Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bình vôi

Bình vôi là tên gọi chung một số loài thuộc chi Stephania, họ Tiết dê (Menispermaceae). Ở Việt Nam có khoảng 20 loài: Stephania glabra, (Roxb), Miers, S.brachyandra Diels, S.pierrei Diels, S.Kuinanensis H.S Lo & M.Yang, S.Viridiflaveno H.S Lo & M.Yang, S. cambodica Gagnep, S.cepharantha Hay, S.dielsiana Y.C Wu, S. venosa (Bl.) Spreng, S.hainenensis H.S Lo et Y.Tsoong, S.japonica (Thunb.) Miers, S. hernandiflolia (Willd.) Walp., S.sinica Diels, S.Kwangsiensis H.S.Lo, S.excentrica H.S.Lo, S.tetrandra, S.Moore, S.longa Lour., S.brevipes Craib., S.Kerrii Craib, S.oblata Craib, S.polygona N.H Xia V.T & V.T. Chinh.

Dược điển Việt Nam ghi loài Stephania glabra (Roxb.) Miers và một số loài khác có chứa l-tetrahydropalmatin ít nhất 0,4% trong dược liệu khô kiệt.

Mô tả[sửa]

Các loài bình vôi có đặc điểm chung là dây leo sống lâu năm, rễ phình to thành củ. Rễ củ thường có hình cầu, hình trứng, hình trụ hay có hình dạng bất kì. Màu sắc vỏ củ có nhiều thay đổi (nhẵn, xù xì, màu nâu sáng nhạt, xám tro hay đen,…) tùy thuộc vào từng loài, tuổi cây và điều kiện môi trường sống. Thịt củ nạc hoặc có lẫn những vằn xơ, màu trắng ngà, vàng tươi, vàng nhạt hoặc đỏ nâu đỏ tươi tùy theo loài.

Lá mọc cách, cuống lá thường mảnh, hai đầu phình lên có khi gấp khúc ở gốc. Cuống lá dính vào phiến lá thường ở vị trí cách xa mép dưới của gốc lá ở những khoảng cách nhất định tùy theo từng loài. Phiến lá mỏng hoặc dày, nhẵn bóng hoặc rải rác có lông hình khiên, hình lọng, hình tam giác rộng, hình trứng tam giác, tam giác tròn hoặc gần tròn, mép lá nguyên hoặc chia thùy, gân lá dạng chân vịt xuất phát từ đỉnh cuống lá, chóp lá nhọn, thuôn nhọn, tù hoặc gần tròn. Gốc lá gần tròn, phẳng hoặc hình tim. Màu sắc của phiến lá tùy thuộc vào từng loài (màu xanh nhạt, xanh vàng nhạt, xanh nâu nhạt hoặc đốm tía).

Quả hạch, hình gần tròn, hình trứng ngược, trứng bầu, hai bên dẹt. Quả trưởng thành cuống quả lệch về một phía gần với dấu vết còn lại của núm nhụy. Quả chín màu vàng đậm hay đỏ tươi, nhẵn bóng. Hạt hình móng ngựa, trứng dẹt hay hơi tròn, lưng mang một dải hình móng ngựa gồm 2 hoặc 4 dãy dọc các bướu (gai) hay những gờ ngang (vân). Giá noãn có lỗ thủng hoặc không. Đặc điểm hình thái của hạt đặc trưng cho từng loài, là dấu hiệu quan trọng để giám định tên loài. Cây mầm có lá mầm ít nhiều bằng rễ mầm, bao quanh bởi nội nhũ.

Phân bố: Các loài bình vôi ở Việt Nam thường mọc hoang ở các tỉnh vùng núi cao đến vùng đồng bằng ven biển. Bình vôi phân bố rộng khắp cả 3 miền. Ngoài ra, Bình vôi còn có ở nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Philippin, Myanmar, Campuchia, Lào,...

Thành phần hóa học[sửa]

Thành phần chính trong các loài bình vôi là alkaloid, trong đó có alkaloid được dùng làm thuốc là L- tetrahydropalmatin (còn gọi là rotundin, hindarin) và nhiều alkaloid khác như stepharin, Cycleanin, roemerin, cepharanthin, rotundin, crebanin, thaicanin, dehydrocrebanin, oxostephanin,…. Hàm lượng L-tetrahydropalmatin và hàm lượng của alcaloid tuỳ thuộc vào từng loại và tuổi của cây. Ngoài ra trong củ bình vôi còn có flavonoid, terpenoid, sterol,…

Tác dụng và sử dụng[sửa]

Về tác dụng theo y học cổ truyền : bình vôi có chứa L-tetrahydropalmatin có tác dụng an thần, tuyên phế. Chữa trị : mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, đau dạ dày, ho nhiều đờm, hen suyễn khó thở.

Theo y học hiện đại: Đã chứng minh L – tetrahydropalmatin có tác dụng an thần gây ngủ.

Sử dụng[sửa]

Bình vôi được dùng làm nguyên liệu chiết xuất lấy L-tetrahydropalmatin. Trên thị trường Việt Nam lưu thành các biệt dược: Rotunda, Ronxen-30, Stilux-60,… dạng viên nén 30 mg, có tác dụng an thần, gây ngủ, giảm đau.

Kiêng kỵ: phụ nữ có thai, người suy nhược không nên dùng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y Tế. Dược điển Việt Nam V, NXB Y học, tr.1083.
  2. Võ Văn Chí. Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, 2012, tr.179.
  3. Đỗ Huy Bích và cộng sự- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật tập I, 2004, tr.210.
  4. Nguyễn Quốc Huy. Nghiên cứu về thực vật, thành phần hoá học và tác dụng sinh học một số loại thuộc chi Stephania Lour ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Dược học năm 2010.
  5. Từ điển bách khoa dược học. NXB Từ điển Bách khoa, 1999, tr. 77.
  6. Hoàng Văn Thuỷ. Nghiên cứu về đặc điểm thực vật, thành phần hoá học và một số tác dụng sinh học hai loài thuộc chi Stephania Lour ở Việt Nam, Luận án TS. Dược học 2020.
  7. Nguyễn Tiến Vững: Nghiên cứu về thực vật, hoá học và tác dụng sinh học một số loài thuộc chi Stephania Lour, ở Việt Nam, Luận án TS. Dược học 2000.