Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Wikipedia
(đổi hướng từ Bách khoa toàn thư mở)
Giao diện web của Wikipedia phiên bản tiếng Việt năm 2020

Wikipedia là một bách khoa toàn thư miễn phí hoạt động theo phong cách quản lý nguồn mở trên mạng Internet và được tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Wikimedia Foundation Inc giám sát và cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu để lưu trữ (host).

Wikipedia kết hợp giữa hai cụm từ “wiki” và “encyclopedia” (bách khoa toàn thư), được người dùng thông thường xem như là một bách khoa toàn thư truyền thống dựa trên Internet lớn nhất thế giới. Với khối lượng kiến thức khổng lồ và phổ biến, Wikipedia là trang mạng được tìm kiếm nhiều thứ hai trên Internet, chỉ sau Google. Nó bao gồm các bài viết riêng lẻ, mỗi bài tập trung vào một chủ đề cụ thể. Các bài viết có độ dài khác nhau tùy thuộc vào bản chất của chủ đề và lượng thông tin có sẵn. Tuy nhiên, khác với bách khoa toàn thư truyền thống, nội dung Wikipedia chỉ được tạo ra bởi người dùng trang web. Người dùng không nhất thiết phải là chuyên gia hoặc là học giả, bất cứ ai cũng có thể đóng góp bài viết cho trang web này.

Từ một vài góc độ nào đó thì mô hình làm việc của Wikipedia nguồn mở là hình ảnh thu nhỏ của Web 2.0, một môi trường thuận tiện trong việc chia sẻ, hợp tác và sáng tạo giữa người dùng (cộng đồng). Cộng đồng Wikipedia dựa trên các nguyên tắc cơ bản, trong đó quan trọng nhất là quan điểm trung lập, không thiên vị. Các nguyên tắc khác là người tham gia đóng góp chân thành, có chủ ý; tôn trọng luật bản quyền; tôn trọng qui trình nguồn mở. Ngoài ra, người dùng/biên tập viên của trang web được hướng dẫn khi viết bài hay biên tập. Những hướng dẫn này yêu cầu mỗi mục phải là một chủ đề xứng đáng để đưa vào bách khoa toàn thư, tránh các chủ đề giả mạo hay không đáng quan tâm. Bài viết phải chứa đựng các kiến thức đã được công nhận, không trình bày các thông tin không tìm thấy được ở nơi khác vì Wikipedia không phải là nơi xuất bản các ý tưởng, phát minh mới. Hình thức bài viết có thể còn sơ khai (bài viết rất ngắn dự định được mở rộng sau này) hoặc là các trang thảo luận (có chứa các cuộc thảo luận giữa những người đóng góp) vì Wikipedia không phải là tĩnh, có thể thay đổi theo thời gian.

Mặc dù đã công khai về qui trình biên tập, nhưng Wikipedia vẫn không có động thái nào nhằm hạn chế triệt để việc lạm dụng nội dung. Wikipedia không có qui trình chính thức biên tập peer-to-peer các bài viết dự định đăng tải mà nó chỉ dựa vào cộng đồng, họ chỉnh sửa và giám sát thông tin do người dùng khác tạo ra. Sau khi người dùng viết một bài, những người khác có thể chỉnh sửa và bổ sung vào bài viết đó. Theo cách này, thông tin có thể được hiệu đính về cả tính chính xác và sự phù hợp. Không phải tất cả người dùng đều cẩn thận trong việc cung cấp thông tin chính xác và Wikipedia cũng phải đối phó với những cá nhân cố tình làm sai lệch các bài viết, đăng tải các tuyên bố sai lệch hoặc thêm tài liệu phi chuẩn mực văn hóa. Phương pháp Wikipedia là dựa vào người dùng của mình để theo dõi và dọn dẹp các bài viết. Những người đóng góp đáng tin cậy có thể nhận được đặc quyền của quản trị viên Wikipedia, được cung cấp quyền truy cập vào một loạt các công cụ phần mềm để khắc phục nhanh chóng các sai sót trên Web và các vấn đề nghiêm trọng khác.

