Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Âm dương
Biểu tượng âm dương nói lên bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương.

Âm dương là khái niệm triết học cổ đại của Trung Quốc, thuyết minh về bản thể của vũ trụ và vạn vật, cho rằng tất cả sự vật hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều bắt đầu từ “âm” và “dương” trong vận động tương hỗ giữa chúng. Quan niệm âm dương hình thành từ xa xưa, được ghi vào sách vở từ cuối thời Tây Chu, hoàn bị dần dần về phương diện lí luận, sau này kết hợp với các lí luận về khí và ngũ hành để trở thành học thuyết khí - âm dương - ngũ hành, gọi chung là học thuyết âm dương ngũ hành. Học thuyết này trở thành một thế giới quan ở của các xã hội đồng văn Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam) trong trường kì lịch sử. Nó vẫn đang được tiếp tục truyền thừa trong xã hội hiện đại ở các quốc gia này, có vai trò trọng yếu trong y học cổ truyền và dự đoán học.

Học thuyết âm dương không phải được thành lập ngay một lần và bất biến, mà được bổ sung và phát triển qua một quá trình lâu dài hàng ngàn năm. Nghĩa ban sơ của “âm” là sườn phía Bắc của núi và bờ phía Nam của sông; còn “dương” thì chỉ sườn phía Nam của núi và bờ phía Bắc của sông; dần dần, được trừu tượng hóa để chỉ toàn bộ vật chất mang tính đối xứng/đối lập, như là “nam” và “nữ” ở người, “đực” và “cái” ở động vật, “mặt trời” và “mặt trăng” của thiên thể,...Sau đó, ở mức trừu tượng hóa cao hơn nữa, âm dương trở thành phạm trù mang tính phổ biến để biểu đạt về sự đối lập/đối xứng của sự vật và tính chất của sự vật. Dương đại diện cho các sự vật và tính chất: đực, tích cực, tiến bộ, sáng rõ, cương quyết,…; còn Âm đại diện cho các sự vật và tính chất: cái, tiêu cực, thoái lui, u ám, nhu nhược,….

Cuối thời Tây Chu, âm dương đã được chép vào sách Quốc ngữ (thế kỉ IV-III trước công nguyên) với hàm nghĩa là hai loại khí của trời đất, và đem giải thích cho nguyên nhân của một số hiện tượng tự nhiên - ví dụ động đất là được sinh ra do âm dương không chuyển hóa tương hỗ được với nhau. Tuy nhiên, âm dương chưa được xem là mệnh đề mang tính phổ biến về nguyên nhân cho tất cả hiện tượng.

Lão Tử đã đưa âm dương trở thành phạm trù triết học, cho rằng tất cả sự vật đều là do hai khí đối lập là âm và dương tạo tác nên.

Đến thời Chiến Quốc, thì các chuyên gia về học thuyết âm dương đã xuất hiện, đó là các âm dương gia. Âm dương đã được kết liên với Dịch học (dịch truyện, thuyết quái, hệ từ). Đối lập của âm dương được cho là gốc rễ của thiên đạo, mọi sự biến đổi đều là do sự đối lập của âm và dương mà có. Đối lập của âm dương chính là qui luật cơ bản của sự vận hành của vũ trụ. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng của thời kì này là: chưa có quan điểm cho âm dương sinh ra trời đất, mà ngược lại, là trời đất đã sinh ra âm dương.

Tới thời Lưỡng Hán, các nhà tư tưởng chăm chú vào vấn đề sinh thành của vũ trụ, và âm dương đã được sử dụng ở nghĩa bao quát nhất để giải thích cho sự ra đời và vận hành của trời đất cùng muôn vật. Có 5 nét nghĩa chính của âm dương được sử dụng là: 1). âm dương sinh ra trời đất; 2). âm dương sinh ra ngũ hành; 3). âm dương xuất nhập mà sinh ra bốn mùa; 4). âm dương là gốc của sinh mệnh; 5). âm dương là căn cứ của cao thấp, sang hèn, đức hình, sinh sát trong xã hội. Có nghĩa là, đến thời kì này, âm dương đã được đạo đức hóa, trở thành một phạm trù để lí giải về xã hội.

Từ nền tảng triết học đã phát triển ở thời Hán và thời Đường, các nhà tư tưởng ở thời Bắc Tống đã đưa ra được lí luận tương đối hoàn chỉnh về sự sinh thành của vũ trụ. Họ xem việc sinh thành và phát triển của vũ trụ chính là chuỗi diễn hóa liên tục của “khí”, mà âm dương cũng chỉ là một giai đoạn mà thôi. Trong tác phẩm Thái cực đồ thuyết, Chu Đôn Di luận rằng, thái cực động mà sinh ra dương, động đến đỉnh điểm thì sẽ tĩnh lặng đi, khi tĩnh thì sẽ sinh ra âm. Dương biến âm hợp mà sinh ra thủy, hỏa, mộc, kim, thổ.

Sau khi bản thể luận về “khí” được xác lập, âm dương không được xem là hai loại khí được sinh ra từ thái cực hay nguyên khí nữa, mà được xem là hai trạng thái của khí. Ví dụ, Trương Tải đã luận giải rằng, một vật mà có hai thể, đó là khí; hai thể đó chính là: hư và thực, động và tĩnh, tụ và tán, thanh và trọc, rút cục vẫn là một mà thôi.

