Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bánh chưng, bánh dầy
(đổi hướng từ Bánh chưng)
Tập tin:Bánh chưng bánh giầy mang theo giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.jpg
Bánh chưng bánh dầy mang theo giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tập tin:Gia đình cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết.webp
Gia đình cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết

Bánh chưng, bánh dầy những loại bánh truyền thống được dùng làm lễ vật cúng tế vào các dịp như: Tết Nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương để bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ con cháu đối với tổ tiên và đất trời.

Người dân Việt Nam rất quen thuộc với sự tích bánh chưng bánh dầy - một truyền thuyết thời Văn Lang, được ghi chép đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái, mục "Truyện bánh chưng" (Chưng bính truyện): Sau khi Vua Hùng đã phá được quân nhà Ân, trong nước trở nên vô sự. Vua có ý muốn truyền ngôi cho con, bèn họp 22 vị quan lang công tử lại, bảo rằng: “Ai trong các con có thể làm theo ý nguyện của ta, cuối năm đem của ngon vật lạ đến tiến cúng tiên vương, để tròn đạo hiếu, thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Các công tử bèn đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi, những thứ tìm được nhiều không đếm xuể. Riêng người con trai thứ 18 là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời, chung quanh ít người giúp đỡ nên ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Bỗng một hôm Lang Liêu được thần nhân mách bảo rằng: “Các vật trong trời đất, riêng gạo là quý. Gạo là thứ nuôi dân, làm cho con người khỏe mạnh mà ăn lại không bao giờ chán, chẳng vật nào hơn được. Nếu lấy gạo nếp làm bánh, hoặc giã cho dẻo, nặn thành hình tròn tượng trưng cho trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông tượng trưng cho đất, ở giữa kèm thức ăn ngon, bắt chước cảnh trạng trời đất chứa đựng muôn loài, ngụ ý công ơn nuôi nấng to lớn của bố mẹ, thì bố mẹ có thể vui lòng, ngôi cao khả dĩ được truyền”. Theo lời mách bảo của thần, Lang Liêu chọn thứ gạo nếp trắng tinh, tròn mẩy không vỡ, vo thật kĩ, gói thành hình vuông, đặt đồ ăn ngon trong đó, nấu cho chín để tượng trưng cho đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp đồ cho chín, giã rồi nhào nặn thành hình tròn để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dày. Đến hẹn, vua họp các con lại. Vua xem qua khắp lượt, thấy đồ hiến dâng của các công tử không thiếu vật gì. Duy có Lang Liêu làm bánh hình vuông, hình tròn để tiến cúng. Vua lấy làm lạ, hỏi Lang Liêu. Lang Liêu đáp như lời thần nhân bảo. Vua nếm bánh, thấy trăm vị đều có, ngon miệng mà không chán. Các thứ trình dâng khác, chẳng thứ nào hơn được. Vua tấm tắc khen rồi cho Lang Liêu được nhất. Lễ tết cuối năm, vua bắt phải làm thứ bánh ấy để cúng bố mẹ. Thiên hạ bắt chước, truyền mãi đến ngày nay.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, sự tích bánh chưng bánh dầy phản ánh vũ trụ quan của người Việt cổ: Bánh dầy hình tròn tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Tuy nhiên, theo nhà sử học Trần Quốc Vượng (2001, 2010), thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà có hình tròn, dài, giống như bánh tét - loại bánh thay thế vị trí của bánh chưng vào các dịp Tết trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ. Thập niên 80 của thế kỉ trước, người dân Cổ Loa, Đông Anh (ngoại thành Hà Nội), vẫn gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thi thoảng mới gói thêm bánh chưng vuông. Vì vậy, triết lý bánh chưng vuông tượng đất, bánh dầy tròn tượng trời không phải là triết lý dân gian mà thực chất là một triết lý Trung Hoa sau này hội nhập vào Việt Nam.

Sách Lịch sử Văn hóa Trung Quốc cho biết: ở Trung Hoa, trước thời Chiến Quốc (403 - 221 trước Công Nguyên) đã sớm có thuyết về trời tròn đất vuông. Đến thời Chiến Quốc, người ta đã nêu nghi vấn về thuyết này. Quyển “Thiên Văn chí” của Tấn Thư (biên soạn vào thế kỉ thứ VII) giới thiệu thuyết trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương) và cho rằng thuyết này bắt nguồn từ thuyết cái thiên (hình thành từ thời Đông Chu, thế kỉ V trước CN với quan niệm trời như cái nắp đậy). “Trời tròn đất vuông” còn được bắt gặp trong một bài ca xuất hiện ở hồi thứ 37 của truyện Tam quốc diễn nghĩa (thế kỉ XV): "Giời xanh như tán lọng tròn/ Đất kia chằn chặn như bàn cờ vuông".

