Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bài vị

Bài vị là thanh mỏng bằng gỗ, hoặc các chất liệu khác (giấy, đá, kính,,,), có ghi thông tin của đối tượng được thờ cúng hay tưởng niệm (thần minh, thánh hiền, tổ tiên, người quá cố, thú cưng đã mất).

Bài vị có mặt ở các nước Đông Á, gắn với truyền thống Nho giáo có nguồn gốc Trung Quốc, lại dung hợp với quan niệm về tháp Stupa của Phật giáo gốc từ Ấn Độ. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc được gọi là vị bài 位牌; ở Trung Quốc thường được gọi là thần chủ, thần vị, thần bài, thần tọa, mộc chủ, linh vị,…. Ở Việt Nam, ngoài bài vị, còn được gọi là thần chủ, cốt chủ, chủ ỷ,... Chữ “chủ” trong cách gọi của Trung Quốc và Việt Nam được giải thích là “nơi trú ngụ”.

Bài vị dạng phổ thông ở bàn thờ của các gia đình hay dòng họ Việt Nam trước đây, thường được gọi là thần chủ (gọi tắt là chủ), làm bằng gỗ (bạch đàn, táo, đại,..) và chế tác theo khuôn mẫu ghi trong các sách hướng dẫn về phong tục mà tiêu biểu nhất là Thọ Mai gia lễ. Theo sách này, bài vị gồm có ba bộ phận: vỏ chủ (vỏ bên ngoài chủ), đế chủ (chân chủ), thân chủ (lại tách làm hai, gồm thân trước và thân sau). Đế chủ và thân chủ phải làm theo kích thước hàm nghĩa tượng trưng cho trời, đất, thời gian. Người ta sử dụng đồng tiền cổ, thường là đồng Chu Nguyên thông bảo có giá trị 1 văn hay các đồng tiền có đường kính tương đương (khoảng 2.4 cm), để làm tiêu chuẩn cho kích thước: cứ 1 đồng tiền là 1 tấc (đường kính của 1 đồng tiền là 1 tấc, cũng gọi là 1 thốn), 10 đồng sẽ là 1 thước (cũng gọi là xích). 1 tấc (1 đồng tiền) bằng 10 phân, nửa tấc (nửa đồng tiền) là 5 phân. Chiều cao của toàn thần chủ, tính từ đỉnh chủ (điểm trung tuyến của đường cong thuộc phần đầu thân sau) xuống đến đáy của đế chủ, là 1 thước 2 tấc (tức 12 tấc, đo bằng 12 đồng tiền, tượng trưng cho 12 tháng).

Thân trước và thân sau của thân chủ là hai thanh gỗ mỏng úp vào nhau. Thân sau cao hơn, hình chữ nhật đứng nhưng có đầu mui cong. Thân trước thấp hơn, hình chữ nhật đứng. Thân chủ là bộ phận quan trọng nhất, bởi nội dung thông tin về người quá cố được ghi vào mặt ngoài của thân trước và phần hãm trung của thân sau. Thân sau cao 1 thước 2 tấc (tức 12 tấc) bằng chiều cao của toàn thần chủ, rộng 3 tấc (tức là 30 phân, tượng trưng cho 30 ngày), dày 1 tấc 2 phân (tức 12 phân, tượng trưng cho 12 giờ).

Thân sau lại được chia làm hai phần: phần đầu (hình mui cong) và phần mình (hình chữ nhật đứng). Mui cong tượng trưng cho trời, được tạo bằng cách cắt đi 5 phân ở hai góc cao rồi tạo đường cong. Lại để chừa một khoảng gỗ chừng 1 tấc tính từ đỉnh chủ (điểm trung tuyến của đường cong) trở xuống, rồi từ mép đó đục sâu xuống 4 phân đều đặn cho đến hết chân của thân sau. Phần đục sâu đều đặn xuống 4 phần đó chính là phần mình của thân sau. Có nghĩa là, phần đầu của thân sau sẽ cao khoảng 1 tấc, dày 1 tấc 2 phân; còn phần mình của thân sau mỏng hơn phần đầu 4 phân (tức dày 8 phân), dài khoảng 1 thước 1 tấc. Ở khoảng giữa của phần mình của thân sau, khoét một rãnh lõm xuống với kích thước: sâu 4 phân, rộng 1 tấc, dài 6 tấc. Rãnh khoét lõm xuống đó là hãm trung

Thân trước của thân chủ sẽ được khớp vừa khéo vào phần mình của thân sau. Có nghĩa là thân trước sẽ dày 4 phân, và dài khoảng 1 thước 1 tấc, rộng 3 tấc. Mặt của thân trước thường được sơn phấn trắng, nên được gọi là phấn diện (mặt sơn phấn).

Đế chủ hình vuông mỗi cạnh 4 tấc (tượng trưng cho đất), dày 1 tấc 2 phân. Có một lỗ đục thông đáy ở giữa, lựa làm sao để lắp được thân chủ (gồm cả thân trước và thân sau) vào vừa khít, lại đảm bảo chiều cao của cả thần chủ là 1 thước 2 tấc.

