Mục từ này cần được bình duyệt
An ninh quân sự
Phiên bản vào lúc 10:48, ngày 16 tháng 4 năm 2021 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

An ninh quân sự là nội dung của an ninh quốc gia, chỉ trạng thái ổn định, vững mạnh về quân sự của quốc gia phù hợp với tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, văn hoá, tinh thần và vị thế quốc tế của đất nước.

An ninh quân sự là một chủ đề chính trị - xã hội, mang bản chất giai cấp của nhà nước đại diện cho thể chế, chính sách của quốc gia. An ninh quân sự xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước gắn liền với sự tồn tại của nhà nước, quân đội và chiến tranh. An ninh quân sự có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển ổn định, vững chắc của quốc gia, dân tộc, thể chế chính trị. Tăng cường và bảo vệ nghiêm mật an ninh quân sự là nhiệm vụ cốt yếu trong quá trình củng cố quân sự, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc của các nước.

Nội dung chủ yếu của an ninh quân sự gồm: hoạt động quân sự cùng các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… có khả năng giữ vững hoà bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hành động gây chiến tranh của các thế lực thù địch và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô, trong mọi tình huống; bí mật quân sự quốc gia được bảo vệ nghiêm mật. An ninh quân sự có liên quan trực tiếp đến sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang; được quyết định bởi đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của chính đảng, của giai cấp cầm quyền; năng lực tổ chức, quản lý quân sự, quốc phòng của nhà nước; trình độ, sức mạnh, khả năng huấn luyện, chiến đấu của quân đội, của các lực lượng vũ trang; ý thức quân sự, quốc phòng của toàn dân. An ninh quân sự có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, thống nhất với an ninh quốc gia và an ninh trong các lĩnh vực cơ bản khác của đời sống xã hội.

Trong lịch sử nhân loại, từ khi xuất hiện nhà nước, quốc gia, dân tộc cho đến nay, an ninh quân sự luôn được xem là xương sống của an ninh quốc gia. Vì vậy, an ninh quốc gia trong quan niệm truyền thống trùng với an ninh quân sự. Khi giành được chính quyền, nhà nước non trẻ luôn phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ củng cố, bảo vệ quyền lực, giữ vững độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giành sự ưu tiên tuyệt đối cho quân sự, quốc phòng nhằm trấn áp lực lượng chống đối, ngăn chặn âm mưu và hành động can thiệp từ bên ngoài vào. Sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, xu thế toàn cầu hoá kinh tế đang xoá dần biên giới quốc gia về thương mại, tài chính, văn hoá, công nghệ, thúc đẩy quá trình hợp tác song phương và đa phương, làm cho các quốc gia lệ thuộc vào nhau hơn. Các quốc gia đang cùng nhau đối phó với nhiều mối đe doạ khác do thiên tai, dịch bệnh, nạn đói nghèo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa khủng bố… Tính chất nguy hiểm của an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng, nhiều nước trên thế giới đưa ra quan điểm về an ninh tổng hợp, trong đó an ninh kinh tế được xác định là trung tâm, an ninh quân sự là hòn đá tảng, an ninh chính trị là tiêu điểm và an ninh thông tin là trọng tâm.

Ở Việt Nam, an ninh quân sự luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam quan tâm. Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nội dung của an ninh quân sự có nội hàm rộng hơn, bao gồm các hoạt động bảo vệ vững trắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền quân sự, quốc phòng đủ sức mạnh để đánh bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, sẵn sàng chiến đấu, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược do các thế lực thù địch gây ra… Xây dựng, bảo vệ và tăng cường an ninh quân sự là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Học viên Chính trị Quốc gia, Giáo trình cao cấp lý luận chính trị, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nxb Lý luận Chính trị, HN 2018, tr 50.
  • Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ Tình báo quốc phòng, Hà Nội 2016, tr.12.
  • Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân , Hà Nội, 2004, tr.26.
  • Vương Dật Châu (Trung Quốc), Quan niệm về an ninh quân sự trong thời đại toàn cầu và trật tự thế giới đa cực.
  • Bộ Công an, Bách khoa toàn thư về tình báo và cơ quan đặc biệt, Nxb Công an nhân dân.
  • Tạp chí quan hệ quốc phòng an ninh, Một số nét về tình hình an ninh quân sự thế giới hiện nay.