Wiki[sửa]

Wiki là công nghệ lõi của Wikipedia. “Wiki” là một từ xuất phát từ quần đảo Hawaii, có nghĩa là “nhanh chóng”. Tên Wiki được gán cho một loại cơ sở dữ liệu (CSDL) mà bản chất của nó là CSDL hợp tác cho phép người dùng khác nhau cùng nhập dữ liệu vào CSDL và CSDL trở thành nguồn thông tin chung cho mọi người dùng. Bằng cách đó Wiki cho phép hàng trăm thậm chí hàng ngàn tác giả khác nhau cùng đóng góp sự hiểu biết của riêng mình vào CSDL. Chính vì vậy, Wiki có thể nhanh chóng tăng trưởng với nhiều loại thông tin khác nhau trên cơ sở sử dụng sức mạnh cộng đồng. Khi kết nối Wiki với mạng Internet thì bất kỳ người dùng nào trên Internet đều có thể truy cập CSDL để lấy thông tin hoặc bổ sung dữ liệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập và định dạng dữ liệu, Wiki sử dụng một loại ngôn ngữ đánh dấu kiểu như HTML của Web để nhập các mục tài liệu (entry). Với cách này, tất cả dữ liệu trong Wiki có thể chia sẻ cùng giao diện và cho phép liên kết các mục khác nhau trong CSDL hay liên kết với các trang khác trên Web. Trong thực tế, các mục Wiki (cg. bài viết - articles) là các trang riêng trên trang mạng Wiki lớn hơn. Bằng cách liên kết đến các bài viết khác, bài viết Wiki sẽ đạt được tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu; chỉ với một phần thông tin của bài viết người dùng vẫn dễ dàng được dẫn dắt đến thông tin liên quan ở những nơi khác.

Wiki ra đời từ năm 1995, khi lập trình viên máy tính người Mỹ tên là Ward Castyham đã tạo ra một công nghệ hợp tác để tổ chức thông tin trên các trang web. Các trang mạng sử dụng công nghệ Wiki định hướng vào nội dung thay cho lập trình để tạo ra nền tảng tri thức cho các lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý nhất trong số các trang Web được tạo ra trên công nghệ Wiki là một trang có mục đích chung, với tên là Wikipedia.

Lịch sử Wikipedia[sửa]

Năm 1996, nhà giao dịch trái phiếu Jimmy Wales thành lập công ty về cổng thông tin Web với tên Bomis, Inc. tại California (Mỹ). Vào tháng 3 năm 2000, Wales tạo ra một cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí Nupedia, do Larry Sanger làm tổng biên tập. Tháng 1/2001, Nupedia được bổ sung để trở thành bách khoa toàn thư mã nguồn mở dựa trên phần mềm Wiki. Ngày 15/1/2001, Wikipedia đã được ra mắt như một tính năng của Nupedia.com. Vài ngày sau đó nó trở thành một trang mạng độc lập. Jimmy Wales và Larry Sanger trở thành đồng sáng lập Wikipedia.

Trong năm đầu tiên, Wikipedia đã mở rộng tới khoảng 20.000 bài viết bằng 18 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ba Lan, tiếng Hà Lan, tiếng Do Thái, tiếng Trung Quốc và tiếng Esperanto. Năm 2003, Nupedia bị chấm dứt hoạt động và các bài viết của nó được chuyển sang Wikipedia. Vào khoảng năm 2006, Wikimedia Foundation định hướng mở rộng trang mạng Wikipedia sang các phiên bản không phải tiếng Anh ở các nước đang phát triển. Đến năm 2011 Wikipedia có tới 250 phiên bản với các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, một trở ngại để Wikipedia có thể tiếp cận toàn cầu là chính phủ Trung Quốc hạn chế truy cập nội dung các trang mạng này.

Wikipedia tiếng Việt ra mắt vào tháng 11/2002. Các bài viết cho Wikipedia tiếng Việt phát triển tương đối chậm, một tỷ lệ rất lớn bài viết của Wikipedia tiếng Việt còn sơ khai. Các bài viết này được tạo ra chủ yếu bằng cách dịch (thủ công hoặc tự động) bài viết của các Wikipedia ngôn ngữ khác, nhất là từ Wikipedia tiếng Anh. Hiện nay, nhiều người sử dụng tiếng Việt đã biết và quan tâm đến Wikipedia tiếng Việt. Nó trở thành một trong số 30 trang Web có số lượng truy cập nhiều nhất ở Việt Nam, được dùng làm nguồn tham khảo thông tin không chính thức cho học sinh, sinh viên.

