Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đờn ca tài tử
Phiên bản vào lúc 11:13, ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Tttrung (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Mô hình tái hiện một cảnh đờn ca tài tử ở nông thôn Nam Bộ trong Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bạc Liêu

Đờn ca tài tử là một loại hình âm nhạc cổ truyền của Nam Bộ Việt Nam. Đờn ca tài tử còn được gọi là nhạc tài tử miền Nam, nhạc tài tử Nam Bộ, là loại hình âm nhạc thuộc về phạm trù âm nhạc cổ điển của dân tộc Việt Nam, tức là nhạc cổ hay nhạc cổ truyền. Tuy là loại hình âm nhạc cổ truyền nhưng đờn ca tài tử lại ra đời muộn hơn so với các loại hình âm nhạc cổ truyền của miền Bắc và miền Trung như: ca trù, quan họ, chèo, tuồng (hát bội), xẩm, hát ví, hát trống quân… Đờn ca tài tử trình diễn trong một không gian như cung đình, tư gia, phòng nhỏ… Người trình diễn có khả năng sử dụng nhạc cụ, trình bày tác phẩm, còn người thưởng thức có khả năng hiểu về tác phẩm đó. Đờn ca tài tử là loại hình trình diễn bao gồm những người đờn, người ca với nhạc khí trong dàn nhạc tài tử, những bài bản trong nhạc mục tài tử, cùng sáng tạo của người chơi đờn ca tài tử.

Nguồn gốc[sửa]

Đờn ca tài tử ra đời tại Nam Bộ vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chữ tài tử có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là những người tài năng giống như chữ dùng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: Dập dìu tài tử giai nhân, hay chữ dùng để gọi các nhà Nho tài tử từ giai đoạn hậu kỳ trung đại. Ngoài ra, chữ tài tử còn có một nghĩa nữa là dùng để chỉ những người trình diễn không lấy loại hình ca nhạc này làm phương tiện mưu sinh mà chỉ để giải trí và gửi gắm tâm sự. Chính điều này đã làm nên một đặc điểm đặc biệt của đờn ca tài tử là: tính ngẫu hứng. Đó là việc người nghệ sĩ thường có cách chơi nhạc độc đáo riêng của mình. Tức là họ dựa vào những chữ nhạc chính nhưng lại thêm thắt sự nhấn nhá, luyến láy và kết hợp hài hòa với những nghệ sĩ khác khi trình diễn khiến cho cùng một bản đàn nhưng những lần nghe sau vẫn cảm nhận được sự mới mẻ, thú vị.

Cho đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của đờn ca tài tử. Tuy nhiên, quan điểm được nhiều người nhắc đến nhất là: đờn ca tài tử bắt nguồn từ những lễ hội, đình đám ở Nam Bộ. Vào thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn tổ chức nhạc cung đình để phục vụ vua chúa. Các nghệ nhân trong đội nhạc cung đình có sự luân phiên từ dân gian vào cung đình rồi từ cung đình ra dân gian. Sau đó nhiều nhạc quan trong đội Nhạc cung đình và các nghệ nhân dân gian ở miền Trung vào Nam khai hoang lập ấp. Trong quá trình khai hoang, có nhiều làng xã, đình miếu được thành lập nên cần phải có lễ hội, đình đám để cúng bái. Do đó, các nghệ nhân đã sử dụng nhạc lễ để cúng bái. Vì các nghệ nhân nhạc lễ chỉ có mỗi nhiệm vụ cúng bái cho các lễ hội, đình đám nên họ có rất nhiều thời gian rảnh. Những lúc rảnh rỗi họ thường lấy đờn ra đờn trên cơ sở thang âm của nhạc lễ nhưng có lời hát và có sự kết hợp với âm điệu ca dao, hò, lý… của người Nam Bộ. Như vậy, đờn ca tài tử là sự kết hợp giữa lực lượng âm nhạc nghiệp dư (dân ca Nam Bộ) và lực lượng âm nhạc chuyên nghiệp (ban nhạc lễ).

Phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh vào thế kỷ XIX với số lượng bài bản, làn điệu ngày một gia tăng bởi sự đóng góp của các nghệ nhân như: Nguyễn Quang Đại, Phạm Đăng Đàn, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Cư, Trần Quang Thọ… Đến cuối thế kỷ XIX, ở Nam Bộ xuất hiện hai nhóm nhạc là: nhóm miền Đông và nhóm miền Tây. Đứng đầu nhóm miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi). Ông là quan nhạc triều Nguyễn vào miền Nam khoảng giữa cuối thế kỷ XIX để dạy nhạc lễ và nhạc tài tử. Ông đã chấn chỉnh và sáng tạo ra bốn bản Bắc: Lưu thủy – Phú lục – Bình bán – Cổ bản của ca Huế thành giai điệu của nhạc tài tử. Ngoài ra ông còn sáng tác thêm bộ Ngũ châu bao gồm các bản: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và tám bản Ngự của các bản: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn công, Tương tư, Quả phụ hàm oan. Đứng đầu nhóm miền Tây là nhạc sĩ Trần Quang Qườn (tức Ký Qườn). Ông có công soạn lời ca Bá lý hề theo điệu Văn Thiên Tường và Tứ đại oán. Bên cạnh đó, nhóm miền Tây còn sáng tác được mười bản khách gọi là: Thập thủ liên hườn gồm có: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên và đáp lại bộ Ngũ châu của nhóm miền Đông bằng bộ Tứ bửu với các bản: Minh hoàng, Thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê. Nhờ sự thi thố tài năng của hai nhóm này mà bài bản, lời ca của đờn ca tài tử ngày một phát triển và lan truyền khắp Nam Kỳ lục tỉnh vào cuối thế kỷ XIX.

Đặc điểm[sửa]

Xét về hình thức của loại hình nhạc tài tử, xuất phát từ âm nhạc tế tự là nhạc lễ Nam Bộ, cùng với nhạc cung đình Huế, hai hình thức âm nhạc tiền thân mang đậm tính Nho giáo phong kiến, nhạc tài tử Nam Bộ chắc hẳn mang tính chất ấy. Nhưng khác với lối Nho giáo chính thống hiển Nho ấy, nhạc tài tử Nam Bộ thể hiện Nho phong của mình bằng hình thức ẩn Nho, tức là nhà Nho tài tử. Điều này thể hiện qua phong thái của người chơi tài tử xưa với chất nghệ sĩ phóng khoáng, không kiếm tiền từ nghiệp cầm ca, ngồi lại với nhau để tâm tình thủ thỉ qua lời ca tiếng nhạc, nắn nót từng cung đờn chữ nhạc, cho thanh âm trở nên sâu lắng. Người đờn tài tử chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc đề thưởng thức tài nghệ. Họ đến với nhau bằng sự tình nguyện, góp công, góp vui bằng tài năng của mình. Ai muốn chơi đờn họp lại chơi, ai muốn nghe thì âm thầm thưởng thức, không mưu lợi, không mang tính biểu diễn trên sân khấu như các loại hình tuồng, chèo trước đó.

Nghệ thuật đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật “tâm tấu” mang đậm tính chất tự sự, trữ tình, lại được sàng lọc qua quá trình sáng tạo tập thể của các thế hệ nghệ nhân, nhạc sĩ tài tử, nên chất lượng nghệ thuật được nâng cao không ngừng. Hệ thống bài bản: Bắc, Hạ, Nam, Oán; cùng các hơi: Xuân, Ai, Đảo, Ngự, đáp ứng khả năng diễn đạt các cấp độ tình cảm, trạng thái cảm xúc thẩm mỹ của con người. Sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc và lời ca có thể diễn tả các phạm trù mỹ học từ cái đẹp, hùng, cao cả đến cái bi, hài…

Các loại nhạc cụ dùng trong đờn ca tài tử: đàn kìm, đàn tam, đàn bầu, đàn vĩ cầm, ...

Về tổ chức dàn nhạc, đờn ca tài tử thường sử dụng nhạc cụ đàn kìm, đàn tranh. Bên cạnh đó, còn có thêm đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, đàn tỳ bà. Đối với những bản nhạc buồn thường có thêm: sáo, ống tiêusong lang. Về sau, dàn nhạc đờn ca tài tử còn có thêm guita phím lõm, vĩ cầm, hạ uy cầm.

