Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Áp xe
Áp xe da gây bởi Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA).

Áp xe (tiếng Anh Abscess) là một bọc chất lỏng chứa vi trùng, xác bạch cầu, enzym và mô đã tiêu hủy được gọi là mủ. Áp xe có thể xẩy ra ở bất kỳ chỗ nào của cơ thể và khác với viêm tấy. Viêm tấy là nhiễm trùng có mủ mà không được bọc lại.

Mô tả[sửa]

Có hai loại áp xe: áp xe nóng và áp xe lạnh, phần lớn hay gặp là áp xe nóng, nguyên nhân hầu hết của áp xe là nhiễm trùng. Để đối phó với vi trùng xâm nhập vào cơ thể, các tế bào bạch cầu tập trung tại vị trí bị nhiễm và sản xuất các chất hoá học gọi là enzym để tiêu diệt nó. Các enzym này hoạt động giống như axit, giết chết vi trùng và cũng tiêu hủy các mô cơ thể. Kết quả là tạo ra một chất lỏng đặc, màu vàng chứa vi trùng và mô đã tiêu hủy, tế bào bạch cầu và enzym gọi là mủ.

Quá trình nhiễm trùng bắt đầu bằng phản ứng viêm và kết thúc là hiện tượng áp xe. Khi vi trùng xâm nhập sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, một số hiện tượng sẽ xảy ra: lưu lượng máu đến khu vực viêm tăng lên dẫn tới nhiệt độ vùng viêm nóng lên. Đồng thời với sự tích tụ dịch viêm, máu và các chất lỏng khác làm vùng viêm sưng lên và da vùng này chuyển sang màu đỏ. Hiện tượng sưng phù nề kết hợp với sự kích thích của các chất hoá học gây viêm tới các đầu mút thần kinh làm bệnh nhân đau đớn.

Trái với áp xe nóng là áp xe lạnh, nó là ổ mủ hình thành chậm và không có triệu chứng sưng, nóng, đỏ và đau. Nguyên nhân phần lớn là do lao, hiếm gặp do thương hàn hoặc nấm. Bệnh bắt đầu bằng khối u nhỏ, cứng, không đau, khôi u tồn tại nhiều tháng nếu không điều trị sẽ biến thành tổ chức bã đậu và mủ.

Nguyên nhân[sửa]

Hầu hết các nguyên nhân gây áp xe là do nhiễm trùng. Trong đó, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn tạo mủ như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), nó luôn là nguyên nhân gây ra áp xe dưới da, điển hình là nhọt, hậu bối, đó là nhiễm khuẩn tuyến nhờn trên da. Các áp xe ở các vị trí khác là do vi khuẩn ở vùng đó như áp xe quanh hậu môn, áp xe răng miệng, áp xe quanh họng. Một số áp xe khác vi khuẩn có thể đến qua đường tuần hoàn như áp xe gan, vi khuẩn, amip từ ruột theo đường máu đến gan.

Áp xe có thể gây ra không phải do vi trùng mà do các chất kích thích không phải sinh vật sống. Ví dụ khi tiêm thuốc penicillin thuốc không được hấp thụ, nó có thể gây kích ứng để tạo ra một áp xe vô trùng. Áp xe vô trùng có nhiều khả năng biến thành các cục cứng, hơn là hình thành các túi mủ. Chẩn đoán

Có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu của các áp xe ở bề mặt cơ thể qua các triệu chứng của viêm như sưng, nóng, đỏ, đau, sờ thấy mềm. Áp xe của các cơ quan ở sâu trong ổ bung hay lồng ngực thường có đau ở nơi áp xe, sốt cao, có thể có rét run. Làm xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X quang sẽ giúp thầy thuốc chẩn đoán xác định.

Điều trị[sửa]

Tất cả áp xe đều phải rạch để dẫn lưu hết mủ, sau khi rạch thường để một ống dẫn lưu hoặc một mảnh vải trong khoang áp xe để mủ tiếp tục ra ngoài và ngăn chỗ rạch liền lại trước khi hết mủ. Khi hết mủ ổ áp xe tự lành, đôi khi cần thiết phải bổ xung khánh sinh. Đối với áp xe lạnh do lao điều trị thuốc chống lao là chủ yếu không nên rạch dẫn lưu vì gây rò rất khó liền, có thể chọc hút mủ qua tổ chức lành.

Tiên lượng[sửa]

Khi ổ áp xe được dẫn lưu đúng cách tiên lượng bệnh rất tốt. Những áp xe ở sâu trong cơ thể khi có biến chứng thì rất nặng, nguy cơ tử vong cao như áp xe gan, áp xe ruột thừa vỡ vào ổ bụng. hay áp xe trong và xung quanh xoang mũi, tai xâm nhập vào não rất nguy hiểm vì đe dọa cuộc sống

Phòng bệnh[sửa]

Các nhiễm trùng được điều trị sớm và đúng quy cách thường sẽ khỏi mà không hình thành áp xe. Tốt hơn hết là nên tránh hoàn toàn nhiễm trùng bằng cách chăm sóc kịp thời các vết thương hở, vệ sinh da và ăn uống, tăng cường sức đề kháng cơ thể như: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập, phòng bệnh toàn thân đặc biệt là bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Fauci, Anthony S., et a1., editors. Harrison’s Principles of Internal M‹dicine. 17th ed. New York: McGraw-Hill Professional, 2008.
  2. Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum 1, 2015, Tr.13-15
  3. https://yhoctonghop.vn/ap-xe-lanh-bai-giang-dhyd-tphcm