Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa chất y học

Địa chất y học là lĩnh vực khoa học liên ngành (Địa chất - Y học) nghiên cứu mối quan hệ giữa môi trường địa chất đối với sức khỏe, bệnh tật của con người, nhằm đề xuất các giải pháp hữu hiệu bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Thuật ngữ địa chất y học được được các nhà khoa học đặt ra tại Hội thảo Quốc tế “Sức khỏe và môi trường địa hóa” ở Upsala, Thụy Điển, 9.2000.

Những ý tưởng đầu tiên của địa chất y học đã xuất hiện từ thời Hippocrates, thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Khái niệm “Địa lý Y tế” cũng đã bắt đầu được đề cập đến từ những thập niên 70 của thế kỷ XX. Một số tác giả Hà Lan nghiên cứu các yếu tố địa hóa, địa lý ảnh hưởng đến sức khỏe từ những năm 1970. Đặc biệt các nhà nghiên cứu thuộc các nước Đông Âu, Nga, Nam Tư cũ đã có những nghiên cứu địa hóa về selen hay một số nguyên tố vi lượng và mối liên quan đến sức khỏe từ những năm 70-80 của thế kỷ XX. Từ những năm 1973 đến 1983 các tác giả Trung Quốc đã nghiên cứu các vấn đề về sức khỏe và mối liên quan đến hàm lượng flo trong nước. Tiếp đó một số tổ chức liên quan đến địa chất y học được thành lập như: nhóm địa chất y học thuộc Hội Khoa học Trái đất Quốc tế (IUGS, 1996), Chương trình Khoa học Trái đất Quốc tế (IGCP) 454 Địa chất Y học (2000), Hội Địa chất Y học thế giới (2004).

Mục tiêu của địa chất y học là nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường địa chất đến sức khỏe con người, sử dụng các yếu tố địa chất có lợi cho sức khỏe hay có tác dụng chữa bệnh, hạn chế tác động của các yếu tố địa chất có hại cho sức khoẻ con người.

Trên cơ sở sử dụng phương pháp, kỹ thuật khoa học địa chất và dữ liệu về địa chất, địa chất y học giải quyết các vấn đề/nội dung sau:

  1. Nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của vật liệu địa chất, các nguyên tố hoá học trong đất đá (vd. các nguyên tố phóng xạ), các khoáng chất, các loại đá nguyên dạng hoặc ở dạng bụi như bụi silic và bụi asbet, nước khoáng,... trong môi trường địa chất đến sức khỏe con người
  2. Nghiên cứu, xác định các vùng, thể địa chất, các dị thường địa vật lý, dị thường địa hoá trong đất, trầm tích và nước, các quá trình địa chất ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và động vật
  3. Xác định các nguyên nhân môi trường của các vấn đề sức khoẻ: làm sáng tỏ nguồn gốc (tự nhiên và nhân sinh), phân bố, di chuyển, tập trung và tác động của các hợp chất có hại trong môi trường địa chất, trong cơ thể con người và sinh vật
  4. Nghiên cứu đề xuất sử dụng các vật liệu địa chất, quá trình địa chất, các đới địa chất nhằm hạn chế tác động tiêu cực, tận dụng tác động tích cực, giá trị chữa bệnh; đề xuất các giải pháp phòng, chữa bệnh, giải quyết các vấn đề sức khoẻ môi trường và nâng cao sức khoẻ con người và chất lượng cuộc sống trên cơ sở nghiên cứu địa chất y học
  5. Nghiên cứu bệnh và sức khỏe nghề nghiệp liên quan với địa chất, với quá trinh khai thác, chế biến khoáng sản, ảnh hưởng của thiên tai
  6. Nghiên cứu và giải quyết các vấn đề địa chất y học ở các khu vực đô thị, nông thôn, ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Văn Ái, Võ Công Nghiệp, Một số vấn đề địa chất y học với sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam, Tạp chí địa chất, 309: 23-32, 2008.
  2. Đặng Trung Thuận (chủ biên), Địa hóa và sức khoẻ, Nxb .Nông nghiệp, 262tr., 2015.
  3. Tống Duy Thanh, Mai Trọng Nhuận, Trần Nghi (đồng chủ biên), Bách khoa thư địa chất, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016.
  4. Komatina M., Medical Geology: Effects of Geological Environments on Human Health (1 edition). Elsevier, 2, 502, 2004.
  5. Bunnell J. E., Finkelman R. B., Centeno J. A. and Selinus O., Medical Geology: A globally emerging discipline. Geologica Acta: an international earth science journal, 5(3): 237-281, 2007.
  6. Selinus O., Finkelman R. B., Centeno J. A.,Medical Geology: A Regional Synthesis. Springer, 559p, 2010.