Tập tin:Bài vị trong từ đường một dòng họ ở tỉnh Thái Bình (2011).jpg
Bài vị trong từ đường một dòng họ ở tỉnh Thái Bình (2011)

Chữ ghi trên thần chủ là Hán Nôm. Ở trong lòng hãm trung thì thường ghi: Hoàng triều cố (chức tước, tên chữ, tên hiệu, tên thụy) hành cơ thần chủ (nếu là cha); Cố (họ tên, tên hiệu) hành cơ thần chủ (nếu là mẹ). Hai bên rìa của hãm trung thì ghi: ngày tháng năm sinh và tuổi thọ (bên trái), ngày tháng năm mất (bên phải) của người quá cố. Còn ở phấn diện thì thường ghi: Hiển khảo (chức, tước, hiệu, thụy) phủ quân thần chủ (nếu là cha); Hiển tỉ (họ tên, tên hiệu) nhụ nhân thần chủ (nếu là mẹ). Phía dưới bên trái của phấn diện thì ghi: Hiếu tử (họ tên) phụng tự.

Cho đến khoảng năm 1954, bài vị thường được chế tác theo khuôn mẫu trên. Có rất nhiều nghi thức liên quan, như ghi đề thần chủ, thay đổi thần chủ, sử dụng thần chủ trong các lễ. Cách thức tiến hành các nghi thức này được hướng dẫn chi tiết trong các sách về gia lễ (chuẩn bị, văn khấn, các bước tiến hành,..). Bài vị thường được đặt vào trong khám, đến ngày giỗ của ai thì đưa bài vị của vị ấy ra trước bàn lễ, xong giỗ lại cất vào nguyên vị trí. Ngày nay, ở các gia đình và dòng họ, vẫn còn thấy những bộ bài vị cất giữ trong khám như vậy.

Từ nửa cuối thế kỉ XX, ảnh thờ đã dần phổ cập, nên bài vị không còn được dùng phổ thông như trước đây. Nếu có thì rất đa dạng về chất liệu, nhưng được giản đơn hóa: phần chính là một thanh mỏng, trên đó ghi thông tin của người quá cố, có thể ghi bằng chữ quốc ngữ. Đầu thế kỉ XXI, ở một số điểm tín ngưỡng có lập bài vị cho thú cưng (nhiều nhất là chó mèo) theo mong muốn của gia chủ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Hi Tô, Thọ Mai gia lễ diễn nghĩa, Phù Văn đường, Hà Nội, 1927.
  2. Nguyễn Tử Siêu - Thường Sơn - Lương Sĩ Hạnh (hợp soạn), Gia lễ chỉ nam (in lần thứ ba), Nhật Nam thư quán, Hà Nội, 1930.
  3. Nhất Thanh (Vũ Văn Khiếu), Đất lề quê thói (phong tục Việt Nam), Nhà sách Đại Nam, Sài Gòn, 1968.
  4. Túy Lang (Nguyễn Văn Toàn), Thọ Mai gia lễ dẫn giải, Khai Trí, Sài Gòn, 1972.
  5. Chu Văn Bá, Trung Quốc lễ nghi đại từ điển, Trung Quốc nhân dân đại học xuất bản xã. Bắc Kinh, 1992.
  6. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - Tập 1 (A-Đ). Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1995.
  7. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb Tp Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1995 (1915).
  8. Suenari Michio 末成道男『ベトナムの祖先祭祀 潮曲の社会生活』風響社. 東京 1998.
  9. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002 (1938).
  10. Túy Lang (Nguyễn Văn Toàn), Tục cưới hỏi ma chay của người Việt Nam – Thọ Mai gia lễ, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2007.
  11. Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo, Từ điển Việt nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009.
  12. Hồ Gia Tân (Phan Hà Sơn, Trương Thị Thủy biên dịch; Thích Minh Nghiêm, Đạo Liên hiệu đính), Thọ Mai gia lễ, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2009.
  13. . Suenari Michio (Chu Xuân Giao dịch; Lương Văn Hy hiệu đính), “Tổ tiên được hình tượng ra như thế nào trên bàn thờ: Phân tích so sánh với các xã hội Đông Á khác”, In trong sách Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam : Những cách tiếp cận nhân học (Tp. Hồ Chí Minh : Nxb Đại học Quốc gia), Quyển 2, 2010, tr. 103-132.
  14. Hô Gia Tân (Trịnh Khắc Mạnh chủ biên; Vũ Việt Bằng, Phạm Thị Hường giới thiệu, biên dịch và chú thích), Thọ Mai gia lễ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018.
  15. Hồ Sĩ Dương (Trịnh Khắc Mạnh chủ biên; Vũ Việt Bằng, Phạm Thị Hường giới thiệu, biên dịch và chú thích), Hồ thượng thư gia lễ, Nxb Văn học, Hà Nội, 2018.