Người Trung Quốc dùng hình ảnh Âm dương thái cực đồ (xem Hình 1) để diễn đạt nguyên lí âm dương vận động tương hỗ: trong âm (màu đen) đã có dương (màu trắng), trong dương đã có âm; thiếu dương (điểm trắng nhỏ) cứ lớn dần lên bên trong âm để dần dần âm sẽ chuyển hóa sang dương; đồng thời, thiếu âm (điểm đen nhỏ) cứ lớn dần lên bên trong dương để dần dần dương chuyển hóa thành âm; cứ như vậy sinh thành lưu động âm dương không ngừng nghỉ. Có nghĩa là, âm và dương tuy là hai cực, nhưng không bao giờ đối lập nhau một cách tuyệt đối, giữa chúng luôn có một thời kì chuyển hóa đảm bảo tính liên tục vận động.Ở Nhật Bản, cũng có một biểu tượng gọi là Tomoe (xem Hình 2) rất gần với âm dương thái cực đồ. Biểu tượng này là gia huy của một số dòng họ, cũng thường trở thành vật trang trí ở các kiến trúc (chùa chiền, đền miếu,..). Tomoe diễn đạt sự luân chuyển liên tục của các trạng thái, mà là xu hướng vũ trụ luận theo dạng tam phân quen thuộc của Ấn Độ. Cũng có thuyết cho rằng, Tomoe là có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Trước đây, ở các nước chịu ảnh hưởng văn Trung Quốc, đều có một cơ quan lo việc quan sát và ghi chép các công việc thiên văn, địa lí, dự đoán cát hung dựa trên học thuyết âm dương ngũ hành. Ở Việt Nam là Tư thiên giám thuộc Bộ Lễ ở thời Lê Trịnh, đến thời Nguyễn thì đổi thành Khâm thiên giám; trong các cơ quan này chức quan là Âm dương huấn thuật. Còn ở Nhật Bản thì có cơ quan gọi là Âm dương liêu rất có thế lực, trong đó có các chức quan như Âm dương sư, Âm dương bác sĩ, Âm dương sinh,..Do được thế tập nên các chức quan này thường xuất thân từ các dòng họ nối đời lo công việc “âm dương”, hình thành nên các dòng phái gọi là Âm dương đạo, mà nổi tiếng nhất là họ Abe gắn với nhân vật kiệt xuất Abe Seimei (912-1005).

Âm dương là nền tảng lí luận của y học cổ truyền Việt Nam, được vận dụng vào tất cà các phương diện: cấu tạo của cơ thể, sinh lí, bệnh lí, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh. Ví dụ về cấu tạo của cơ thể thì, âm được qui định là: dưới, trong, trước, phải, ngực bụng, tạng, huyết; còn dương được qui định là: trên, ngoài, sau, trái, lưng, khí. Nguyên lí “trong âm có dương, trong dương có âm” được diễn đạt cụ thể như: khoang bụng ở dưới là âm, nhưng trong khoang bụng thì có tạng Can thuộc dương và tạng Thân thuộc âm; khoang ngực ở trên là dương, trong khoang ngực lại có tạng Tâm là dương, tạng Phế là âm,…âm dương là nhị nguyên luận của phương Đông, khác với nhị nguyên luận của phương Tây (các yếu tố đối lập nhau một cách tuyệt đối).

Triết lí âm dương, với ý nghĩa là nhị nguyên luận của phương Đông, đã và đang thẩm thấu vào mọi phương diện trong cuộc sống thường nhật của người Việt Nam. Thực hiện bất cứ công việc gì, dù là việc của cá nhân hay của cộng đồng, người Việt Nam luôn tôn trọng sự đối xứng hay đăng đối giữa các sự vật và hiện tượng (có âm có dương, có mưa có nắng, có hè có đông, có nóng có lạnh, có nếp có tẻ, có vui có buồn, có được có mất,…), đồng thời cũng đều ngầm hiểu về sự chuyển hóa liên tục giữa hai trạng thái âm và dương (âm chuyển sang dương, vui chuyển sang buồn, mất chuyển sang được,…). Triết lí âm dương đã góp phần tạo nên tính cách hài hòa, thường không cực đoan, luôn lạc quan trong bất cứ hoàn cảnh nào của người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Tử Siêu dịch, Hoàng đế nội kinh tố vấn, Nhà thuốc Hồng Khê xuất bản, Hà Nội, 1953.
  2. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam (Giáo trình cho sinh viên liên ngành ngoại ngữ) – Tập 1, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội xuất bản, Hà Nội, 1991.
  3. Hình Phấn Tư chủ biên, Triết học tiểu bách khoa – Quyển thượng, Trung Quốc thanh niên xuất bản xã, Bắc Kinh, 1992 (1986).
  4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở Văn hóa Việt Nam (In lần thứ 2, có sửa chữa và rút gọn), Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh, 1996a.
  5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1996b.
  6. Hoàng Bảo Châu, Lý luận cơ bản Y học cổ truyền, Nxb Y học, Hà Nội, 1997.
  7. Hoàng Tuấn, Học thuyết tâm thận trong y học cổ truyền, Nxb Y học, Hà Nội,1990.
  8. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam - Tập 1 (A-Đ), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1995.
  9. Nguyễn Tử Siêu biên dịch, Hoàng đế nội kinh tố vấn, Nxb Lao động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2009.
  10. Vũ Ngọc Khánh - Phạm Minh Thảo.2009. Từ điển Việt nam văn hóa tín ngưỡng phong tục. Hà Nội : Nxb Văn hóa Thông tin.
  11. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant chủ biên (Phạm Vĩnh Cư và những người khác dịch), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng – Trường viết văn Nguyễn Du, Tp. Hồ Chí Minh, 2002.