Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bách khoa toàn thư trực tuyến
(đổi hướng từ Bách khoa thư trực tuyến)
Một bách khoa thư giấy bên cạnh một bách khoa thư trực tuyến

Một bách khoa toàn thư trực tuyến (còn gọi là bách khoa thư trực tuyến, bách khoa thư kĩ thuật số; tiếng Anh online encyclopedia) là một bách khoa toàn thư có thể truy cập qua mạng Internet, nhờ các thiết bị kĩ thuật số. Ý tưởng xây dựng một bách khoa toàn thư miễn phí nhờ Internet do Interpedia đề xuất năm 1994. Đích của nó là mọi người đều có thể đóng góp tài liệu.

Bách khoa toàn thư là bộ sách tra cứu kiến thức tổng quát trên nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau; nổi tiếng có Encyclopædia Britannica bằng tiếng Anh hay Brockhaus bằng tiếng Đức và nhiều bộ khác cho phép tra cứu chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Cũng có những bộ bách khoa toàn thư đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau trên một góc độ văn hóa, sắc tộc, hay quốc gia nhất định.

Việc biên soạn các bách khoa toàn thư trực tuyến thông thường được bắt đầu bằng việc số hóa các bách khoa toàn thư truyền thống. Có rất nhiều bách khoa toàn thư và từ điển cũ của nhiều quốc gia trên Wikisource cả bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Chất lượng hoàn thành các bộ bách khoa toàn thư này khác nhau, thường liên quan tới chất lượng hiệu đính nội dung cũng như chất lượng văn bản do ảnh hưởng của các lỗi nhận dạng ký tự quang học (OCR). Có nhiều các tài liệu liên quan tới bách khoa toàn thư cần số hóa như: Allgemeine Deutsche Biographie, The Encyclopedia, Mericana, The Cyclopædia of American Biography, New American Cyclopædia, Catholic Encyclopedia, Dictionary of Christian Biography and Literature to the End of the Sixth Century, Collier's Encyclopedia,…

Bách khoa toàn thư truyền thống thường được soạn bởi các soạn giả có trình độ hàn lâm. Tuy nhiên dự án Wikipedia bắt đầu từ năm 2001, có mục đích là tạo ra một bách khoa thư mở đối với tất cả mọi người. Bất kỳ ai cũng đều có thể sửa chữa, bổ sung văn bản, hình ảnh và âm thanh trên đó. Nội dung của nó ban đầu tuân theo giấy phép bản quyền công cộng tự do (GFDL). Đến năm 2004 dự án đã có tổng cộng hơn một triệu mục từ với hơn 80 ngôn ngữ khác nhau.

Encyclopædia Britannica cũng có bản bách khoa toàn thư số. Sau 244 năm ra đời, Encyclopaedia Britannica chỉ còn tập trung vào các sản phẩm kỹ thuật số. Chủ tịch Encyclopaedia Britannica cho biết truyền thống của công ty không chỉ cung cấp sách in, mà còn cung cấp kiến thức bác học đến công chúng. Britannica đã in bộ bách khoa toàn thư từ năm 1768. Ấn bản năm 2010 được xuất bản thành bộ 32 cuốn, là bộ cuối cùng được in. Tổng cộng từ trước đến nay đã có khoảng 2 triệu bộ được in ra. Phiên bản trực tuyến có giá thấp hơn nhiều, chỉ cần đăng ký với giá cơ bản 17 USD, thay vì người đọc phải mua bộ ấn bản in 32 cuốn với giá 1.395 USD.

Nhiều bách khoa toàn thư có sẵn tại trang web Internet Archive. Vào tháng 1/1995, dự án Gutenberg bắt đầu xuất bản văn bản ASCII của Encyclopædia Britannica, ấn bản thứ 11. Nó được xuất bản với tên bách khoa toàn thư Gutenberg. Britannica mới nhất đã được các nhà xuất bản của nó số hóa, bán đầu tiên dưới dạng CD-ROM, và sau đó là một dịch vụ trực tuyến.

Bách khoa thư trực tuyến có tác động đối với trẻ em. Việc tìm hiểu và khám phá mọi điều xung quanh luôn là niềm say mê đối với trẻ nhưng việc tìm cho trẻ một nguồn thông tin vừa đảm bảo tính lành mạnh và chính xác luôn làm nhiều bậc phụ huynh phải lo nghĩ. Với chúng, phụ huynh và giáo viên sẽ có thêm một kênh thông tin để giáo dục cho trẻ, đồng thời là nơi để các em kiểm nghiệm các kiến thức đã học trong nhà trường và khám phá thêm nhiều điều mới lạ, bổ ích. Một số bách khoa toàn thư trực tuyến dành cho trẻ em:

  • Kids.net.au. Đây là một cổng thông tin cho trẻ em được xây dựng bởi đội ngũ tình nguyện viên người Úc. Kids.net.au được phát triển từ năm 2003, mang lại nhiều thông tin hơn như bách khoa toàn thư, từ điển và bộ từ vựng (Thesaurus);
  • Fact Monster. Trang chủ của nó thể hiện được sự gần gũi và thân thiện với trẻ em bằng những hình ảnh vui nhộn và kiểu chữ bắt mắt. Kiến thức được phân loại theo nhiều chủ đề, như đất nước, con người, thiên nhiên, bản đồ của các nước trên thế giới, lịch sử thế giới, tôn giáo và tín ngưỡng, tiểu sử của một số người nổi tiếng, thông tin về sự kiện thể thao, cùng nhiều lĩnh vực như toán học, khoa học giáo dục khác;
  • Yahoo Kids, là một sản phẩm của công ty dịch vụ Internet danh tiếng Yahoo! với số lượng tài liệu mang lại hơn 100.000 mục cùng giao diện đầy đủ mọi kênh thông tin âm thanh, hình ảnh và video;
  • Simple English Wikipedia: nó không giải thích kiến thức một cách phức tạp như ở phiên bản đầy đủ mà trình bày vấn đề ở mức độ đơn giản hơn và có nhiều hình ảnh minh họa để trẻ có thể dễ dàng nắm bắt.

Tại Việt Nam, bộ Từ điển bách khoa Việt Nam gồm 4 tập, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang, khổ 19×27, gồm khoảng 40 ngàn mục từ thuộc 40 ngành khoa học khác nhau do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa in, được xuất bản trong các năm 1995 đến 2005 và được tái bản toàn bộ năm 2011. Đây là bộ từ điển bách khoa của Việt Nam đầu tiên được biên soạn với sự tổ chức và chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam, với kinh phí 32 tỷ đồng và 1.200 nhà khoa học hàng đầu biên soạn trong 6 năm. Ngày 28/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Công việc này dự kiến kéo dài trong nhiều năm với số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ nhằm giới thiệu một cách toàn diện, có hệ thống, chuẩn xác những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay. Song song với Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá cũng đã được khởi động. Đây là đề án không sử dụng ngân sách Nhà nước, tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Đến nay một số thành phần dữ liệu của Hệ tri thức Việt số hoá đã ra mắt tại địa chỉ web bktt.vn và đang tiếp tục hoàn thiện.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Britannica, Britannica Concise Encyclopedia, Ed. Encyclopedia Britannica, 2006
  2. Kock, N., Jung, Y., & Syn, T. Wikipedia and e-collaboration research: Opportunities and challenges. International Journal of e-Collaboration, 2016.
  3. The American Heritage, Dictionary of the English Language: Fourth Edition. 2000.