Như vậy, quan niệm bánh dầy tròn tượng trời, bánh chưng vuông tượng đất được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái, thực chất là quan niệm của nhà nho Việt Nam (chịu ảnh hưởng từ triết lý Trung Hoa cổ), chứ chưa hẳn đã là quan niệm của dân gian.

Theo Trần Quốc Vượng, bánh chưng nguyên thủy tròn, dài tượng trưng cho dương vật, như cái chày, cái nõ; bánh dầy tròn, dẹt tượng trưng cho âm vật, như cái cối, cái nường. Đó là triết lý nõ - nường, chày - cối của dân gian, là tín ngưỡng phồn thực dân gian, và nó cũng phù hợp với ước vọng về sự sinh sôi, no đủ cũng như cái nhìn và tâm thức rất đỗi hồn nhiên của người Việt cổ. Ngay cả khi đã chuyển sang gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước, với tư duy cặp đôi, vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh (một sấp, một ngửa) đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng, khách khứa thì luôn biếu một cặp, chứ không bao giờ biếu một chiếc. Như thế, lúc đầu tiên, dân gian quan niệm về bánh chưng, bánh dầy theo tín ngưỡng phồn thực. Dần dần, do tác động của sách vở, của giáo dục phổ thông, ít nhất cũng khoảng một vài thế kỉ nay, dân ta quan niệm bánh dầy tượng trời, bánh trưng tượng đất và làm hai loại bánh với hình dáng vuông, tròn ấy. Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo, thể hiện thế ứng xử vừa hòa hợp, vừa khai thác tự nhiên của cư dân Việt xưa. Lá dong riềng lấy sẵn từ thiên nhiên. Còn bánh chưng (với những nguyên liệu chính: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn…) là sản phẩm của nền trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam. Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không chỉ là và chủ yếu không phải là ở từng yếu tố hợp thành cái bánh mà chính là ở cơ cấu của bánh: nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, màu sắc, hương vị của bánh chưng so với hàng chục loại xôi đỗ và bánh nếp khác, vốn được dùng hằng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo của Việt Nam theo nghĩa chỉ riêng Việt Nam mới có. Ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng có loại bánh lễ gần giống như bánh tét, gọi theo âm Hán Việt là "tông bính". Còn loại bánh mochi làm từ gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm rồi giã nóng bằng chày, được bày trên bàn thờ tổ tiên trong dịp lễ tết của người Nhật Bản cũng chính là món bánh dầy. Vì thế, không hề vô cớ để nói rằng bánh chưng bánh dầy chính là sản phẩm của một vùng văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam Á. Tuy vậy, những loại bánh đó vẫn luôn là lễ vật, là món ăn cổ truyền điển hình của ngày Tết Việt Nam, và hơn thế, là một biểu tượng văn hóa mang tính thiêng, có chức năng hình thành và nuôi dưỡng ở tất cả những người dân Việt Nam một suy tưởng chung về dân tộc, Tổ quốc.

Là những loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực và văn hóa truyền thống, được xem như là một đại diện của bản sắc, cội nguồn Việt Nam, bánh chưng bánh dầy, vì thế, có một vị trí vô cùng đặc biệt trong tâm thức dân gian và đóng vai trò như một sợi dây kết nối các cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
  2. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 1, Nxb. Thế giới, 1997.
  3. Trần Quốc Vượng, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, tập 1, Nxb. Thanh niên, 2001.
  4. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Nxb. Lao động, 2002.
  5. La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa, tập 1, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2006.
  6. Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb. Hà Nội, 2008.
  7. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thị Bảy, Văn hóa ẩm thực nhìn từ lí luận và thực tiễn, Nxb. Từ điển bách khoa và Viện Văn hóa xb, 2010.
  8. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, 2015.
  9. Nhất Thanh, Đất lề quê thói - phong tục Việt Nam, Nxb.Văn học, Hà Nội, 2016.
  10. Ngô Đức Thịnh, Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, 2019.