Mục từ này cần được bình duyệt
Bát âm
Phiên bản vào lúc 18:34, ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bát âm là một loại hình nhạc lễ dân gian của người Việt ở miền Bắc Việt Nam sử dụng trong lễ cúng đình (cúng thành hoàng làng) và lễ tang. Người chơi nhạc bát âm được tổ chức theo phường, gọi là “phường bát âm”.

Bát âm, theo quan niệm Trung Quốc cổ đại, là âm nhạc được tạo nên từ 8 âm thanh của 8 chất liệu: đất, kim loại, gỗ, đá, da, quả bầu, tre, tơ (thổ, kim, mộc, thạch, cách, bào, trúc, ty). Khi du nhập vào Việt Nam quan niệm này được Việt hóa. bát âm được hiểu là 8 loại nhạc cụ với 8 âm sắc khác nhau: nhị, hồ, sáo, nguyệt, tam, bồng bộc, cảnh, sênh tiền.

Dàn nhạc bát âm có nguồn gốc cung đình, thuộc dòng tiểu nhạc, dùng trong các nghi lễ nhỏ trong triều đình hoặc các lễ gia đình hoàng tộc. Dàn nhạc gọi là tiểu nhạc để phân biệt với dàn đại nhạc với chức năng khác nhau trong cung đình. Dàn đại nhạc gồm các nhạc khí âm lượng lớn gồm kèn, trống lớn. Dàn tiểu nhạc gồm những nhạc khí âm lượng nhỏ như: sáo, phách, trống nhỏ và các nhạc khí dây.

Không có tư liệu lịch sử về thời điểm nhạc bát âm từ cung đình truyền ra ngoài dân gian. Căn cứ vào chi tiết bát âm được sử dụng trong lễ cúng thành hoàng ở đình làng và theo một số tư liệu đề cập tới lịch sử đình làng thì có thể ước đoán thời điểm này khoảng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.

Ban đầu, ở ngoài dân gian nhạc bát âm chủ yếu dùng trong lễ cúng đình, không dùng cho lễ tang. Nhạc dùng trong lễ tang dân gian gọi là “nhạc đám ma”. Người Việt có câu “sống dầu đèn, chết kèn trống”. Câu tục ngữ này cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa dàn nhạc đám ma với dàn nhạc bát âm. Dàn nhạc đám ma dùng các nhạc cụ tương tự dàn đại nhạc cung đình, gồm kèn (có thể dùng tới 3 chiếc: kèn tiểu, kèn trung và kèn đại) và một trống lớn (có thể thêm trống ban cỡ trung bình). Ban nhạc đám ma thường trình diễn bài Lâm khốc (có giai điệu sầu thảm) và một số bài bản được qui định tùy theo thân thế người qua đời. Gần đây, từ khoảng nửa cuối thế kỷ XX, dàn bát âm mới được du nhập vào đám ma để dùng cho trường hợp đám ma người trường thọ, đức cao vọng trọng, chết đúng số trời. Tang chủ mời phường bát âm đến chơi nhạc vào những lúc dàn nhạc đám ngưng nghỉ trong suốt quá trình diễn ra đám tang. Dàn nhạc bát âm sử dụng trong đám ma thường không đủ 8 loại nhạc cụ, chỉ còn nhị (hoặc hồ), thêm đàn bầu (hoặc ghi ta phím lõm) và một số nhạc cụ giữ nhịp như trống nhỏ, phách, xanh ban. Một trong những lý do giảm bớt các nhạc cụ là việc giảm số người nhằm tinh gọn, tăng thu nhập cho ban nhạc. Trong đám tang, dàn bát âm thường chơi bài Lưu thủy hay Bình bán (vốn là nhạc cung đình).

Dần dần nhạc bát âm được sử dụng phổ biến trong tang lễ nói chung (không chỉ dành cho đám ma người trường thọ). Trong quá trình tang lễ, nhạc đám ma với nhạc bát âm vẫn được phân biệt, không lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, đối với người dự lễ tang, thứ nhạc nào chơi trong đám ma cũng đều là nhạc đám ma. Vì thế, họ không phân biệt nhạc đám với nhạc bát âm.

Ngày nay, cách hiểu phổ biến về dàn nhạc bát âm là nhạc đám ma. Người chơi nhạc đám ma cũng đồng thời là người chơi nhạc bát âm. Nhiều ban nhạc đám sử dụng kèn trống và các nhạc cụ bát âm một cách tùy tiện. Kèn trống không theo bài bản nhạc đám, còn nhị bầu và trống nhỏ thuộc bát âm thì chơi đủ loại nhạc tùy theo ý thích và phụ thuộc vào vốn liếng âm nhạc của nhạc công. Trong một số đám ma, bát âm chơi nhạc vàng, nhạc tiền chiến, dùng bộ trống đệm theo tiết tấu nhạc nhẹ. Ban nhạc đám không quan tâm việc cần sử dụng bài nào, nhạc cụ nào, vào thời điểm nào trong lễ tang cho đúng. Trên thực tế tang chủ không để ý, hoặc không biết, ban nhạc vẫn nhận đủ tiền thù lao. Hoạt động hành nghề nhạc đám ma không có sự quản lý của phường hội hay của cơ quan Nhà nước. Do vậy, một số ban nhạc đám có thể trình diễn thứ âm nhạc hỗn độn trong lễ tang mà không bị phản đối.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Nguyễn Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
  • Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  • Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội, 2002.
  • Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.
  • Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006.
  • Jeanne Cuisinier, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hòa Bình dịch, Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội học (1948), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007.
  • Nguyễn Thái Sơn, Phường bát âm trong tang lễ của người Việt ở Hải Phòng, Luận văn Thạc sĩ văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2013.
  • Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Đình Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.