Về bài bản đờn ca tài tử thì có rất nhiều nhưng về bài tổ thì có khoảng 20 bài gồm: Sáu Bắc (Tây Thi, Cổ bản, Lưu trường thủy, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình hay Xuân tình điểu ngữ), Ba Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay Đảo ngũ cung), Bốn oán (Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng) và bảy bài lớn (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá). Điệu thức Bắc mang tính chất trong sáng, vui vẻ, khỏe. Điệu thức Nam mang tính chất man mác, nhẹ nhàng. Điệu thức Oán mang tính chất bi ai, buồn thảm. Đây là điệu được sáng tạo sau, thể hiện tâm tư, tình cảm con người một cách tinh tế và thoát khỏi những hình thức cấu tạo theo kiểu nhạc lễ. Nó có khả năng thể hiện tâm tư tình cảm của con người đương thời một cách sâu sắc. Nhìn chung, dòng nhạc tài tử, ngoài việc sử dụng một số bài bản nhạc lễ đã phát triển nhờ ba nguồn chủ yếu: Sử dụng, phối nhạc và nâng cao các bài dân ca Huế và Nam Bộ như: Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý cây chanh, Lý bánh bò, Lý chuồn chuồn, Lý giao duyên, Lý vọng phu… Sử dụng và cải biên một số bài bản nhạc cổ Trung Bộ như: Kim tiền Huế, Hành vân Huế, Nam xuân, Nam ai, Xuân tình, Lưu thủy, Phú lục, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã… Sáng tác mới trên các cơ sở âm điệu dân tộc như: Giang Nam, Phụng hoàng, Tứ đại, Phụng cầu, Văn Thiên Tường, Bình sa lạc nhạn, Đường Thái Tông, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn công, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan… Các bài bản được sáng tạo theo một cấu trúc tương đối hoàn chỉnh về giai điệu và khúc thức.

Về lời ca viết theo nhạc, nhạc Lễ trước đây không có lời ca. Khi chơi đàn trong các buổi ma chay, cúng lễ, thỉnh thoảng có người cao hứng ca cùng mấy câu theo nhạc. Sau đó, một số trí thức Nho học nghĩ cách soạn lời ca cho nhạc. Yếu tố thanh nhạc thêm vào khí nhạc, đó là một bước phát triển quan trọng của nhạc tài tử. Nhưng điều quan trọng là qua việc sáng tác lời cho nhạc, các tác giả phần nào đã phản ánh được tâm tư, ước vọng của mình cũng như của cư dân vùng đất Nam Bộ này. Lời viết thường dựa theo lời thơ của các tác phẩm như: Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Truyện Kiều (Nguyễn Du)…

Thông thường, các ban đờn ca tài tử giao lưu với nhau, họ có cách sắp xếp tiết mục, chương trình đờn ca tài tử theo một trật tự bài bản như luật bất thành văn. Trong chương trình có đủ các hình thức hòa tấu, độc tấu, song tấu, hòa đờn ca. Mở đầu cuộc chơi bao giờ cũng là điệu Bắc, hơi Bắc với tính chất vui tươi phấn khởi, hào hứng, sôi nổi, rộn rã. Nếu chơi các bản Bắc ngắn thì bắt đầu với bản Lưu – Bình – Kim (Lưu thủy đoản, Bình bán vắn, Kim tiền Huế)… Nếu các bản Bắc chấn hoặc trường thì gồm các bản trong sáu Bắc, nhưng trước tiên phải Lưu thủy trường, rồi Phú lục chấn… kế đến là các bản Bắc hơi nhạc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng…), hoặc bộ ba Hạ - Đăng – Tiểu (Ngũ đối hạ, Long đăng, Tiểu khúc) với hơi nhạc nghiêm trang, hùng tráng. Hết Bắc đến Nam (Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung) hơi nhạc chuyển dần sang buồn thảm bi hung, bi ai. Hết Nam đến Oán (Tứ đại, Phụng hoàng…), cuối cùng là bản Vọng cổ nhịp 16 hoặc 32, với các hơi điệu khi sầu não, lúc bi tráng, bi hung. Cách sắp xếp chương trình, tiết mục của đờn ca tài tử truyền thống là vậy. Tuy nhiên, cũng tùy hoàn cảnh, thời lượng của cuộc chơi và cảm xúc của người chơi, người thưởng thức, các tiết mục có thể thay đổi một cách linh hoạt. Hoặc có thể do yêu cầu của người thưởng thức các tiết mục có thể hoán đổi theo bản vui đến bản buồn hoặc ngược lại cho đến kết thúc buổi diễn.

