 1957)
  2. Железнова Н.Л. Борис Полевой: Проза. Публицистика. Мемуары. – Nhà xuất bản Художественная литература, Maxcova 1984 .
  3. [[1]
  4. [[2]]