Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Địa đạo Củ Chi
Một lỗ châu mai tại địa đạo Củ Chi
Một phần địa đạo Củ Chi
Ảnh phục dựng chiến sĩ du kích đang trong tư thế chiến đấu ở địa đạo

Địa đạo Củ Chi là địa đạo ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa đạo Củ Chi được đào từ năm 1948 ở 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Trong kháng chiến chống Pháp, địa đạo có cấu trúc thô sơ, đường hầm ngắn dùng để trú ẩn, cất giấu tài liệu và đường liên lạc dưới đất nối các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, sau trở thành địa đạo chiến đấu, dài 17 km. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt từ 1966 trước các hành động xâm lược của Mỹ ở miền Nam, quân và dân Củ Chi gia cố, mở rộng, nối liền các xã, ấp với nhau. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng có hầm được nối thông với địa đạo, tạo thế liên hoàn vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.

Hệ thống địa đạo có cấu trúc phức tạp, chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt theo địa hình với hệ thống đường hầm dọc, ngang nhiều tầng, dài trên 200 km, nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn để trong tình thế cấp bách có thể vượt sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương) kết hợp với khoảng 500 km chiến hào, công sự trên mặt đất. Đường hầm không quá sâu, nhưng đủ sức chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe thiết giáp, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Tuyến chính rộng 0,6-0,7 m, cao 0,8-0,9 m (đủ cho người đi khom), nóc hầm dày 3-4 m, chịu được xe tăng 50 tấn và đạn pháo. Nhiều nơi địa đạo có cấu trúc 2 đến 3 tầng, chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật, có nhiều trục phụ nối với trục chính bằng cửa đóng kín, khi cần mới mở cửa thông, nên khó phát hiện được cả hệ thống; có những đường nhánh đi đến từng hầm bí mật, phòng làm việc của cơ quan, hội trường, bệnh viện... Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học do địch phun vào. Có những đoạn hẹp, phải thật gọn nhẹ mới chui qua được. Dọc theo đường hầm có nhiều lỗ thông hơi, chiếu sáng được trổ lên mặt đất kín đáo, bí mật; nhiều giếng nước, nhà vệ sinh, các ngõ cụt dẫn đến bãi mìn... Nhiều cửa trổ lên mặt đất được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt. Các đoạn địa đạo ở khu vực hiểm yếu và xung quanh cửa hầm lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, bãi mìn, mâm phóng lựu đạn chống máy bay trực thăng... nhằm ngăn chặn và tiêu diệt khi đối phương đến gần. Liên hoàn với địa đạo còn có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu, các hầm dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, vị trí các bếp Hoàng Cầm, hầm làm việc của lãnh đạo, chỉ huy, hầm giải phẫu nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc cho phụ nữ, trẻ em, người già trú ẩn. Có cả những hầm lớn, có mái lợp thoáng mát, ngụy trang kín đáo để sử dụng làm nơi hội họp, dạy học, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ...

Để phá địa đạo, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã tiến hành hàng nghìn cuộc hành quân càn quét vào Củ Chi, sử dụng mọi thủ đoạn như bơm nước, xả hơi độc xuống địa đạo, dùng máy ủi, xe tăng hạng nặng, chó nghiệp vụ, sử dụng cả máy bay ném bom B-52 kết hợp pháo binh đánh phá liên tục, dùng bom Napan đốt cháy cây cỏ trên mặt đất, tổ chức đội quân “chuột cống”, đánh phá địa đạo. Điển hình là cuộc hành quân quân Crimp (cái bẫy) từ ngày 8-19.1.1966 ở 6 xã thuộc huyện Củ Chi; cuộc hành quân Xiđa Phôn (Cedar Falls, 8-26.1.1967) mệnh danh “bóc vỏ Trái Đất”, Mỹ và quân đội Sài Gòn huy động 30.000 quân, được yểm trợ tối đa xe tăng, xe thiết giáp, pháo binh, không quân, đánh phá khốc liệt vào vùng “Tam giác sắt”, nhưng bị tổn thất nặng.

Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, quân và dân Củ Chi vẫn dựa vào địa đạo bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, bẻ gãy các đợt hành quân càn quét của địch. Củ Chi còn là bàn đạp để tiến công vào các mục tiêu của địch trong nội đô Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, nhiều cánh quân lớn của Quân đoàn 3, các đơn vị chủ lực, địa phương đều tập kết tại đây trước khi tiến vào giải phóng thị trấn Củ Chi và Sài Gòn. Bằng chiến tranh nhân dân độc đáo và sáng tạo, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp, bắn rơi và bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và bắn hỏng 22 tàu, xuồng chiến đấu, phá hủy và bức rút 270 lượt đồn bốt. Được Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2 lần tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 14 xã, 28 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 715 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.800 người được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Ngày 23.12.2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg công nhận Địa đạo Củ Chi là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Khu căn cứ địa Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hi sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Củ Chi, Sơ thảo lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Củ Chi (1930 - 1975), 1985.
  2. Hồ Sĩ Thành, Địa đạo Củ Chi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
  3. Địa đạo Củ Chi trong lòng dân tộc và khách quí năm châu, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
  4. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  5. Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
  6. Một số trang mạng Internet.