Độ chính xác[sửa]

Sự phụ thuộc vào chính sách cộng đồng đã nảy sinh ra một số vấn đề với Wikipedia. Mọi người dùng kể cả những ai đã đăng ký hoặc chưa đăng ký với trang mạng Wikipedia đều có thể viết bài và sửa bài, không chỉ của mình mà cả bài do người khác viết. Một sự kiện xảy ra vào năm 2005, một nhà báo Mỹ tên là John L. Seigenthaler đã phát hiện ra tiểu sử của mình trên Wikipedia là sai, theo đó ông được nhận biết là kẻ âm mưu trong các vụ ám sát cả John F. Kennedy và Robert F. Kennedy. Những tuyên bố độc hại này đã tồn tại 132 ngày trong cộng đồng Wikipedia trước khi được đính chính (tác giả bài viết đã thú nhận và xin lỗi; anh ta nói rằng đã viết thông tin sai lệch như một trò đùa). Sự việc Seigenthaler và một số sự việc tương tự xảy ra buộc Wikipedia phải đưa ra một quy trình chặt chẽ hơn đối với việc xuất bản hay chỉnh sửa một số bài viết. Trong đó có cả yêu cầu việc chỉnh sửa bài viết có thể được các biên tập viên có kinh nghiệm xem xét lại trước khi xuất bản trực tuyến. Đồng thời, quản trị viên Wikipedia được quyền ngăn chặn một địa chỉ IP cụ thể nếu vi phạm các hướng dẫn và qui tắc.

Năm 2007, lập trình viên người Mỹ tên là Virgil Griffith đã tạo ra phần mềm Wikipedia Scanner (cg. WikiScanner) để liên kết các địa chỉ IP đính kèm với mọi chỉnh sửa Wikipedia đến chủ sở hữu của họ. WikiScanner làm cho Wikipedia đáng tin cậy hơn đối với các chủ đề gây tranh cãi vì dễ dàng tìm ra được người viết hay người chỉnh sửa.

Đã có nhiều cuộc tranh luận về ích lợi của Wikipedia giữa các học giả và các nhà giáo dục, trong đó độ tin cậy của các tài liệu tham khảo được đặc biệt quan tâm. Nhiều lớp học, ở hầu hết các cấp, không khuyến khích hoặc cấm học sinh sử dụng Wikipedia làm công cụ nghiên cứu. Trước tình hình đó, năm 2010, Wikimedia Foundation đã tuyển dụng một số giáo sư tại Hoa Kỳ để phát triển các khóa học nhằm giúp sinh viên đóng góp nội dung cho trang Wikipedia, làm cho số trích dẫn Wikipedia ngày càng tăng. Wikipedia ngày càng được nhiều người sử dụng như một nguồn thông tin đa dạng để có được cảm quan về một khái niệm hoặc ý tưởng.

Tuy nhiên, Wikipedia luôn không được xem là một nguồn tham khảo hay trích dẫn đáng tin cậy vì không phải mọi thứ trong Wikipedia đều chính xác, toàn diện hoặc khách quan. Chính Wikipedia cũng cho rằng “việc trích dẫn Wikipedia trong các bài viết khoa học là không thể chấp nhận được”. Cũng như mọi bách khoa toàn thư khác, sử dụng Wikipedia là để biết sự tồn tại của một vấn đề và để thu thập các từ khóa, tài liệu tham khảo, nhưng bản thân chúng không phải là nguồn để trích dẫn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Anja Ebersbach, Markus Glaser, Richard Heigl, Alexander Warta, Wiki Web Collaboration, Second edition, Springer-Verlag Berlin Heidelberg, 2008.
  2. Dan O’Sullivan, Wikipedia A New Community of Practice?, Ashgate Publ. Company, 2009.
  3. Merrilee Proffitt, Leveraging Wikipedia - Connecting Communities of Knowledge, American Library Association, 2018.
  4. Phoebe Ayers, Charles Matthews, and Ben Yates, How Wikipedia Works, No Starch Press, 2008.