Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ba Nhất

Ba Nhất là phong trào thi đua trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam trong những năm 1960-1963.

Tháng 3.1957, Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) họp mở rộng bàn về việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Hội nghị chỉ rõ: Đất nước vừa hòa bình sau 9 năm kháng chiến, kinh tế chậm phát triển, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng quân đội hùng mạnh tiến dần lên chính quy, hiện đại phải tổ chức các phong trào thi đua vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung Đảng, toàn quân dấy lên phong trào thi đua “tiến nhanh vượt mức kế hoạch”. Tiêu biểu như Lữ đoàn Pháo binh 364 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 45) mở phong trào học tập, rèn luyện trở thành “pháo thủ toàn năng”. Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Bộ binh 305) phát động phong trào “Vượt lên hàng đầu”. Đại đội 2, Trung đoàn 50, Quân khu Tả Ngạn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng danh hiệu “Đại đội gió” vì dẫn đầu phong trào rèn luyện thể lực. Đại đội 2, Trung đoàn Pháo binh 68, Sư đoàn 304 (Đoàn Vinh Quang), từ đơn vị huấn luyện kém sau thời gian phấn đấu, học tập, làm chủ khoa học kỹ thuật đã vươn lên giành nhiều điểm cao nhất trong bắn đạn thật và đạt đơn vị bắn đều nhất. Ngày 18.6.1960, tại lễ trao tặng huân chương cho Đại đội 2, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khái quát thành tích đơn vị “giỏi nhất, nhiều nhất, đều nhất” và động viên cán bộ chiến sĩ tiếp tục tạo ra một phong trào học tập, đuổi và vượt Đại đội 2, với nhiều đại đội “Ba Nhất”. Từ kinh nghiệm tổ chức phòng trào thi đua của các đơn vị, Tổng cục Chính trị phát động phong trào thi đua đơn vị “Ba Nhất” trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam với ba nội dung: lập thành tích nhiều nhất; thành tích các mặt đều nhất; đạt chất lượng cao nhất trên các mặt rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, chấp hành điều lệnh, sản xuất và tiết kiệm… trong đó, huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu là trung tâm, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị là mục tiêu thi đua. Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Thi đua với Đại đội Ba Nhất, huấn luyện giỏi đi đầu trong xây dựng nề nếp chính quy, hiện đại”. Những gương người tốt, điển hình trong phong trào thi đua Ba Nhất được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổng hợp, in thành cuốn “Chiến sĩ Ba nhất” kịp thời cổ vũ bộ đội. Ngày 15.6.1962, Bưu chính nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã phát hành bộ tem Binh sĩ, mang tên Ba Nhất.

Như một khẩu hiệu hành động, Ba Nhất đã cổ vũ mọi người, mọi đơn vị thi đua lập công và trở thành một phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa sôi nổi, rộng khắp trong toàn quân, góp phần xây dựng quân đội tiến lên chính quy từng bước hiện đại; sau đó, mở rộng ra các đơn vị dân quân tự vệ, làm thắt chặt tình đoàn kết giữa bộ đội thường trực và lực lượng dự bị cùng tiến quân vào làm chủ khoa học - kỹ thuật, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã tuyên dương phong trào Ba Nhất và trao cho Bộ Quốc phòng lá cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào Ba nhất” để tặng cho đơn vị giỏi nhất toàn quân.

Ba Nhất không chỉ lôi cuốn tất cả các đơn vị trong toàn quân tham gia mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước. Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và khẳng định: công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên hải”; nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”; quân đội anh hùng phất cao cờ “Ba nhất”. Công - Nông - Binh thi đua, đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công, Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà. Phong trào Ba Nhất đã trở thành cao trào thi đua rộng khắp của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ngày nay, những âm hưởng và kinh nghiệm của Ba Nhất vẫn là bài học bổ ích trong xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại), góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Thượng tá, TS Dương Đình Lập: Về phong trào thi đua “Ba nhất trong quân đội những năm 1960-1963”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 3.2002.
  2. Đại tá Hoàng Kim Thất, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn Hương Giang: Nơi khởi nguồn phong trào thi đua Ba nhất, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 3.2002.
  3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
  4. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  5. Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1 (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 506-511.
  6. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ 1954-1975, tập 4, Cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 343 - 375.