Mục từ này cần được bình duyệt
Đá bãi biển
Phiên bản vào lúc 13:24, ngày 5 tháng 1 năm 2021 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} , loại đá trầm tích vụn thô vôi, tích tụ và gắn kết trong gian đới triều vùng nhiệt đới, có tuổi địa chất…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

, loại đá trầm tích vụn thô vôi, tích tụ và gắn kết trong gian đới triều vùng nhiệt đới, có tuổi địa chất rất trẻ, được hình thành khi lớp trầm tích bãi biển trở nên rắn chắc nhờ tích tụ thứ sinh của carbonat calci kết tủa từ nước ngầm trong đới dao động của thủy triều.

ĐBB từ dễ vỡ tới gắn kết tốt, kích thước hạt trầm tích bột, cát và cuội sạn, có nguồn gốc từ các loại mảnh vỡ thân mềm, san hô, đá các loại, đôi khi cả mảnh gỗ, dừa, thậm chí vật dụng chai lọ và mảnh gốm v.v. Xi măng gắn kết thường là khoáng vật carbonat calci, rất ít trường hợp là các hydroxit sắt. Thành phần hóa học đá chủ yếu là carbonat calci chứa nhiều Mg, khoáng vật chủ chính là calcit và aragonit. Chúng thường có cấu tạo phân lớp nằm nghiêng, dưới lớp phủ mỏng trầm tích bở rời, thường lộ ra do xói lở bờ biển với chiều dài từ chục mét đến hàng km, chiều rộng đến 300 mét và dày từ vài cm đến 5m, phổ biến 2m.

ĐBB gặp trong đới gian triều, trên các bãi biển gần rạn san hô, nằm dưới vĩ độ 250 tại các vùng biển nhiệt đới Caribê, Địa Trung Hải, Biển Đỏ và vịnh Ả Rập, bờ biển Brazil, Nam Phi, Australia và Đông Nam Á. ĐBB hiếm gặp ở vĩ độ cao hơn như Ba Lan, Nhật Bản, New Zealand v.v.

ĐBB đã được phát hiện ở một số nơi ven biển Việt Nam. Tại Lý Sơn, chúng lộ nhiều ở bờ bắc đảo Lý Sơn và bờ nam đảo Bé, rộng 5-20m, dài vài chục mét đến trên một km, dày 1-3m, bề dày phân lớp 10-30cm. Đá có màu xám trắng, thành phần cấp hạt cát trung, cát sạn, lẫn nhiều dăm, cuội nguồn vật liệu san hô, thân mềm và mảnh, cuội basalt. Sóng phá hủy, mài mòn tạo nên các vi vách xâm thực và các gợn dòng trên bề mặt đá (hình 1). Vật liệu bở rời được gắn kết thành đá cứng nhờ tái kết tủa carbonat calci hòa tan trong đới nước ngầm ở bãi biển do tác động của dao động thủy triều và quá trình bốc hơi thay đổi theo mùa mưa – khô. Quá trình này có thể được hỗ trợ nhờ hoạt động của vi khuẩn sống trong bãi biển. Sự gắn kết xảy ra trong môi trường ấm với nhiệt độ nước trong lỗ hổng trên 20°C trong ít nhất nửa năm. ĐBB đôi khi gặp ở bờ biển ôn đới với xi măng carbonat calci và hydroxit sắt rò rỉ từ lục địa.

Dù gặp cả ở tuổi Pleistocen và cổ hơn, nhưng với điều kiện động lực bờ và lịch sử dao động mực nước biển trong Đệ tứ muộn, hầu hết ĐBB có tuổi Holocen muộn. Ví dụ, tuổi tuyệt đối C14 của ĐBB Lý Sơn cổ nhất là 2472 ± 104 BP, trẻ nhất 1077 ± 98 BP. ĐBB thường hình thành khá nhanh, từ vài tháng đến nhiều năm, được biết tại đảo Magnetic (Australia) là trong vòng sáu tháng. Người dân một số nơi ở Ấn Độ Dương hàng năm khai thác ĐBB vừa mới hình thành để xây dựng. ĐBB là một dạng “bãi biển hóa thạch”, chứa đựng nhiều thông tin quý về cổ hải dương và cổ sinh thái. Chúng là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật biển, có giá trị như những cồn nổi, kè chắn và móng cứng để bảo vệ bờ cát, bãi cát biển khỏi bị xói lở do sóng.

Hình 1. ĐBB ở bờ Nam đảo Bé. Ảnh trái: vỉa ĐBB trải dọc rìa thấp đới gian triều; Ảnh phải: Vi vách và gợn dòng trên bề mặt đá (ảnh: Trần Đức Thạnh)

Tài liệu tham khảo:

1. Eric Bird, Coastal Geomorphology: An Introduction, Second Edition. John Wiley & Sons Ltd, The Atrium, Southern Gate, Chichester, 2008.

2. Nguyễn Thanh Sơn, Trần Đức Thạnh, Di sản địa chất beach rock ở đảo Lý Sơn, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tập 17, Số 4, tr.: 498-500, 2017.

3. Turner R., Beachrock. In: Maurice L. Schwartz (eds.). Encyclopedia of coastal science, Published by Springer, The Netherlands, p. 183 – 186, 2005.

4. Korotky A.M., N. G. Razjigaeva, L. A. Ganzey, V. G. Volkov, T. A., Late Pleistocene-Holocene coastal development of islands of Vietnam, Journal of Southeast Asian Earth Sciences, Vol. II. No.4., pp. 301-308, 1995.