Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ô nhiễm điện từ trường

Ô nhiễm điện từ trường là sự thay đổi lớn về điện từ trường trong không gian và kéo dài theo thời gian. Nguồn phát điện từ trường chủ yếu được tạo ra bởi các thiết bị công nghệ như thiết bị di động, vệ tinh và cáp viễn thông, mạng lưới internet, trạm phát sóng tín hiệu, định vị, thiết bị vô tuyến (radio), thiết bị đo lường và điều khiển điện tử, cơ sở nghiên cứu, dụng cụ và thiết bị tần số cao trong y học và hộ gia đình.

Hiện nay, do nhu cầu sử dụng điện và các thiết bị phát ra bức xạ điện từ trường ngày càng cao và không được kiểm soát đã gây ra ô nhiễm điện từ trường. Ủy ban châu Âu đã xếp các nguồn phát điện từ trường thành 4 loại như trường tần số vô tuyến - 100 kHz - 300 GHz; trường tần số trung gian - 300 Hz - 100 kHz; trường tần số cực thấp - 1 Hz - 300 Hz và trường tĩnh điện - 0 Hz.

Không giống các loại ô nhiễm không khí, nước, đất, tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt, tầm nhìn, ô nhiễm điện trường không cảm nhận được bởi các giác quan và hiện nay gần như chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người chưa nhận thức được tác hại của ô nhiễm điện từ trường do ảnh hưởng của chúng là chậm và không biểu hiện rõ ràng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng do con người ngày càng tiếp xúc với các sóng điện từ nhiều hơn. Các nghiên cứu cho kết quả ở cấp độ tế bào, các loại sóng vô tuyến (Radio frequency, RF) ở tần số cao gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tế bào, đặc biệt là đối với các bệnh nhân đang bị bệnh tiểu đường. Một số lập luận cho rằng các sóng trường điện từ hay các loại sóng vô tuyến sẽ phá hỏng ADN của con người. Chúng góp phần vào nguyên nhân gây nên bệnh tự kỷ, bệnh Parkinson, ung thư và suy giảm số lượng tinh trùng,… như việc sử dụng điện thoại thường xuyên có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư não và đối với phụ nữ mang thai có ảnh hưởng không tốt lên sự phát triển của bào thai; với tần số sóng vô tuyến thấp có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh.

Ở mức độ nghiên cứu trên động vật, các nghiên cứu cho thấy điện từ trường có ảnh hưởng tiêu cực tới động vật và hệ sinh thái. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Belpoggi và đồng nghiệp, thí nghiệm thử trên chuột cho thấy tần số này không những gây ảnh hưởng đến các tế bào sống mà còn tác động tiêu cực trong việc phát triển các khối u, ung thư não. Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu ảnh hưởng của sóng điện từ tần số thấp lên phôi gà làm thay đổi các chỉ số của quá trình ấp trứng, hay một số nghiên cứu về ảnh hưởng của điện từ trường lên các loài vi sinh vật như các loại vi khuẩn. Tuy nhiên, các nghiên cứu về ảnh hưởng của điện từ trường vẫn chưa nhiều và ở quy mô nhỏ, rời rạc nên chưa có những khẳng định rõ ràng về tác hại thật sự của loại ô nhiễm này.

Tổ chức Y tế thế giới công bố những tiêu chuẩn mới năm 2020 về giới hạn tiếp xúc nhằm bảo vệ con người với trường điện từ tần số vô tuyến trong dải tần từ 100 kHz đến 300 GHz chủ yếu là công nghệ 5G, Wifi, Bluetooth và các trạm nguồn.

Ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng ban hành thông tư 25/2016/TT-BYT bao gồm các quy chuẩn về điện từ trường tần số công nghiệp (50 Hz - 60 Hz) nhằm giới hạn mức tiếp xúc tại nơi làm việc. Trước những mối nguy hại tiềm tàng do các bức xạ điện từ trường gây ra, các biện pháp nhằm bảo vệ, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bản thân và gia đình là vô cùng cần thiết như hạn chế ở gần các trạm biến thế, khu phát tín hiệu, đặc biệt với các phụ nữ mang thai và trẻ em; điều tiết thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị công nghệ; tắt các tín hiệu wifi, bluetooth, 3/4/5G khi không thực sự cần thiết; cẩn trọng với các thiết bị theo dõi trẻ em trong nhà (đối với trẻ sơ sinh); sử dụng thiết bị cầm tay kỹ thuật số thay vì kiểu analog cũ hơn; sử dụng các thiết bị hoặc phương pháp hạn chế ảnh hưởng của sóng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Boileau N., Margueritte F., Gauthier T., Boukeffa N., Preux P. M., Labrunie A., Aubard Y., Mobile phone use during pregnancy: Which association with fetal growth? J. Gynecol. Obstet. Hum. Reprod, 49(8), 2020.
  2. Delhi N., Behari J., Electromagnetic pollution-the causes and concerns, Proceedings of the International Conference on Electromagnetic Interference and Compatibility Bangalore, India, 316-320, 2002.
  3. Redlarski G., Lewczuk B., Żak A., Koncicki A., Krawczuk M., Piechocki, J., Gradolewski D., The Influence of Electromagnetic Pollution on Living Organisms: Historical Trends and Forecasting Changes, BioMed. Res. Inter., 1-18, 2015.