Mục từ này cần được bình duyệt
Bản đồ địa lý chung
Phiên bản vào lúc 10:54, ngày 6 tháng 5 năm 2021 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bản đồ địa lý chung (tiếng Anh general geographic maps) là một trong hai nhóm lớn của bản đồ địa lý (nhóm còn lại là bản đồ chuyên đề) thể hiện bộ mặt bên ngoài của các vùng đất và mặt nước.[1] Nội dung bản đồ bao gồm những yếu tố nhìn thấy được của lãnh thổ: đường bờ, mạng lưới thủy văn, thực vật và đất, các điểm dân cư, đường giao thông, các trạm bưu điện, các đối tượng có ý nghĩa kinh tế và xã hội, các vật chuẩn tự nhiên hay nhân tạo.

Tất cả các đối tượng này đều có thể được thể hiện trên bản đồ địa lý chung ở các tỉ lệ khác nhau, từ bản đồ tỉ lệ lớn đến bản đồ khái quát. Tuy nhiên, việc lựa chọn các đối tượng và mức độ chi tiết của đối tượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: tỉ lệ bản đồ, kích cỡ và tầm quan trọng của đối tượng, nhu cầu của đối tượng người dùng rộng rãi.

Những khác biệt chủ yếu của bản đồ địa lý chung có tỉ lệ khác nhau là ở khái quát hóa bản đồ. Quá trình khái quát hóa bản đồ cần tính đến những đặc điểm đặc trưng của lãnh thổ, để lại những yếu tố nào phản ánh diện mạo của các vùng tự nhiên, các châu lục, đại dương và toàn cầu.

Mục đích sử dụng đa mục tiêu là một điều kiện quan trọng trong khi thành lập các bản đồ địa lý chung. Bản đồ địa lý chung được dùng cho các mục đích tra cứu, mô tả địa lý, nghiên cứu đặc điểm tự nhiên và khai thác lãnh thổ, trong tác chiến, trong đo đạc và thu được các đặc trưng định lượng, ... Bản đồ địa lý chung được sử dụng cả trong kinh tế, quân sự, giáo dục. Tuy nhiên, bản đồ địa lý chung cũng được dùng cho các mục đích riêng, ví dụ như bản đồ mạng lưới đường bộ hay bản đồ các đường bay.

Phân loại bản đồ địa lý chung theo Berliant (2003)[2] như sau:

  • Bản đồ địa lý chung:
    • Bản đồ tỷ lệ lớn và trung bình
      • Bản đồ địa hình
        • Bản đồ lục địa
        • Bản đồ thềm lục địa
      • Bản đồ hàng hải
    • Bản đồ tỷ lệ nhỏ
      • Bản đồ tra cứu
      • Bản đồ giáo khoa
      • Bản đồ chuyên dụng
      • Bản đồ chuyển tiếp sang bản đồ chuyên đề

Theo Berliant (2003), không có ranh giới dứt khoát giữa bản đồ địa lý chung và bản đồ chuyên đề. Trong bản đồ chuyên đề, các nội dung chính (chuyên đề) được thể hiện nổi bật hơn, chi tiết hơn, các nội dung khác bị lu mờ đi, thậm chí bị loại bỏ.

Do sự đa dạng của tỉ lệ bản đồ, mục đích sử dụng và nội dung, nên các bản đồ địa lý chung có thể được phân loại thành nhiều nhóm (Berliant, 2003).

Bản đồ địa hình (topographic maps) là loại bản đồ tỉ lệ lớn và trung bình, được dùng làm bản đồ nền cho các nghiên cứu địa lý, điều tra cơ bản, trong quy hoạch, cũng như trong quân sự. Bản đồ địa hình được sản xuất bởi các cơ quan chuyên trách Nhà nước. Ở Việt Nam, đây là nhiệm vụ của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (tên gọi cũ là Cục Đo đạc và Bản đồ), Cục Bản đồ thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các bản đồ hàng hải (hải đồ) cũng do Nhà nước đảm nhiệm.

Các bản đồ địa lý chung ở tỉ lệ nhỏ được xây dựng bởi các nhà khoa học, nhà giáo dục và có thể do những đơn vị xuất bản khác nhau đảm nhiệm, có thể là những sản phẩm bản đồ độc lập, nhưng cũng có thể gắn liền với các công trình khoa học, giáo trình, sách giáo khoa. Nhiều tác phẩm bản đồ tỉ lệ nhỏ được tái bản nhiều lần. Các bản đồ địa lý chung tỉ lệ nhỏ còn được dùng làm cơ sở địa lý cho các bản đồ chuyên đề và atlas.

Phân loại bản đồ địa lý chung tỉ lệ nhỏ, theo Berliant (2003)

Phân loại bản đồ địa lý chung tỉ lệ nhỏ theo Berliant (2003) như trên hình.

Mục đích sử dụng là dấu hiệu cơ bản để phân loại bản đồ địa lý chung tỉ lệ nhỏ. Do mục đích sử dụng khác nhau, lại cho các khu vực và các tỉ lệ bản đồ khác nhau, nên các bản đồ tỉ lệ nhỏ có cơ sở toán học (tỉ lệ, phép chiếu đồ, lưới kinh vỹ tuyến, bố cục, ...) rất đa dạng. Có một số yếu tố nội dung hầu hết đều có: đường bờ biển, lưới thủy văn, địa hình (bằng phân tầng màu hay vờn bóng), điểm dân cư, đường giao thông. Không có chuẩn chung cho việc thể hiện các yếu tố nội dung. Các bản đồ tỉ lệ nhỏ được chú ý đặc biệt về nghệ thuật trình bày và chất lượng thẩm mỹ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. К.А.Салищев, Картоведение, издание третье, дополненное и переработанное, Издательство Московского Университета, 1990, §7.3. Классификация карт по тематике (Bản dịch tiếng Việt: K.A. Xalisep, Bản đồ học, Hoàng Phương Nga, Nhữ Thị Xuân (dịch). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005), mục 7.3. Phân loại bản đồ theo chủ đề.
  2. Картоведение, Под редакцией А. М. Берлянта, Издательство «Аспект Пресс» Москва, Глава 10- Общегеографические карты, 2003, стр. 185-208. (dịch: Bản đồ học, A. M. Berliant chủ biên, Nxb “Aspect Press”, Moskva, Chương 10 - Bản đồ địa lý chung, 2003, tr. 185-208)