Mục từ này cần được bình duyệt
Bảo vệ pháp luật

Bảo vệ pháp luật báo, cơ quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trụ sở chính tại số 9, Phạm Văn Bạch, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần thông tin tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động của ngành, làm cầu nối giữa bạn đọc cả nước với ngành Kiểm sát nhân dân, ngày 12.8.2002, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định thành lập Ban Trù bị xây dựng đề án thành lập cơ quan tuần báo của ngành gồm bảy người, do ông Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng ban.

Ngày 01.11.2002, Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp giấy phép hoạt động báo chí số 484/GP - BVHTT cho Báo Bảo vệ pháp luật (BVPL), với tôn chỉ, mục đích: "Tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, giới thiệu những kinh nghiệm xây dựng và thi hành pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn áp dụng pháp luật". Theo đó, báo BVPL được phát hành toàn quốc với ấn phẩm chính mười hai trang, ra hàng tuần và ấn phẩm phụ chuyên đề cuối tháng ba mươi hai trang, ra hàng tháng.

Ngày 19 tháng 11 năm 2002, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ký quyết định số 105/2002/QĐ - TCCB thành lập Báo BVPL là đơn vị sự nghiệp có thu đầu tiên của ngành Kiểm sát và Tổng Biên tập đầu tiên là đồng chí Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với đội ngũ cán bộ ban đầu gồm bảy người phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

Ngày 24 tháng 12 năm 2002, Báo BVPL ra số đầu tiên phát hành đến các Viện Kiểm sát nhân dân các ngành, địa phương và đông đảo bạn đọc trong cả nước. Số thứ hai ra vào Tết Dương lịch 01 tháng 01 năm 2003.

Sau một năm hoạt động, từ 01 tháng 01 năm 2004, tuần báo BVPL tăng kỳ phát hành lên hai số/tuần với mười hai trang nội dung. Từ 15 tháng 12 năm 2004, tuần báo BVPL tăng lên mười sáu trang nội dung, từ tháng 5 năm 2007, BVPL chuyên đề cuối tháng cũng tăng lên ba mươi sáu trang với nội dung phong phú hơn. Năm 2012, đánh dấu một bước ngoặt mới của báo BVPL với sự ra mắt chính thức của Báo điện tử BVPL. Tới cuối năm 2020, kỷ niệm mười tám năm xây dựng và phát triển, Báo BVPL đã xuất bản một nghìn tám trăm hai mươi sáu kỳ báo in, hai trăm mười sáu số chuyên đề cuối tháng. Tính riêng năm 2020, Báo Bảo vệ Pháp luật đã đăng tải 21.250 tin, bài, clip truyền hình, trong đó có12.398 tin, bài tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cũng trong năm 2020, Báo BVPL đã chủ động nêu sáng kiến và tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm sáu mươi năm năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, Báo đã tổ chức thành công hai cuộc thi viết về ngành Kiểm sát nhân dân với hơn bảy nghìn bài dự thi "Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân" và "Chân dung cán bộ kiểm sát và Bản lĩnh kiểm sát viên", tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan toả lớn trong và ngoài ngành.

Trước đó, Báo BVPL đã chủ động đề xuất và được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý, ban hành Quyết định số 596/QĐ - VKSTC ngày 20.12.2018 về Quy định phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp với các cơ quan tuyên truyền trong ngành kiểm sát. Sau hai năm, các ấn phẩm của Báo BVPL đã đăng 16.797 tin, bài, ảnh, clip tuyên truyền việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; thông tin, tuyên truyền việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân, tuyên truyền về các giải pháp của ngành kiểm sát nhân dân nhằm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; tuyên truyền về hình ảnh, bản lĩnh của kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Đặc biệt, trong đó có sáu trăm mười bốn bài tuyên truyền về nhân tố điển hình tiên tiến về tập thể, cá nhân trong ngành; chín trăm mười ba bài về cải cách tư pháp; năm trăm năm mươi chín bài về đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Từ bảy phóng viên ban đầu, đến cuối năm 2020, Báo BVPL đã có bộ máy với Ban Biên tập và bảy đơn vị cấp phòng và tương đương với tổng số sáu mươi tư phóng viên, biên tập viên, cơ sở vật chất được trang bị đáp ứng yêu cầu xuất bản các ấn phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Về tổ chức Đảng, ban đầu Báo BVPL chỉ có một chi bộ, tháng 5/2019 đã thành Đảng bộ cơ sở với bốn chi bộ trực thuộc với hơn bốn mươi đảng viên.

Đánh giá về vai trò Báo BVPL những năm gần đây, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều khẳng định nội dung thông tin trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, của ngành; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí, giữ vững tôn chỉ mục đích của tờ báo; thông tin phong phú, đa dạng, kịp thời về hoạt động của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Báo BVPL thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân với ngành Kiểm sát nhân dân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hạnh Nguyên. Tuổi 18 trong "dòng chảy" 60 năm của ngành kiểm sát nhân dân, Báo Bảo vệ Pháp luật cuối tháng, 11.2020.
  2. Báo Bảo vệ Pháp luật góp phần quan trọng vào việc xây dựng uy tín, hình ảnh của Viện Kiểm sát nhân dân (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân, trả lời phỏng vấn của Báo Bảo vệ Pháp luật. Số ra 11.2020)
  3. Bảo vệ Pháp luật cuối tháng (12.2017). Số đặc biệt chào mừng 15 năm áo Bảo vệ Pháp luật ra số đầu tiên (24.12.2002 – 24.12.2017).
  4. Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 26.12.2020.