Trong các cuộc chơi đờn ca tài tử, tài tử đờn, tài tử ca không chỉ là một người biết ca biết đờn, mà còn phải biết phép tắc, biết phân biệt âm luật, hiểu biết bài bản, phải biết đờn hay ca trả lễ, đó là một lối giao tiếp đối đãi nhau trong một cuộc chơi. Đôi khi phải trổ tài trả lễ, phải biết nhúng nhường, khiêm cung, đó là cách các bậc tài tử có tầm họ đánh giá nhau bằng tư cách. Người chơi tài tử có tư chất lẫn tư cách, tư chất là phải có cảm quan âm nhạc tốt, tư chất về thưởng thức nhạc, đam mê âm nhạc; tư cách là phải chăm chỉ, ham học hỏi để làm giàu các bài bản; biết ứng xử đúng phép tắc cuộc chơi.

Xu thế[sửa]

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu

Ngày nay, thú chơi đờn ca tài tử hay khái niệm “chơi đờn ca tài tử” Nam Bộ dần mất đi những căn tính truyền thống. Sân chơi của đờn ca tài tử khác với nghệ thuật sân khấu cải lương. Đờn ca tài tử diễn ra trong một không gian không có bất kỳ sự gián cách giữa người thưởng thức nghệ thuật và người chơi. Đồng thời không sử dụng các thiết bị âm thanh điện tử. Hiện nay, đờn ca tài tử được trình diễn trên nhiều sân khấu, phục vụ đông đảo công chúng, đa dạng hóa đối tượng khán thính giả như: khách du lịch, đại biểu hội nghị, thực khác trong nhà hàng, quán nhậu… sử dụng các thiết bị điện tử khuếch tán âm thanh. Điều này cho thấy, hình thức biểu diễn và tâm thế của người chơi đờn, người ca hoàn toàn xa rời khái niệm “chơi đờn ca tài tử” truyền thống.

Nhạc tài tử là thể loại nhạc đặc trưng của Nam Bộ mang tính chất nhà Nho tài tử, không mang tính biểu diễn sân khấu, được tiến hành trên hình thức vài nhạc cụ và người hòa đờn hòa ca với nhau theo bài bản quy định bởi lòng bản, trong đó người chơi có thể tùy hứng ứng tấu ứng tác theo lòng bản của bài bản quy định mà ta hay gọi là tâm tấu và đặc biệt vẫn có thể độc tấu. Nhạc tài tử, được hiểu theo nghĩa là đàn với bạn tri âm tri kỷ, nhằm “di dưỡng tánh”. Người Nam Bộ thường tổ chức những buổi hòa đàn với phong cách nghiêm túc mà vui vẻ, ai muốn nghe thì tề tựu đến. Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống vùng đất này khiến cho các bài bản không còn y khuôn bản gốc ngày xưa. Người đàn, người ca không còn giữ nguyên bản như thầy đã dạy mà luôn sáng tạo bằng cách thêm thắt, thay đổi, tô điểm. Mặt khác, do lòng luôn nhớ thương cội nguồn, nên các điệu, các hơi của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu yêu thích.

Tháng 12 năm 2013 đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, gọi tắt là UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với tuổi đời hơn 100 năm, đờn ca tài tử loại hình nghệ thuật âm nhạc hình thành và phát triển ở Nam Bộ, là niềm tự hào và biểu tượng văn hóa của vùng đất và con người Nam Bộ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Cầm ca Việt Nam, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1970
  2. Mai Mỹ Duyên, Đờn ca tài tử trong đời sống văn hóa cư dân Tây Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa dân gian, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2007
  3. Đỗ Dũng, Văn Chiểu, Đờn ca tài tử - Cải lương tính tương đồng và dị biệt, Nxb Văn hóa văn nghệ, Tp. HCM, 2015
  4. Võ Trường Kỳ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015
  5. Nguyễn Phúc An, Đờn ca tài tử Nam Bộ - Khảo & luận, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, 2019