Mục từ này cần được bình duyệt
An Nam Tạp Chí
Bìa một tập An-Nam tạp-chí

An-nam tạp chí là tạp chí về văn hóa, xã hội của nhà thơ Tản Đà. Ngày 09.12.1925, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đệ đơn xin phép ra báo. Đến ngày 11.02.1926 ông chính thức nhận giấy phép xuất bản An Nam tạp chí (ANTC). Vì lí do tài chính, tới ngày 01.7.1926, tạp chí mới ra số đầu tiên. ANTC được trình bày đơn giản, trên tờ bìa chỉ có chữ, sau này báo thêm hình vẽ bản đồ Việt Nam. Trên cùng phía trái in số báo, giữa in năm, bên phải là ngày, tháng, phát hành bằng tiếng Pháp. Tên báo được in bằng ba ngôn ngữ Hán, Pháp và Quốc ngữ, chính giữa trang ghi Mỗi tháng ra hai kì, phía dưới ghi Chủ nhân Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu kèm con dấu cá nhân hình vuông, dưới cùng ghi địa chỉ tòa soạn đặt tại 50 phố Hàng Lọng, in tại nhà in Kim Đức Giang.

Trong số đầu tiên, Tản Đà viết lời phi lộ và những bài về văn học, xã hội, Ngô Tất Tố chịu trách nhiệm dịch thuật và viết về nông nghiệp. Các tác giả Nguyễn Công Hoan, Lê Khắc Hoa, Lưu Văn Thọ, Nguyễn Ngọc Liên… cũng tham gia viết những bài khác. Bên cạnh những nội dung chính, ANTC đăng khá nhiều quảng cáo hiệu sách, hiệu thuốc, thư điếm, nhà máy, giới thiệu các sách đã hoặc sẽ xuất bản của Tản Đà thư quán, Tản Đà thư cục…

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, ANTC luôn cố gắng thay đổi lối trình bày, phát huy thế mạnh văn chương, thơ phú của Tản Đà thể hiện qua các mục Văn đàn (du ký), Thi đàn, Đoản thiên tiểu thuyết giảng tập, Xã hội ba đào ký… Trong bài Kính cáo quốc dân An Nam ta do Tản Đà chấp bút trên số 1, chủ nhân ANTC nhấn mạnh không chỉ đăng tải đơn thuần những tác phẩm văn học, mà thông qua các bài viết nhằm giáo hóa, dẫn dắt dân chúng đi theo con đường chính, diệt trừ tà tâm: “Ai là người có công về thế đạo nhân tâm, Bản chí phải tinh biểu bằng ngòi bút để làm khuyên cho kẻ khác, xin ai đừng có bận lòng ơn. Ai là người có tội với xã hội nhân quần, bản chí phải trừng trị bằng câu văn để làm dăn (răn) cho kẻ khác, xin ai đừng có đem lòng oán”. Ngoài ra, báo còn cổ động tinh thần thực nghiệp, kêu gọi chí tiến thủ và nghĩa đồng bào. ANTC lần đầu xuất bản duy trì được mười tháng, in được mười số. Tản Đà vào Sài Gòn định in ở trong đó, nhưng thất bại bởi: “Mỗi kỳ Tạp chí ở trong Nam mà phải gửi ra Bắc kiểm duyệt, kiểm duyệt ở Bắc được thời mới gửi vào Nam để in, in xong ở Nam thời lại phải gửi Tạp chí ra Bắc phát hành như thế thật mất thì giờ và phiền phí quá lắm. Dẫu Tạp chí có xuất bản được nữa cũng là sự gắng gượng mà thôi. Vậy nay tôi đành chịu bất tài mà để cho An Nam Tạp Chí đình bản”. (Đông Pháp thời báo, số 654 năm 1927). Trong lần tái sinh thứ nhất, ANTC đặt dưới sự bảo trợ của một cậu ấm nhà giàu. Tòa soạn đặt tại số 1 phố Francis Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng). Lần này ANTC chỉ ra được ba số (từ số 11 đến số 13). Trong lần tái sinh thứ hai, Tản Đà hợp tác với Nguyễn Xuân Dương chủ hiệu thuốc Dương Nguyên ở Nam Định. Tòa soạn đặt ở số nhà 126 phố Maréchal Foch (phố Khách), bắt đầu từ số 14 (tháng 12.1930) đến số 24 (tháng 5.1931) thì đình bản. Sau một thời gian, ANTC tái sinh lần thứ ba và chuyển về số 68 Hàng Khoai - Hà Nội. Lần này cũng do nợ nần quá nhiều nên báo lại đình bản. Sau hơn một tháng, báo tiếp tục ra tại số 145 phố Hàng Bông. ANTC lúc này in khổ nhỏ, đánh số lại từ đầu, số 1 ra ngày 01.09.1932. Tòa soạn đặt ở Hà Nội nhưng in ở Vinh. Ngày 01.03.1933, ANTC ra số cuối cùng.

Tài liệu tham khảo:[sửa]

  • An Nam tạp chí, Thư viện Quốc gia Hà Nội, mã CO119M
  • Nguyễn Khắc Hiếu: ''Giấc mộng lớn'', Nxb Tản Đà Thư cục, Hà Nội, 1923
  • Hoài Nam: Buổi đầu của Báo chí Việt Nam: Trường hợp Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, báo Đại Đoàn kết, số ra ngày 05.4.2019